Lý Tử Tấn - Gương mặt văn hóa!

Thứ Năm, 25/07/2024, 22:37

Lý Tử Tấn (1378-1457), tự Tử Tấn, người làng Triều Đông, xã Tân Minh, huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Tân Minh, Thường Tín, Hà Nội) đỗ Thái học sinh cùng khoa Canh Thìn (1400) với Nguyễn Trãi, thời Hồ Quý Ly, nhưng không làm quan cho nhà Hồ. Sau này theo Lê Lợi, ông làm chức Thông phụng đại phu, Hành khiển Bắc đạo, Thừa chỉ viện Hàn lâm ở cả 3 đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông.

Dưới triều Lê Thái Tổ, ông có khoảng thời gian đi sứ Chiêm Thành. Từng được mời vào giảng bài cho các hoàng tử trong cung cấm, khi Nguyễn Trãi từ quan về ở ẩn ông làm thay công việc thảo chiếu lệnh, chế cáo, thư từ. Trong “Kiến văn tiểu lục” Lê Quý Đôn nhận xét: “Ông là người danh vọng, đức độ, kỳ cựu, túc học...”. Mất năm 1457 thọ 79 tuổi. Như vậy Lý Tử Tấn là người có tài năng đích thực, là vị đại quan, học rộng, biết sâu, được nhiều triều vua trọng dụng.

image001.jpg -0
Lễ hội kỷ niệm “Chiến thắng Xương Giang”.

Cũng như các vị đại Nho yêu nước, thương dân như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Mộng Tuân... và các bậc hào kiệt Lê Lai, Đinh Lễ, Nguyễn Chích…, theo tiếng gọi cầu hiền, đã từ khắp nơi, người trước người sau về tập hợp dưới ngọn cờ Đại nghĩa của Lê Lợi, góp phần đuổi giặc thù ra ngoài bờ cõi đất Việt. Giặc tan, cùng bao văn nhân khác, Tử Tấn đem hết tâm huyết gây dựng lại cơ đồ.

Theo nhà bác học Lê Quý Đôn, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên và một số danh sĩ nhà Lê sơ đã có công sưu tầm các sách vở, giấy tờ, thư tịch thời Lý - Trần bị thất lạc trong dân gian do giặc Minh xâm lược thi hành chính sách phá hoại cực kỳ phản động. Phần lớn di sản văn hóa Lý, Trần còn đến hôm nay, có công lao không nhỏ của các vị ấy.

Nhìn từ góc độ này cũng cho thấy Lý Tử Tấn là nhà văn hóa của dân tộc. Nhưng đóng góp của ông còn ở phương diện sáng tác với “Chuyết Am thi tập” (thơ chữ Hán), nhưng bị thất lạc, hiện chỉ còn 5 bài phú chép lại trong “Quần hiền phú tập” do Hoàng Tụy Phu sưu tập và 73 bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn, trong “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú... Theo sử sách, ông làm lời thông luận cho bộ “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi; bình chú, phê điểm cho bộ “Việt âm thi tập”. Phan Huy Chú từng nhận xét về Tử Tấn: “Ông tiêu dao ở các chức nhàn tản, là bậc nhà nho có tuổi thời bấy giờ. Thơ ông chuộng giản dị, phần nhiều có ý thơ cổ”.

Thơ, phú Lý Tử Tấn có thể coi như là hơi thở của triều đại thời Lê sơ, thời kỳ đầu đậm tinh thần lạc quan, say mê, phóng khoáng, bay bổng. Đó là những ánh hồi quang của chiến thắng oanh liệt đuổi giặc Minh, thể hiện trong các bài thơ: “Hạ tiệp” (Mừng thắng trận), “Quan duyệt võ” (Xem duyệt võ), “Tứ hải nhất gia” (Bốn bể một nhà), “Sơ thu” (Đầu thu), “Lý Tử Tấn đề Ức Trai bích” (Lý Tử Tấn đề vách nhà Ức Trai), “Tạp hứng”(2 bài). Đặc biệt là 2 bài phú: “Chí Linh sơn phú” và “Xương Giang phú”. Thời kỳ sau nghiêng về “cái tôi” với lý tưởng sống thanh cao, trong sáng, đạm bạc, hay nói đến “lạc tính thiên” (vui với tính trời), thoáng một chút buồn, cô đơn, ưu thời, mẫn thế.

