Văn hào Miguel De Cervantes: Bất tử cùng Don Quixote

Thứ Năm, 15/09/2011, 08:01

Trong khi lòng say mê của các thế hệ độc giả đối với "Don Quixote..." không hề giảm sút thì những tình tiết liên quan đến cuộc đời tác giả của nó cũng được các nhà nghiên cứu không ngừng để mắt tới, mà gần đây nhất là dự án tìm kiếm hài cốt của Cerventes tại một tu viện ở trung tâm Madrid... Nhiều giai thoại về cuộc đời của Cerventes cũng không ngừng được bổ sung...

Miguel de Cervantes (1547-1616) là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng của Tây Ban Nha. Bộ tiểu thuyết "Don Quixote - nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha" (mà bạn đọc nước ta vẫn quen gọi là "Đông Ki Sốt") không chỉ là tác phẩm quan trọng nhất của đời ông mà còn là tác phẩm vĩ đại nhất của ngôn ngữ Tây Ban Nha. Thậm chí, trong một cuộc khảo sát do Viện Nobel Na Uy tiến hành cách đây 9 năm, tác phẩm này còn được bình chọn là bộ tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại...

Lận đận cả đời

Mặc dù những tư liệu liên quan đến cuộc đời của Miguel de Cervantes (tên đầy đủ là Miguel de Cervantes Saavedra) còn lại đến nay không nhiều, song chỉ bằng ấy cũng đủ để chứng minh ông là người có số phận rất long đong, lận đận. Cervantes sinh ra trong một gia đình quý tộc sa sút. Bố ông là một thầy thuốc từng phải đưa gia đình lang thang hết tỉnh này tới tỉnh khác để kiếm tiền nuôi gần chục miệng ăn (cụ có tới 7 người con). Rồi có lần phải ra tòa vì không trả được nợ. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Cervantes chỉ được học tới trung học. Tuy nhiên, ông được ghi nhận là người có tinh thần tự học rất cao, là người rất chăm chỉ trong việc đọc sách.

Năm 1569, Cervantes được nhận vào làm người hầu cho một Hồng y giáo chủ. Năm sau, ông gia nhập quân đội và trong một trận thủy chiến với quân Thổ Nhĩ Kỳ, bàn tay trái của ông đã bị nghiền nát, khiến ông phải mang biệt danh "Người cụt tay trong trận Lepanto". Năm 1572, rời bệnh viện, Cervantes trở lại quân ngũ. Trải qua thời gian đồn trú tại nhiều nơi, trong đó có cả những hòn đảo xa xôi, năm 1575, trên đường cầm thư giới thiệu của tướng Don Juan de Austria tới Nhà vua Tây Ban Nha, những mong được Nhà vua trọng dụng, con tàu biển El Sol chở Cervantes đã bị một toán cướp biển tấn công. Cervantes cùng người anh trai bị bán làm nô lệ cho xứ Algiers.

Trong thời gian bị giam hãm tại Algiers, có tới bốn lần Cervantes cùng một số bạn tù tổ chức bỏ trốn, nhưng đều thất bại. Lần nào Cervantes cũng đứng ra nhận mình là người chủ mưu và bị hành hạ tàn nhẫn. Người anh của ông được gia đình chuộc ra trước. Tới năm 1580, đến lượt Cervantes được chuộc bằng 500 quan tiền vàng.

Ở tuổi 35, với một cơ thể không còn lành lặn, các chính sách đãi ngộ không có, Cervantes quyết định lập gia đình và để đảm bảo mưu sinh, ông bắt đầu quay sang viết văn. Nhiều giai đoạn thăng trầm của cuộc sống trước đó đã được ông phản ánh trong nhiều tác phẩm được viết thời gian này.

Từ ngày được chuộc về cho tới khi mất, Cervantes đã phải mưu sinh bằng rất nhiều nghề khác nhau, trong đó có cả việc đi thu thuế và thu mua thực phẩm cho hạm đội Armada. Có lần, trong quá trình thu mua thực phẩm, vì rắc rối trong chuyện tiền nong, Carvantes đã phải ngồi tù. Năm 1602, ở tuổi 59, lại một lần nữa ông bị bắt giam vì không xoay xở đủ tiền trả nợ công quỹ. Trong khi Cervantes ngồi tù thì thêm một bi kịch nữa xảy ra: Vợ ông đã bỏ ông để vào sống trong một nhà tu kín. Chính tại nhà tù (có tên gọi Seviia), Cervantes đã thai nghén kiệt tác "Don Quixote - nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha". Qua lời nói đầu của bộ tiểu thuyết, độc giả đã biết được điều này: "Tôi thai nghén nó trong một nhà tù, nơi trú ngụ của mọi bất tiện và mọi âm thanh buồn thảm".

Tượng thầy trò Don Quixote được dựng tại Madrid, Tây Ban Nha.

Về cuộc sống nghèo khổ của Cerventes, giới văn học từng lưu truyền một giai thoại như sau: Một lần, có đoàn sứ giả Pháp sang Tây Ban Nha. Trong thời gian công cán, họ đã tranh thủ tới thăm Cervantes, là tác giả bộ tiểu thuyết được dịch in ở Pháp mà họ rất hâm mộ. Đoàn sứ giả Pháp vô cùng ngạc nhiên trước gia cảnh bần hàn của nhà đại văn hào: "Sao! Chẳng lẽ một vĩ nhân như vậy mà nước Tây Ban Nha không lấy công quỹ đãi ngộ cho cuộc sống của ông sung túc hơn ư?". Tức thì, có người khác nêu ý kiến: "Nếu sự nghèo túng buộc ông ta phải viết thì cầu Chúa, cứ để ông ta nghèo túng mãi để viết nên những cuốn sách làm giàu cho kho tàng văn học của nhân loại".

