Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Việc cầm cọ giúp tôi hoàn thành ước mơ thứ ba của mình”

Thứ Năm, 03/03/2022, 14:56

Ngày 3-3, triển lãm “Nhà báo vẽ” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân diễn ra tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Nhiều người đã quen thuộc với ông trong vai trò một cây bút phóng sự có tiếng nhưng hiếm khi biết ông còn cầm cọ. Thế nhưng thực sự bất ngờ khi ông chia sẻ, cầm cọ chính là một trong ba ước mơ từ hồi nhỏ của ông mà đến khi về hưu 6 năm ông mới có cơ hội thực hiện.

“Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022; chào mừng Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam thành công tốt đẹp và mở đầu các hoạt động chào mừng kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21.4.1950 – 21.4.2022), Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm “Nhà báo vẽ” cùng bộ sưu tập áp phích chống dịch COVID-19 của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Triển lãm gồm 2 cụm tranh chính: Chân dung nhà báo (100 bức, khổ 70x90cm) kèm bản gốc (khổ A3 và A4); Sưu tập tranh áp phích chống dịch và mẫu áo dài thời trang họa tiết chống dịch của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trong năm 2021.

Có thể dễ dàng nhận thấy những gương mặt quen thuộc trong tranh của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, như nhà báo Phan Quang, nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Phạm Quốc Toàn, nhà báo Lê Quốc Trung, nhà báo Trần Mai Hưởng, nhà báo Phạm Huy Hoàn, nhà báo Lê Quốc Minh, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Lê Hồng Thiện, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, PGS.TS Ngô Văn Giá, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, nhà báo Hữu Việt…

nhà báo vẽ 0.jpg -0
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (giữa) bên các bức vẽ chân dung bạn bè.

Chia sẻ về triển lãm này, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết, từ tháng 4.2021, trong thời gian điều trị bệnh tai biến và bị cách ly do đại dịch COVID-19, ông đã quyết tâm thực hiện chương trình hành động “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”. Ông say mê viết văn, viết báo, in sách, giảng dạy trực tuyến… và đặc biệt yêu thích việc vẽ chân dung các đồng nghiệp, bởi thế đã có khoảng 400 bức chân dung ra đời. Dù vẫn còn mang tính chất nghiệp dự, song tranh của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được nhiều người xem ghi nhận và đánh giá cao bởi có phong cách và đậm tính thời sự, đồng thời toát lên niềm lạc quan, bản lĩnh và tình cảm sâu sắc của một nhà báo trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách có phần nghiệt ngã nhất.

Ông cho biết, nếu “mối duyên” cầm bút viết văn của mình là 50 năm, “mối duyên” cầm bút viết báo là 40 năm, thì “mối duyên” cầm cọ vẽ mới chỉ ở tuổi sơ sinh là… 4 tháng. “Trong 9 tháng vừa qua bị tai biến, tôi mới tập vẽ chân dung hơn 4 tháng. Nghiệp cầm cọ mang đến cho tôi rất nhiều điều mà nghiệp cầm bút không mang lại được. Tôi thích vẽ chân dung vì khi vẽ chân dung là tôi nhớ về những kỷ niệm, những tình cảm của nhân vật đó. Thật thú vị khi thấy sau ít phút trên nền giấy trắng tinh hiện lên một gương mặt mà mình thương mến. Tôi vẽ theo kiểu ký họa chứ không vẽ theo kiểu truyền thần. Khi vẽ tôi có cảm giác như mình đang được nói chuyện với nhân vật”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bộc bạch.

“Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…”

Với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, vẽ nhân vật nói chung và vẽ các nhà báo, văn nghệ sĩ… khó nhất là vẽ cho ra cái thần thái của nhân vật. Ông không vẽ kiểu truyền thần mà vẽ lúc họ đang làm việc, đang hoạt động, đang biểu hiện tình cảm yêu ghét vui buồn gì đó.

“Trong số tranh tôi vẽ thì khó nhất là vẽ … phụ nữ. Vẽ đàn ông râu tóc hết 1 tiếng đồng hồ thì vẽ phái nữ phải mất 2-3 tiếng đồng hồ. Ai cũng muốn tranh phải đẹp hơn, giống hơn, trẻ hơn. Có chị nhận tranh xong bảo: “Anh vẽ em giống… mẹ em”. Có cô bảo: “Tranh anh vẽ em giống mỗi cái… dây chuyền”. Song bi kịch nhất là tôi vẽ ai cũng tương đối giống, trừ khi vẽ… vợ (cười). Khi vẽ chân dung của chính mình cũng là mỗi lần tôi làm bản tự kiểm toàn diện với bản thân”, anh chia sẻ.

nhà báo vẽ 6.jpg -0
Bức chân dung nhà báo Hữu Thọ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Chia sẻ về nguồn năng lượng dồi dào trong viết lách và hiện nay là hội họa, ông cho biết, đó là nhờ quan niệm sống như lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…”. Hay nói như người miền Nam là: “Có nhiêu chơi nhiêu”. Với ông tất cả như một cuộc chạy đua với thời gian. Có thể làm gì là làm chứ không thụ động, không ngồi im. Ông bù đắp năng lượng bằng cách đọc nhiều, chơi với bạn bè tốt, chơi với người hay nhiều, tự nạp thông tin tích cực và tránh xa những gì tiêu cực.

