Kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022)

Hai vị tướng với chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Thứ Năm, 15/12/2022, 10:42

Đối với cá nhân tôi, có hai vị tướng đặc biệt mà tôi từng được gần gũi, gặp gỡ và viết sách về các ông. Người thứ nhất là Thượng tướng Phùng Thế Tài - người được Hồ Chủ tịch sớm giao nhiệm vụ, Bác đã nói: "Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua". Bác còn nói thêm: "Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị".

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một chiến thắng mang tầm vóc lịch sử lớn lao. Trong tháng 12 lịch sử, đã diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Đối với cá nhân tôi, có hai vị tướng đặc biệt mà tôi từng được gần gũi, gặp gỡ và viết sách về các ông. Người thứ nhất là Thượng tướng Phùng Thế Tài - người được Hồ Chủ tịch sớm giao nhiệm vụ, Bác đã nói: "Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua". Bác còn nói thêm: "Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị".

Người thứ hai là Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích (ông tên thực là Phùng Quang Bích). Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích quê tại Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Ông tham gia Cách mạng ngày 20 tháng 8 năm 1945, là Đại đội trưởng Giải phóng quân Hà Nội. Khi thực dân Pháp núp bóng quân Anh trở lại xâm lược Nam bộ, ông tham gia đoàn quân Nam tiến vào chiến đấu tại chiến trường Nam Trung bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông giữ nhiều cương vị chỉ huy Bộ đội pháo binh, pháo phòng không và sau đó đảm đương cương vị Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, trực tiếp tham gia tổ chức đánh B.52 trong Chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Nếu như Thượng tướng Phùng Thế Tài nổi tiếng và nhiều giai thoại thì Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích cũng nổi tiếng với sự quả cảm, can trường với thành tích chiến đấu đặc biệt xuất sắc khi ông chỉ huy lưới lửa phòng không trực tiếp đánh máy bay Pháp tại Mặt trận Điện Biên Phủ và đánh máy bay Mỹ tại các tuyến đường thuộc Đoàn 559 Trường Sơn huyền thoại.

Năm 1954, Trung đoàn 367 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình binh chủng hợp thành. Khi ấy, Trung đoàn trưởng Lê Văn Tri đang phụ trách đoàn cán bộ huấn luyện ở Trung Quốc; Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Nguyễn Quang Bích được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị về nước chỉ huy Trung đoàn 367 tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ. Mới ở tuổi 30, ông đã chỉ huy một trung đoàn pháo cao xạ lần đầu xuất quân với hai tiểu đoàn, giống như hai gọng kìm, kẹp và khống chế địch ở trung tâm Mường Thanh. Hai tiểu đoàn với số lượng pháo cao xạ ít ỏi, đối đầu với hàng trăm máy bay hiện đại các loại của thực dân Pháp.

Trong ký ức rất nhiều đồng đội của ông, suốt chiến dịch, Nguyễn Quang Bích luôn là người chỉ huy xuất sắc trong mọi thời điểm. Tính cách quyết đoán, nghiêm khắc, sáng tạo của ông là yếu tố quan trọng, là động lực tinh thần to lớn thôi thúc cán bộ, chiến sĩ chiến đấu và chiến thắng. Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 52 máy bay địch.

phung-quang-bich.jpg -0
Thượng tướng Phùng Thế Tài và thiếu tướng Nguyễn Quang Bích.

Đó cũng là một kỳ tích mà những người chiến sĩ lập được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Trong Chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", thật kỳ diệu, Nguyễn Quang Bích lại được trực tiếp tham gia chỉ huy đánh bọn giặc trời tối tân hiện đại. Mười hai ngày đêm tháng Chạp năm 1972, ông được phân công trực chỉ huy tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông luôn trực tiếp có mặt ở những giây phút cam go nhất chỉ huy bộ đội Phòng không - Không quân đánh B.52 cùng với Tư lệnh Lê Văn Tri và Chính ủy Hoàng Phương. Chính những nhận định sắc sảo và kinh nghiệm chiến đấu dày dặn của mình, ông đã nhận định và tham mưu chuẩn xác để quân và dân ta chiến thắng kẻ thù.

Ông chia sẻ với cánh báo chí chúng tôi: "Qua theo dõi máy bay trinh sát của địch, tôi phán đoán thêm đường bay mới của B.52 có thể thực hiện. Đó là đường bay từ Thái Lan qua Thượng Lào, vào Tây Bắc xuống đánh phá Đông Anh, Gia Lâm, Hà Nội. Quả nhiên sau này địch sử dụng đường bay này để đánh phá Hà Nội. 8 giờ sáng ngày 18 tháng 12 năm 1972, tôi đã vào họp kíp chiến đấu, khẳng định B.52 sẽ đánh Hà Nội đêm ấy. 16 giờ chiều cùng ngày trên đã thông báo cho Sở chỉ huy biết khoảng 30 chiếc B.52 bay từ Gu-am vào đánh miền Bắc. Sở chỉ huy thống nhất thời gian, mật ngữ và tôi ra lệnh trực tiếp xuống các đơn vị ôn lại phương án đánh B.52, điều chỉnh lại đội hình xong trước 17 giờ. Có ý kiến cho rằng B.52 sẽ đánh vào Thanh Hóa, nhưng tôi khẳng định chắc chắn B.52 đánh vào Hà Nội".

