Hồi ức Phi Điểu - cánh chim đã đậu giữa yên bình
Năm cô 12 tuổi, cả gia đình bị địch áp giải đến nơi xử tử. Cô bé nhỏ xíu may trốn thoát bên mé sông. Mới 14, 15 tuổi đã là cô giao liên, đi in, đi dịch mật mã, làm báo... cho Trung ương Cục miền Nam. Đến 17 tuổi thì cô bị bắt ở Campuchia rồi lại đưa về trại giam Thủ Đức. Ít ai biết những dòng trên đang miêu tả tuổi thơ của một nghệ sĩ, đó chính là NSƯT Phi Điểu.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Chương trình “trao đổi tù binh” diễn ra đã giúp cô gái 18 tuổi từ Campuchia được trở về Sài Gòn, nhưng vẫn tiếp tục bị giam thêm 1 năm tại trại Thủ Đức. Lúc này, cô đã có biệt danh là Phi Điểu, không phải như mọi người hay tưởng là đợi đến khi làm nghề diễn viên mới được công chúng thân thương gọi.
Khi còn là một cô giao liên trong kháng chiến, tên thật Nguyễn Thị Phi Phi không còn tồn tại nữa. Hình bóng người cha làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ và nỗi sợ bị rượt bắt mà cả nhà 5 anh chị em đã bỏ bớt đi một chữ trong tên mình, gọn lỏn là Nguyễn Thị Phi. Có một chú trong cơ quan đã đặt cho cô bé cái tên Phi Điểu. Lúc ấy, cô là một liên lạc viên giỏi, đi về thoắn thoắt như… chim, ai cũng biết. Các chú lớn tuổi bảo cô như chim đà điểu. Nó không bay mà chỉ chạy, chạy rất nhanh. Cái tên Phi Điểu có từ đó, theo bà đến tận bây giờ, từ 13, 14 tuổi đến khi đã ngoài tuổi 90!
Ai từng gặp, nói chuyện, nghe giọng của NSƯT Phi Điểu những năm về già cũng tấm tắc khen ở bà có một điều gì đó rất… thanh bình. Giọng bà nhỏ nhẹ, thỏ thẻ như tâm sự. Nhưng ít người biết cuộc đời bà đầy những thăng trầm. Bà hoạt động cách mạng từ Nam bộ đến Campuchia, từ Cơ quan Phụ nữ ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Trung ương Cục miền Nam, từ cơ quan Ngân khố, đến tổ chức quân báo. Bên quân báo bị “bể”, cần người biết tiếng Campuchia, tiếng Pháp sang trợ giúp tổ chức, bà xung phong ngay: “Tui đi, tui biết tiếng, tui làm được”.
Ai nhìn gương mặt rất “thanh bình”, đôn hậu của bà mà cũng nghĩ bà sống một cuộc đời bình an, sung sướng lắm. Nhưng cái sung sướng người ta hay nhắc tới ở một người hay trăn trở như bà, chắc là cái sung sướng khi được làm điều bà muốn, ở mỗi thời đoạn. Bà đã sống như những gì bà mong khát ở cái thời ít người có được sự lựa chọn cho cuộc đời mình.
Sau Hiệp định Geneve, bà được tập kết ra Bắc. Ở miền Bắc suốt 21 năm nhưng trái tim người con Nam bộ không bao giờ nguôi nỗi nhớ nhà. Các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc lúc này, chung quy chỉ có hai thú vui rất… Nam bộ. Thứ thú vui giúp họ tưởng mình ở đây – ngay lòng Hà Nội nhưng vẫn nhớ về cảm thức quê hương, với những mùi hương, cảm giác đong đầy và riêng biệt. Thứ nhất là quán chè xôi nước của bà “Ba Di” ở công viên Thống Nhất. Những ngày lễ Tết hay cuối tuần, ra quán chè hầu như đều là những cán bộ miền Nam, nói giọng miền Nam giữa lòng Hà Nội. Thứ hai, là thức quà tinh thần mang tên “chờ xem cải lương của Đoàn Cải lương Nam bộ”. Dường như thiếu sáu câu vọng cổ, thiếu những điệu hò - xang - xê - xự, những người miền Nam tập kết ra Bắc thiếu đi món ăn đặc sản trót ghiền của quê nhà.
Ngày lên tàu tập kết, sợ ra Bắc sẽ thành xa lạ, sẽ nhiều thương nhớ, ưu phiền. Nhưng bà đã ở Hà Nội 21 năm, cùng Đoàn Cải lương Nam bộ với những cái tên đã “đặt nền móng” đầu tiên cho sân khấu cách mạng như Ngọc Bạch, Tám Danh, Ba Du… NSƯT Phi Điểu “rành” ca múa, nhạc kịch, cải lương âu cũng nhờ có Ba Du dạy bà về ca hát, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bạch là đạo diễn, Tám Danh dạy bà múa… Những câu chuyện mờ nhòe đi trong ký ức và đôi mắt chỉ còn “cọng chỉ” của bà. Nhưng miền nhớ về những năm trẻ trung sống hết mình cho nghệ thuật vẫn lấp lánh qua giọng kể.
