Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi:

Tôi từng gặp nhiều sự cố khi làm phim

Thứ Bảy, 03/10/2009, 11:00
Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi sinh năm 1932 tại Phú Thọ. Ông là một nhà đạo diễn đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả qua các bộ phim như: "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông", "Tướng về hưu", "Tiếng cồng định mệnh"... Chính bộ phim "Tướng về hưu" đã mang lại cho ông giải Bông Sen bạc (không có giải vàng) trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX (năm 1990).

Mặc dù tuổi đã cao nhưng theo đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi tâm sự, hiện ông vẫn muốn được làm một bộ phim về đời sống đương đại nếu có kịch bản hay.

-Thưa đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc lợi, trong những ngày tháng 9 lịch sử, bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" vẫn được nhiều người xem lại với vẹn nguyên sự xúc động. Bản thân ông, với tư cách là một đạo diễn, khi xem lại những thước phim đó, điều đầu tiên ông nghĩ tới là gì?

+ Tôi luôn thấy được những thiếu sót, dù nhỏ của mình sau khi xem lại những bộ phim mình đã làm. Tôi luôn tiếc là, tại sao thời điểm ấy, mình không nghĩ ra được những thiếu sót mà bây giờ mình đang nhìn thấy. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những thiếu sót nhỏ, không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của bộ phim.

- Làm phim về chiến tranh cách mạng đã nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên ông làm phim về Bác Hồ. Ông có thể cho biết, khi nhận lời làm "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông", một bộ phim được giới chuyên môn cũng như người xem kỳ vọng khá nhiều, ông có gặp trở ngại gì không?

+ Trời ơi, không chỉ là một mà hàng chục trở ngại ấy chứ. "ở" là bộ phim hợp tác giữa Hãng phim  Hội nhà văn  và, một trong năm hãng phim lớn nhất. Phim dài gần 100 phút, thời gian quay chỉ gói gọn trong vòng 3 tháng. Tiêu chí của bộ phim được xây dựng trên cơ sở tôn trọng bối cảnh lịch sử, sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và tinh thần lịch sử. Trong khi đó, êkíp làm phim vượt qua bất đồng ngôn ngữ để lựa chọn những cảnh quay phù hợp nhất. Chính vì lẽ đó khi Hội đồng duyệt phim chọn tôi làm đạo diễn, tôi vừa lo vừa sợ. Bởi vì làm phim về lãnh tụ không hề đơn giản. Ngoài sự chính xác, chân thật, nghiêm túc, lại phải thu hút được người xem, nhất là lớp các khán giả trẻ, không phải là điều dễ dàng. Nhưng sau đó, tôi đã mạnh dạn nhận lời, coi như đây cũng là một cuộc thử thách lớn của cuộc đời mình.

Hồi đó, tôi vẫn nhớ, nhà văn Hữu Mai, biên kịch của phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" mấy lần định rút kịch bản về, không cho làm phim nữa vì có những chi tiết trong kịch bản phân cảnh khác với kịch bản của ông. Tuy nhiên, sau nhiều lần họp hành, phân giải, tôi phải nói với những người đại diện bên Hội Nhà văn rằng, đây không phải là phim tài liệu mà là phim điện ảnh và để phim hấp dẫn hơn thì đạo diễn phải hư cấu.

Tôi cũng phải cảm ơn nhà văn Ma Văn Kháng vì trong cuộc họp, ông đã bảo vệ quan điểm rằng: Các nhà văn tư duy bằng hình tượng, còn các nhà làm phim tư duy bằng hình ảnh, không nên quá vụ thực, và nếu chỉ là những chi tiết phụ không ảnh hưởng nhiều đến nội dung kịch bản phim thì chúng ta nên để cho đạo diễn tự xử lý.

- Nói gì thì nói, cuối cùng thì bộ phim cũng đã thu gặt được những thành công nhất định. Thành công trước hết của bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" là đã đưa tới một hình ảnh mới về vai diễn Bác Hồ...?

+ Đúng thế, với sự cộng tác của người đồng nghiệp Trung Quốc rất có nghề là đạo diễn Viên Thế Kỷ (từng đạo diễn phim truyền hình "Tình Châu Giang" rất quen thuộc với công chúng Việt Nam), chúng ta đã được nhìn thấy một vị lãnh tụ hào hoa, lịch lãm và tài năng xuất chúng.

Thú thật là khâu chọn vai Nguyễn Ái Quốc thời kỳ hơn 40 tuổi là khâu khó khăn nhất. Tôi vẫn nhớ là mình đã thao thức nhiều đêm vì chẳng biết chọn diễn viên nào. Những người đã từng vào vai Bác Hồ thì đã quá quen thuộc với khán giả. Những diễn viên trẻ thì diễn không có chiều sâu. Trong đầu tôi thoảng qua hình ảnh của NSƯT Trần Lực, nhưng vẫn chưa chốt. Hôm sau, tôi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh tìm tài liệu về Bác Hồ. Biết chuyện, một nhân viên của bảo tàng chợt buột miệng nói: "Em thấy Trần Lực có vẻ ngoài giống Bác Hồ hồi trẻ đấy". Thấy có người trùng ý nghĩ với mình, tôi gọi Trần Lực đến thử vai, và cuối cùng thì những thước phim đã được hoàn thành đúng như mong đợi.

