"Vợ chồng A Phủ" và duyên nợ Tô Hoài – Mai Lộc

Thứ Bảy, 31/08/2019, 15:51
Truyện và phim "Vợ chồng A Phủ" đã trở thành tác phẩm kinh điển trong đời sống văn hoá tinh thần dân tộc hơn nửa thế kỷ qua, thể hiện bức tranh hiện thực sinh động của đồng bào vùng cao Tây Bắc từ bóng đêm nô lệ bước ra ánh sáng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đó là mối lương duyên đẹp và kỳ lạ giữa hai tâm hồn, tài năng lớn từ hai miền Bắc - Nam vừa mới hội ngộ là nhà văn Tô Hoài và đạo diễn Mai Lộc...

Chuyện người đẹp bí ẩn ở Trạm Tấu

Cách đây tròn 60 năm, vào một buổi chiều đẹp trời cuối năm 1959, bên nhà Thuỷ Tạ ven hồ Hoàn Kiếm, nhà văn Tô Hoài đã ký tặng tập "Truyện Tây Bắc" cho đạo diễn Mai Lộc. Đêm hôm đó, ông thức trắng để đọc và rất thích thú với truyện "Vợ chồng A Phủ". Có điều gì đó thức dậy trong lòng người từ phương Nam mới tập kết ra Bắc!

Đạo diễn Mai Lộc kể với chúng tôi rằng, khi trời vừa tờ mờ sáng, ông vội đến ngay nhà Tô Hoài và hỏi: "Có phải cô Mị trong truyện "Vợ chồng A Phủ" là người đàn bà Mông ở Trạm Tấu không?". Tô Hoài mỉm cười gật đầu với ánh mắt cảm động. Từ thẳm sâu ký ức của Mai Lộc hiện lên chuỗi hình ảnh về người đàn bà Mông ngồi trước bếp lửa mà ông tình cờ gặp khi đi quay bộ phim "Chiến thắng Tây Bắc". Trong cơn xúc động, Mai Lộc nói với Tô Hoài: "Tôi sẽ làm phim "Vợ chồng A Phủ" và đề nghị nhà văn chuyển thể kịch bản.

Ngược dòng thời gian, vào thu đông năm 1951 -1952, đạo diễn Mai Lộc vác máy quay phim theo chân bộ đội Sư đoàn 308 đi Chiến dịch Tây Bắc. Qua cánh đồng thung lũng Nghĩa Lộ, họ vượt hơn 30km nữa lên Trạm Tấu, một vùng rất cao của người Mông sinh sống nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái. Gặp lúc người Mông đang ăn Tết cổ truyền, họ chia vui cùng đồng bào. Hoa đào bản Mông rất đẹp. Mây trắng ngày đêm bao phủ núi đồi. Lạnh buốt. Mai Lộc được bố trí ở nhà ông Chủ tịch xã Trạm Tấu.

Cố nhà văn Tô Hoài và cố đạo diễn Mai Lộc.

Đêm đầu ở vùng cao lạ chỗ Mai Lộc không ngủ được. Đang trăn trở, ông chợt thấy một cô gái Mông còn rất trẻ ngồi ở cửa lò bếp sưởi. Ánh lửa hắt lên khuôn mặt hồng hào xinh đẹp của cô càng làm ông chú ý. Cô ngồi im lặng suốt đêm nhìn ánh lửa tí tách. Lửa tàn cô lại châm thêm củi. Đêm sau và đêm sau nữa cũng vậy. Cô gái Mông xinh đẹp vẫn ngồi thâu đêm bên ánh lửa. Mai Lộc vô cùng ngạc nhiên. Ông bèn hỏi khéo vị Chủ tịch xã Trạm Tấu và được biết cô gái đến… xin ly dị chồng!

Điều làm đạo diễn Mai Lộc bất ngờ nữa là nhà văn Tô Hoài cũng có mặt trong thời điểm ấy ở Trạm Tấu và chứng kiến sự việc ấy của cô gái trẻ người Mông. Theo tâm sự của Tô Hoài, bấy giờ ông đi thực tế viết cho Báo Cứu Quốc. Sau khi rời Trạm Tấu ông còn sang Phù Yên, nay là Bắc Yên thuộc tỉnh Sơn La, gặp vợ chồng người Mông đi ăn Tết cổ truyền.

Từ câu chuyện thực của họ phối hợp với những câu chuyện khác đã giúp nhà văn viết nên truyện "Vợ chồng A Phủ" đặc sắc vào năm 1952, trở thành một trong những tác phẩm văn học hay nhất viết về Tây Bắc và tiêu biểu cho đời văn Tô Hoài. Tất nhiên, khi viết truyện, nhà văn có hư cấu, sáng tạo thêm cho sinh động, hấp dẫn nhưng vẫn phù hợp với văn cảnh và đời sống đồng bào vùng cao với những thân phận khổ đau bị ràng buộc bởi hủ tục và sự áp bức của chế độ thực dân phong kiến, cùng khát vọng tự do thoát ra khỏi bóng tối vây phủ cuộc đời họ, có giá trị cao về nghệ thuật lẫn tư tưởng nhân văn!

Một bộ phim kinh điển của êkíp tài năng và tâm huyết

Vào cuối năm 1959, nhà văn Tô Hoài chuyển thể xong kịch bản phim "Vợ chồng A Phủ", lấy nguyên cốt truyện với đầy đủ nhân vật, chỉ lược bỏ một số chi tiết không phù hợp với điện ảnh. Sau khi kịch bản được lãnh đạo ngành văn hoá mà trực tiếp là nhà thơ Tố Hữu duyệt, đạo diễn Mai Lộc được quyền chọn thành phần chủ yếu cho tổ làm phim.

