Biến tấu âm thanh thành phố

Chủ Nhật, 15/09/2024, 10:41

Con đường Hàng Bài (Hoàn Kiếm - Hà Nội) được xây từ khu đất lấp hồ Hữu Vọng (1886). Xưa, từ phố Vọng Đức tới ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay, những người bán cỗ bài tổ tôm, tài bàn, tam cúc đầy hai bên đường. Kẻ chợ đã có thơ: "Đường về nẻo ấy ba thôn/ Tìm em ngõ vắng hay còn vườn quê/Vương tình, anh kẻ làm thuê/ Tổ tôm một ván ù về với em". Đường Hàng Bài nối từ phố Huế tới Đinh Tiên Hoàng (dài 616m, rộng 14m).

Những ký ức tươi xanh

Nói phố Hàng Bài là phố "Tây" nhưng thật ra từ thuở Trịnh - Lê, kẻ chợ Thăng Long đã tràn xuống phía nam bao quanh hồ Gươm. Vì thế mới có câu: "Người đài các, kẻ thanh cao/ Qua Hàng Thợ Tiện lại vào Hàng Gai/ Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài/ Hàng Khay giả gót ra chơi Tràng Tiền".

1-đầu phố hàng bài và trang tiền plaza.jpg -0
Đầu phố Hàng Bài có tòa nhà Tràng Tiền Plaza.

Bởi theo sự ghi nhận một ngôi nhà đầu ngã tư Hàng Khay - Hàng Bài đã khắc năm xây dựng 1886, thì phố cũng đã có tuổi gần 140 năm. Dân kẻ chợ đã bán hàng lá bài tam cúc từ trước nữa. Khi người Pháp chiếm đóng cũng đặt tên là Rue de Cartes (Phố bán thẻ bài). Đầu phố còn có chợ Mới (còn gọi chợ Hàng Bài) đã bị người Pháp chiếm xây "Liên hợp thương mại Đông Dương", gọi tắt là Godard (hiện chính là Tràng Tiền Plaza).

Khi xây dựng phố mới, con đường này có tên Đồng Khánh (vị vua triều Nguyễn). Chính vì thế, trường nữ sinh duy nhất được xây cũng đặt tên là Trường Nữ sinh Đồng Khánh (xây năm 1887, nay là THCS Trưng Vương - số nhà 26). Ngoài trường học, phố còn có những công trình được xây dựng đầu tiên, đó là khu "Trại lính khố xanh" (số nhà 40) và đường ray tàu điện chạy xuống tận chợ Mơ (làm năm 1899). Mãi tới đầu những năm 1900, các cửa hàng bán lá bài tổ tôm, tam cúc mới rời hết lên chợ Hàng Mã, Đồng Xuân. Người dân vẫn còn lưu luyến rằng: "Gió hồ thu dọc phố xưa/ Phiên chợ tam cúc anh vừa kết đôi". 

Sau khi xây dựng trung tâm thương mại Godard, người Pháp bắt đầu làm các nhà hát và khu vui chơi trên phố Đồng Khánh ngày đó. Đầu tiên chính là rạp chiếu bóng Majestic số nhà 45 ở đối diện trước "Trại lính khố xanh" (tên chính thức là Trại Bảo An Bình). Dọc đường này kéo dài có tới bốn rạp chiếu bóng như Đại Nam (phố Huế), rạp Majestic (số 45 Hàng Bài), rạp Sirius hay Ciné Minh Châu,  số 19 Hàng Bài (hiện là rạp Kim Đồng).

Nếu tính kéo dài xuống bến tàu điện Bờ Hồ thì có rạp Hòa Bình (57 Đinh Tiên Hoàng). Riêng rạp Majestic vào loại sang nhất Hà Nội chỉ dành cho người Pháp và dân giàu có. Tại đây đã xảy ra cuộc chiến khốc liệt của chiến sĩ Vệ quốc đoàn đã tiêu diệt đơn vị lính lê dương chiếm lĩnh từ trước. Cuộc tấn công xảy vào những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.

Cùng thời điểm này, chiến sĩ tự vệ Hàng Bài đồng loạt đánh sập các ụ súng bí mật của Pháp từ các ngôi biệt thự dày đặc trên phố. Sáng sớm 20/12/1946, giặc Pháp cho máy bay ném bom làm cho phố Hàng Bài thành chiến trường ác liệt. Sau đó, các chiến sĩ đã theo đường hầm rút sang số nhà 51 Trần Hưng Đạo trở về khu vực Liên khu I tiếp tục chiến đấu. 

Hiện nay, địa chỉ Trại Bảo An Bình cũ là một di tích lịch sử gắn liền với chiến thắng Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội. Bởi tại đây, quân và dân Hà Nội đã tước vũ khí của địch và sớm chiếm lĩnh các đồn trú trong trại (19/8/1945). Sau hòa bình ít năm, rạp Majestic đổi thành tên Tháng Tám để kỷ niệm những cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội tại đây. Ký ức một thời khán giả Hà Nội nhớ tới những bộ phim đầu tiên của Liên Xô cũ chiếu ở rạp Tháng Tám luôn cháy vé. Có ngày rạp chiếu nhiều suất phim cho đến tận đêm.

