"Đời bay" của một phi công huyền thoại
“Nhiều người cho rằng, nghề nghiệp chỉ là một phần cuộc đời của chúng ta. Từ đáy lòng, tôi không quan niệm như vậy. Bởi, từ khi đã trở thành phi công, tôi không thể tách mình khỏi bầu trời, tưởng như bầu trời là môi trường sống thứ hai của mình vậy” - Trung tướng Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát chia sẻ như vậy trong cuốn sách mới ra mắt của ông “Bầu trời - trường đại học của tôi” (NXB Trẻ).
Ngôi trường đặc biệt
Cách đây 4 năm, vào dịp 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát quyết định xuất bản cuốn sách “Nhật ký phi công tiêm kích”, là những suy tư, trải lòng trước diễn biến thời cuộc của cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, của một học viên chập chững bay trên không trung, của một phi công mới được đi canh trời còn đầy bỡ ngỡ.
Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ của Nguyễn Đức Soát đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc.
Và, lần này, vào những ngày tháng 12/2024, khi cả nước đang kỷ niệm 80 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông tiếp tục cho ra mắt hồi ức “Bầu trời - trường đại học của tôi”, đi sâu vào câu chuyện “đời bay” một của phi công chiến đấu huyền thoại của Không quân nhân dân Việt Nam, cùng với những mảnh ký ức sâu đậm, tràn đầy tình cảm về quê hương, gia đình, bạn bè. Dường như ông sinh ra để được bay, cuộc đời ông thuộc về bầu trời và niềm vui lớn nhất của ông là được cất cánh.
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát sinh ngày 24/6/1946 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông từng là phi công lái máy bay MiG-21 xuất sắc và được coi là một trong các át chủ bài của Không quân nhân dân Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Trung tướng Nguyễn Đức Soát từng giữ chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và nghỉ hưu vào năm 2008.
Trong hồi ký, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ về câu chuyện đặc biệt trong các trận không chiến lịch sử, tiêu biểu là trận Điện Biên Phủ trên không (1972). Theo tác giả, trận đánh này là biểu tượng của lòng dũng cảm và sự sáng tạo trong chiến thuật của Không quân Việt Nam.
Ngoài những trận chiến hào hùng, Trung tướng Nguyễn Đức Soát còn ghi lại các câu chuyện đầy xúc động trên hành trình hàn gắn vết thương sau chiến tranh. Ông kể về những buổi hội ngộ đầy ý nghĩa giữa các phi công từng là đối thủ trên bầu trời Việt Nam. Mỗi cuộc gặp gỡ đều mở ra góc nhìn mới về cuộc chiến đã diễn ra hơn nửa thế kỷ trước.
Những dòng hồi ức về chuyện đời, chuyện nghề của Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát tràn đầy cảm hứng, say mê, luôn được dung dưỡng trong một tình cảm lớn với Tổ quốc, song vẫn đậm đà tình nghĩa quê hương son sắt thủy chung, thực sự khơi gợi động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng lao động, sáng tạo trong thời kỳ hòa bình, ổn định của đất nước.
Đặc biệt, trong cuốn sách có một phần tác giả gửi gắm tình cảm đến quê hương, gia đình, bạn bè, quay về tuổi thơ với nhiều kỷ niệm đẹp. Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, quê hương ''luôn có sức hút lớn''. Ông viết: ''Trong những chuyến bay đi làm nhiệm vụ, khi có điều kiện, tôi đều tìm cách bay qua làng trên độ cao thật thấp để có thể nhìn thấy ngôi nhà nhỏ thân thương, thâm tâm ngầm muốn báo tin cho bố mẹ, cho các em tôi rằng tôi vẫn còn sống''.
Anh hùng phi công Lê Thanh Đạo (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng VKSND Tối cao) chia sẻ: “Cùng với tình cảm gắn bó với bầu trời, trong quyển sách này, bạn đọc còn cảm nhận được tình yêu tha thiết của anh với quê hương và gia đình. Tình yêu và hạnh phúc anh có được trong cuộc sống luôn có sự gắn kết với công việc, với bầu trời. Và, quê hương, gia đình đã luôn là điểm tựa để anh vươn lên. Quả thật, chính bầu trời đã là một trường đại học đặc biệt để Nguyễn Đức Soát có được điều kiện để mà trui rèn, để phấn đấu và anh xứng đáng là một sinh viên xuất sắc”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, năm 1991, ông đã dẫn đoàn nhà văn cựu chiến binh Mỹ đến Bảo tàng Phòng không - Không quân để tìm hiểu về không quân Việt Nam. “Sau chiến tranh, tất cả những người Mỹ luôn tìm hiểu lý do gì mà họ thất bại trong cuộc chiến tranh, khi họ đến Việt Nam, đến bảo tàng, họ muốn tìm hiểu bí ẩn nào, ẩn khuất nào làm nên chiến thắng đó... Cuốn sách này đã hé lộ một phần, điều làm nên sức mạnh Không quân Việt Nam” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Nhà thơ Hữu Việt nhận định tác phẩm gửi gắm trọn vẹn tình yêu của Trung tướng Nguyễn Đức Soát dành cho bầu trời. Ở lời giới thiệu, nhà thơ viết: ''Với Tướng Soát, bầu trời chính là thầy giáo nhân từ và nghiêm khắc dạy ông bay, là Tổ quốc để ông xả thân vô điều kiện, bảo vệ và dâng hiến, là tình yêu để ông khao khát gặp gỡ hằng ngày, không bao giờ lìa xa. Bầu trời cũng như đại dương thứ năm nơi ông gửi gắm sinh mệnh của mình nếu chẳng may không trở về đất mẹ''.
