Huy Cận sửa thơ

Thứ Sáu, 02/02/2024, 10:38

Huy Cận là một trong những nhà thơ rất khó tính trong việc sáng tác. Ông viết ra một bài thơ không lâu, có khi chỉ ít phút nếu cảm xúc dồi dào; nhưng đẽo gọt, tu chỉnh cho hoàn thiện thì mất rất nhiều thời gian, có khi cả tháng. Tôi chứng kiến và nhớ mãi mấy lần ông sửa thơ.

Huy Cận (1919 - 2005) là nhà thơ lớn, cùng với Xuân Diệu là hai thi sĩ chủ chốt của phong trào Thơ Mới (1932-1945). Những tập thơ nổi tiếng của ông là “Lửa thiêng”, “Vũ trụ ca”, “Kinh cầu tự” (trước Cách mạng Tháng 8), “Trời mỗi ngày lại sáng”, “Đất nở hoa”, “Bài thơ cuộc đời”, “Chiến trường gần đến chiến trường xa” (sau hòa bình năm 1954), “Hai bàn tay em” (tập thơ dành cho thiếu nhi)...

Huy Cận sửa thơ -0
Nhà thơ Huy Cận.

Ngoài tư cách một nhà thơ lớn, ông còn là chính khách với chức Bộ trưởng Bộ Canh nông ngay từ năm 1946 khi mới 27 tuổi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đại biểu Quốc hội nhiều khóa, viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ thế giới. Ông được tặng Huân chương Sao vàng và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên.

Huy Cận là một trong những nhà thơ rất khó tính trong việc sáng tác. Ông viết ra một bài thơ không lâu, có khi chỉ ít phút nếu cảm xúc dồi dào; nhưng đẽo gọt, tu chỉnh cho hoàn thiện thì mất rất nhiều thời gian, có khi cả tháng. Tôi chứng kiến và nhớ mãi mấy lần ông sửa thơ.

Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi làm việc ở Báo Văn hóa - Nghệ thuật (cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa - Thông tin cũ) có trụ sở ở số nhà 26 phố Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội). Huy Cận sống ở ngay bên cạnh, tức số nhà 24 phố này. Một lần, vào khoảng tháng 12 dương lịch, chúng tôi đang chuẩn bị số báo Tết Nguyên đán thì tôi được đồng chí Tổng Biên tập Mai Thúc Luân gọi vào phòng làm việc của ông. Vào, tôi thấy ông đang tiếp nhà thơ Huy Cận. Tổng Biên tập hỏi tôi:

- Chắc Nguyễn Đình San đã biết nhà thơ Huy Cận?

Tôi chào nhà thơ lớn. Ông Luân giới thiệu tôi với nhà thơ:

- Còn đây là anh Nguyễn Đình San, nhạc sĩ, biên tập trang nghệ thuật của báo.

Rồi Tổng Biên tập nói với tôi:

- Báo ta lâu nay chỉ đăng ca khúc chứ không đăng thơ, truyện. Nhưng năm nay, nhà thơ Huy Cận có một chùm thơ ngắn về mùa xuân, mình thấy hay nên phá lệ. Vậy cậu chịu trách nhiệm lo phần thơ, chọn thêm các bài hay khác nữa cho đủ một trang. Vì là số Tết nên cậu lưu ý chọn thơ phải hay, lại của những nhà thơ nổi tiếng một chút.

Huy Cận nói luôn:

- Phải ưu tiên chất lượng lên hàng đầu. Chứ nổi tiếng mà dở thì cũng chẳng nên đăng. Phải từ xa lạ rồi mới thành nổi tiếng được chứ. Ngay chùm thơ của mình, các ông thấy dở thì cứ nói, chớ đăng, để mình đưa thêm cho các ông chọn. Nổi tiếng mà thơ dở, cho đăng thì chỉ làm mất uy tín của nhà thơ mà thôi.

