Nguyễn Thế Khoa: Chẳng phải vừa đâu!
Có những thời gian, nói đến Nha Trang, giới văn nghệ cả nước dường như biết nhiều hơn cả là hai ông, ông Giang Nam và ông Thế Khoa. Ông Giang Nam được biết vì là tác giả bài thơ "Quê hương" nổi tiếng, sau là Phó Chủ tịch tỉnh. Còn ông Nguyễn Thế Khoa thì “cầm kỳ thi họa” đủ cả, và là Phó giám đốc của Sở Văn hóa Thông tin (VHTT) Phú Khánh.
Ngày ấy, dù là tỉnh lẻ, nhưng sự nghiệp văn hóa văn nghệ Phú Khánh-Nha Trang rực rỡ lắm, cho nên tên tuổi ông Thế Khoa cứ là nổi như sóng cồn. Nhiều giai nhân tài tử, trai xinh gái đẹp từ bốn phương quy tụ về đây.
Đời sống văn nghệ Trung ương, Hà Nội có gì thì Phú Khánh - Nha Trang cũng gần như có nấy. Trung ương có đoàn ca múa nhạc nhẹ, đoàn ca múa nhạc dân tộc… thì Phú Khánh cũng có đoàn ca múa nhạc nhẹ Hải Đăng, từng đứng đầu Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội, từng được cử đi nước ngoài biểu diễn; rồi Đoàn ca múa nhạc dân tộc Ponaga (từng sản sinh ra “quái kiệt” Hoài Linh); Trung ương có hãng phim truyện, thì Phú Khánh cũng có hẳn một hãng phim, lại là liên doanh quốc tế hẳn hoi,và đây cũng là lần đầu tiên ở nước ta có hãng phim liên doanh quốc tế - Hãng phim Monteran - Nha trang.
Rồi Trung ương có đoàn dân ca, cải lương, hát bội, kịch nói… thì Phú Khánh cũng chẳng kém cạnh, có tất tần tật, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh. Có những nghệ sĩ nổi tiếng nhưng vướng tai tiếng, cả nước không đâu dám nhận, chỉ mình ông bầu Thế Khoa giang tay ra đón… Tất nhiên các đoàn nghệ thuật, các hoạt động văn hóa văn nghệ… ở đây đều dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban, nhưng các vị lãnh đạo tỉnh thời kỳ này đặc biệt tin cậy Thế Khoa. Đặc biệt là Chủ tịch tỉnh Võ Hòa, trực tiếp phụ trách văn hóa, thì tin tưởng hoàn toàn, để trao gánh nặng văn hóa nghệ thuật lên đôi vai anh…
Đang lúc oai phong như thế, bỗng một tai nạn nghề nghiệp rất không đâu giáng xuống, làm anh mất sạch. Nguyễn Thế Khoa không còn là Phó giám đốc Sở VHTT nữa, rồi cũng chẳng còn là Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Nhiều ngày tháng, anh chỉ còn ngồi quán vỉa hè đánh cờ tướng với nhà văn Nguyễn Khắc Phục và hút thuốc lá vặt… Tất nhiên là một người như Khoa, từng tốt nghiêp Đại học Tổng hợp Văn danh tiếng ở Hà Nội, từng đi B, từng kinh qua chiến trường, từng là cán bộ trẻ đầy năng lực được đưa vào diện “nguồn” lãnh đạo tỉnh, lại cũng thuộc diện “con nhà nòi ”… thì chẳng thể nào cứ ngồi chơi xơi nước và đánh cờ suông mãi thế. Khoa về Trung ương công tác tại Báo Văn hóa, là Trưởng đại diện của Báo Văn hóa ở miền Trung, rồi chuyển hẳn ra ở Hà Nội.
Thế rồi chính nơi này, cùng GS Hoàng Chương, nhà hoạt động sân khấu vốn rất năng động sáng tạo, và người bạn tuổi thơ Trần Minh tuy làm kinh tế nhưng yêu nghệ thuật, các anh cùng sáng lập ra tờ Tạp chí Văn hiến Việt Nam, với tiêu chí phục hồi, gìn giữ bảo tồn nền văn hóa văn nghệ dân tộc, những giá trị đã làm nên hồn cốt nước nhà. Một điều đặc sắc của tờ tạp chí này là bám sát tuyên truyền tốt những nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhưng ngay từ buổi đầu thành lập đến nay, kinh phí hoàn toàn tự túc chứ không có một nguồn bao cấp nào… Nguyễn Thế Khoa là sáng lập viên, là Phó Tổng biên tập thường trực rồi Tổng biên tập của tờ tạp chí. Chỉ sơ qua như vậy cũng đủ hiểu bao năm qua, anh đã thăng trầm thế nào và đã từng bước vươn lên làm lại cuộc đời thế nào, và đã thành công thế nào ….
*
Ngày Nguyễn Thế Khoa ra mắt tập thơ “Khúc ru sợi khói” (in chung với nhà thơ Triệu Phong, Nha Trang), tôi được các anh tặng thơ. Tôi đã có bài viết trân trọng giới thiệu tập thơ trên Báo Thanh niên. Khi anh cho ra mắt tập “Những kỳ quan xanh”, tôi may mắn cũng là những bạn đọc đầu tiên của anh. Tôi đoán chắc rằng gần 70 bài viết, trong đó không ít bài viết như những công trình nghiên cứu của Thế Khoa tuyển chọn in trong tập này, đều là những bài viết “đinh” của tờ Văn hiến Việt Nam, được anh tâm huyết và dày công chắt chiu qua nhiều năm tháng, trước hết để góp phần nuôi sống tờ tạp chí vì ngoài là lãnh đạo, lo chuyện cơm áo gạo tiền, anh còn là cây viết chủ lực ở đây. Chất thông tin báo chí ở các bài viết đương nhiên là sâu đậm, động lực viết là rất mực nghiêm túc và có trách nhiệm.