Nhà thơ Hữu Việt còn chia sẻ: “Kể câu chuyện của mình, nhưng Tướng Soát “ẩn thân” tối đa, dành những trang viết hay nhất ngợi ca đồng đội, tri ân những người chỉ huy tài giỏi mà ông vô cùng khâm phục, bởi ông quan niệm rằng, chính họ là những người tác thành tình yêu bầu trời của ông được trọn vẹn. Sự khiêm nhường tinh tế ấy là phẩm chất quan trọng của người viết hồi ký, nó không hạ thấp cái-tôi tác-giả mà khiến cho người đọc nhìn nhận tác giả ở tầm cao hơn trong sự tin cậy tác phẩm”.
Tôi muốn mình được bay cả đời, bay đến khi tuổi tác hay sức khỏe không cho phép
Đó luôn là tâm nguyện của Trung tướng Nguyễn Đức Soát ngay từ khi ông được học bay. Ông hiểu, cuộc đời mình thuộc về những chuyến bay. Và, giấc mơ ấy trở thành hiện thực cùng với những nỗ lực, cố gắng không ngừng của một phi công trẻ, giàu lý tưởng sống. Ông sinh tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Ông nhập ngũ năm 19 tuổi, cùng 59 học sinh, sinh viên Việt Nam được cử sang Liên Xô học lái bay MiG-21. Ngay từ những những ngày đầu học bay, ông đã nuôi mong ước chinh phục bầu trời. Ông nói: ''Tôi muốn mình được bay cả đời, bay đến khi tuổi tác hay sức khỏe không cho phép''.
Sau hơn 2 năm, ông và đồng đội trở về, lập tức được tham gia chiến đấu trong những năm chống Mỹ. Năm 1969, lúc 23 tuổi, ông đã lập chiến công đầu tiên khi bắn rơi chiếc máy bay không người lái của không quân Mỹ.
Ông là một trong những phi công có tài xạ kích bậc nhất của Không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới ở tuổi 27. Ông luôn mong ước chinh phục bầu trời và các loại máy bay chiến đấu. Ông đã miệt mài học tập để làm chủ những thuật lái phức tạp, cộng với linh cảm tuyệt vời trong những khoảnh khắc cam go nhất, ông đã sáng tạo ra những động tác bay ảo diệu, kết hợp tài xạ kích hiếm có, bắn hạ máy bay đối phương trong những tình huống không tưởng.
Trong đời bay của mình, Tướng Soát đã chinh phục tất cả các biến thể của tiêm kích MiG-21, tiêm kích bom SU-22M4, tiêm kích đa năng thế hệ thứ tư SU-27. Ông từng bay trên chiếc LAVI của không quân Israel (một phiên bản mới của máy bay F-16 của Mỹ) cùng với phi công Do Thái... Có lẽ, hiếm phi công nào đã bay được và được bay nhiều loại máy bay như thế. Đặc biệt hơn, ông còn là vị tướng duy nhất, khi đã ở cương vị Tư lệnh Quân chủng Không quân vẫn tham gia bay huấn luyện chiến đấu như những phi công bình thường.
Ông kể, khi còn chục ngày nữa sẽ được bay chuyến tập đầu tiên trên máy bay huấn luyện phản lực L-29 tại Trường Không quân Krasnodar (Liên Xô), ông đã cẩn thận, nắn nót viết hai chữ ''Đời bay'' lên trang đầu của cuốn nhật ký. Thấy vậy, một phi công học viên hỏi nửa đùa nửa thật: ''Sắp tới khi bay tập, nhỡ ông không bay được, bị cắt bay, ông lại thêm chữ “Đoạn” vào đầu thành “Đoạn đời bay” à?''. Trước câu nói gở, dù không mê tín, ông giận và tự nhủ không được để chữ ''Đoạn'' xuất hiện.
Giờ đây, khi đã ở tuổi 78, Trung tướng Nguyễn Đức Soát vẫn khỏe mạnh, giọng nói hào sảng. Hành trình bay của ông không chỉ là câu chuyện của một cá nhân, mà còn là biểu tượng của sự cống hiến không ngừng cho Tổ quốc. Những dòng hồi ký của ông đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm với vận mệnh dân tộc trong thời kỳ hòa bình, ổn định và phát triển.