- Trở lại quá khứ một chút, "Tướng về hưu" (Kịch bản: Nguyễn Huy Thiệp) là bộ phim đầu tiên đã để lại dấu ấn tên tuổi của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi trên phim trường. Nó cũng đã mang lại cho ông giải Bông sen bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX). Bên cạnh thành công thì "Tướng về hưu" cũng đã khiến cho ông gặp không ít những phiền toái. Hồi đó, mạnh tay làm một bộ phim về hậu chiến, ông đã tâm niệm điều gì?

+ Tôi không đi bộ đội ngày nào, vì đúng thời điểm đó tôi được Nhà nước cử đi học đạo diễn ở Liên Xô, nhưng hiểu biết về chiến tranh thì thế hệ những người đã sống sót qua thời chiến như bọn tôi khá thấu đáo. Tôi muốn tìm hiểu số phận của con người hậu chiến. Truyện ngắn "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp hồi đó nổi lên như một hiện tượng lạ trong văn học, người khen nhiều mà người chê cũng không ít. Thực ra, khi chuyển thể tác phẩm văn học của mình thành kịch bản phim, Nguyễn Huy Thiệp đã viết sang một kiểu khác, hơi hài hước, giễu nhại mà không sát sườn với tác phẩm. Tuy nhiên, khi làm phim, tôi đã tước đi các phần hài hước mà đi theo nguyên bản tác phẩm đã in trên báo Văn nghệ.

Tôi tâm đắc hai điều trong tác phẩm: Thứ nhất, ông tướng là một người chỉ huy hàng ngàn người lính, trải qua hàng trăm trận đánh để dành độc lập cho Tổ quốc, nhưng khi rời quân ngũ trở về đời thường thì ông lại cảm thấy lạc lõng. Nỗi chua chát của ông lên tới đỉnh điểm, khi lối sống thực dụng, hám lợi, làm điều bất chính của cô con dâu đã làm hệ lụy đến sự trung thực mà cả một đời ông đã gìn giữ. Chính điều này đã gây nên cái chết đau đớn của vị tướng.

Thứ hai, với hình ảnh cái cối xay thịt mà người giúp việc của cô con dâu xay những thai nhi để nấu lên cho chó béc-giê ăn ở phần cuối của phim, là nỗi ám ảnh đầy tàn nhẫn, thậm chí là ghê tởm của hành vi con người, nhưng cũng là dự báo sự khốc liệt của nền kinh tế thị trường những năm sau đó. Làm phim này, tôi muốn hướng tác phẩm nghệ thuật của mình tới một nấc thang cao hơn: Tính dự báo.

- Chính vì luôn mong có một tác phẩm toàn bích, mà trong giới chuyên môn còn đồn đại rằng, hồi đó, để quay được những bộ phim về chiến tranh, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi cũng đã gặp không ít những "sự cố hy hữu"?

+ Nói chung, không phim này thì phim khác, tôi thường là người hay bị gặp những rắc rối, gần như không có phim nào "xuôi chèo mát mái" cả. Cũng có thể mình là người cầu toàn nên thường có những yêu cầu cao đối với từng thước phim do mình đạo diễn.

Chẳng hạn, lần làm phim "Cơn lốc biển", nói về việc công nhân mỏ đi biểu tình chống Pháp những năm 1936, tôi phải dùng tới 6.000 diễn viên quần chúng. Khi quay trên cao thì thấy được sự hùng tráng, đông người, đậm tinh thần phản kháng, nhưng rồi tới lúc quay trung cảnh thì lại thấy ít người quá. Ngay lúc đó, tôi phải chạy đến thư viện tìm sách đọc lại rồi mới cho quay tiếp. Còn sự cố buồn thì khá nhiều đấy.

Tôi vẫn còn nhớ, có một cảnh quay ta phản công để uy hiếp tinh thần địch. Hồi đó, người Trung đội trưởng tuy đã dạn dày chiến trận, vậy mà không hiểu sao khi châm lửa, rút chốt lựu đạn anh đã chậm trễ vài giây, và lựu đạn đã… nổ luôn ở trên tay. Còn trong một cảnh quay bắn súng, mặc dù các nhà chuyên môn đã tịch thu hết đạn thật để chỉ bắn đạn khói, nhưng có anh lính "vui tính" đã giữ lại được một viên đạn thật để… diễn. Khi súng bắn ra thì đã có một người bị thương. Hay như khi làm phim "Tiếng cồng định mệnh" (kịch bản của Chu Lai), phải sử dụng đến xe tăng. Mặc dù đã hướng dẫn, cả thực hành trước các thao tác bắn nhưng trong tình huống diễn thật có lái xe ngồi trong cabin, thì anh lính bắn súng đã gạt cần an toàn xuống khi thuốc súng vẫn còn cháy. Thế là người lái xe bị bỏng phải vội vàng đẩy cửa chạy ra ngoài...

- Ông là người có duyên với những kịch bản chuyển thể từ tác phẩm của các nhà văn như Hữu Mai, Nguyễn Huy Thiệp, Chu Lai... Theo ông dựng phim từ những kịch bản chuyển thể có những cái dễ và khó như thế nào?

+ Tôi thích làm phim chuyển thể của các nhà văn, vì thường thì tác phẩm của họ hay, xâu chuỗi được các hình tượng. Và đương nhiên là những tác phẩm hay và có ý tưởng thì khỏi phải bàn rồi, nó sẽ nâng bộ phim của mình lên. Nhưng ngược lại, nếu đạo diễn dở thì sẽ làm cho không những phim, mà tác phẩm nguyên bản cũng sẽ... mất giá! Tuy nhiên, làm đạo diễn, ngoài tài năng thì phải chịu khó, chịu khổ và đam mê thực sự thì mới thành công được.

- Vâng, xin cảm ơn đạo diễn!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.