Áo tơi khoác cả một... khoảng trời văn hóa!

Thứ Bảy, 16/03/2024, 10:17

Xứ Nghệ là nơi áo tơi được dùng phổ biến nhất đến mức có hơn một làng nghề "chằm áo tơi". Con người nông dân nơi đây mộc mạc, cần cù, chân chất phải ứng phó với gió Lào bỏng rát, với giá rét, mưa giông… nên một thứ bảo vệ thông dụng, hiệu quả, rẻ và bền là áo tơi.

"Còn gió Lào, còn mưa giông thì còn áo tơi". Câu nói ấy của nhiều người dân Nghệ khẳng định áo tơi đã trở thành một mã văn hóa quen thuộc sẽ sống mãi với thời gian.

Áo tơi khoác cả một... khoảng trời văn hóa! -1
Áo tơi xứ Bắc Kỳ năm 1921 (Ảnh tư liệu thời Pháp thuộc).

Dễ hiểu, cũng ở vùng này có hai nhạc phẩm hay viết về hình tượng áo tơi, một là "Ca dao em và tôi" của cố nhạc sĩ An Thuyên: "Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/ Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng/ Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai/ Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai…". Lời hát chân thực, nói đúng về hình tượng: "Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng", tức mưa cũng quàng, nắng cũng quàng… Thêm sự luyến láy da diết của ca từ dễ tạo nên sự đồng cảm để cùng nhau trở về cái thời… áo tơi.

Hai là "Áo tơi" của nhạc sỹ Hoàng Anh phỏng thơ Nguyễn Đăng Độ: "Bốn mùa xuân hạ với thu đông/ Áo tơi quàng lưng cha lưng mẹ/ Chắn gió heo may, chắn gió trưa hè/ Áo tơi lửng gót chân sen/… Nhớ quê càng nhớ áo tơi/ Dáng mẹ đứng đợi, áo tơi trên đồng"… Được tạc vào cái phông nền trữ tình cảnh vật và bóng dáng những người thân yêu, hình tượng áo tơi trở thành một ký ức cộng đồng của chung tất cả.

Xin được giới thiệu thêm bài thơ "Áo tơi" của Đặng Bá Tiến kiến tạo hình tượng áo tơi thân quen trong nhuần nhụy lục bát, trong nồng nàn thắm đượm tình quê và tự hào về nơi cội nguồn: "Nắng quê giờ vẫn cháy lưng/ Người quê giờ vẫn bạn cùng áo tơi/ Đan chằm bằng lá rừng thôi/ Bao đời dân đã chống trời hiên ngang". Một kết cấu đối hình thức dân dã với công dụng lớn lao (chống trời) đã làm bật ra ý nghĩa sâu xa của hình tượng: "Đi xa ai cũng muốn về/ Câu ca xứ sở tơi che mượt mà...". Hình tượng được đẩy lên thành phạm trù quê hương phổ quát, đã nuôi dưỡng bao tâm hồn lớn lên, trưởng thành: "Bước từ trong bóng tơi ra/ Bao người con của quê ta rỡ ràng"…

Nhưng không chỉ là sự độc quyền nơi xứ Nghệ mà áo tơi có ở bất cứ vùng nông thôn miền Bắc nào, cả trung du, miền núi. Trước 1975, hầu như nhà nào cũng có, đã đi làm đồng là phải có áo tơi. Rất tiện lợi, để tránh nắng mưa, tránh cả nóng, tránh cả rét. Áo nhẹ, khi khoác vào không thấy bí mà vẫn thoáng, không bị hấp hơi hay bị ra mồ hôi như khoác áo nilon ngày nay. Lúc giải lao hay ăn cơm thì trải áo ra ngồi trên bờ ruộng… Còn để làm chăn đắp, để các bà các mẹ đi chợ dùng đùm rau, nhất là để đùm bó lá chè tươi, có khi để mấy ngày mà lá chè vẫn tươi…

