Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Anh là một với cánh đồng”

Thứ Sáu, 12/04/2024, 09:53

“Anh Điềm ơi, bao giờ nghỉ hưu, anh sẽ chọn Hà Nội hay chọn ở Huế?”. Đó là câu tôi hỏi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cách đây hai mươi năm, khi ấy ông đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Ba lần gặp trực tiếp

Khoảng đầu năm dương lịch 2004, một hôm nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bảo tôi: “Em đi với anh đến thăm anh Nguyễn Khoa Điềm nhé”. Tôi rất vui và không khỏi hồi hộp bởi thời điểm đó, ông Nguyễn Khoa Điềm là chính khách có chức vụ cao cấp và thứ hai, tôi rất mê và thuộc nhiều thơ ông nên việc được gặp ông với tôi khi đó như được gặp thần tượng của mình.

Tôi không còn nhớ cuộc trò chuyện của các bác ấy diễn ra như thế nào, chỉ láng máng họ hỏi nhau về việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam sắp tới, về sức khỏe của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, về những bạn bè văn chương và ôn lại kỷ niệm những ngày ở Huế. Về phía mình, tôi nhớ là hôm đó đã đọc một đoạn tương đối dài trong trường ca “Mặt đường khát vọng” mà ngày đó, tôi thuộc khá nhiều chương. Cuối cùng, trước lúc chia tay, tôi rụt rè hỏi câu hỏi trên. Nắm tay tôi, ông bảo: “Có lẽ lúc đó tôi sẽ trở về Huế lo hương khói cho các cụ trong ấy”.

Có một chuyện vui là sau đó mấy hôm, tôi gặp lại ông Nguyễn Khoa Điềm tại Hội báo Xuân. Thấy lãnh đạo cao cấp nhất của ngành Tư tưởng - Văn hóa đến dự, tất nhiên là ai cũng muốn ông đến thăm gian báo của mình. Tổng biên tập các báo đứng túc trực ngoài cửa với nụ cười “hết số, hết ga”, những cái bắt tay thắm thiết cùng với lời vô cùng nồng nhiệt “mời thủ trưởng đến chỗ chúng em”. Thấy một chú phóng viên của Báo Gia đình - Xã hội (nơi khi đó tôi làm Thư ký tòa soạn) vác máy len mãi không đến được gần để chụp ảnh, tôi kéo lại “chém gió”: “Chú đứng ở đây, lát nữa ông Điềm đến nói chuyện với anh, chú tha hồ chụp”. Sở dĩ tôi dám “mạnh miệng” bởi biết ông sẽ về qua lối này và khi nhìn thấy tôi, có thể ông sẽ nói vài câu hỏi han, trò chuyện vì... nhìn mặt thấy quen quen!

Quả như tôi dự đoán, khi nhìn thấy tôi, ông rảo bước đến bắt tay trước sự ngạc nhiên của cậu phóng viên và nhiều người có mặt hôm đó. Có một Tổng biên tập còn trầm trồ: “Anh quen ông to thế” mà không biết rằng tôi chỉ là kẻ “bám càng” nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gặp ông mấy hôm trước.

Lần thứ ba tôi gặp ông là tại Đại hội Nhà văn sau đó. Hôm ấy, ông đến dự với tư cách là hội viên vì không còn là Tổng Thư ký Hội nhà văn nữa. Giờ giải lao, thấy ông đứng ngoài hành lang một mình, tôi mang nước đến mời và không hiểu “ma xui, quỷ khiến” thế nào, tôi lại hỏi ông một câu rất không nên hỏi. Ấy là lúc mấy cô tiếp viên phục vụ Đại hội xinh như mộng, tôi buột miệng: “Anh cho em hỏi thật, là nhà thơ, anh thấy thế nào?”. Tôi đưa mắt về những cặp chân trắng nõn trắng nà. Ông nhìn tôi, cười rất nhẹ: “Mình thấy họ như con cháu...”. Tá hỏa, tôi lặng lẽ lặn mất tăm.

“Trốn chạy” quan trường

Sinh ra trong trời đất, nói như cụ Nguyễn Công Trứ “phải có danh gì với núi sông”. Xét ở góc độ này, ông Nguyễn Khoa Điềm là người hoàn mỹ. Ông là một trong số không nhiều người thành đạt ở cả hai lĩnh vực, vừa là người lãnh đạo cao cấp của Đảng, vừa là nhà thơ nổi tiếng. Song, tôi thì có cảm giác, với Nguyễn Khoa Điềm, quan trường là “sự áp đặt” của số phận.