Khoa từng tốt nghiệp xuất sắc ở Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội, từng làm thơ, viết kịch, từng quản lý văn hóa nghệ thuật… nên các bài viết của anh ngôn ngữ đều rất trau chuốt, mượt mà, ngồn ngộn chất sống, nhiều bài viết tạo xúc cảm mạnh vì giàu đời, chất thơ. Tôi rất thích những bài của anh như: “Có một gánh xẩm Hà Nội”; “Xuân Diệu và quê mẹ”; “Hoàng Việt, nhạc sĩ của tình ca và quê hương”; “Hoàng Cầm, bất chợt vĩnh hằng”; hay “Trần Bảng và duyên nghiệp chèo”… Những bài viết ấy vừa đặc sắc, rất giàu cảm xúc và có tình…
Một trong những bài Khoa viết hay nhất ở tập sách này chính là khi anh viết về cụ thân sinh - nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc Mịch Quang. Anh không viết về thời gian dễ khoe về bố, nhất là những lúc cụ ở đỉnh cao sự nghiệp, mà viết về tuổi 93 của cụ. Ở tuổi này, các cụ nói thật cũng chỉ biết nằm đó để con cháu (nếu như có hiếu) phục dịch, ai viết tới cũng chỉ nặng để khoe, để kể những việc mình báo hiếu cho bố mẹ như thế nào)… Nhưng Khoa đã viết về tuổi 93 của bố mình vì một sự lao động, một sáng tạo nghệ thuật vô biên: ngồi trên xe lăn mà hoàn thành cuốn “Học, hiểu và khám phá” do NXB Chính trị Quốc gia mời viết, khiến những người bạn tâm đắc của cụ như nhà văn Sơn Tùng cầm cuốn sách mà rưng rưng nước mắt…
Tôi đặc biệt bất ngờ với hai chùm bài viết về nhà soạn tuồng Đào Tấn và Dân ca quan họ Bắc Ninh trong tập sách của Khoa. Với các bài viết về Đào Tấn trong “Những kỳ quan xanh”, có lẽ sau thế hệ của bố anh, Nguyễn Thế Khoa là người nghiên cứu toàn diện sâu sắc nhất hiện nay về danh nhân văn hóa kiệt xuất này. Còn với các bài viết về quan họ, Nguyễn Thế Khoa lại bộc lộ khả năng khám phá nhạy bén và khả năng tổng kết học thuật sắc sảo khi chỉ ra khá thuyết phục các đặc trưng kỳ thú của một di sản văn hóa dân tộc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những ngày Thế Khoa mới ra Hà Nội, mỗi lần tôi từ TP Hồ Chí Minh ra, có dịp gặp, lại được anh mời về nhà chơi, lúc thì ở Trần Nhân Tông, lúc ở Chân Cầm, rồi lúc lại Lý Nam Đế… khiến tôi có đôi chút hồ nghi. Tất cả đều là nhà thuê, vừa làm tòa soạn, và cũng để ở luôn. Đến giờ tôi vẫn chưa biết cơ ngơi riêng của anh thế nào. Nghe anh em kháo rằng giờ Khoa phong độ lắm, đã đưa hết vợ con từ Nha Trang ra Hà Nội rồi, có một căn nhà 4 tầng rất đẹp, nói thật tôi thấy rất vui và khâm phục anh.
Tập sách “Những kỳ quan xanh” dày dặn lắm, nặng lắm. Trước đó, anh đã cho in tập sách “Kẻ tàng hình không còn biết tàng hình”, phê bình tiểu luận, cũng hơn 500 trang, được trao giải tác phẩm xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2006. Anh cũng đã kịp đoạt hai giải thưởng báo chí: Giải báo chí Đại đoàn kết dân tộc năm 2005 và giải báo chí Quốc gia năm 2007. Cùng với huy chương vàng tác giả sân khấu của Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh và huy chương vàng chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Hải Đăng tại các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc những năm 1980, Thế Khoa đã sở hữu không ít giải thưởng nghệ thuật và báo chí. Có các tập sách khá đồ sộ thế này, nối được cái chất học thuật “nếp nhà truyền thống” của cụ thân sinh anh, lại có những giải thưởng vinh dự thế kia, tôi nghĩ bằng mấy cái thời anh cứ “cờ đèn kèn trống”. Ấy là chưa kể đến việc anh duy trì và phát triển tờ Văn hiến Việt Nam ngày càng hay hơn ngày càng đẹp hơn. Dầu ăn ở có tạm bợ ra sao mà có sự nghiệp thế này giữa đất kinh kỳ, cũng là rất đáng tự hào. Kẻ sĩ xưa nay thiếu gì kẻ ở chốn lều gianh mà vẫn dựng nên nghiệp lớn, có tiếng tăm để lại với đời?
Thêm một điều cũng hết sức khâm phục anh là nghĩa tình với bè bạn. Nhà thơ Đỗ Nam Cao đã khuất 10 năm nay, vừa rồi tại Thành phố Hồ Chí Minh có tổ chức hội thảo, hay gọi là buổi lễ thì đúng hơn, để tưởng nhớ. Lẽ ra chị Hồng, Hội và Tạp chí Văn Hiến định tổ chức năm 2021 cơ, đúng 10 năm ngày mất, nhưng gặp cái nạn dịch COVID nên phải chùng chình nấn ná tới lúc này. Nghe anh Khoa lôi từ ký ức cũ kỹ thời chiến tranh về bạn, ta càng hiểu hơn về con người, sự cống hiến, tài năng, đức độ của Đỗ Nam Cao.
Và cũng hiểu hơn ân tình, bản lĩnh của một người đang sống.