Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - "Quê anh muối mặn giờ là quê em"

Thứ Sáu, 22/10/2021, 17:46

Rất nhiều người trong giới văn nghệ khi nhắc về nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đều tỏ sự ngưỡng mộ, thậm chí ghen tỵ. Ngày trẻ, bà xinh đẹp, tài năng, có chức vụ cao. Còn giờ đây thì bà lại khiến ai đó phải trầm trồ bởi tình yêu đẹp và hạnh phúc giản đơn bên người chồng TSKH Phan Hồng Giang. Với bà, việc gặp được người chồng hiện tại là một sự may mắn mà ông trời đã ban tặng cho mình sau những sóng gió cuộc đời. Và để "khắc cốt ghi tâm" điều đó, bà đã dồn hết tâm huyết để làm bộ phim tài liệu "550 năm Nghi Lộc - Đất và người" rất có ý nghĩa.

Làm phim để tri ân quê chồng

Năm 2019 bộ phim tài liệu "550 năm Nghi Lộc - Đất và người" của nhà thơ Hồng Ngát phát sóng có thể nói đã gây được tiếng vang với công chúng. Đa phần người xem đều nhận xét đó là phim hay, được viết/ làm bằng tình yêu, tâm hồn và tình cảm dứt gan, dứt ruột về miền Trung yêu thương. Còn người bạn thân của bà, nhà thơ "Hương thầm" Phan Thị Thanh Nhàn thì cảm thán: "Chúc mừng anh Phan Hồng Giang có bà xã tuyệt vời!".

ảnh 4.png -0
Nhà thơ-nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Tủm tỉm cười khi đọc những lời nhận xét của mọi người, bà cho biết, đó là bộ phim mà mình viết kịch bản và lời bình, còn NSƯT Nguyễn Đức Việt (người con của Nghi Lộc) là đạo diễn. Bà kể bằng giọng tự hào, Nghi Lộc vẫn còn giếng nước của Mị Châu thời An Dương Vương khi chạy trốn vào đây rồi cả 5 cây thị cổ thời Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc nghỉ và buộc ngựa dưới bóng những cây thị này. Nghi Lộc có nhiều dòng họ nổi tiếng (Nguyễn, Ngô, Đinh) nhiều người đỗ đạt cao. Họ Nguyễn Đức có đến hơn chục người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, điển hình là hai nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân và nhà thơ Thúy Bắc là ba anh em ruột. Nói rồi, bà xúc động cho biết: "Tôi may mắn được làm dâu (du) của dòng họ này".

Nhà thơ Hồng Ngát cũng bảo, mình thực sự yêu mến Nghi Lộc nói riêng, Nghệ An nói chung. "Sâu xa hơn về những năm trước khi 18 tuổi, tôi đã đi biểu diễn phục vụ bộ đội tuyến lửa đóng quân ở Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Quỳ Hợp... Khởi đầu đời thơ, năm 1990, tôi được hai nhà thơ nổi tiếng xứ Nghệ là Hoàng Trung Thông và Võ Văn Trực giới thiệu vào Hội Nhà văn Việt Nam. Xa nữa, hồi nhỏ học phổ thông trường làng, thầy giáo chủ nhiệm của tôi cũng là người xứ Nghệ, ông ở huyện Yên Thành (tôi và thầy vẫn giữ liên lạc từ ngày đó cho tới giờ). Như vậy có phải là số trời đã định rồi không? Đi đâu tôi cũng gặp người xứ Nghệ tử tế, mộc mạc, chân thành, phải chăng sau này "được" làm dâu xứ này chắc cũng bắt nguồn từ những cơ duyên đó chăng?", nhà thơ bộc bạch.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi chính thức làm dâu xứ Nghệ, bà đã có bài thơ "Quê anh" được nhiều người biết đến, đặc biệt là ông chú ruột của chồng bà - nhà phê bình Hoài Chân khi ấy còn sống - rất khen ngợi, bài thơ đã được ông góp ý sửa cho 2 chữ nên hay hẳn lên. Đó là 2 chữ "trúc trắc" thành "trắc trở" (Câu hò trắc trở làm sao/ Lên trầm xuống bổng như bao cuộc đời). Sau này, nhạc sĩ Nguyễn Đình Dương ở Phòng Văn hoá huyện đã phổ nhạc hát suốt trên đài phát thanh trong những ngày kỷ niệm 550 năm Nghi Lộc. Những vần thơ bỏng cháy ấy đến nay nhiều người vẫn còn nhớ: "...Quả cà muối cũng mặn mòi đường duyên/ Người quê anh thảo lại hiền/ Đời em liệu có đáp đền được chăng/ Mưa trên sông Lam giăng giăng/ Tay ai nâng trái cam vàng ngày xưa/... Gừng cay cũng chẳng nề hà/ Quê anh muối mặn giờ là quê em". Rõ ràng vần điệu và câu chữ trong bài thơ khi đọc lên là thấy rõ được tình của người viết. Phải yêu người và yêu quê của người như thế nào mới có cảm xúc được như vậy.