Là nhà thơ có quan điểm sáng tác riêng, nghiêm túc, bám sát vào đặc trưng thể loại, Lý Tử Tấn có những nhận xét rất đáng chú ý: “Phép làm thơ khó lắm thay! Thơ luật chỉ có 56 chữ, thơ tuyệt cú chỉ có 28 chữ, mà đủ mọi thể cách. Muốn thơ cổ kính, thanh đạm thì lại gần với thô; muốn đẹp đẽ, phong phú thì lại gần sự lòe loẹt; hào phóng thì dễ buông thả, thật thà thì dễ quê mùa. Cho nên lời ý giản dị đầy đủ, mạch lạc thông suốt, chất phác mà vẫn nhã, mới lạ mà không trúc trắc, trung hậu nhưng không thô kệch, cao siêu mà vẫn ôn hòa, đó là những điều rất khó có thể đạt được”(Tựa sách“Việt âm thi tập”). Đặt đối tượng (thơ) vào các phạm trù đối lập để làm bật ra cái mục đích, yêu cầu cao; sâu sắc về triết học; nghiêm khắc về thể loại, để tránh thứ thơ dễ dãi, mòn sáo (thời nào cũng có). Rất tiếc, quan niệm này hôm nay chưa được quan tâm đúng mức!

Thơ trung đại nói chung hay viết về thiên nhiên, thơ Lý Tử Tấn cũng vậy, tuy không đặc sắc nhưng vẫn có nét riêng. Đó là một không gian trong trẻo, yên tĩnh, nhẹ nhàng. Phảng phất một chút Thiền, thêm một chút Nho, êm đềm, thư thả. Như trong bài “Hạ dạ tảo khởi”: “Tiếng chuông thưa điểm từ chùa xa vọng qua bức tường ngắn/ Trăng tàn trên ngọn núi lẻ loi in bóng xuống mặt ao/ Ngọn cây, hạt móc rơi, tiếng gà gáy sáng/ Ngoài trời mây khắp, khí nóng đã mát” (Đêm hè dậy sớm).

Vẫn thi pháp cổ điển: “dĩ động tả tĩnh”, tả tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy, âm thanh “hạt móc rơi” nói tới không gian tĩnh mịch về sáng. Nhưng có nét mới ở câu 3 với sự trùng điệp của các hình ảnh xếp chồng lên nhau để kiến tạo mô hình không gian ba chiều: cao (trăng), thấp (ngọn núi), sâu (ao). Các hình tượng thơ vận động xuôi theo chiều trôi của thời gian từ đêm khuya về sáng. Hình ảnh thơ và cấu tứ kiểu này có trong thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh sau này. Thơ tĩnh mà vẫn có động. Một chút lắng gợi. Một chút xôn xao. Đậm bản sắc Việt.

image003.jpg -1
Trường THPT Lý Tử Tấn - huyện Thường Tín - Hà Nội.

Bài “Hạ nhật” cho thấy Lý Tử Tấn chịu ảnh hưởng thơ Nguyễn Trãi: “Hoa lựu nở sân nhà, cỏ mọc bờ ao/ Lầu gác trên nước, không bụi bặm, ngày hạ dài/ Lớp lớp rêu phong mưa sáng đã rửa sạch/ Bóng hòe âm âm rủ màn, gió trưa mát/ Tỉnh mộng, vài tiếng chim kêu lọt vào cửa sổ/ Ngày dài, nén hương thơm cháy đã tàn/ Lưu khách lại, có trà dùng trà, có dưa dùng dưa/ Giàu sang mây nổi chẳng bận lòng lo tính” (Ngày hạ).