Quả là những dự báo, tham mưu và quyết định mang tính lịch sử đã góp phần làm nên chiến thắng.

Còn đối với Thượng tướng Phùng Thế Tài, sau lời dạy của Bác Hồ, ông luôn đau đáu dành mọi thời gian, sức lực, các lực lượng tìm cách xây dựng phương án đánh B.52. Không một thông tin nào về B.52 Phùng Thế Tài bỏ sót. Năm 1965, Mỹ sử dụng B.52 ném bom Bến Cát - Tây Bắc Sài Gòn, ông tìm mọi cách để có được báo cáo trung thực nhất.

Năm 1966, B.52 đánh Quảng Bình, Vĩnh Linh, ông cho người vào tận nơi xem xét, nghiên cứu. Khi máy bay B.52 Mỹ mở rộng đánh Vĩnh Linh ngày càng dữ dội, Bác Hồ đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân: "B.52 đã đánh bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B.52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân". Bác Hồ chỉ thị: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B.57, B.52 hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng".

Đứng bên cạnh Bác, Phùng Thế Tài được nghe rõ ràng, trọn vẹn câu nói lịch sử của Người về B.52. Câu nói có ý nghĩa lịch sử đó của Bác đã đặt nền móng, đã chuẩn bị tư tưởng toàn diện để xây dựng quyết tâm đánh thắng B.52. Chiều ngày 18 tháng 12 năm 1972, tin tức báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu: Mỹ sẽ tập kích B.52 vào Hà Nội vào 18 giờ tối.

Đúng 19 giờ 15 phút, Cục tác chiến thông báo: "Đã xuất hiện trên màn ra đa B.52". Từng hồi còi báo động vang lên liên tục trong thành phố Hà Nội. Tại hầm chỉ huy tác chiến Bộ tổng Tham mưu, các thông báo được truyền đi liên tục xuống các đơn vị Phòng không - Không quân. Bộ đội ta đã sẵn sàng cho trận đánh lớn. Lập tức, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Cục trưởng Cục tác chiến Vũ Lăng có mặt tại Sở chỉ huy "Tổng hành dinh" cùng cán bộ chiến sĩ trong kíp trực bước vào trận đánh lớn với không quân Mỹ.

Cả thành phố Hà Nội vào trận. Các trận địa phòng không đều bắt được mục tiêu B.52. Tiếng bom ầm ầm dội đất bốn phía. Tiếng đạn pháo phòng không động trời, tiếng lao vun vút của tên lửa ta xé màn đêm đánh B.52 trên bầu trời Hà Nội. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trực tiếp cầm máy ra mệnh lệnh cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và các đơn vị đang đánh B.52. Không quân ta cất cánh. Mọi căm hờn đều trút lên đầu ngọn súng. Trên đài quan sát đặt trên đỉnh cột cờ báo về; Trực ban Quân chủng Phòng không - Không quân thông báo gấp gáp: Một B.52 bắn rơi ở Đông Anh, lúc đó là 20 giờ 30 phút ngày 18  tháng 12 năm 1972.

Rạng sáng ngày 19, Phùng Thế Tài lên máy bay trực thăng cùng đoàn kiểm tra đến thẳng cánh đồng Chuông thuộc xã Phù Lỗ huyện Đông Anh bên xác chiếc máy bay B.52 nằm chềnh ềnh. Xác siêu pháo đài bay B.52 - thứ vũ khí Mỹ vẫn khoe khoang là siêu đẳng nằm tả tơi nhàu nát trên một đám ruộng. Ông cùng đoàn công tác cho cưa một đoạn xác B.52 rồi lập tức trở về Tổng hành dinh tiếp tục cho trận đánh lớn.

Bộ đội Phòng không - Không quân trong 12 ngày đêm đã chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ khiến nước Mỹ hoảng loạn. 7 giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, Ních xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã bị thất bại hoàn toàn.

Trong 12 ngày đêm chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B.52, 5 máy bay F.111 và 42 máy bay chiến thuật khác.

Đúng như Bác Hồ đã tiên đoán, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay B.52 và đã thất bại thảm hại trên bầu trời Hà Nội. Trong chiến thắng lịch sử, người cận vệ của Bác Hồ đã góp một phần công sức. Phùng Thế Tài luôn tự nhủ: Giá như có Bác Hồ. Giá như Bác còn sống để mừng vui chiến thắng!

Hai vị tướng - chứng nhân lịch sử, những người trực tiếp tham gia chỉ huy góp phần làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" giờ đây đều đã trở về với thế giới của người hiền. Những ngày tháng 12 lịch sử này, các thế hệ sau vẫn còn nhớ về các ông với sự tri ân sâu sắc.

Phùng Văn Khai
.
.
.