Lê Minh Quốc - Trương Nam Hương, đôi bạn thơ và vùng hoài niệm
Mấy lần vào TP Hồ Chí Minh công tác hay tư tác nếu hẹn hò nhà thơ Trương Nam Hương "cà phê, cà pháo", tôi đều được gặp nhà thơ Lê Minh Quốc. Lúc thì đi hai xe, lúc thì người nọ chở người kia. Dần dà tôi biết hai người ở gần nhau. Hơn thế, cùng là đồng môn, tri âm, tri kỷ ngoài đời.
"Thời sinh viên hai đứa cùng phòng, học cùng lớp, cùng trường; hiện nay, cả hai có nhà cùng phường, cùng quận", nhà thơ Lê Minh Quốc tiết lộ điểm chung đầu tiên giữa hai người. Không chỉ café sáng, đã có lần chúng tôi cùng hẹn nhau ăn sáng ở Phở Dậu, 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đây là quán phở "nức tiếng" Sài Gòn.
Có đận khi mọi người ăn xong chuẩn bị kéo nhau đi café thì Lê Minh Quốc mới đến. Vừa ăn, anh vừa mách tôi, thời trước năm 1975, nhiều chính khách, văn nghệ sĩ nổi tiếng thường ăn sáng ở đây. "Tui và Trương Nam Hương cùng có sở thích ăn sáng ở phở Dậu", Lê Minh Quốc nói. Tôi thầm nghĩ: "Sành điệu, sành ăn quá cha nội?". Hóa ra đó là cái cách anh ẩn ý "khoe" điểm tương đồng kế tiếp giữa anh và Trương Nam Hương.
Quen Trương Nam Hương và Lê Minh Quốc tôi rút ra quy luật, nếu hẹn hò mình đến trước, chờ bạn nhưng không được cho phép mình sốt ruột. Hai ông "tướng" này có thói quen khi đi xe máy với tốc độ… 10km/giờ. Trên đường phố Sài Gòn nhộn nhịp, nếu bạn nhìn thấy có người đang đi xe máy rất chậm, bỗng dưng đột ngột dừng xe, lấy từ trong túi cuốn sổ tay nhỏ, hý hoáy ghi chép rồi ngửa mặt cười, lại phóng xe đi! Rồi lại cứ như thế dăm ba lần nữa. Đích thực chỉ có thể hai "lão gàn" này. Nguyên nhân không hẳn cẩn thận mà vừa đi đường vừa lẩm nhẩm làm thơ. Nhiều bài thơ của cả hai đã "viết" bằng cách này.
Đầu tháng 6 năm nay, gặp lại đôi bạn này tại quán Blue cạnh Khách sạn Tân Sơn Nhất; mừng vì cả hai nhà thơ cùng ký tặng sách "Tình thơ một thuở"(NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2023) - tập thơ in chung 3 nhà thơ nữa. Mỗi tác giả 9 bài thơ cùng 2 phụ bản bản nhạc do các nhạc sĩ phổ thơ mình.
Trương Nam Hương chọn đưa vào tập "Tự khúc cho em", "Sau lưng mùa hạ cũ", "Xa lắc mùa thu", "Ký ức giảng đường", "Quán thời gian", "Tặng những mùa xưa", "Mùa gọi", "Chiều Đà Lạt", "Hoa vàng một thuở". Lê Minh Quốc giới thiệu "Dạ thưa", "Sinh nhật", "Hoan hô xe đạp", "Tình mù", "Bài ca từ biệt", "Em giấu nơi nào", "Tự hỏi", "Khi gần mười bảy", "Phở Bắc".
Trương Nam Hương là người chung thủy với thơ, ngoài thơ anh không viết thể loại nào khác. Từ năm 1990 đến nay anh đã in 12 tập thơ và là một trong những tác giả tài hoa. Nói điều này, hẳn được công nhận, bởi từ năm 1989, lúc 26 tuổi Trương Nam Hương đã được Giải thưởng Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; năm 1991, lúc 28 tuổi anh đã nhận được Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Trương Nam Hương còn là người dịch thơ, năm 1994 anh từng đươc giải Nhì thơ dịch của Tạp chí Văn học nước ngoài với bài "Lá rơi" của Nikolay Mikhaylovich Rubtsov.
Với nhà thơ Lê Minh Quốc, từ năm 1989 đến nay anh đã in 14 tập thơ và trường ca; ngoài ra còn nhiều tác phẩm ở các thể loại khác như tiểu thuyết lịch sử, biên khảo, tùy bút, bộ công trình nghiên cứu về Tiếng Việt.
Giữa đôi bạn này có những câu chuyện thú vị về thơ. Lê Minh Quốc kể rằng, khi mới vào đại học, năm 1983, cả hai cùng ký "hợp đồng"… thi đua ai trước nhất có in thơ trên Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Không ngờ nhà thơ Chim Trắng đã chọn in thơ của cả 2 trên cùng một trang báo cùng một số báo. Điều này đã khiến các bạn gái học cùng trường cực kỳ… ngưỡng mộ!