Cầm chùm thơ ngắn 3 bài của Huy Cận do Tổng Biên tập đưa, tôi về đọc lại để soát xét chữ nghĩa, dấu má cho chuẩn xác chứ không nghĩ nhiều về chất lượng vì dù thế nào Tổng Biên tập cũng đã “ô-kê”. Tôi cũng phải gấp rút lo thêm gần chục bài thơ nữa cho đủ một trang báo vì sắp hết hạn nộp bài để Thư ký tòa soạn lên trang.

Mấy hôm sau, Huy Cận lại sang gặp tôi yêu cầu sửa lại vài chữ ở cả 3 bài. Tôi thấy ông sửa đúng là hay hơn trước. 2 bài ông sửa một hai chữ, 1 bài ông cắt hẳn đi một khổ. Tôi nộp cho Trưởng ban Biên tập. Khi báo đã, lên khuôn, chỉ còn đưa xuống nhà in thì Huy Cận lại sang gặp tôi lần thứ hai, yêu cầu để ông sửa tiếp. Lần này ông chỉ sửa một từ ở một bài. Tôi thấy hơi phiền vì việc biên tập coi như đã khép lại, bây giờ lại dở dói ra. Chưa biết chừng báo đã chuyển xuống nhà in cũng nên. Hơn nữa, lần này tôi thấy ông thay chỉ một từ nhưng cũng không thật đích đáng, không hơn trước nhiều. Tất nhiên, tôi không thể nói với ông như vậy mà chỉ nói:

- Thưa anh, để em hỏi xem báo đã chuyển xuống nhà in chưa đã. Nếu chuyển xuống rồi thì đành chịu.

Tôi không ngờ ông nói:

- Nếu chuyển xuống rồi thì cho mình biết in ở đâu để mình xuống tận nơi. May ra còn phải xếp hàng chờ. Chỉ đành phải chịu khi báo đã in.

Huy Cận sửa thơ -1
Nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Ngô Thế Oanh (bên trái). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Như vậy có nghĩa là ông quyết tâm sửa bằng được. Tôi đành chiều mà nói ông chờ để tôi hỏi xem báo đã đưa xuống nhà in chưa. May quá, vẫn chưa chuyển xuống nhà in. Ông rất vui khi được thỏa mãn nguyện vọng.

Từ đó, cứ đến số Tết là Báo Văn hóa – Nghệ thuật lại đăng thơ và tôi được trao nhiệm vụ biên tập.

Đó là lần thứ nhất Huy Cận tự sửa thơ mình. Lần thứ hai cũng là những năm 1980 - 1981 gì đó, tôi không nhớ thật rõ. Tôi được nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi khi đó là người làm chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam (phát vào 22 giờ đêm chủ nhật hằng tuần) mời đến ngâm mấy bài thơ trong đó có bài “Quạt cho con ngủ” của Huy Cận. Nhà thơ lớn cũng được anh Vợi báo cho biết và đã đến dự. Ngâm xong lần thứ nhất, tôi ra khỏi phòng thu nghỉ vài phút để ngâm lại lần thứ hai thì Huy Cận đề nghị sửa lại 2 câu đầu tiên: “Con ngủ đi con, bố nằm bố quạt/ Bố viết bài thơ vừa nghĩ ban chiều” thành “Con ngủ cho ngoan, bố nằm bố quạt/ Bố nghĩ bài thơ vừa đến ban chiều”. Ông nói rằng trước hết mấy chữ “con ngủ đi con” quá bình thường, chỉ là lời bố dặn con. Sửa lại là “con ngủ cho ngoan” hay hơn, tình cảm hơn. “Ngoan” lại có vần với “quạt”. Câu sau: “Bố viết bài thơ” không ổn. Đang nằm quạt cho con ngủ thì viết thế nào? Tôi ngâm đúng theo văn bản. Huy Cận sửa tại chỗ, ngay sau khi nghe tôi ngâm mà trước đó, ông không nghĩ ra. Mọi người từ biên tập viên, người ngâm thơ đến các công nhân thu thanh đều thấy ông sửa lại chuẩn hơn.

