Nhà văn Tô Đức Chiêu - Những kỷ niệm khó quên
Đã nhiều lần, tôi được nhà thơ Hữu Thỉnh, ngày ông còn làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhắc nhở rằng phải gần gũi, học tập và quan tâm tới nhà văn Tô Đức Chiêu. Tôi khi đó mới trên 30 tuổi, luôn e ngại các chú các anh, tuyệt không muốn gặp gỡ để có thể phải sai khiến việc này việc khác, song với Tô Đức Chiêu thì không.
Đó cũng là cơ duyên của tôi. Tôi rất nhớ khi vừa chuyển về Truyền hình Quân đội nhân dân đã lập tức được nhà văn Lê Lựu mời tới gặp và bảo: "Cậu phải có trách nhiệm với anh em văn nghệ sĩ, nhất là những người yêu quý mảnh đất Hưng Yên của chúng ta. Chúng ta là con em của Hưng Yên, phải biết nhường nhịn và mời các anh chị em văn nghệ sĩ đến với Hưng Yên một cách chân thành. Anh Tô Đức Chiêu là một trong những nhà văn mà Hưng Yên phải mời đến. Việc này giao cho Phùng Văn Khai!".
Tôi luôn luôn coi nhà văn Lê Lựu như một bậc thầy, dù thầy rất ít khi trực tiếp giảng dạy anh em văn nghệ sĩ Hưng Yên. Nhưng thầy phải ra thầy và trò phải ra trò. Tôi bèn theo kế sách của Lê Lựu, cùng với nhà thơ Nguyễn Thành quê Hưng Yên tìm cách giới thiệu mua một mảnh đất vốn là khu trồng cây của các cụ cao tuổi thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm. Cũng tuyệt vời làm sao, khi đó Chủ tịch thị trấn Đào Văn Chiến cũng là một lính chiến Trường Sơn trao đổi hỗ trợ một số thủ tục theo luật. Chủ tịch huyện Cao Hưng Lâm cũng vô cùng phấn khởi. Cuộc ấy đã giúp các chú các anh giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng, cũng là trách nhiệm và sự tri ân với thế hệ văn nghệ sĩ.
Nhà văn Tô Đức Chiêu rất hiểu tâm tư và tình cảm, nhất là những sắp đặt, hỗ trợ của nhà thơ Nguyễn Thành về đất đai. Mỗi khi về vùng đất Như Quỳnh, ông thường bảo với nhà thơ Nguyễn Thành: "Các ngài đã rất thông minh, bình tĩnh, thực hiện theo pháp lý và đạo lý, để xử lý mọi việc tốt lành. Chúng ta đều biết rõ anh Lê Lựu và Chủ tịch thị trấn Như Quỳnh Đào Văn Chiến, Chủ tịch huyện Văn Lâm Cao Hưng Lâm đều là những người lính, đồng đội đã tận tâm tận lực với chúng ta".
Mãi về sau, tôi mới biết được điều đó. Trong khoảng thời gian nhà văn Tô Đức Chiêu làm Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, ông luôn là một trong những cánh tay đắc lực nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh. Khi các ông ở chiến trường ra đã phải lập tức bước vào những chuyển động dữ dội của cơ chế thị trường và có người đã gục ngã. Vậy mà Tô Đức Chiêu vẫn sừng sững dưới trời. Tôi vẫn nhớ như in, những lần ông về thị trấn Như Quỳnh, thăm mảnh đất cây cối tươi xanh. Bên cạnh ông, người vợ hiền thục tươi cười cảm ơn mọi người, càng đặc biệt đón nhận bao nhỏ đựng gạo của nhà thơ Nguyễn Thành, cũng là một người lính chiến tặng bạn bè về thăm quê. Tôi, người sinh ra sau các ông vài chục năm, đã phải lặng thầm xúc động.
Tôi nhớ những kỳ cuộc Tô Đức Chiêu trao đổi với nhà văn Chi Phan, người đã tuyển tôi vào Truyền hình Quân đội nhân dân một cách rất sòng phẳng. Tô Đức Chiêu cho rằng, đã là nhà văn quân đội, thì dù ở bất cứ cơ quan nào, làm nhiệm vụ gì đều phải cống hiến tận cùng, đều phải đem sức lực và trí tuệ của mình thực hiện những điều hữu ích. Trước những lý lẽ hết sức chân thành của Tô Đức Chiêu, nhà văn Chi Phan đã vô cùng cảm ơn người bạn văn máu lửa và tâm huyết với thế hệ kế cận. Tôi luôn được ưu ái trong môi trường như vậy, rất nhiều điều tôi tuyệt nhiên không biết, nhưng tôi luôn biết rằng mình phải sống, sáng tác và cống hiến hết sức lực, càng không nên đòi hỏi bất cứ điều gì về vật chất cho riêng mình.