Nhưng vẫn khác, thơ Ức Trai buồn sâu thẳm, cứ như có tiếng thờ dài; thì thơ Tử Tấn toát lên một nhân cách trong sáng, hòa vào thiên nhiên, nhẹ nhàng, thư thái, giản dị, bình dân, quý trọng bạn hữu, coi nhẹ hư danh, cho thấy một “cái tôi chủ thể” an lành, hạnh phúc. Soi vào đời tư, quả thật, ông là người tài năng và có cả may mắn, không gặp những bi kịch, mất mát lớn. Phải chăng vì thế này mà người đời sau chưa chú ý đúng mức đến thơ ông?

Bài thơ “Nguyễn Tử Tấn đề Ức Trai bích” (Nguyễn Tử Tấn đề vách nhà Ức Trai) được nhắc đến nhiều hơn cả: “Lòng hương chọn chỗ há tình cờ/ Thành thị riêng bày một cảnh thơ/ Lễ độ ung dung nhân nghĩa giữ/ Kính nhường đi đứng tính tình ưa/ Lại về, sân đất trơ màu cỏ/ Khách đến, rào che bốc khói trà/ Xong việc đốt hương ngồi lặng lẽ/ Phiếm đàn, nét họa tháng ngày qua” (Trần Thanh Mại dịch). Một bức chân dung bằng thơ ngắn gọn, tinh tế, thần thái, sinh động. Trong những tác phẩm, luận bàn, nhận định cùng thời về Nguyễn Trãi, có thể coi bài thơ này khái quát một cách cao nhất tính cách, ứng xử, hoàn cảnh, tâm trạng của đại thi hào Nguyễn Trãi ở thời điểm ẩn cư.

Ngày 3/11/1427 nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt 7 vạn quân Minh, bắt sống các tướngThôi Tụ, Hoàng Phúc... Chiến thắng vĩ đại đi vào văn chương để rồi được vĩnh cửu hóa, bất tử hóa như một mốc son của lịch sử giữ nước vĩ đại. Riêng một “Xương Giang phú” đủ đưa tác giả Lý Tử Tấn vào hàng ngũ những Danh nhân văn hóa của dân tộc. Sau khi bị thua thảm hại ở Tốt Động - Chúc Động, thành Đông Quan và các thành lũy khác bị vây chặt, vua Minh sai Liễu Thăng, Mộc Thạnh đem quân sang cứu viện. Vượt biên vào tới Lạng Sơn thì Liễu Thăng bị chém chết... Quân ta thế mạnh của nước “đê vỡ” cuốn trôi hàng vạn con kiến quân Minh…

“Xương Giang phú” như một biên bản lịch sử bằng thơ ghi lại cảnh giặc Minh xâm lược: “Bọn cuồng đồ kia/ Lại kéo tràn sang/… Quân đông như kiến/ Khoe bộ hùng cường/ Lấn, cướp, phá phách/ Dông dỡ, ngang tàng…”. Đồng thời khái quát những chặng đường đầy gian nan và đầy vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn, bắt đầu với: “Quân có một toán/ Đất có một thành...” đến “khi nghĩa quân lớn mạnh, thế tựa chẻ tre” với uy vũ tầm vũ trụ của: “Sấm vang chớp nhoáng…”. Để rồi: “Bốn cõi mây mờ quét sạch/ Giữa trời ánh sáng huy hoàng”. Tác phẩm có một tinh thần duy vật biện chứng đề cao yếu tố con người, nhấn mạnh đến “đức công” là nhân tố quyết định - nguyên lý chiến thắng. Đấy cũng là truyền thống, là hạt ngọc tỏa sáng chân lý và đạo lý của văn hóa giữ nước Việt Nam: “Có đức công mới lớn/ Có người đất mới linh/ Giữ nước không cốt ở hiểm yếu/ Giữ dân không cốt ở hùng binh”.

Với tài năng và những đóng góp văn hóa lớn lao như vậy, Lý Tử Tấn xứng đáng được hậu bối đánh giá cao hơn. Nhưng những gì hôm nay nghiên cứu về ông quả chưa tương xứng, ngay tên các con đường, các trường học, địa danh… mang tên nhà văn hóa này cũng còn quá ít ỏi!

Nguyễn Thanh Tú
.
.
.