Bài này trước đó, NSND Trần Thị Tuyết đã ngâm. Huy Cận khen chị Tuyết ngâm rất hay, ngọt ngào, chải chuốt nhưng nghe tôi ngâm thì thính giả rất xúc động, có cảm giác như cảnh “gà trống nuôi con”, có cái gì đó tội nghiệp, rất thương.

Kỷ niệm thứ ba về việc Huy Cận sửa thơ diễn ra trước hai lần trên. Lần này ông sửa thơ cho tôi. Đó là khoảng năm 1973. Khi ấy, tôi cư trú ở xóm Khương Trung, lúc đó thuộc khu Đống Đa, Hà Nội (ngày đó gọi là “khu” chứ không “quận” và sau này nơi đây thuộc quận Thanh Xuân). Tôi có người bạn, hàng xóm thân thiết là Cù Huy Chử - em ruột nhà thơ Huy Cận. Anh Chử lúc đó là giáo viên dạy văn một trường cấp 3 ở Hà Nội. Nhà chúng tôi chỉ cách nhau mấy trăm mét nên cứ rảnh là lại sang nhau chơi, đàm đạo về văn chương, thơ phú. Một hôm, đúng lúc đang như vậy thì Huy Cận xuống chơi với chú em. Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với thi sĩ lớn, tác giả bài thơ nổi tiếng “Các vị La Hán chùa Tây phương” mà trước đó chỉ biết ông qua ảnh trên báo chí. Anh Chử giới thiệu tôi và cho anh mình biết tôi cũng đang là giáo viên dạy văn ở một trường đại học.

- Bạn em đây cũng làm nhiều thơ. Nhiều bài khá lắm anh ạ.

Huy Cận nói tôi đọc cho ông nghe một bài nào đó. Tôi xin phép đọc một bài thơ tình ngắn, chỉ có 4 câu vừa sáng tác: “Chiếc hôn khi rụng bên thềm/ Đôi ta cùng cháy một niềm thương đau/ Để rồi hàng triệu năm sau/ Ta còn bỏng vết môi nâu của nàng”. Tôi đọc xong, ông khen:

- Khá đấy. Tứ thơ bạo liệt. Hôn mà rụng bên thềm thì kinh khủng đó. Vết môi nâu cũng độc đáo. Nhưng cậu cần sửa một chữ. Đó là thay từ “niềm” bằng “miền” sẽ hay hơn nhiều. “Đôi ta cùng cháy một miền thương đau” hay hơn hẳn, đúng không? “Niềm thương đau” quá bình thường. “Miền thương đau” thì có ý nghĩa địa lý, không gian. Không biết cái thương đau ấy lan rộng như thế nào.

Tôi thấy ông sửa lại như vậy - chỉ một từ - mà hay. Từ đó, đọc bài thơ này ở đâu hoặc in ở báo nào, tôi đều lấy chữ “miền” của ông. Ai cũng khen bài này hay, có giá trị chính là ở chữ “miền” này. Tôi không thể không khai đó là chữ của Huy Cận chứ không phải của tôi. Quả là một nhà thơ tài năng lớn, chữ nghĩa ông sử dụng luôn rất “đắt”.

Lần gặp ông đến dự buổi thu thanh bài thơ “Quạt cho con ngủ” nói trên, tôi đã kể lại kỷ niệm gặp ông lần đầu ở nhà người em ruột của ông và việc ông sửa cho tôi một chữ. Ông vẫn nhớ và nói:

- Mình nhớ chứ. Cái bài thơ ấy có giọng điệu rất Xuân Diệu. Chắc cậu thích thơ tình của Xuân Diệu nên ảnh hưởng. Thơ tình anh Xuân Diệu bạo ngôn, luôn tới tận cùng của sự mê đắm.

Giờ đây, mỗi khi đi qua số nhà 24 đường Điện Biên Phủ (Hà Nội), tôi lại nhớ Huy Cận với mấy lần sửa thơ thật thú vị như trên.

Nguyễn Đình San
.
.
.