“Tuổi trẻ của tôi không lãng phí nhưng bị chi phối bởi chiến tranh và nhiều sự kiện của cuộc sống, nay tôi phải tiếp tục làm những gì mình mơ ước. Tôi có câu slogan cho riêng mình thế này: “Thời gian một chiều, đi mãi rồi hết. Đi, yêu, và viết. Không có gì ngoài cả cuộc đời”.

Tôn vinh một lối sống đẹp

Góp mặt là một trong những chân dung tại triển lãm lần này, nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng Giám đốc TTXVN) cho rằng: “Đây là một ý tưởng rất hay và hình như đây cũng là lần đầu tiên có một triển lãm như vậy. Huỳnh Dũng Nhân là nhà báo tài hoa, có một quá trình nghề nghiệp phong phú, nhiều trải nghiệm trên nhiều lĩnh vực. Anh ấy đi nhiều, gặp nhiều và có cái nhìn sinh động về các đồng nghiệp qua nét vẽ của mình. Anh đã vẽ trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 hoành hành vừa sau cơn bạo bệnh cho thấy tình yêu cuộc sống, yêu các đồng nghiệp của mình. Đó là điều rất đáng quý. Hy vọng triển lãm sẽ được các bạn đồng nghiệp và công chúng đón nhận. Tôi cũng xin hoan nghênh Bảo tàng Báo chí Việt Nam về hoạt động ý nghĩa và thiết thực này”.

Cũng là một trong những chân dung góp mặt tại triển lãm lần này, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tỏ ra vô cùng ngạc nhiên vì sức sáng tạo tiềm tàng trong nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ông nhấn mạnh: “Ở tuổi vượt ngưỡng 65, bị cơn tai biến rồi trong khoảng thời gian đại dịch COVID-19 thì tiềm năng  trong anh lại bộc lộ, đó chính là hội họa. Anh vẽ từ những người gần gũi, thân thuộc, đó là bạn bè đồng nghiêp, người thân trong gia đình. Điều đáng mừng là đôi lúc cảnh ngộ cuộc sống đẩy ta vào thế khó khăn thì lại là lúc ta bộc lộ khả năng không ngờ tới. Tôi nghĩ rằng hội họa đã là liệu pháp giúp anh sớm hồi phục sức khỏe. Xem bức tranh anh vẽ tôi, tôi như được anh truyền cho năng lượng tinh thần to lớn để cùng nhau sống an vui trong đại dịch”.

“Bà mối” cho triển lãm của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Chia sẻ về cơ duyên này, nhà thơ Trần Kim Hoa cho biết, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một cộng tác viên thân thiết của Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong việc hiến tặng hiện vật cũng như giúp đỡ Bảo tàng trong công tác sưu tầm.

“Khi anh ấy khoe bức vẽ đầu tiên trên trang Facebook, chúng tôi đã đề nghị để anh làm triển lãm tại Bảo tàng. Tôi nghĩ rằng, một nhà báo không chỉ viết về gương người tốt, việc tốt mà phải sống tích cực, lạc quan. Anh ấy có những khó khăn về sức khỏe nhưng vẫn nghĩ đến sắc màu, nghĩ đến bạn bè. Trong triển lãm này, chúng tôi không đặt nặng vấn đề các bức vẽ giống với nhân vật ngoài đời chưa hay màu sắc đã tạo ra phong cách chuyên nghiệp chưa mà hơn hết là nghĩ đến con người sống tích cực, luôn biết nỗ lực vượt qua khó khăn. Trên vai trò nhà báo thì anh là nhà báo xuất sắc còn khi là người bệnh thì anh là người giàu tình người”, nhà thơ Trần Kim Hoa chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam thì có thể nói đây là triển lãm tranh độc lập đầu tiên của nhà báo mà Bảo tàng đứng ra tổ chức. Trong thời gian tới, Bảo tàng mong muốn giới thiệu nhiều hơn nữa các tác giả, tác phẩm của người làm báo.

Ngô Khiêm
.
.
.