Đại tá, nhạc sĩ Đào Tiến: "Đam mê là điều kỳ diệu của cuộc sống"
Đại tá Đào Tiến (nguyên cán bộ của Tổng cục An ninh, Bộ Công an) từ lâu đã được biết đến là người đa tài trong lực lượng Công an nhân dân, khi ông vừa làm thơ, viết truyện, sáng tác nhạc, vẽ tranh. Từng là chiến sĩ an ninh nằm gai nếm mật, ông hiểu hơn ai hết những khó khăn, nguy hiểm và cả những hy sinh của người chiến sĩ trên tuyến đầu. Bởi thế trong những ngày cả nước căng mình chống dịch COVID-19, ông đã viết 2 ca khúc xúc động “Lời ca gửi tặng con” và “Đâu ngại hy sinh”.
Đậm chất nhân văn
Không chỉ có sự cương nghị, quyết đoán của người chiến sĩ an ninh, Đại tá Đào Tiến còn có sự tinh tế, nhạy cảm và sự lãng mạn với cuộc đời. Bởi thế các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc cứ đeo đuổi và song hành cùng ông bên những phút nghỉ ngơi sau giờ làm việc căng thẳng. Đến nay ông là nhạc sĩ duy nhất trong lực lượng Công an nhân dân có vinh hạnh được Bộ Công an tổ chức đêm nhạc riêng mang tên “Đào Tiến - Người chiến sĩ an ninh” đúng dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12-7-1946 – 12-7-2018). Đêm nhạc đã biểu diễn gần 20 bài của ông, trong đó có những ca khúc viết riêng cho ngành Công an, như: “Dưới ánh quân kỳ”, “Tự hào an ninh điều tra”, “Sáng mãi ngọn lửa thiêng”, “Đón đợi”, “Cung đường tình yêu”, “Niềm tin”…
Từ ca khúc đầu tay “Đêm Mộc Châu” đến nay Đại tá Đào Tiến đã sở hữu gần 100 ca khúc, trong đó “Niềm tin” được coi như là bài hát truyền thống của lực lượng Cảnh sát cơ động còn “Dưới ánh quân kỳ” là 1 trong 10 ca khúc giành giải A trong cuộc xét chọn ca khúc tiêu biểu về đề tài Công an nhân dân do Bộ Công an và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Riêng về Hà Nội ông có hai ca khúc được công chúng biết đến nhiều hơn cả là “Hồ Tây mưa xuân” và “Hà Nội thu”. Nếu như “Hồ Tây mưa xuân” mang âm hưởng ca trù – loại hình âm nhạc đặc trưng của mảnh đất nghìn năm thì “Hà Nội thu” lại trữ tình, lãng mạn và cũng đầy triết lý, đặc biệt với câu hát “Hồ Gươm xanh soi bóng những cuộc đời”.
Đánh giá về những sáng tác âm nhạc của Đào Tiến, Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Công an nhân dân cho biết: “Đào Tiến yêu âm nhạc tới mức say mê, đó chính là niềm thôi thúc anh cầm bút sáng tác những ca khúc nhằm thỏa mãn niềm đam mê của mình. Âm nhạc của anh cũng giản dị, hồn nhiên, mộc mạc như con người anh vậy. Lời ca thường không hoa mỹ, cầu kỳ kết hợp với những nét nhạc có khúc thức rõ ràng, giai điệu đẹp, đi vào lòng người. Chất nhân văn là điểm nổi bật trong các sáng tác của anh là dù viết thể loại hành khúc hào sảng hay trữ tình. Một số sáng tác của anh thực sự có chất lượng và đã giành giải cao trong một số kỳ hội diễn Nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân thời gian qua”.
Tri ân người chiến sĩ trên tuyến đầu
Trong những ngày đại dịch COVID-19 hoành hành trên đất nước ta, hình ảnh các chiến sĩ ngày đêm lăn lộn nơi tuyến đầu chống dịch khiến ông hết sức cảm phục. Trong ca khúc “Lời ca gửi tặng con”, ông đã “mượn” cảm xúc từ hình ảnh bé gái mới 20 tháng tuổi bật khóc đòi mẹ bế khi nhìn và nghe thấy tiếng của mẹ - điều dưỡng Phùng Thị Hạnh (Bệnh viện Quân y 103) đang làm nhiệm vụ chống dịch tại tâm dịch Bắc Giang - xuất hiện trên tivi. Tình cảm mẫu tử thiêng liêng và cao cả đã đi vào trong lời ca tiếng hát của biết bao ca khúc nhưng Đào Tiến vẫn tìm ra được “cái tứ” rất hay, khúc chiết: “Con ngoan của mẹ, con là tất cả/ Là tình yêu, là lẽ sống trong đời/ Là tia nắng bình minh, là khúc hoan ca của nhà ta”. Nhưng người mẹ đã phải xa con để thực hiện nhiệm vụ cao cả, bởi “Giặc Covid đang hoành hành dữ dội/ Gieo rắc đau thương cho cả nhân loại”. Sự hy sinh thầm lặng, sự cống hiến mãnh liệt ấy đã được ông khắc họa bằng lời lẽ dung dị, sâu sắc.