Chẳng thể xa rời

Nhà thơ Hồng Ngát từng có những vần thơ để tặng TSKH Phan Hồng Giang trong bài thơ "Khác nhau": "Chúng mình khác nhau nhiều thế/ Bỗng dưng lại kết thành đôi/ Cũng bởi khác nhau nhiều thế/ Cho nên chẳng thể xa rời". Họ cùng hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nên hằng ngày trò chuyện gì cũng chỉ xoay quanh những chủ đề mà cả hai quan tâm. TSKH Phan Hồng Giang luôn bình tĩnh trước mọi tình huống, sự việc và được cho là người chín chắn, chỉn chu, khiêm nhường, luôn thích ẩn mình trước đám đông. Còn bà thì hiếu động, năng nổ và nhiệt tình, xốc vác... nhiều khi nông nổi "như cơi đựng trầu"... Ông biết rõ vậy nhưng rất bao dung, chả bao giờ trách móc hay giận dỗi bà điều gì. Họ giống nhau ở một điểm là không mấy coi nặng về đời sống vật chất. Sống giản dị không màu mè, ăn cũng đơn giản không thích bày vẽ.

untitled-4.jpg -0
Nhà thơ - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (bìa trái) trong một chương trình truyền hình.

TSKH Phan Hồng Giang bao nhiêu năm Tây Tàu mà cái gốc Nghệ vẫn không mất đi. Ông mặc gì cũng được, có quần áo mới nhưng chỉ thích lôi những bộ quần áo đã rung rúc ra mặc. Nhiều khi khiến bà phát cáu nhưng rồi lại thôi bởi vì bà biết ở tuổi này thay đổi tính nết của nhau đâu có dễ. Chấp nhận để sống hòa bình ổn định và hạnh phúc là điều những người từng trải luôn phải nhận ra để vun vén và thích nghi. Hồi họ mới lấy nhau, có một bà chị nhà thơ đi đâu cũng giới thiệu hơi có vẻ trêu chọc rằng: "Chồng nó là người Nghệ đấy!". Bà thầm nghĩ: "Người Nghệ thì đã sao. Cốt cách ấy đâu phải người tỉnh nào cũng có được cơ chứ! Tuy gốc Nghệ nhưng ông lại nói giọng Hà Nội chuẩn khiến nhiều người phải ghen tỵ".

Cuộc sống của hai người làm văn học nghệ thuật dưới một mái nhà có lẽ cũng đem lại sự tò mò với độc giả. Hỏi nhà thơ Hồng Ngát thì bà bảo, chúng tôi sống mỗi người mỗi việc trên tinh thần tôn trọng công việc của nhau. Có thời kỳ cả hai đều làm quản lý bận rộn. Ông làm Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật suốt 6 năm nhưng bà chưa một lần sang Viện để "vờ tỏ ra quan tâm nhưng chính là để kiểm tra". Hay ông đối với bà cũng vậy. Ông chỉ đến xem phim duy nhất vào buổi ra mắt xem như thế nào. Các cuộc ra mắt sách thơ của bà cũng vậy. Các bài thơ bà viết hay bất kỳ bài viết gì khác, kể cả các thể loại kịch bản, ông đều là người đọc và biên tập đầu tiên. Lần nào ông cũng chỉ khen động viên chứ không bắt bẻ này nọ. "Có một người chồng uyên thâm làm "biên tập miễn phí" cho mình như vậy kể cũng lợi hại và mình cũng học hỏi được nhiều điều", bà chia sẻ.

Những con sóng đời

Tháng 4-2021 vừa qua, nhà thơ Hồng Ngát vừa ra mắt tập thơ mới với tên gọi "Những con sóng". Tên tập thơ cũng nói lên được phần nào về những con sóng đời, những con sóng thơ và cả những con sóng tình cảm với đủ cung bậc vui buồn hoan hỉ, suy tư hay hạnh phúc của tác giả. Đây là những bài thơ bà viết trong những năm gần đây gửi gắm nhiều nghĩ ngợi hơn những tập viết hồi còn trẻ. Xưa, trong tập "Nhớ và Khát" có nhà phê bình viết giới thiệu có câu nhận xét rằng tập thơ nhiều bài nặng về tình yêu mà ít bài có tính công dân! (Cũng phải thôi, tập "Nhớ và Khát" ra mắt hồi bà mới ngoài 30 tuổi thì nặng về tình yêu là đúng rồi). Tập "Những con sóng" mới này thì ngược lại - nặng tính công dân mà nhẹ phần tình yêu chăng?

Nhà thơ Hồng Ngát bộc bạch, dù làm công việc gì, bà vẫn chưa bao giờ xa thơ cả. Có lúc nào đó do bận công việc quá chợt thấy mình quên lãng thơ, thơ dỗi bỏ đi thì bà lại "gọi thơ" và mong thơ trở lại với mình. Mỗi khi buồn vui hay nghĩ ngợi điều gì là bà lại tìm đến thơ. Làm xong rồi để đấy lúc khác xem lại, cần sửa câu chữ gì thì sửa… Cứ thế, tích tiểu thành đại đủ thành tập thì bà in ra để tặng bạn bè như một thông điệp báo rằng bà vẫn sống và vẫn viết. Mặt khác cũng là để các bài thơ của mình không bị rơi rụng, mất đi…

Đã ở tuổi "xưa nay hiếm", ngày ngày nhà thơ Hồng Ngát và chồng vẫn trao nhau những câu nói, cử chỉ nhẹ nhàng, âu yếm. Với họ, cuộc đời mỗi năm qua đi là lại được có thêm tuổi và khi ấy thấy mọi việc được nhìn nhận đơn giản hơn hồi trẻ rất nhiều. Được ở bên nhau ngày nào, năm nào là càng phải trân quý ngày đó năm đó, miễn sao khỏe mạnh và minh mẫn là được. Chẳng ai tránh được quy luật của cuộc sống. Hai vợ chồng nhà thơ thường nghĩ và sống như vậy.

Ngô Khiêm
.
.
.