Người bạn thân Khương Mễ quay phim chính. Thiết kế mỹ thuật là hoạ sĩ Ngọc Linh. Âm nhạc là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Chủ nhiệm phim là Trịnh Huệ. Đạo diễn Mai Lộc cũng chọn nữ diễn viên Đức Hoàn đóng vai chính là cô Mị, còn nghệ sĩ Trần Phương vào vai A Phủ.

Đạo diễn Mai Lộc và hoạ sĩ Ngọc Linh đi tiền trạm lên Tây Bắc để tìm cảnh và bổ sung kiến thức về phong tục tập quán người Mông. Đến tháng 1-1960, Mai Lộc lại lên Tây Bắc lần thứ hai, đưa các diễn viên đi thâm nhập thực tế. Tuy nhiên, khi quay phim "Vợ chồng A Phủ" thì bối cảnh thật không phải ở Tây Bắc mà dựng cảnh ở Ba Vì, Hà Tây. Đạo diễn Mai Lộc cho biết: "Hơn một tháng tham quan và nghiên cứu kịch bản, chúng tôi quyết định xây dựng ngoại cảnh tại mỏm 400 núi Ba Vì để tiện đi về Hà Nội. Khi xây dựng xong ngoại cảnh, nhà văn Nguyễn Tuân có lên chơi, tỏ vẻ rất thích thú. Anh nói rằng sẽ viết về cái bản Mông này"!

Bộ phim "Vợ chồng A Phủ" được hoàn thành vào năm 1961 và được trao giải thưởng Bông sen bạc trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973. Có thể nói, bộ phim này là  cuộc hôn phối đẹp đẽ giữa văn học và điện ảnh, đặt dấu mốc lịch sử cho điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Và đây cũng là sự phối hợp tuyệt vời giữa hai văn nghệ sĩ tài năng là nhà văn Tô Hoài với đạo diễn Mai Lộc cùng êkíp làm phim để tạo dựng nên một tác phẩm điện ảnh kinh điển, dù có một số chi tiết trong phim khác với truyện. Cùng với những bộ phim như "Chị Dậu", "Số đỏ", "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Đất nước đứng lên", "Chị Tư Hậu", "Cánh đồng hoang", "Mùa gió chướng", "Đất phương Nam",… "Vợ chồng A Phủ" là một trong những bộ phim chuyển thể kịch bản văn học xuất sắc của nền điện ảnh hiện đại Việt Nam thế kỷ XX.

Hai nhân vật chính trong truyện phim "Vợ chồng A Phủ" là chàng A Phủ và nàng Mị. Xuất thân nghèo khó, họ chìm trong bóng tối khổ đau dưới ách kìm kẹp của thống lý Pá Tra. Đây là một chúa đất gian ác câu kết với thực dân Pháp áp bức bóc lột dân nghèo tận xương tuỷ. Thống lý Pá Tra bắt nàng Mị về làm vợ lẽ cho con trai là A Sử, còn chàng A Phủ thì bị bắt ở đợ suốt đời để trả nợ.

Bản năng và cảnh ngộ đưa A Phủ và Mị đến với nhau. Vì để mất trâu nên A Phủ bị Pá Tra cho bắt trói, bỏ đói, tra tấn gần chết. Mị liều cắt dây giải thoát A Phủ và cùng trốn đến Phiềng Sa sinh sống. Tình yêu nảy nở, họ nên vợ nên chồng. Đảng Cộng sản xuất hiện lãnh đạo đồng bào vùng cao, vợ chồng A Phủ và Mỵ được giác ngộ, cùng bà con đứng lên đấu tranh giải phóng mình và xây dựng cuộc sống mới tự do, hạnh phúc!

Cảnh trong phim “Vợ chồng A Phủ”.

Đức Hoàn vào vai Mị, Trần Phương thủ vai A Phủ đều là những vai diễn đầu tiên và thể hiện xuất sắc của hai nghệ sĩ tài năng, có ngoại hình đẹp mà về sau còn thành công trong vai trò biên kịch, đạo diễn. Dưới sự đạo diễn của Mai Lộc, họ cùng một số diễn viên khác của phim "Vợ chồng A Phủ" đã trải qua ba tháng trên miền núi cao, sống cùng gia đình Anh hùng quân đội Sùng Phai Sình, học tập cách ăn ngô, gùi nước, làm rẫy, chăn bò, cưỡi ngựa, đi bộ nhiều cây số của người Mông ở Tà Sùa. Và họ còn học nói được tiếng Mông như bà con đồng bào thực thụ.

Đạo diễn Mai Lộc cũng không quên vai trò trợ lý đạo diễn của Hoàng Thái, những góc quay sinh động và hình ảnh đẹp miền Tây Bắc do người bạn thân Khương Mễ phụ trách. Và ông cũng luôn nhớ tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cùng giọng hát của ca sĩ Kiều Hưng đưa bản nhạc phim "Bài ca trên núi" vang xa, góp phần quan trọng vào thành công vang dội của bộ phim "Vợ chồng A Phủ".

Đạo diễn Mai Lộc sinh năm 1923 tại Đà Lạt và mất năm 2011 tại TP Hồ Chí Minh. Mai Lộc cùng Khương Mễ được xem là những người khai sáng điện ảnh Nam Bộ từ thời kháng chiến chống Pháp với bộ phim tài liệu "Chiến trận Mộc Hoá" (1947). Sau năm 1954, ngoài thành công với "Vợ chồng A Phủ", ông còn là tác giả một số bộ phim nổi tiếng khác: "Chiến thắng Tây Bắc" (Giải thưởng Bông sen vàng Liên hoan Phim Việt Nam), "Giữ làng giữ nước" (Bông sen vàng), "Quyết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược" (Giải vàng Liên hoan Phim Lepzig, Đức)…
Phan Phú Yên
.
.
.