Hòn đá bạc
Bước chân ông Đùng (*) từ núi Thiên Nhẫn (qua sông, qua cánh đồng đặt xuống đỉnh núi Kê Quan (**) để lại dấu chân khổng lồ trên Hòn đá bạc. Huyền tích truyền từ đời này qua đời khác được mẹ kể cho tôi nghe thuở ấu thơ.
Cha ông luôn tôn kính Hòn đá bạc mang dấu tích thần thoại như tấm bia giới thiệu địa linh. Hình dấu chân ông Đùng lún xuống đá được thời gian gìn giữ không hề bị hao mòn. Không ai đụng chạm đến Hòn đá bạc, chỉ ngắm nhìn trong sự bí ẩn thiêng liêng. Tạo hóa sắp đặt ẩn cư một vị trí không dễ dàng tìm thấy. Là nơi quen thuộc của trẻ chăn bò lên núi hái sim thường ghé đến viếng thăm như để tìm nguồn sức mạnh.
Cách Hòn đá bạc không xa là Bàn cờ tiên, di tích tiên xuống chơi cờ. Bàn cờ tiên có khắc hình trên phiến đá bằng phẳng nằm giữa thảm cỏ xanh và bạt ngàn hoa sim tím. Cùng dãy núi Kê Quan còn hiện lên một vách đá dựng đứng, trang nghiêm, được truyền là án thư nơi phơi áo của bà chúa. Sau trận mưa, trời hửng nắng, người ta thấy vạt mây trắng im lìm ngủ trên án thư đến chiều tối mới tan. Áo bà chúa phơi đã kịp thu về trước khi hoàng hôn xuống.
Con người gắn bó với địa danh mang theo truyền thuyết, huyền thoại như được sống trong không gian hư thực đầy sức quyến rũ, ám ảnh và mơ mộng.
Một quần thể kiệt tác của thiên nhiên được nuôi dưỡng, biến hóa trong trí tưởng tượng dân gian đã làm nên trầm tích văn hóa một vùng quê.
Thật may mắn cho quê tôi nhận được dấu chân ông Đùng từ phương trời bước tới.
Ông khổng lồ bước trên đỉnh núi cao, những bước đi không biên giới
Ai sinh ra dưới bước đi thần thoại của ông Đùng được thừa hưởng di sản tinh thần dũng khí không lùi bước trong mọi hiểm nguy.
Dân gian sáng tạo ra thần thoại, cổ tích ngay trên quê hương mình, cũng là sáng tạo linh hồn sự vật. Di sản văn hóa tinh thần cha ông tạo dựng cho quê hương cứ thấm mãi trong tâm hồn các thế hệ như mạch nguồn không bao giờ cạn.
Kẻ dò la báu vật, tài nguyên khắp mọi miền đất nước không ngờ có một ngày tìm đến quê tôi. Hòn đá bạc nổi danh đã bị những kẻ giàu có tiền bạc dòm ngó. Rồi Hòn đá bạc bỗng nhiên mất tích. Lòng tham con người khuynh đảo thế giới tự nhiên. Núi Kê Quan ngẩn ngơ nhìn theo Hòn đá bạc không biết lưu lạc ở phương nào?
Tự nhiên tôi thấy ngậm ngùi, nhớ Hòn đá bạc mang dấu ấn lịch sử - tinh hoa của núi Kê Quan cũng phải chịu số phận thiên di. Chắc là dấu chân ông Đùng để lại trên Hòn đá bạc làm mục tiêu cho con người hướng tới đã khiến bản mệnh chuyển lay dù đã định vị nghìn năm!
Nguộc ăn đêm
Nhằm vào lúc nửa đêm về sáng, khi không gian bốn bề vắng lặng mênh mông, người ta thấy giữa lưng chừng núi như ngôi sao từ từ đi xuống rồi đi lên một lúc thì biến mất. Hiện tượng đó phải chờ đến mùa thu mới thấy.
Thuở nhỏ, tôi theo cha ra sân nhìn lên núi với tâm trạng tò mò háo hức, dõi theo một vật sáng như đèn không một phút đứng yên. Người làng gọi một cách thân quen là Nguộc đi ăn đêm. Nguộc đi ăn đêm trên núi Kê Quan.
Núi tự nhiên có tinh thần từ khi có Nguộc mang ánh sáng đến ẩn cư. Người xưa nói, núi không cần cao, núi có tiên ở sẽ trở nên danh tiếng. Tương truyền, trong lòng núi có ngọc (Nguộc) nên phát ra ánh sáng vào đêm. Cả nghìn năm ngọn núi mới luyện được ánh sáng của Nguộc đã cất giữ chờ thời cơ bộc lộ. Núi trong đêm đã lẫn vào đêm, chỉ có ánh sáng của Nguộc dẫn đường. Nguộc truyền đời như một vật sống huyền bí, linh thiêng. Ngọn núi quê nhà in bóng trong tâm tưởng tôi những năm tháng đi xa vừa thực vừa mơ.
Thuở chăn bò trên núi, ngọn lau trắng phất phơ khơi gợi nỗi buồn, nỗi nhớ bâng quơ. Có tảng đá phẳng lì là nơi bạn bè xúm xít vui chơi những giây phút giao du cùng thiên nhiên độ lượng.
Núi về đêm, lại trở thành cổ tích với chòm sao nhấp nháy trên bầu trời cùng với Nguộc cầm đèn đi giữa núi.
Tôi rời làng ra đi năm mười tám tuổi trong bom đạn chiến tranh. Ngày trở về nhìn lên núi Kê Quan, tuổi thơ như gần lắm chưa xa. Núi trò chuyện với tôi về tuổi học trò, tuổi chăn bò cùng bè bạn trong làng. Mùa hoa sim nở tím giữa một không gian trong suốt tiếng ong bay. Tôi chìm trong miên man ý nghĩ. Trong niềm hân hoan không rõ ngọn nguồn, trong tự do cuộc sống, trong mong ước xa xôi, trong khao khát giải phóng năng lượng tinh thần.
Ngẫm lại, nghiệp văn chương cũng từ núi non, sông nước quê hương tạo nên. Cũng là sự ẩn mình của một vùng đất, vùng trời.
Ngọn núi Kê Quan mang trong mình ánh sáng của Nguộc cất lên tiếng hát suối khe băng qua những tảng đá chặn dòng để về cùng biển lớn.
-----------
(*) Ông Đùng (ông Khổng Lồ) trong truyện cổ tích dân gian. Núi Thiên Nhẫn bên sông La, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
(**) Núi Kê Quan (núi Mồng Gà) Triều nhà Nguyễn phong thần Kê Quan sơn, thuộc xã Ân Phú, Sơn Long, Sơn Trà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).