Kỷ niệm 80 năm thành lập lực lượng Quân đội nhân dân (22/12/1944 – 22/12/2024)

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Những cấu trúc sáng tạo khi viết trường ca

Thứ Sáu, 20/12/2024, 10:11

Trong các thể loại thơ, khó nhất là viết trường ca và đấy là thử thách lớn ngay với cả những nhà thơ tài năng. Thơ đương đại Việt Nam có những tên tuổi nổi tiếng về viết trường ca như: Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Thi Hoàng, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu… Được biết, nhà thơ Hữu Thỉnh đã dành 14 năm (từ năm 1981 đến 1994) để viết “Trường ca Biển”, một trong những bản giao - hưởng - thơ khá đồ sộ trong gia tài thi ca của ông cũng như nền văn học đất nước.

Chủ nghĩa yêu nước vẫn là chủ đề tư tưởng chính được chuyển tải trong “Trường ca Biển”, để đưa tác phẩm này trở thành một khúc tráng ca lớn về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trước đó, ông đã nổi tiếng với 2 tập trường ca “Sức bền của đất” và “Đường tới thành phố” viết về chiến tranh và người lính được trao giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam.

Cấu trúc nghệ thuật trường ca theo trục dọc và trục ngang

Có thể nói, cả ba trường ca nói trên đều giống nhau về chủ đề tư tưởng là ca ngợi chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đó là sự hy sinh dũng cảm, kiên cường, bất khuất của cả một dân tộc quyết giành độc lập, tự do. Ở hai trường ca “Sức bền của đất” và “Đường tới thành phố”, đặc biệt nổi lên ba hình tượng: một là người chiến sĩ chiến đấu ở chiến trường, xông pha lửa đạn, đạp qua mọi khó khăn, thử thách; hai là những bà mẹ ở hậu phương; ba là những người vợ chờ chồng. Ba nhân vật này tạo nên một sợi dây xuyên suốt giữa hậu phương và tiền tuyến, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân.

Nhưng đến “Trường ca Biển” đã có một bước phát triển mới. Nếu như ở trường ca “Sức bền của đất” lấy sức mạnh văn hóa của dân tộc làm một nội lực tinh thần cho cuộc chiến đấu mới, thì ở trường ca “Đường tới thành phố” là sức mạnh tổng hợp của nhân dân dồn vào cuộc chiến đấu trên mặt đất trong chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất đất nước. Còn ở “Trường ca Biển” lại là cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ quyết liệt để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam. Như thế có nghĩa là “Sức bền của đất”, “Đường tới thành phố” là chủ nghĩa yêu nước trong quá trình giải phóng dân tộc, còn “Trường ca Biển” là chủ nghĩa yêu nước huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân ta để bảo vệ Tổ quốc.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Những cấu trúc sáng tạo khi viết trường ca -0
Nhà thơ Hữu Thỉnh.

Trong một lần trao đổi với tôi về hình tượng nghệ thuật, thủ pháp nghệ thuật của “Trường ca Biển” có cấu trúc gì mới, thi pháp gì mới, có gì thay đổi so với (cấu trúc hình tượng nghệ thuật của hai trường ca “Sức bền của đất” và “Đường tới thành phố” ) trước đây, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết:

“Hai trường ca trước là chủ nghĩa yêu nước trong chiến tranh, còn “Trường ca Biển” là chủ nghĩa yêu nước trong thời bình. Từ chủ đề tư tưởng ấy, cấu trúc của các trường ca có khác nhau. Cấu trúc của trường ca “Đường tới thành phố” bám rất sát tiến trình, sự kiện của chiến dịch Hồ Chí Minh, lấy sự phát triển của lịch sử làm điểm tựa nghệ thuật của thi ca, đương nhiên ở đấy có rất nhiều phát triển nhưng vẫn lấy trục chính là chiến dịch Hồ Chí Minh từ khi mở đầu đến khi kết thúc với nhiều nhân vật trữ tình nhưng vẫn dựa chính vào các sự kiện có thật trong lịch sử. Tôi gọi đây là cấu trúc dọc. Còn cấu trúc nghệ thuật trong “Trường ca Biển” là cấu trúc ngang, là một thời gian hiện tại trên bình diện chung, nó không có sự kiện cụ thể nào cả, nó là cuộc chiến đấu đồng thời diễn ra ở đảo, ở đất liền, ở trong những cơn bão ở Trường Sa đồng thời là cuộc tiếp sức của cả đất liền hướng ra đảo. Vậy là từ trục dọc trong chiến tranh chuyển sang trục ngang trong hòa bình”.

Trong 2 trường ca “Sức bền của đất” và “Đường tới thành phố”, tác giả đã xác định sự kiện giải phóng dân tộc dù khó khăn, ác liệt, gian khổ đến đâu chăng nữa cũng đến lúc kết thúc, có thể 10 năm, 20 năm nhưng cũng kết thúc vẻ vang như chúng ta đã biết. Nhưng cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta trên biển Đông không bao giờ kết thúc, nó diễn biến suốt đời này sang đời khác, nối tiếp nhau hàng ngàn năm đồng thời với sự tồn tại, phát triển và bảo vệ đất nước. Đấy là cái khác biệt và quan trọng nhất mà nhà thơ đã khai thác thành chủ đề tư tưởng chỉ đạo trong “Trường ca Biển”.