Được làm từ lá cây, thường là lá cọ, lá cau, các bà các mẹ dùng kim khâu chồng thành lớp, lớp nọ xếp lên, gối lên lớp kia, giống như kiểu lợp mái nhà, tất nhiên mỏng hơn nhiều. Chằm xong thành tấm, quây lại, phía trên có dây làm bằng mây để dễ dàng kéo rút lại rồi đeo vào cổ. Ngày xưa áo tơi còn được các thôn nữ thể hiện sự duyên dáng chân quê: "Có duyên dù bận áo tơi/ Đầu đội nón cời duyên vẫn hoàn duyên". Dù choàng "áo tơi", đội "nón cời" mà là người có "duyên" lại thêm chăm chỉ, tốt tính, tháo vát… thì hơn nhiều người bận áo sa mà vô duyên: "Vô duyên dầu bận áo sa/ Áo ra đằng áo, người ra đằng người". Thân thuộc gần gũi như vậy nên hình tượng đi vào dân gian kết thành ca dao nói về tình cảm vợ chồng, gia đình: "Trời mưa thì mặc trời mưa/ Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi", đúc thành tục ngữ: "Già đời còn mang tơi đi chữa cháy". Vì áo tơi rất dễ cháy nên phải để nơi xa lửa. Câu tục ngữ là lời răn: làm việc gì cũng phải suy xét nguyên nhân, kết quả/hậu quả có phù hợp, hiệu quả không. Nhất là đã "già đời" rồi, có kinh nghiệm rồi mà làm những việc trái khoáy dễ bị chê cười…

Áo tơi khoác cả một... khoảng trời văn hóa! -0
Bức tranh “Hàn giang độc điếu đồ” của Mã Viễn được phóng to càng rõ có “máy guồng dây” ở cần câu.

Áo tơi ra đời khi nào? Chắc chắn ở thời rất xa xưa, từ khi con người ý thức được việc bảo vệ cơ thể mình.

Bộ môn Khảo cổ học khẳng định cách nay hàng nhiều vạn năm con người biết sử dụng da và lông động vật để tạo ra những chiếc áo choàng thô sơ. Người Homo sapiens cổ đã biết dùng quần áo bằng da và lông thú, rồi bằng vỏ, lá cây để giữ ấm cơ thể. Thậm chí đã biết cách chế tạo giày đi trên lớp tuyết dày từ sợi thực vật và dây thừng. Họ sử dụng kim khâu làm từ xương và ngà voi để khâu vỏ cây, da thú.

Năm 1991 trên dãy núi Alps nằm giữa Italy và Áo, con người vô tình phát hiện xác ướp đông lạnh của Người băng tzi có niên đại vào cuối thời kỳ đồ đá cũ. Mặc dù đã hơn 5.000 năm (từ năm 3.345 trước Công nguyên), nhưng xác ướp gần như vẫn còn nguyên vẹn, mặc một chiếc áo choàng làm từ cỏ dệt và một số mảnh quần áo làm từ các loại da động vật. Rất có thể "chiếc áo choàng" này có họ hàng, anh em với chiếc áo tơi xứ Việt.

Ngày nay, vẫn còn một số thổ dân Úc, Tasmania và các bộ lạc sống trong rừng rậm ở Papua New Guinea dùng áo khoác bằng lá cây như áo tơi của ta nhưng dài hơn, và cũng kém… thẩm mỹ hơn. Trong tập "Lĩnh Nam chích quái" (tác giả Trần Thế Pháp) được biên soạn từ thời Trần, cho biết từ thời thượng cổ, người Việt bắt đầu chống rét bằng áo dệt từ vỏ cây.