Có phải vì thế mà ngay ngày đầu tiên không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa IX (2006) do đến tuổi nghỉ hưu, ông về thẳng cơ quan thu dọn đồ đạc đem đi tất cả những gì là của riêng và để lại tất cả những gì không phải của mình, để rồi 3 ngày sau, ông có mặt ở Nha Trang viết bài thơ “Bây giờ là lúc...” trong tâm trạng đầy hứng khởi:

Bây giờ lúc có thể chia tay với
điện thoại để bàn, cac vi-dit,
                                        nắm đấm mi-crô
Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ
                                            với bụi đường
Một mình một ba-lô và xe đạp
Bây giờ gió gọi anh về
Mặt trời đánh nhịp về tám hướng
Từ giã cà vạt, giày đen, lời trịnh trọng
Anh là một với cánh đồng,
cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ
Hò hát một mình, đọc những gì
                                                 yêu thích,
ghi chép những gì cần ghi chép
Thế giới thật rộng, những ngả đường
độ lượng
Cho anh làm mới cuộc đời mình
Anh gọi đó là chuyến về
                                 không hạn định
Để là một người trong mọi người
Anh tham dự trận tấn công cuối cùng
Vào cái chết

Hãy lộn ngược da anh
Và ghi lên đó mật khẩu:
- Không lùi bước!

Bài thơ như một sự “trốn chạy” quan trường của một nhà thơ chính khách.

Vẫn biết ở đời, được làm quan đã khó, làm quan được (hoàn thành tốt nhiệm vụ) còn khó hơn và khi từ quan còn khó hơn nữa. Đã có không ít người làm tốt, thậm chí rất tốt ở hai việc đầu nhưng đến “cửa ải” thứ ba không đủ bản lĩnh vượt qua. Với Nguyễn Khoa Điềm, ông đã vượt qua ba “cửa ải” này một cách ngoạn mục. Hình như với ông, chức tước chỉ “như chiếc áo hờ vắt ngang thành ghế”. Ông đã “trốn chạy” nó để được “là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ” để “Làm mới cuộc đời mình”.

Mật khẩu “không lùi bước” và những giai thoại

Trút bỏ tấm áo quan trường, Nguyễn Khoa Điềm trở về với cương vị nhà thơ của nhân dân, nhà thơ chiến sĩ.

Và, như lời đã nói hôm nào, khi nghỉ hưu, ông về Huế ở. Người Huế yêu mến ông nên có không ít những giai thoại vui vẻ. Ví như chuyện có lần nhớ lại kỉ niệm cũ, ông Nguyễn Khoa Điềm đến thăm Văn phòng Tỉnh ủy, nơi nhiều năm ông từng gắn bó. Khi vào cổng, nhân viên bảo vệ hỏi giấy tờ, do không đem theo chứng minh thư nên ông đưa thẻ Đảng. Nhân viên bảo vệ báo cáo “có đảng viên Nguyễn Khoa Điềm xin gặp”. Nghe thấy tên ông, Bí thư Tỉnh ủy vội vã ra tận cổng đón vào.

Lại có chuyện một lần đi dạo, bỗng ông thèm ăn cơm hến, một món đặc trưng xứ Huế. Ăn xong, ông giật mình vì không đem theo tiền. Sau một hồi lục các túi, ông gỡ cặp kính đưa cho bà chủ quán: “Tui quên tiền, gửi mệ cái kính, lát tôi đem tiền ra xin lại”. Bà chủ quán nhìn ông, cười rất tươi: “Có chi mô, ông cứ về, hôm nào đi qua gửi tui cũng được, hề”.

Vĩ thanh

Khi tôi viết những dòng này, chỉ còn ít ngày nữa ông bước sang tuổi 81, cũng là U90 (ông sinh ngày 15/4/1943) như một lời chúc mừng sinh nhật ông, một nhà thơ tôi luôn kính trọng, yêu mến và ngưỡng mộ.

Có thể nói, trên con đường “phải có danh gì với núi sông”, Nguyễn Khoa Điềm là người trọn vẹn cả ở vai trò chính khách và nhà thơ tương tự nhà thơ Tố Hữu, đồng hương của ông. Thế nhưng, với tôi, dù đã đạt tới địa vị quyền lực cao, cái mà hai ông còn lại với đất nước này dài lâu lại là văn chương. Bằng chứng là mỗi khi nhắc đến Tố Hữu, hầu hết mọi người đều nghĩ về một nhà thơ mà không mấy ai nhớ rằng ông còn là Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Khoa Điềm cũng vậy, có lẽ cũng không mấy ai nhớ rằng ông từng là Tổng Thư ký Hội Nhà văn hay Ủy viên Bộ Chính trị mà đơn giản - nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

“Bất tri tam bách dư niên hậu...” như cụ Nguyễn Du thì tôi không chắc nhưng 50 năm hoặc nhiều năm hơn nữa, chắc chắn vẫn còn những Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa... bởi họ đã và đang hiện diện trên các trang sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục.

Bùi Hoàng Tám
.
.
.