Nhà phê bình Văn Giá và nhà thơ “Văn có giá”

Thứ Bảy, 27/07/2024, 07:15

Nói về nghiệp chữ nghĩa, văn chương, tôi chợt nhớ câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu khi xưa: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo/ Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu”. Vậy mà, nhà nghiên cứu phê bình văn học PGS.TS Văn Giá lại nhất quyết theo chí hướng của thầy Hoàng Ngọc Hiến (Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du) “Tôi viết phê bình để làm “sáng giá” và “sang giá” những tác phẩm tôi tâm đắc”, ngoài ra không gì khác!

Trong lời vào sách mở đầu tập tiểu luận, phê bình, chân dung “Viết khi tâm đắc”, nhà phê bình Văn Giá đặt câu hỏi “Khi nào thì tôi viết phê bình?” và ông trả lời: “Trước đây, tôi viết với hai lý do: một, đối tượng viết khiến chủ thể viết là tôi khoái thú, thậm chí xúc động; hai, tự thấy nể vì ai đó. Riêng cái lý do thứ hai đã ngốn biết bao thời giờ và tâm sức. “Cả nể cho nên sự dở dang” hóa ra là câu chuyện không chỉ của riêng ai. Nay, tôi cố gắng viết chỉ vì lý do thứ nhất. Tại sao mình cứ phải viết khi lòng mình gắng gượng? Những cái viết ấy dễ bị ép uổng, phẳng bẹt cả về ý tứ lẫn lối văn”.

nhà phê bình van giá (bên trái) và nguy%3fn vi%3ft chi%3fn.jpg -0
Nhà phê bình Văn Giá (trái) và tác giả.

Tính đến nay, với 6 tập tiểu luận, phê bình, chân dung văn học và 5 tập truyện ngắn, gia tài văn chương của PGS.TS Văn Giá cũng vào hạng đáng nể khi ông sắc sảo trong phê bình, tài hoa trong truyện ngắn và tinh tế trong thi ca. Văn Giá sinh năm 1959, quê Tân Yên, Bắc Giang. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1980, ông đi dạy học một thời gian rồi về giảng dạy ở Khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền (1990-2006); sau đó chuyển sang Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học Đại học Văn hóa Hà Nội, rồi làm chủ nhiệm Khoa Viết văn - Báo chí của trường.

Ngành phê bình văn học hiện thời chưa được đối xử công bằng

Suy nghĩ về nghề văn, PGS.TS Văn Giá cho rằng: “Phê bình là một nghề rất nhọc nhằn, ít người muốn theo. Phải đọc của người ta cả nghìn trang mới viết được vài ba trang, nếu muốn có được một bài phê bình tử tế. Lại phải trực diện với tác phẩm, nên dễ mất lòng. Đã thế, không phải nhà văn nào cũng cảm thông, chia sẻ. Một khi văn hóa đối thoại thấp thì phê bình văn nghệ khó nảy nở và phát triển. Ngành phê bình văn học hiện thời chưa được đối xử công bằng như nó cần phải có. Tôi nhận ra rằng, lao động sáng tác và lao động phê bình văn học không có gì cách biệt lắm. Cũng là lao động nghệ sĩ cả. Người nào cố tình khoét vào sự khác biệt chứng tỏ người ấy chưa tới được cõi văn. Tôi tin là thế”.

Văn Giá là một người bạn văn luôn cởi mở, dễ chịu và tốt bụng. Tôi có một số lần đi “dã ngoại” văn chương cùng anh và được thấy cái chất chí sĩ Bắc Hà nổi trội ở người văn này. Và, cái chất văn nho nhã ấy cùng với sự hồn nhiên khiến anh trở nên dễ gần, dễ tri kỷ với bạn viết.