Lại nhớ hồi đó, trước khi chiếu phim, rạp thường tổ chức ca nhạc để đón khách tới đông đủ. Đó là những nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn như Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác, Đỗ Liên… Đặc biệt ngày ấy rạp còn có nữ thuyết minh Bích Liên với giọng thoại rất truyền cảm. Giai điệu và tiếng đàn Guitar Hawaii của Đoàn Chuẩn qua những bài hát về mùa thu như "Gửi gió cho mây ngàn bay", "Tà áo xanh", "Gửi người em gái"… luôn làm xao xuyến lòng người. Khán giả đến rạp Tháng Tám ngày càng đông là vì thế.

Nỗi niềm khôn nguôi

Đường phố Hàng Bài nằm trên trục đường Bắc - Nam kéo dài tận ngã ba Đuôi Cá nên thường lộng gió bốn mùa. Do vậy Hàng Bài là con phố nhộn nhịp hơn tất cả những phố "Tây" quanh vùng Hoàn Kiếm. Sau này, những trụ sở người Pháp xây dựng đều được thành phố sử dụng lại để làm việc. Trại Bảo An Bình cũng được nhà nước tiếp quản và đưa các đơn vị Công an, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội, Cục xuất nhập cảnh tới làm việc. Thêm nữa, sau này Báo Biên phòng cũng về xây dựng trụ sở tại đây từ năm 2005. Đồng thời, còn có sự hiện diện của đơn vị Điện ảnh Biên phòng và xưởng in tạo nên khu hành chính sự nghiệp hoạt động rất nhộn nhịp.

Theo nhà văn Phạm Thanh Khương, nguyên Phó TBT Báo Biên phòng cho biết khu vực số 40 Hàng Bài là đất của Bộ Nội vụ tiếp quản phía sau Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Anh đã làm việc ở số 40 Hàng Bài tới 10 năm và trụ sở Báo Biên phòng hiện vẫn ở tại đây. Vừa qua, Bộ Công an mới cho xây Nhà hát Hồ Gươm ngay trên đất khu vực này (khánh thành 9/7/2023). Nhà văn Phạm Thanh Khương khẳng định Nhà hát Hồ Gươm là một công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật mang tầm cỡ quốc tế. 

6-hình ảnh godard thương mại cũ đầu phố hàng bài-tràng tiền.jpg -1
Hình ảnh Godard thương mại cũ, đầu phố Hàng Bài - Tràng Tiền.

Riêng ngôi biệt thự số nhà 46 Hàng Bài lại có số phận trôi nổi sau khi bị bỏ hoang hàng chục năm tàn tạ. Mới đây, biệt thự này đã được trùng tu khôi phục nguyên trạng hình hài của nó từ thuở đầu thế kỷ 20. Nhưng những ký ức về ngôi nhà này khi còn là trụ sở của Nhà xuất bản Văn học (trong khoảng 1963-2000) luôn là những dấu ấn khó quên. Ngôi biệt thự có khuôn viên rộng gần 1.000 mét vuông nằm ngay đầu ngã tư Hàng Bài -Trần Hưng Đạo. Ngôi nhà có cửa chính diện tại số nhà 46 Hàng Bài, còn thêm một lối vào bên cạnh, số 49 Trần Hưng Đạo. Biệt thự đã bị xuống cấp và bỏ hoang sau khi NXB Văn học dọn về 18 Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình - Hà Nội).

Nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn làm việc tại NXB Văn học từ những năm đầu cho tới khi về hưu (năm 1998), với vai trò Phó giám đốc. Giai đoạn này là thời kỳ huy hoàng và sôi nổi nhất của Nhà xuất bản với bao sự kiện quan trọng diễn ra. Ông cho biết ngôi nhà đã trở thành nơi quy tụ nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ tiêu biểu ở nước ta. Nhà xuất bản đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Cố thi sĩ Lữ Huy Nguyên, Giám đốc NXB giai đoạn 10 năm (1988-1998) luôn gắn bó với các nhà thơ trẻ thời đó. Ông làm nhiều tuyển tập thơ theo các chủ đề rất phong phú nên số nhà 46 Hàng Bài là nơi luôn được các cây bút trẻ ngưỡng vọng và tìm tới học hỏi. Có dịp cánh nhà báo và làm thơ trẻ còn được ông mời tới dự tổ chức tang lễ nhà thơ Quang Dũng ngay tại NXB (năm 1988).

Giao hưởng Tình ca

Thật vui, ngôi biệt thự số 46 Hàng Bài sau khi khôi phục đã trở thành một địa chỉ văn hóa nghệ thuật. Hiện nơi đây đang trưng bày "Di sản Sơn mài Việt Nam" mở đầu cho những hoạt động sau này. Sự kết nối của Trung tâm văn hóa số 46 với Nhà hát Hồ Gươm, Rạp chiếu bóng Tháng Tám, hay Nhà Triển lãm Hàng Bài (số 29) và Rạp hát Kim Đồng tạo nên không gian nghệ thuật đậm đặc trên phố Hàng Bài. Ấy là còn chưa kể tới những địa chỉ như Hồ Gươm Audio (số 33), Xí nghiệp băng hình (số 45) và nhiều cửa hàng băng đĩa ca nhạc video bán quanh trên phố. Phải nói Hàng Bài là con phố độc đáo nhất Thủ đô hiện nay.

Mới đây, Nhà hát Hồ Gươm tổ chức chương trình "Hòa tấu âm nhạc Mozart". Khán giả được thưởng thức những tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ thiên tài này như các bản Rondo, Fantasia, Sonata, và Hòa tấu Piano… Đó là sắc màu đổi mới của phố Hàng Bài trong thế kỷ 21, một hình ảnh tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Vương Tâm
.
.
.