Hồng Lam: Vừa hồng vừa lam
Nếu tôi nhớ không lầm, từ cách đây 25 năm, nhà thơ Trương Nam Hương đã có thơ “vịnh” Nguyễn Hồng Lam: “Một nửa Hồng, một nửa Lam/ Nửa làm ông cụ, nửa làm trẻ con”. Sở dĩ trái ngược như thế vì ở đây tác giả đã “chơi chữ” từ tên nhân vật. Kể ra cũng là một điều thú vị vì nói được tính cách lẫn phong cách viết của một người - từ đó về sau và ngay cả bây giờ.
Với tôi, khi đọc cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu” (NXB Phụ nữ, 2022) của Nguyễn Hồng Lam cũng có suy nghĩ ấy. Trước hết xin nhắc lại, anh đã từng được biết đến với nhiều tác phẩm như truyện ký “Phục Thiện” (1996), “Đường đời trong lòng tay” (1998), “Người Sài Gòn đánh Mỹ” (1999), “Chiếc cầu có đám ma đi qua” (2001), “Người của giang hồ” (2004 - 2009), “Vụ án đồi Hoa Mai” (2005)… đã tạo được ấn tượng trong lòng bạn đọc. Mà, nhiều người đã gọi anh một cách thân thương như định danh “người của giang hồ”. Anh không phải giang hồ nhưng am hiểu thế giới ấy qua trang viết của mình.
Lâu nay, người ta vẫn nói: “Sống rồi hãy viết”, điều này hoàn toàn chính xác. Nếu không có vốn sống, không có chất liệu cuộc đời, không trải nghiệm qua thăng trầm hỉ, nộ, ái ố của trần gian muôn mặt thì trang viết ấy thế nào? Tôi không rõ lắm. Nhưng ở đây, tôi muốn chia sẻ thêm quan điểm khác: “Sống rồi hãy đọc”. Có những cuốn tiểu thuyết, truyện dài… người này thấy hay nhưng người kia lại dửng dưng, vì rằng những vấn đề đặt ra trong cuốn sách đó, anh chưa trải qua, chưa thấu hiểu thì làm sao anh có thể cảm nhận thấu đáo các tình tiết?
Thật ra, trước tôi, nhà văn Nguyễn Hiến Lê cũng cho rằng: “Văn chương là đời sống ghi trên giấy. Và dù thông minh bực nào cũng phải có sống mới hiểu được đời, mới hiểu được văn. Không lịch lãm nhiều thì làm sao tưởng tượng được những cảnh tả trong sách mà thấy nó hay? Không đau khổ nhiều thì làm sao thấu rõ được những tình tiết kể trong truyện mà thấy nó khéo?”. Đoạn này, Nguyễn Hiến Lê viết trong tập “Hương sắc trong vườn văn” (NXB Đồng Tháp tái bản năm 1993, tr.25). Ai nói gì tùy, chứ bản thân tôi đồng tình.
Rõ ràng là thế.
Khi đọc “Bản tình ca khúc khuỷu”, tôi nhận ra có hai gam màu khác nhau. Tạm gọi “hồng” là những trang văn như “Về xứ Bốn ngàn”, “Vu vơ sợi khói đốt thuyền”… Và “lam” là “Bản tình ca khúc khuỷu”, “Hoa hồng nở từ ngục tối” v.v… Hai sắc màu rõ rệt ấy, thú thật do tạng người xưa nay ít thích nhìn sự vật gai góc, tàn khốc, ghê rợn nên bản thân tôi khó có thể thấu cảm. Điều này cho thấy quan điểm “Sống rồi hãy đọc” cũng có cái lý của nó. Vì thế, tôi rất thích những gì mà anh viết nhẹ nhàng mà thơ mộng.
Phải nói rằng, Nguyễn Hồng Lam là người quan sát giỏi và anh rất biết chắt lọc lấy chi tiết đắt giá để qua đó, có thể khái quát vấn đề. Trước đây, khi đọc Sơn Nam, tôi đã thích chi tiết một người bạn về miệt vườn thăm bạn, bạn nhường cho khách bộ gõ trước nhà, có giăng mùng. Đêm hôm khuya khoắt khách bỗng giật mình thức dậy vì nghe có tiếng động, dù rất kẽ. Khách liền mở mắt và nhìn thấy… vợ của bạn đang cầm cây đèn dầu bước tới bộ gõ.
Sao vậy? Tình ý gì đây?
Cô ta rón rén chui vào mùng, chà, khách càng nín thở, giả bộ ngủ ngon chứ không dám lên tiếng. Ngộ nhỡ, cô ta… mắc cỡ thất vọng thì sao? Thiệt khó xử. Thì ra, cô vợ chui vào mùng là để bắt muỗi cho khách đặng ngủ ngon. Xứ này nhiều muỗi, có làm thế khách mới ngon giấc? Giây lát sau, cô quay ra, khách nghe bạn thì thầm: “Bạn quý đó. Muỗi mòng chui vào mùng thì sao mà ngủ”. Chi tiết này rất thú vị, cho thấy tấm lòng hiếu khách của người miền Nam mến yêu.