Có một điều rằng, trong những lúc khó khăn nhất khi nhà văn Tô Đức Chiêu làm Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, đã có những cuộc xử lý không hề dễ dàng. Anh em văn nghệ sĩ, nhất là các nhà văn nhà thơ danh tiếng đều luôn có cá tính khác biệt và thể hiện cá tính đó một cách quyết liệt, thậm chí là khá phức tạp. Ở cương vị Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, Tô Đức Chiêu sẽ xử lý ra sao đây để yên ấm mọi bề? Tô Đức Chiêu sẽ phải xử lý ra sao để những câu chuyện phức tạp, rắc rối trở thành êm nhẹ, bình an? Nhất là nhà thơ Hữu Thỉnh, một con người vô cùng đặc biệt sẽ đòi hỏi thuộc cấp của mình - nhà văn Tô Đức Chiêu thực hành công việc này ra sao? Hữu Thỉnh vốn là một bậc kỳ tài trong xử lý công việc, nhất là khối lượng việc công trên toàn quốc trong khu vực văn học nghệ thuật. Vậy mà không hiểu sao, các vấn đề đó, nhà thơ Hữu Thỉnh đều hỏi Tô Đức Chiêu và Tô Đức Chiêu đều thực hành một cách chuẩn xác.
Nhà văn Tô Đức Chiêu có một tố chất rất khác biệt, đó là ông thường lập kế hoạch trong đầu và báo cáo bằng miệng không sai một chữ. Có lẽ nào một người lính chiến suốt đời chỉ ưa thích việc báo cáo ra những kế hoạch đã thuộc từ rất lâu, nhưng do thời thế và cả sự khó khăn về vật chất, tiền bạc mà chúng ta phải đợi chờ?
Nhà thơ Hữu Thỉnh, thủ trưởng của Tô Đức Chiêu trong quản lý văn học nghệ thuật bao giờ cũng lắng nghe, thấu hiểu, và chỉ điều chỉnh một phần nhỏ trong chỉ đạo thực hiện. Tô Đức Chiêu rất biết điều đó. Tô Đức Chiêu biết thừa thủ trưởng Hữu Thỉnh sẽ chỉ đạo như vậy, song về phía ông, một người lính chiến và trên hết là một nhà văn thì ông vẫn phải báo cáo như vậy.
Cá nhân tôi, đã có một lần "đụng chạm" với hai thủ trưởng. Đó là Trại viết Văn nghệ Quân đội ở Quy Nhơn, anh em cứ nhất định bắt bí tôi phải gọi điện cho thủ trưởng Hữu Thỉnh để quyết sách cho mỗi trại viên một khoản tiền. Tôi khi đó đã trót ba hoa quen biết với Tô Đức Chiêu và nghĩ ông hoàn toàn có thể quyết được. Tôi đánh bài liều gọi điện cho thủ trưởng Hữu Thỉnh, báo cáo tình hình mọi mặt. Hữu Thỉnh dường như cũng quen với việc xin kiểu như vậy còn nhắc Hội nhất trí nhưng cần tham khảo ý kiến của anh Tô Đức Chiêu. Tôi lập tức gọi điện cho Tô Đức Chiêu, chẳng ngờ rằng ông bảo Hữu Thỉnh quyết như thế là hay đấy, chúng ta đều là sử dụng tiêu chuẩn của hội viên, đều là lính của anh Thỉnh, trại viết cứ tạm ứng chi ra rồi sẽ tính toán sau. Ôi chao! Một thời cách làm tài chính của chúng ta đã là như vậy!
Cá nhân tôi nhiều lần được làm việc với nhà văn Tô Đức Chiêu. Ông là người hết sức dễ gần và rất dễ đồng ý trong mọi việc. Tô Đức Chiêu trong tác phẩm tuyển chọn ở Bộ sách "Tổng tập nhà văn quân đội" đã tự bạch về nghề: "Viết rất khó - Nhất là đối với tôi không có tài hoa trời phú. Nhưng đã là nghề thì sao giãy bỏ được. Chỉ còn cách phấn đấu như người nông dân chật vật trên mảnh ruộng quá khô cằn".
Nhà văn Tô Đức Chiêu sinh ngày 25/9/1940. Ông quê ở xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Tô Đức Chiêu vào Hội Nhà văn năm 1977. Từ năm 1961-1963, ông là giáo viên trường Trần Phú thị xã Hải Dương. Từ năm 1963-1977, ông nhập ngũ vào chiến trường chiến đấu. Từ năm 1979-1982, ông học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I.
Tô Đức Chiêu đã in rất nhiều sách. Tiêu biểu phải kể đến: "Ngày về" (Tập truyện ký, 1978); "Chàng rể" (Tiểu thuyết, 1990); "Chân pháo" (Tiểu thuyết, 1986); "Về trong mưa bão" (Tiểu thuyết, 1991); "Nhớ đàn chim vàng anh"; "Những người săn tôm"; "Đàn vịt giời bay về đâu"; "Lá bàng xanh ngoài cửa sổ" (Tập truyện ngắn). "Tháng năm dài lang bạt"; "Tháng ngày đằng đẵng chân trời"; "Đường về Thà Khẹt"; "Thời để nhớ"; "Phận kiến"... (Tiểu thuyết)... Ông đã đoạt Giải nhì cuộc thi truyện ngắn và ký Văn nghệ quân đội năm 1999 cho tác phẩm: "Bóng những đoàn quân đi"; "Đang nằm đâu em ơi!".