Một điều lấp lánh khác không thể không nhắc tới là tình yêu của bà với cố nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ lừng danh với những ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, “Thành phố của tôi”, “Em ở nơi đâu”, “Bài ca cho em”.... Người bây giờ đã xa vĩnh viễn nhưng vẫn còn mãi trong những câu chuyện kể của bà. Vợ chồng bà sống xa nhau biền biệt vì chiến tranh. Con xa mẹ, vợ xa chồng, 2 vợ chồng mỗi người xây dựng “niềm đam mê” ở một nơi khác nhau, một vùng đất khác nhau. Sự gắn kết về mặt tâm tưởng nhưng xa vời về địa lý trong một khoảng thời gian quá dài đã làm cho NSƯT Phi Điểu đùa vui khi nhắc đến nhạc sĩ Phan Nhân rằng, ông đã sáng tác hơn 20 ca khúc suốt 85 năm tại trần thế song không có bài ca nào… dành cho bà!
Thật ra, ai cũng biết lời ca lãng mạn xưa: “Một bài ca thiết tha riêng tặng em/ Một bài ca từ trái tim luôn yêu đời/ Luôn mơ ước yêu thương con người/ Yêu Đất Nước và yêu em” (Bài ca cho em, 1972) là Phan Nhân riêng tặng cho bà. Bà vẫn thuộc làu làu khi có ai đó nhắc đến, với tất cả niềm nhung nhớ người bạn đời.
Bà kể đám cưới của bà và cố nhạc sĩ Phan Nhân được tổ chức đơn sơ đến ngỡ ngàng. Những năm đó, người tổ chức đám cưới cho bà và ông không phải là gia đình, cũng không phải bạn bè. Ông mai bà mối là những chú bác, người anh, người chị ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Đám cưới, cô dâu và chú rể đều mặc đồ bộ đội, không váy, không vest, không hoa cưới. Mọi thứ chỉ gói gọn trong vài lời chúc phúc, uống nước vối, ăn kẹo, cắn hạt dưa. Nơi tổ chức đám cưới còn phải… mượn nhà ở bên cạnh trại hòm! Nhưng biết sao được, với cánh chim “Điểu” kia, thứ bà vẫn nhớ đến bây giờ chính là tình yêu, tình tri kỷ giữa bà và cố nhạc sĩ Phan Nhân cùng tất cả tình yêu của mọi người đã dành cho bà…
Suốt bao nhiêu năm hoạt động cách mạng, về sau, bà công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam rồi Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, huy chương, bằng khen của bà và của cố nhạc sĩ Phan Nhân nhiều vô kể, xếp đầy trong tủ kính. Nhưng ai nhìn vào cái tủ kính đó cũng thấy phía đầu tủ, trên tất cả những huy chương, bằng khen, vật kỷ niệm của tuổi xuân và quá khứ - chính là tấm hình được đóng khung kỹ càng của cố nhạc sĩ Phan Nhân, bên cạnh bức tranh của ông. Hình ảnh chụp một góc mặt của người chồng quá cố, cùng nụ cười ôn hòa, hiền hậu trong tấm ảnh đã nói lên rất nhiều những thương nhớ sâu nặng của vợ. Nhiều người nói người đã chết sẽ xa, mãi mãi xa. Nhưng đối với NSƯT Phi Điểu, mỗi khi có việc gì cần ra khỏi nhà, bà đều “báo cáo” với ông và trò chuyện cùng bức hình của ông mỗi ngày. Những câu chuyện bà vẫn kể ông nghe đã trở thành thói quen, một “tệp đính kèm” trong ngày dài của bà, trong công việc, trong đời sống, trái tim và hơi thở… mà không cần biết trong bức hình kia “ông có ừ hử” gì không!
Khi tìm hiểu về cuộc đời của NSƯT Phi Điểu, tôi có thêm một bất ngờ nữa, bà còn chính là giọng đọc “bất hủ” của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh trong nhiều chuyên mục như “Chuyện đêm khuya”, như “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…” đã thành thân thuộc và sống mãi. Thì ra những miền ký ức vẫn ở đó, sống động và long lanh như đôi mắt của bà. Đôi mắt của vẻ thanh bình tuổi già, nhưng chan chứa tất cả những nhiệt huyết của cánh “Điểu” một thời sải bay trong bom đạn.
Năm 1997, bà 64 tuổi, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Nhiều người thắc mắc tại sao thêm gần 30 năm nữa, vẫn gắn bó với nghề diễn, cống hiến nhiều cho nghệ thuật nước nhà nhưng bà vẫn chưa được… “lên chức” Nghệ sĩ Nhân dân? NSƯT Phi Điểu không cho tôi một câu trả lời bình thường. Bà, một nghệ sĩ 90 tuổi dường như chẳng quan tâm đến danh hiệu, chỉ đau đáu, trăn trở làm sao để giữ gìn đạo đức, hình ảnh của một người nghệ sĩ trước công chúng. “Tôi sẽ là một NSƯT đến suốt đời, có lẽ là đến lúc nhắm mắt. Tôi không làm đơn xét duyệt NSND”. Tuổi gần đất xa trời, bà vẫn hết mình đóng phim miễn phí, dạy cho sinh viên làm nghề, làm từ thiện trong thinh lặng, vẫn tự chạy xe máy đi diễn… Bà đã trở thành “bà mẹ, bà ngoại quốc dân” trong trái tim biết bao thế hệ người Việt. Vậy thì, mọi danh hiệu còn cần chi nữa?