Nhà thơ Lữ Mai: “Viết với tôi là tiếng nói trước thời cuộc”

Thứ Năm, 14/04/2022, 16:56

Nhà thơ Lữ Mai xuất hiện với các tập sách dày dặn như “Giấc”, “Hà Nội không vội được đâu”, “Mở mắt rồi mơ”, “Thời cách ngăn trống rỗng”, “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi”, “Những mùa hoa còn lại” và đặc biệt là 3 tập trường ca chị viết trong 3 năm “Ngang qua bình minh” (Trường ca, NXB Văn học, 2020) , “Chư Tan Kra mây trắng” (Trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2021), “Hồi sinh” (Trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2022) đã cho thấy sự lao động con chữ miệt mài, say mê và tận tâm của chị.

Chị chia sẻ rằng “Nghiệp chữ nhọc nhằn nhưng cao hơn tất cả đó là hạnh phúc. Trên cánh đồng chữ nghĩa, tôi tìm được chính mình”. Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Lữ Mai về các tập trường ca mà chị dày công sáng tạo.

- Trong quãng thời gian 3 năm, nhà thơ Lữ Mai cho ra đời liên tục 3 tập trường ca đầy đặn “Ngang qua bình minh”, “Chư Tan Kra mây trắng”,“Hồi sinh”, chị có thể chia sẻ về sự ra đời của các tập trường ca này?

img-0951.jpg -0
Tác phẩm “Hồi sinh” của nhà thơ Lữ Mai.

+ Tất cả các tác phẩm kể trên đều có những nguyên cớ để ra đời. Với “Ngang qua bình minh” - đó là nguồn cảm hứng đặc biệt của tôi sau chuyến công tác Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2019. Sau các cuốn sách tản văn, ghi chép là “Nơi đầu sóng” và “Mắt trùng khơi” chủ yếu viết về các đảo, Nhà giàn… tôi vẫn ấp ủ một tác phẩm thể loại thơ ca viết về những con tàu bám biển - những sợi dây kết nối đất liền với đảo xa. Do vậy, tác phẩm lấy hình tượng trung tâm là các thủy thủ, trong đó có những người sinh ra, lớn lên ở miền núi, trung du nhưng cả quãng đời thanh xuân đã dành cho biển đảo Tổ quốc.

Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” thì lại được bắt đầu từ một giấc mơ. Khi tôi chưa tới Chư Tan Kra bao giờ, chưa trực tiếp gặp các cựu chiến binh thì ba tiếng Chư Tan Kra lại vang trong suốt giấc mơ dài với những tiếng gọi, những bàn tay vẫy. Tôi còn nhớ, ngay buổi sáng thức dậy, tôi đã nhắn tin ngay cho người bạn mình là chị Tiểu Thúy, nguyên là biên tập viên Chương trình “Đi tìm đồng đội” để kể lại giấc mơ. Tôi cảm thấy có điều gì đó thôi thúc mình từ sâu thẳm và tôi quyết định nhờ chị Thúy kết nối để tìm hiểu, tiếp cận dữ liệu về Chư Tan Kra, đặc biệt là các cựu chiến binh đã trở về sau những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội.

Nếu hai tác phẩm trên có thiên hướng tìm về ký ức thì trường ca “Hồi sinh” lại nóng hổi bởi câu chuyện đương thời, khi cuộc sống phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19. Sự bình yên thường nhật hoàn toàn bị đảo lộn, nhưng đằng sau sự mất mát, hy sinh, hồi hương, kiếm tìm, thất vọng và hy vọng… là gì? Tôi muốn bằng ngôn ngữ thơ ca và góc nhìn của mình để ghi lại câu chuyện đó.

- Với các đề tài mang tính thời sự như chủ quyền biển đảo, hình tượng người lính, đại dịch Covid... nhà thơ Lữ Mai đã viết trong các trường ca của mình bằng một cái nhìn trân trọng, thấu cảm. Khi đặt bút viết những trường ca này, chị trăn trở nhất điều gì?

+ Tôi là con của một người lính trở về từ chiến trường. Từ khi tôi còn nhỏ cho tới bây giờ, bố tôi không chia sẻ nhiều về ký ức, nhưng tất cả đều hằn in trong chính cuộc sống hòa bình. Đó là từng cơn đau vì vết thương cũ. Đó là những cuộc đồng đội gặp gỡ tâm tình. Đó là từng bó củi, cân khoai, bao gạo… mà đồng đội của bố tôi đã chia sẻ, bao bọc cho tuổi thơ tôi vượt qua đói khổ. Bởi lẽ ấy, tôi luôn có một cảm giác mắc nợ với sự hy sinh của những lớp người đi trước và cả thế hệ người đương thời đã và đang sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư cho mọi người. Tôi nghĩ rằng, dù tôi có viết bao nhiêu tác phẩm và nỗ lực khai thác đến mức nào thì cũng không tương xứng với hiện thực, với tinh thần bao dung và hy sinh lớn lao, thầm lặng. Nhưng là một người viết, chúng ta không thể im lặng, không thể làm gì, không bày tỏ điều gì… Những trang viết của tôi hôm nay, trước hết là cho chính mình, để cảm thấy mình không vô cảm.

Nhà thơ Lữ Mai: “Viết với tôi là tiếng nói trước thời cuộc” -0
Tác phẩm “Hồi sinh” của nhà thơ Lữ Mai.