"Khi ra trường, thi môn tiếng Nga, cả hai cùng dịch nguyên bản bài thơ "Tôi yêu em" của thi hào Puskin. Quốc chọn thể thơ truyền thống dân tộc, Hương chọn thể thơ ngũ ngôn, giảng viên tiếng Nga là cô Thu Dung đã chấm cho cả hai cùng điểm 10", Lê Minh Quốc nhớ lại, bảng lảng hồi ức.
Đọc những bài thơ từ tập "Tình thơ một thuở" như "Ký ức" dành cho nhân vật H, ta sẽ thấy sự rung động chân thành. Gặp Trương Nam Hương ngoài đời, hẳn ai cũng nhận ra yêu sớm và "bị" yêu sớm bởi tài hoa, nói chuyện duyên... những rung động đầu đời:
...
Thuở hoa cúc vu vơ, thời cánh me ngơ ngác
Em nhìn ai xanh biếc lá sân trường
Ta đứng lẫn giữa bao nhiêu bè bạn
H. Thiên thần đâu biết có anh thương!
(Ký ức giảng đường)
Và đây, là những đam mê trong trẻo của Lê Minh Quốc:
...
Mối tình của tôi là con dế gáy
Trong buổi sáng tinh khôi
Em thức dậy
Vừa soi gương nhìn hoa nở trong vườn
Tôi đứng yên và rụt rè huýt sáo
Tâm hồn thơm như áo mới trong rương
(Khi gần mười bảy tuổi)
Nói về tình yêu thời sinh viên, giữa Lê Minh Quốc và Trương Nam Hương có câu chuyện thú vị là cả hai cùng yêu hai cô bạn thân, cuối cùng… nói như nhà thơ Hoài Anh: "Mỗi thằng một nỗi trớ trêu/ Mỗi thằng có một người yêu phụ mình". Sau này khi cưới vợ cả hai cùng ôm mâm quả cưới cho nhau. Lê Minh Quốc ôm quả cưới cho Trương Nam Hương, ngược lại, Trương Nam Hương ôm quả cưới cho Lê Minh Quốc.
Nhà thơ Trương Nam Hương kể rằng, hồi anh và Lê Minh Quốc học cùng lớp tại trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (1983 - 1987), nay là Trường Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Thời gian học, cả hai cùng ở chung Ký túc xá, cùng ở phòng số 6, cùng ngủ giường tầng. Hương nằm tầng trên, Quốc nằm tầng dưới. Thời đó, bạn học đồng khóa gọi phòng này là phòng dành cho "người điên", vì ngẫu nhiên trùng hợp với số phòng của nhân vật người điên trong một truyện ngắn nhà văn Nga Anton Pavlovich Chekhov.
Năm 1987, đôi bạn Lê Minh Quốc - Trương Nam Hương chia tay giảng đường. Khi ra trường, cả hai cùng ở lại TP Hồ Chí Minh để thực hiện ước mơ được làm báo. Trương Nam Hương về NXB Công an nhân dân, rồi Báo An ninh Thế giới (nay là ấn phẩm chuyên đề của Báo Công an nhân dân); Lê Minh Quốc về Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho đến lúc nghỉ hưu. Cả hai cùng viết về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Năm 2017, khi Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống (1957 - 2017), Nhà trường chọn 60 nhân vật tiêu biểu để vinh danh, cả Lê Minh Quốc và Trương Nam Hương đều được chọn. Đó là niềm tự hào của thế hệ sinh viên năm tháng ấy.
Thơ Trương Nam Hương bảng lảng, hoài niệm; thơ Lê Minh Quốc cá tính, suy tư. Cả hai đều là những gương mặt thơ tạo được xu hướng, phong cách. Năm học 2023 - 2024, có niềm vui chung giữa hai nhà thơ là thơ các anh đều được chọn làm đề thi tuyển sinh lớp 10. Thơ Lê Minh Quốc do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh chọn, thơ Trương Nam Hương do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai chọn. Ngẫu nhiên, môn thi Văn cùng diễn ra trong ngày thi là 6/6/2023.
Hai nhà thơ Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương đều tham gia nhiều khoá Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Đôi bạn thơ hiện sống cùng phường, cùng quận tại TP Hồ Chí Minh. Họ đều say mê văn học Nga.
Họ vẫn café, ăn sáng với nhau hàng ngày, quan trọng hơn là suốt 40 năm đôi bạn thơ này đã chia sẻ cùng nhau niềm vui, nỗi buồn; nhân lên và lan tỏa những cảm xúc tích cực, hướng thiện của thi ca.
Hà Nội, ngày mưa 4/8/2023