Chùm "Truyện Hồng Bàng" của ta cũng tả người dân Việt thời cổ "phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm". Nhiều khả năng những cái áo làm bằng vỏ cây là "tiền thân" của áo tơi sau này. Trong truyền thuyết "Mỵ Châu - Trọng Thủy" có chi tiết Mỵ Châu mặc áo lông ngỗng rồi rải lông dọc đường làm dấu cho chồng tìm mình. Rất có thể chiếc áo lông ngỗng ấy được biến thể rồi cách điệu hóa từ cái áo tơi?!

Trong nhiều sách viết về vua Lê Thánh Tông đều kể giai thoại nhà vua tặng người làm nghề hót phân (dân gian gọi là "mõ sung") đôi câu đối: "Thân ỷ nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự/ Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm" (Khoác một áo bào đảm việc khó khăn thiên hạ/ Cầm ba thước kiếm tận thu lòng dạ thế gian). "Nhung y" (áo bào tức áo giáp) có hình dáng gần giống áo tơi nhưng được làm từ nhiều mảnh kim loại xếp chồng lên nhau. Ở đây Lê Thánh Tông đã cách điệu hóa chiếc áo tơi của người mõ sung thành áo bào của vị võ tướng. Rất đúng với giọng điệu "khẩu khí đế vương"!

Áo tơi chữ Hán đọc là "soa y". Chữ "y" cổ có bộ "thảo" chỉ nghĩa vỏ cây, vỏ trái cây; cái dùng để bao, bọc đồ vật. Chữ "soa" cũng đọc là "toa", "thoa". Liễu Tông Nguyên (773-819) tự Tử Hậu, nhà thơ nổi tiếng thời trung Đường đã đưa hình tượng này vào bài "Giang tuyết": "Thiên sơn điểu phi tuyệt/ Vạn kính nhân tung diệt/ Cô chu thoa lạp ông/ Độc điếu hàn giang tuyết" (Giữa ngàn non, chim bay tắt bóng/ Trên đường muôn ngả, người vắng tanh/ Trên con thuyền cô đơn, ông già nón lá áo tơi/ Một mình ngồi thả câu trên sông tuyết lạnh). Chỉ 20 chữ nhưng vẽ ra cả một không gian lạnh, cô đơn đến cực điểm. Giữa mênh mông ngàn non, giữa những nẻo đường muôn ngả, không một cánh chim, không một bóng người, chỉ có một ngư ông trên con thuyền nhỏ như muốn câu cả dòng sông tuyết. Tản Đà dịch hai câu cuối thật tài hoa: "Kìa ai câu tuyết bên sông/ Áo tơi, nón lá, một ông thuyền chài". "Thoa" (soa) là cái áo tơi, "lạp" là cái nón. Thường áo tơi đi liền với nón lá. (Việt Nam ta có thành ngữ "áo tơi nón lá" để chỉ cảnh nghèo hoặc người ăn mặc bình dân).

Có thể nhìn bài thơ theo luật viễn cận của hội họa hiện đại. Trên cái phông nền viễn cảnh hoang lạnh đến tuyệt đối, cận cảnh một chiếc thuyền câu, trên đó một ngư ông cũng đang tập trung một cách tuyệt đối vào việc câu cá. Thơ hay đến ám ảnh lại giàu chất tạo hình, được đánh giá là một kiệt tác nên đi vào hội họa. Người minh họa bài thơ bằng bút vẽ nổi tiếng nhất là Mã Viễn (1160 - 1225), danh họa thời Nam Tống, được xếp vào một trong "tứ đại gia" của thời này. Đến nay bức họa vẫn chưa giải mã được hai điểm. Một là cái áo tơi, hình như được làm bằng vải chứ không phải bằng lá cây. Hai là cái cần câu lại có cả cái máy guồng dây, như cần câu thời nay vậy, rất mới. Mái lều nhỏ ở khoang thuyền thì lợp lá, trên mái lều có cái "nón" (lạp). Nhưng tổng thể bức tranh thì thật có thần, rất gợi. Xin mời bạn lý giải thêm!

Nguyễn Thanh Tú
.
.
.