- Có thể nói, trường ca là một thể loại khó đối với người cầm bút. Không phải ai cũng có thể viết và thành công được ở thể loại này, nhưng chị đã cho ra đời liên tục trong vòng 3 năm, quãng thời gian không dài mà có đến 3 tập trường ca khá đồ sộ, công phu được bạn đọc cả nước ghi nhận. Chị có thể chia sẻ cảm xúc sau mỗi lần xuất bản?

+ Thú thực, tôi chưa từng nghĩ mình đã làm được điều gì to lớn hoặc đáng kể. Tôi cũng không chắc chắn rằng những tác phẩm này chất lượng, sự lan tỏa sẽ tới đâu bởi điều đó phụ thuộc vào độc giả. Nhưng, tôi luôn chắc chắn và không cảm thấy có bất cứ điều gì phải băn khoăn, nghĩ ngợi, đó là, với mỗi tác phẩm, tôi đã thực sự trọn vẹn về cảm xúc, nghĩa tình. Mỗi lần ngồi trước trang giấy trắng, với tôi đó như một nghi lễ đặc biệt và tôi tự nguyện đưa mình vào từ trường câu chuyện, tự để mình phiêu lưu trong đó.

Cả ba tác phẩm, khi tôi nhận những cuốn sách từ nhà in về, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là những người đã khuất. Họ có mặt trong tác phẩm nhưng đã bước sang một đời sống khác. Vì lẽ đó, “Ngang qua bình minh” hay “Chư Tan Kra mây trắng” tôi đều tìm cách gửi ra Trường Sa, tàu trên biển, Nhà giàn DK1, chiến trường xưa trên miền đất đỏ Tây Nguyên, nghĩa trang liệt sĩ… Tôi luôn tin có những sợi dây vô hình kết nối tình cảm, sự tri ân của con người dù họ thuộc về những thế giới khác nhau. Chừng nào chúng ta còn cảm thấy mắc nợ, muốn tri ân, muốn tiếp tục nối dài câu chuyện… thì chừng đó, những vẻ đẹp, ý nghĩa lớn lao của sự hy sinh sẽ còn tồn tại.

- Là nhà thơ trẻ, Lữ Mai có nghĩ rằng, với các tập trường ca này đã góp một tiếng nói nghệ sĩ đối với thời cuộc?

+ Tôi nghĩ, trước hết đó là một tiếng nói cá nhân với những tình cảm, quan điểm chân thực và sâu nặng. Còn tiếng nói ấy chạm tới đâu lại thuộc về sự cảm nhận của độc giả. Ở góc độ độc giả, khi tôi đọc sáng tác văn chương của thế hệ các văn nghệ sĩ lớp trước và đồng nghiệp trẻ hiện nay, tôi luôn cảm thấy đó là những tiếng nói trước thời cuộc và mỗi giọng điệu được cất lên đều đóng góp một giá trị nhất định.

- Chị gửi thông điệp gì ở các trường ca này?

+ Đó là tình cảm, thái độ dành cho ký ức. Trên mọi nẻo đường, sẽ luôn có những con người quả cảm, hy sinh để cuộc sống những người khác được chạm tới tiếng gọi thiết tha của tình người, sự sống, niềm tin. Như trong trường ca “Hồi sinh” tôi đã khắc họa những ban mai yên bình trở lại: “Ngửa mặt gặp cơn mưa ắp đầy tiếng trẻ/ Cúi mặt chạm mây bạc trắng chân người”. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong hiện thực cuộc sống hôm nay, tôi vẫn luôn day dứt bởi trong từng cơn biến động, mình đã không thể làm được gì nhiều hơn, lớn lao hơn, tương xứng với hiện thực đời sống đòi hỏi con người không ngừng nỗ lực. Bằng những tác phẩm rất nhỏ, bằng nỗi lòng và tình cảm của một người con, cũng là một người mẹ, tôi mong muốn tác phẩm của mình truyền tải một thông điệp tới đời sống, rằng: Dù có bao nhiêu cơ cực, lầm than, mất mát… thì sự hồi sinh sẽ mang tính cứu rỗi, sẽ lan truyền năng lượng tích cực, ấm áp và bền lâu.

- Nhà thơ Lữ Mai có dự định viết tiếp một đề tài khác ở thể loại này nữa không?

+ Các đề tài thường đến với tôi theo hai cách. Một là, thật đột ngột, bỗng dưng ùa tới như “Chư Tan Kra mây trắng” hoặc là sự ấp ủ, quan sát mỗi ngày như “Hồi sinh”. Với văn chương, dù theo cách nào cũng rất khó để tính toán một cách cơ học rằng kết thúc cuốn sách này, ta sẽ viết cuốn sách kia và hoàn thành vào lúc nào. Tôi chỉ thường tự nhủ, bản thân sẽ luôn có ý thức, trách nhiệm và tình cảm trước đời sống để “giương ăng-ten” lên trước những đổi thay, biến động và chọn cho mình cách thể hiện riêng. Mỗi đề tài, tôi đều cân nhắc về thể loại. Nếu thơ ca không thực sự phù hợp với đề tài, tôi sẽ trải nghiệm bằng hình thức khác.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Lữ Mai về cuộc trò chuyện.

Vân Khánh (thực hiện)
.
.
.