Nay, Nguyễn Hồng Lam thấy gì? Khi về chơi quê của bạn trên vùng kênh rạch mênh mông, anh kể: “Sau bữa cơm chiều, Út đốt vỏ dừa khô hun khói xua muỗi cho tôi và Hoài ngồi uống trà, nói chuyện với dượng Ba, sau đó rũ chiếu, giăng mùng sẵn cho tôi và Hoài ngủ. Anh Tư không ngủ ở nhà mà vô ngủ coi vườn, tranh thủ giăng câu, đặt trúm đêm kiếm thêm con lươn con cá.
Trước khi đi ngủ, tôi tháo quần áo dài vắt lên dây mùng. Bữa cơm chiều, dượng Ba cho hai thằng cháu "mần đỡ" mấy ly rượu ngâm trái nhàu, chuối hột "cho đỡ đau lưng". Sau tuần trà hơi men vẫn còn bốc, vừa đặt lưng là hai thằng tôi đã ngáy pho pho chẳng biết gì trời trăng mây nước. Sáng bạch mới tỉnh dậy, tôi hết hồn chẳng thấy quần áo của cả hai thằng vắt trên dây biến đi đâu. Thì ra, cô Út gom giặt từ khi hôm, phơi thẳng thớm mé nhà, được gió nên sờ tay vào đã thấy khô se”.
Một chi tiết quá sức cảm động. Rất tính cách người miền Nam.
Lại nữa, thú thật, lần đầu tôi mới biết đến món “mỏ vịt khìa”. Một lối ăn chơi chơi cho đỡ buồn miệng này, nó ra làm sao?
“Ấp ly cà phê ấm nóng giữa 2 lòng bàn tay, tôi thú vị ngồi ngắm Út khìa từng miếng mỏ vịt trong ánh đèn dầu leo lét. Trời ạ, thì ra đu đủ hườm chưa chín, vỏ xanh gọt ra để lộ bên trong màu vàng như mỏ con vịt nên gọi là trái mỏ vịt! Đem dầm nước đường vào thì gọi là mỏ vịt khìa. Vừa lạ lẫm, vừa thân quen, món mỏ vịt khìa xứ Bốn Ngàn, chưa ăn vị ngọt đã lan đầu lưỡi”. Hỡi các nhà đầu bếp chuyên viết sách về hướng dẫn làm bếp, có ghi nhận về món này chưa?
Do lợi thế là nhà báo chuyên nghiệp, Nguyễn Hồng Lam rất biết khai thác chi tiết khiến nhiều người phải ngạc nhiên, thán phục.
Chẳng hạn, xưa nay, nói một cách khiêm tốn là tôi đã có ít nhiều lần tìm đọc tài liệu về khám Chí Hòa, tuyệt nhiên, tôi chưa thấy đề cập đến chi tiết này, một chi tiết rất đỗi bất ngờ mà Nguyễn Hồng Lam đã công bố trong “Người đàn bà chờ”: “Vào cuối tháng 6/1970, cô dâu Quế Hương mang theo cặp nhẫn cưới nhận từ tay mẹ của Nguyễn Ngọc Phương vào trại Chí Hòa thăm anh. Cô dâu đứng ngoài, chú rể vẫn giam thân sau song sắt nhưng họ vẫn đeo nhẫn cưới cho nhau, chính thức thành vợ chồng giữa nhà tù”. Chi tiết này nói lên điều gì? Nếu không là tình yêu son sắt, thủy chung của anh chị lừng danh đã một thời dấn thân trong phong trào sinh viên học sinh tại đô thị miền Nam?
Với nhà văn cần có chi tiết, nhưng không chỉ dừng lại đó mà còn qua đó nói lên một điều gì có tính khái quát hơn. Chẳng hạn, khi anh viết lúc gom lá đốt dưới lưng “nôốc” (thuyền) lúc làm sạch lớp hà, hến đang bám, thuở ấy, còn bé anh “Sợ con thuyền bị đốt đau” nhưng rồi bây giờ anh dẫn tới kết luận: “Đời người cũng vậy thôi, không dám trải đớn đau biết khi nào mới có thể vươn ra xa thẳm”. Một chi tiết khái quát thay đổi một nhận thức.
Trang sách vẫn còn. Các bạn cứ lật sách ra và đọc. Và, còn có những cảm nhận thú vị khác. Đúng như Nguyễn Hồng Lam đã chia sẻ: "Tất cả những nhân vật trong “Bản tình ca khúc khuỷu” mà bạn đang cầm trên tay đều không nổi tiếng. Nhưng với tôi, họ đều là những cuộc đời kỳ vĩ. Cuộc đời, hoặc phần đời im lặng nào đó của họ đã nói rất nhiều điều, nhiều hơn tất cả những gì họ có thể kể, khiến người khác, ít nhất là khiến tôi, đôi khi, phải tự nhủ mình im lặng để mà suy nghĩ. Họ sống như đã sống, sống xứng đáng, vì đơn giản đó đều là những con người đã sống đến kiệt cùng đời họ, đi đến nấc giản dị cuối cùng mà thiên chức buộc họ phải trót mang. Thiên chức ấy có tên chung là ngõ đàn bà. Ở đó, niềm vui thoáng qua, nỗi buồn thì đọng mãi”.
Nếu nói thêm điều gì, tôi nói rằng, Nguyễn Hồng Lam đã may mắn khi gặp/ tìm gặp được nhiều số phận khác nhau, rất đỗi lạ lùng. Để từ đó có vốn sống, gặt hái những chi tiết đắt giá vượt ra ngoài trí tưởng tượng của nhà văn. Thế mạnh của anh còn là ở đó nữa.