Là người thể hiện ca khúc này, ca sĩ Thu Hường (Nhà hát Công an nhân dân) cho biết: “Tôi vô cùng xúc động bởi câu chuyện trong bài hát là có thật, đó là câu chuyện đẹp giữa mùa dịch. Mặc dù chưa làm mẹ nhưng khi hát tôi đã dâng trào cảm xúc khi nghĩ về mẹ của mình, về hy sinh trời bể của các bà mẹ Việt Nam dành cho con cái. Bài hát với lời ca chân thật, gần gũi; giai điệu mộc mạc, giản dị, gần với tai người nghe. Cái tài của nhạc sĩ Đào Tiến là đã biến những điều giản dị trong cuộc sống thành lời ca, giai điệu thật đẹp, lãng mạn nhưng âm nhạc của anh lại không trong khuôn khổ có sẵn, mà thường miên man nỗi niềm nên thu hút người thể hiện”.
Nếu như “Gửi tặng con” tha thiết, tình cảm thì ca khúc “Đâu ngại hy sinh” lại hào hùng, mạnh mẽ, quyết liệt đúng với tinh thần của người lính “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. “Đâu ngại hy sinh” cuốn hút người nghe ngay từ những ca từ đầu tiên: “Mồ hôi ướt đầm như tắm, trên môi vẫn thắm nụ cười/ Người chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch mang lại niềm vui sự sống cho đời/ Không có nghỉ ngơi, căng mình chiến đấu/ Đâu ngại hy sinh chống dịch như chống giặc…”. Đánh giá về ca khúc này, Đại úy, nhạc sĩ Dương Trọng Thành (giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội) cho biết: “Ca khúc viết ở nhịp hành khúc, với giai điệu đẹp, với sự thể hiện của tốp ca nam chủ đạo là âm sắc của giọng trung trầm đã lột tả được tính chất trầm hùng của tác phẩm. Ca từ mộc mạc nhưng thể hiện chân thực của công cuộc “chống dịch như chống giặc”, khắc họa được những hy sinh thầm lặng nhưng tỏa sáng của những chiến sĩ trên tuyến đầu”.
Khó khăn đến mấy cũng phải hoan hỉ
Đại tá Đào Tiến mong muốn thông qua âm nhạc để thể hiện nỗi niềm, sự cảm thông, chia sẻ, động viên, cổ vũ những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ áo xanh, áo trắng. Với ông mỗi lời ca đều được khắc họa bằng trái tim, tấm lòng và sự nể phục của toàn dân tộc dành cho các chiến sĩ trước tình cảm, trách nhiệm để giành lại sự sống cho bệnh nhân, đem lại sự bình yên cho nhân dân. Cũng qua những ca khúc của mình, ông muốn đưa đến thông điệp, trong đại dịch nhân dân cần nhất là sự đoàn kết, yêu thương, chia sẻ để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh và ý thức của mỗi người phải được đặt lên trên hết, trước hết.
“Đức Phật dạy, trong cuộc sống này dù khó khăn đến mấy cũng phải hoan hỉ mà cái hoan hỉ giúp cho chúng ta xua tan lo lắng, bệnh tật và những cái không may đeo bám suốt cuộc đời. Tôi nghĩ âm nhạc như một liều “vaccine tinh thần” để người dân chúng ta tạm quên đi những u buồn, những lo lắng để hướng về phía trước với niềm lạc quan, tin tưởng vào ngày chiến thắng”, Đại tá Đào Tiến bộc bạch.
Tính đến nay, Đại tá Đào Tiến đã xuất bản 12 cuốn sách, trong đó có 11 tập thơ và 1 tập tản văn. Ông cũng đã vẽ hàng trăm bức họa bằng chất liệu sơn dầu và giấy dó, đặc biệt tranh của ông đã từng tham gia đấu giá để sung quỹ từ thiện giúp người nghèo. Thời gian thành phố Hà Nội thực hiện lệnh giãn cách xã hội, ông “ở nhà nhưng không ngồi yên”. Ngày ngày ông vẫn cầm cọ để vẽ, vẫn làm thơ, sáng tác nhạc, viết truyện… về đề tài COVID-19 thể hiện nỗi niềm và trách của một nghệ sĩ, một công dân trước những biến động của xã hội. Ông luôn tận dụng từng phút, từng giây được đem sức lực, trí tuệ và niềm đam mê để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng và giàu ý nghĩa dành tặng lại cho đời. Với ông thì đam mê chính là điều kỳ diệu của cuộc sống.