Từ cảm hứng sử thi đến cảm hứng trữ tình

Nói về nghệ thuật riêng trong mỗi trường ca và sự nối tiếp trong việc cấu trúc các trường ca của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: “Có nhiều bài viết về trường ca của tôi nhưng các bạn tôi chưa chú ý đến chi tiết này, trong trường ca “Đường tới thành phố” khi vào tới Sài Gòn, phần kết phải là thời điểm ta cắm ngọn cờ Tổ quốc trên nóc Dinh Độc lập nhưng tôi đã kết ở chỗ dành 100 câu thơ vĩ thanh viết về đoàn tàu hải quân của chúng ta chia thành nhiều nhánh nhiều mũi đi giải phóng các tuyến đảo, và cuộc chiến đấu giải phóng các đảo ở Trường Sa là chiến thắng trọn vẹn nhất.

Như vậy tập trường ca “Đường tới thành phố” kết thúc ở TP Hồ Chí Minh nhưng lại mở ra một giai đoạn mới bảo vệ biển đảo của Tổ quốc và “Trường ca Biển” là sự tiếp nối cái phần kết của trường ca “Đường tới thành phố”. Tuy có tiếp nối, nhưng “Trường ca Biển” là cuộc chiến đấu trên biển với một kinh nghiệm khác, một chiến trường khác, một đối tượng khác, một điều kiện khác.

Nếu như chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta chứng kiến 5 cánh quân trở về hùng dũng, trùng điệp, khí phách ngất trời thì cuộc chiến đấu trên tuyến đảo Trường Sa, trên những hòn đảo nhỏ có khi chỉ một tốp 5-7 chiến sĩ thôi trong gió bão, thử thách từng ngày một, chiến dịch của họ không bao giờ kết thúc, ngày nào cũng là ngày chuẩn bị chiến dịch, ngày nào cũng là ngày hòa bình.

Nếu trên “Đường tới thành phố” là động thì “Trường ca Biển” vừa động vừa tĩnh, vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, vừa sống một cuộc sống bình thường vừa sống một cuộc sống khác thường, do đó giọng thơ ở đây khác theo nhịp của cuộc chiến đấu”.

Có thể nói, về nghệ thuật thì “Sức bền của đất” và “Đường tới thành phố” lấy yếu tố sử thi, nhân vật sử thi làm cốt lõi, còn cái giọng thơ trong “Trường ca Biển” là cảm hứng trữ tình và tác giả đã nhập vào người lính, nhập vào cây cỏ, nhập vào cát, vào nước, nhập vào từng chuyến tàu đi tiếp sức cho Trường Sa, nghĩa là nhân vật nhà thơ trữ tình ở đây đã hòa vào chủ thể là người lính và khung cảnh ở biển Đông. Nó có lúc là một cơn bão, nó có lúc là một người lính vượt qua bão trở về với đảo với đồng đội, khi đó giọng nhà thơ ở đây đã được hòa nhuyễn và chủ thể sáng tạo hài hòa với khách thể sáng tạo, chủ thể thẩm mỹ hòa vào khách thể thẩm mỹ, nó tạo nên một ấn tượng trữ tình vừa tâm tình vừa mang tính tráng ca.

“Cho nên “Trường ca Biển” có khi rất hoành tráng, rất hào khí nhưng cũng có lúc day dứt, lắng sâu, nó âm thầm thử thách người lính đặc biệt là chương bão biển và chương kết thúc. Đấy là một sáng tạo mới và tôi phải mất đến hơn 10 năm để suy nghĩ, tìm ra cấu trúc này. Giọng thơ thì vẫn giống nhau, cách viết thì vẫn giống nhau nhưng đối tượng đã khác rồi nên mình phải thay đổi nhịp điệu, thay đổi cảm xúc như thế nào và đi thực tế nhiều tuyến đảo ở trong nước để lấy thực tiễn.

Điều quan trọng không phải để mô tả cuộc chiến đấu bảo vệ hải đảo, bảo vệ biển Đông mà để tìm hiểu tâm hồn, tình cảm của người lính, họ đang đối diện với cái gì, đối diện với thử thách ra sao. Điều này thể hiện trong “Trường ca Biển” rất rõ, có lúc họ là một đội hình, có lúc chỉ là một con người bơi thoi thóp trên biển để trở về với hòn đảo của mình trong một cơn bão biển, một người đo biển, đo người trong sóng, đo sức mạnh của bản thân, cưỡi lên bão táp trong cuộc chiến đấu, đọ sức một mình với biển khơi để trở về chỗ đứng của mình. Đấy là những nét tôi gửi gắm trong “Trường ca Biển””, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết thêm.

Có thể nói, nét nổi trội trong thơ Hữu Thỉnh chính là những cuộc đối thoại rất sinh động, mang màu sắc triết lý của nhà thơ với thiên nhiên, với cuộc sống, với con người, với tình yêu và cụ thể trong “Trường ca Biển” là cuộc đối thoại với biển, với những người lính đang trụ vững ở quần đảo bão tố Trường Sa. Trong “Trường ca Biển” có các cuộc đối thoại giữa cái chung và cái riêng, cuộc đối thoại giữa nhiệm vụ và thử thách, cuộc đối thoại ngay trong người lính giữa hy sinh, hạnh phúc và cống hiến; cuộc đối thoại giữa người lính với gia đình ở hậu phương lớn. Những cuộc đối thoại ấy luôn luôn diễn ra trong trường ca này với những số phận riêng, với những thử thách riêng để vượt lên mọi khó khăn, gian lao trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguyễn Việt Chiến
.
.
.