Tôi nhớ lần cùng hai nhà “phê bình gia” có hạng Văn Giá, Chu Văn Sơn và nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền lên Thái Nguyên dự buổi ra mắt tập thơ “Hai phía phù sinh” của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thái Nguyên. Chuyến đi ấy vui như Tết, dọc đường, chúng tôi trêu chòng nhau, vui cười suốt buổi và lần đầu tiên Chu Văn Sơn tiết lộ: “Mấy ông nhà thơ đừng tưởng chỉ có thơ các ông là hay, cánh phê bình chúng tôi làm thơ cũng không kém cạnh gì đâu nhé! Hôm nào chúng tôi công bố các thể nghiệm thơ mới cho các ông biết mặt. Giờ đề nghị nhà thơ “Văn có Giá” đọc bài thơ “Về Hải Phòng gặp Văn Cao” viết năm 2009 cho chúng tôi được thưởng ngoạn”.

Văn Giá cười khiêm tốn: “Tôi múa rìu qua mắt thợ, các bác đừng chê nhé!”, rồi ông đọc thơ: “Suốt dọc đường nghe nhạc Văn Cao/ Chạm Hải Phòng khi nào chẳng rõ/ Hỏi thăm lối về nhà bạn/ Bỗng nhận ra mình đang trên phố Văn Cao/ Một con đường rất lặng/ Ngoại ô/ Cũng may mà còn được ngoại ô/ Giữa nội ô làm sao còn tĩnh lặng/ Làm sao còn Suối mơ, Thiên Thai/ Đàn chim Việt cũng tránh xa đường bay qua đỉnh Nhà hát/ Chọn một đường bay thanh sạch cánh đồng/ Văn Cao Văn Cao/ Con đường này có còn phong dấu/ Bàn chân ông ngang dọc một thời/ Hải Phòng nghiêng về phía biển/ Phượng bây giờ đang xanh/ Văn Cao Văn Cao/ Ông đang nghĩ gì/ Ly rượu xoay trên tay/ Sinh mệnh Tổ quốc/ Vâng, sinh mệnh Tổ quốc/ Văn Cao không quen những ý nghĩ tầm thường/ Những ý nghĩ tầm thường không chạm được Văn Cao...'' Nghe Văn Giá đọc xong, chúng tôi vỗ tay nhiệt liệt: “Đây quả thật là một bài thơ rất hay, đáng nể, đáng nể!”. “Thơ tôi chưa là gì các bác nhé, phải để Chu Văn Sơn đọc các bài thơ tâm đắc của y thì các nhà thơ mới thấy thon thót giật mình!”, Văn Giá lại cười.

Cũng chính từ chuyến đi này, sau việc phát hiện chuyện nhà phê bình Văn Giá có làm thơ, tôi bảo ông gửi cho tôi một chùm thơ để tôi chọn bài đăng trên Báo Văn nghệ khi tôi được báo này nhờ biên tập trang thơ mới. Rất hồn nhiên, Văn Giá gửi ngay cho tôi 9 bài thơ với một yêu cầu: “Đã đăng thơ thì không được sửa!”. Rồi, tháng 7/2021, lần đầu tiên phê bình gia Văn Giá trình làng 3 bài thơ đăng trên Báo Văn nghệ bộ mới số 1 và cũng gây xôn xao dư luận.

Đề nghị lấy lại tên "Trường Viết văn Nguyễn Du”

Văn Giá chơi rất thân với Chu Văn Sơn và đọc rất kỹ bạn mình. Trong tiểu luận “Chu Văn Sơn tùy bút”, ông nhận định: “Có thể hình dung mỗi tùy bút của Chu Văn Sơn là mỗi “cuộc yêu”. Vâng, đó là một quan hệ yêu, nghĩa là có kẻ yêu và kẻ đáp đền. Tác giả của mỗi tùy bút đã đem lòng yêu dâng lên đối tượng mà mình bị quyến rũ, phụng thờ. Đến lượt, đối tượng thụ nhận tình yêu cũng đã đọc thấy ở kẻ yêu một lòng yêu to lớn, chân thành, nên đã hào hiệp đền bù. Đền bù bằng con chữ. Con chữ của một Chu Văn Sơn tùy bút. Chu Văn Sơn về cơ bản là một kẻ duy mỹ. Với nghiên cứu phê bình, anh sắm vai săn tìm, phát hiện Cái đẹp trong những áng văn. Đến lượt tùy bút, anh thủ vai kiếm tìm và biểu đạt Cái đẹp ngoài cõi sống”.