Trước đây, căn cứ theo con số ghi trên bia mộ, các nhà văn học sử đã cho biết: Đại văn hào Cervantes tạ thế tại Madrid ngày 23 tháng 4 năm 1616. Cùng ngày hôm đó, tại thị trấn Stratford của nước Anh, đại văn hào William Shakespeare cũng trút hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên sau này, một số nhà nghiên cứu lại khẳng định rằng, theo truyền thống ở Tây Ban Nha thời bấy giờ thì ngày ghi trên mộ là ngày chôn chứ không phải là ngày mất, bởi vậy, chắc chắn ngày mất của Cervantes phải sớm hơn thế. Cũng vậy, theo các nhà nghiên cứu, bấy giờ ở Anh và Tây Ban Nha sử dụng hai loại lịch khác nhau, nên không có chuyện Cervantes và Shakespeare mất cùng ngày. Có chăng là cùng tháng mà thôi.

Sau khi mất, thi hài của Cervantes được chôn cất tại một tu viện gần nhà riêng của ông. Tới năm 1673, nhân việc người ta tiến hành xây dựng lại tu viện, hài cốt của Cervantes được chuyển đến cất giữ tại một tu viện khác, rồi sau đó được đưa trở lại tu viện cũ. Nhưng giờ thì không ai biết nó nằm ở đâu trong tu viện này. Bởi thế mới có chuyện cách đây ít tháng, một nhóm nhà khảo cổ muốn sử dụng các công nghệ hiện đại để dò tìm trong các vách tường và lòng đất của tu viện này hài cốt của tác giả "Don Quixote…". 

Sức sống mãnh liệt của "Don Quixote…"

"Don Quixote - nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ mancha" được ghi nhận là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của châu Âu và là một trong những tác phẩm được đọc nhiều nhất trên thế giới. Tương truyền, một lần, Vua Tây Ban Nha Felipe III đứng trên dinh thự của mình nhìn xuống đường, thấy một người học trò vừa đi vừa đọc một cuốn sách, thỉnh thoảng lại cất tiếng cười vang. Nhà vua đoán: "Tên học trò kia hoặc bị điên, hoặc đang đọc cuốn "Don Quixote…". Quả y như rằng, người học trò đó đang đọc cuốn tiếu thuyết trứ danh của Cervantes. 

Phần đầu của bộ tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1605, khi tác giả 58 tuổi. Cuốn sách được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Từ người già tới con trẻ đều đọc một cách say mê. Chỉ sau hai tuần xuất bản, tại Madrid, sách bị in lậu tới 3 lần. Tác giả không biết nên hoàn toàn bị thua thiệt. Cũng trong năm đó, sách được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp.

Năm 1614, tại Tây Ban Nha, một người nào đó đã ẩn dưới một cái tên giả và cho xuất bản cuốn "Don Quixote - nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha" phần II. Việc mạo nhận này đã khiến Cervantes vô cùng phẫn nộ. Nó khiến ông cấp tốc lao vào hoàn thành phần II của bộ tiểu thuyết. Mặc dù bị Tòa án Giáo hội ngăn trở, phần II của "Don Quixote…" vẫn được ra mắt bạn đọc vào năm 1615, sau 10 năm Cervantes cho xuất bản phần I. Lại một lần nữa, độc giả bị cuốn theo sức hút của cuốn sách.

Đến nay, bộ tiểu thuyết "Don Quixote - nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba" của Miguel de Cervantes đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới, được xuất bản tới cả ngàn lần. Tác phẩm còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật như thơ, kịch, nhạc kịch, ballet… Một dịch giả sang tham quan Bảo tàng về Cervantes ở Alcala, Tây Ban Nha đã kể rằng, ông từng bắt gặp ở đây hai người đàn ông, một người chơi guitar, một người chơi violin. Sau khi biểu diễn xong những bản nhạc rất mùi mẫn, họ ngửa mũ xin tiền du khách. Một người dáng vóc cao gầy, một người thấp béo. Thì ra, đó là hai người đang vào vai Don Quixote và Sancho Panza - hai nhân vật chính của bộ tiểu thuyết . Điều ấy cho thấy sức đi vào cuộc sống của các nhân vật trong tiểu thuyết của Cervantes là rất cao.

Lý giải tại sao bộ tiểu thuyết "Don Quixote…" lại có sức chinh phục rộng lớn như vậy, đến độ trở thành cuốn sách "hay nhất của mọi thời đại", một nhà văn đã cho rằng, nếu nói về sự hấp dẫn thì nhiều cuốn sách khác trên thế giới còn hấp dẫn hơn. Vấn đề là thông qua nhân vật Don Quixote - một nhân vật tưởng như gàn gàn, dở dở, tác giả đã ca ngợi một mẫu hình biết yêu tự do, bình đẳng, trọng danh dự, ghét thói xa hoa. Điều ấy đã đánh thức trong mỗi con người chúng ta bản chất hướng thiện mà hiện thời, nó dễ bị phủ lấp bởi sự hoành hành thống trị của cuộc sống nặng về hưởng thụ, cá nhân vị kỷ, ít quan tâm đến người khác. Và đấy chính là giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm…

Hoàng Ngọc Thọ
.
.
.