Trong một tiểu luận khác “Chu Văn Sơn, người lụy... đẹp”, Văn Giá tiếp tục phân tích: “Đối với Chu Văn Sơn, khi tìm ra được Cái đẹp, anh gọi là “được sống” được “tự tình”. Đi tìm Cái đẹp là một ý hướng tự nhiên, song cũng là một sứ mệnh, một việc trong đời mà anh đảm nhận. Anh làm nghề dạy học. Anh còn là một nhà nghiên cứu phê bình văn học. Với những giá trị văn chương đích thực, anh đeo bám đến cùng. Về trường hợp Thơ mới chẳng hạn, anh là một chuyên gia hàng đầu. Lý do chính nằm ở chỗ Thơ mới là hiện thân của Cái đẹp thuộc về văn chương, tiếng Việt, văn hóa Việt. Vì thế, nó đã chinh phục, thôn tính một người lụy đẹp. Tác phẩm “Ba đỉnh cao Thơ mới: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử” thật tầm vóc”. Viết về Chu Văn Sơn tri âm, tri kỷ đến thế có lẽ chỉ có Văn Giá.

tác ph%3fm ti%3fu lu%3fn phê bình viêt khi tâm d%3fc c%3fa van giá.jpg -1
Bìa cuốn “Viết khi tâm đắc”.

Được biết, có khá nhiều nhà văn tên tuổi của nền văn học đương đại Việt Nam hôm nay đã từng học qua Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. Sau 25 năm hoạt động, đến năm 2004, Trường Viết văn Nguyễn Du chuyển thành Khoa Sáng tác, Lý luận, Phê bình văn học của Trường Đại học Văn hóa. Có lần PGS.TS Văn Giá cho tôi biết, ông và một số nhà văn đang đề nghị cấp trên cho lấy lại tên ngôi trường xưa vì thực chất cho đến nay, đây vẫn là ngôi trường đào tạo nghề viết văn.

“Vậy, phải chăng Trường Viết văn Nguyễn Du là trường đào tạo các tài năng văn chương đương đại?”- tôi hỏi vui Văn Giá trong một cuộc rượu. Cảnh giác trước câu hỏi “thăm dò” này, ông khiêm tốn: “Có lẽ không phải vậy, đây là ngôi trường đào tạo ra những người làm nghề viết văn và trong số đó một số người trở thành các nhà văn và trong số các nhà văn, có một số người trở thành các tài năng văn học. Năm 1979 thành lập trường, hầu hết học viên đều là các nhà văn đã đi qua chiến tranh và trở về thực hiện ước mơ của mình dưới mái trường đại học. Từ khóa I đến khóa V, có khá nhiều nhà văn đã thành danh mới vào trường để tu nghiệp. Vì thế, đây không phải là nơi đào tạo các tài năng văn chương mà chỉ là nơi đào tạo ra những người làm nghề viết văn. Trường này cung cấp tri thức nền và kỹ năng lao động viết văn cho người viết. Còn chuyện họ có trở thành nhà văn hay không là tùy thuộc vào tài năng của họ. Theo tôi, trên thế giới không có một ngôi trường nào đào tạo ra các tài năng văn chương cả, kể cả Trường Viết văn M.Gorki (Liên bang Nga) cũng chỉ đào tạo ra những người làm nghề viết văn”. Một câu trả lời rõ ràng là khiêm tốn mà không kém phần tự hào về ngôi trường này.

Nguyễn Việt Chiến
.
.
.