Tác giả “Đây thôn Vĩ Dạ” trong cuộc tình rung động bởi thương đau
- Nhớ Hàn Mặc Tử
- Hàn Mặc Tử
- Hàn Mặc Tử qua ký ức của người thân
- Thi sĩ Hàn Mặc Tử: Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1942-2005) là người đã góp công xây dựng khu mộ Hàn Mặc Tử nằm trong khu điều trị bệnh phong Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Sự yêu mến của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh dành cho thi sĩ đoản mệnh không chỉ dừng lại ở đó, mà còn được viết thành ca khúc "Hàn Mặc Tử" chinh phục công chúng suốt bao nhiêu năm qua. Trong ca khúc "Hàn Mặc Tử" có nhắc "Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ, giấu thân nơi nhà hoang/ Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi", vì vậy nhiều người đinh ninh Mộng Cầm là người đẹp quan trọng nhất trong cuộc đời Hàn Mặc Tử.
Mộng Cầm và địa danh Lầu Ông Hoàng được âm nhạc Trần Thiện Thanh miêu tả lâm ly, gắn bó thế nào với Hàn Mặc Tử? Mộng Cầm tên thật Huỳnh Thị Nghệ, là cháu gái của thi sĩ Bích Khê. Nhờ tình bạn với Bích Khê, mà Hàn Mặc Tử có quen biết với Mộng Cầm, và đôi bận ghé qua Phan Thiết để thăm thiếu nữ hay chữ ấy. Mộng Cầm có tình ý gì với Hàn Mặc Tử không?
Hàn Mặc Tử qua nét vẽ Tạ Tỵ. |
Mộng Cầm không hề thổ lộ điều gì cụ thể, nên Hàn Mặc Tử thất tình và làm bài thơ "Muôn năm sầu thảm" gọi đúng tên thật của người trong mộng dở dang: "Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm/ Nhớ thương còn một nắm xương thôi/ Thân tàn ma dại đi rồi/ Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan/ Nghe gió là ôm ngang lấy gió/ Tưởng chừng như trong đó có hương/ Của người mình nhớ mình thương/ Nào hay gió tạt chả vương vấn gì".
Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí (1912-1940) chỉ sống 28 năm với cõi người bận bịu, với thi ca nhọc nhằn. Từ thuở viết "Gái quê", Hàn Mặc Tử đã khao khát yêu đương "Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự/ Tôi đều nhận thấy trên môi em/ Làn môi mong mỏng tươi như máu/ Đã khiến môi tôi mấp máy thèm" nhưng hành trình tìm kiếm tình nhân của ông chỉ thấy éo le và trắc trở. Không được yêu trong đời thực thì Hàn Mặc Tử phơi bày niềm yêu trong thơ.
Ông từng thổ lộ: "Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá. Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và nghĩa là tôi đã mất trí, đã phát điên. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú".
Những bóng hồng đã "đánh" Hàn Mặc Tử bằng chính sự hững hờ. Một lần bị "đánh" đáng nhớ nhất của Hàn Mặc Tử, đã cho ra đời tuyệt phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ". Khoảng năm 1933, Hàn Mặc Tử làm việc tại Sở Địa chính Quy Nhơn, đã tình cờ quen biết một cô gái Huế tên là Hoàng Thị Kim Cúc thường lấy bút danh Hoàng Cúc. Vẻ đẹp của Hoàng Cúc khiến Hàn Mặc Tử say đắm thì rõ rồi, nhưng họ có hẹn hò không?
Hoàng Cúc kể: "Hàn Mặc Tử có gặp tôi hai lần. Lần đầu chỉ nói bâng quơ vài câu rồi chào về. Lần thứ hai, Hàn Mặc Tử mạnh dạn trong dáng điệu rụt rè, lắp bắp mấy lời tỏ tình, rồi đưa tặng tôi tập thơ "Bâng khuâng" với mảnh giấy nhỏ có mấy dòng chữ. Tôi bàng hoàng rồi từ chối, không nhận sách, không nhận thư".
Với Hoàng Cúc thì quan hệ với Hàn Mặc Tử dừng ở mức sơ giao. Thế nhưng, năm 1938 khi biết tin Hàn Mặc Tử bị bệnh phong, Hoàng Cúc đã gửi cho Hàn Mặc Tử một tấm bưu thiếp phong cảnh Huế và dăm câu động viên. Nhận được món quà bất ngờ đó, Hàn Mặc Tử đã hồi âm theo kiểu khá đặc biệt. Lá thư của Hàn Mặc Tử ngắn gọn: "Có nhận được bức ảnh bến Vĩ Dạ lúc hừng đông hay một đêm trăng? Và mấy hàng chữ của túc hạ gửi thăm. Muôn vàn cảm tạ túc hạ còn nhớ đến nghĩa năm xưa thì phúc hậu lắm rồi. Mong ơn trên xuống lộc cho túc hạ thật đầy đủ…".
Quan trọng hơn, kèm theo những dòng thư cảm tạ ấy là bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ". Chính Hoàng Cúc cũng không thể tiên liệu, một nghĩa cử nho nhỏ của mình đã giúp nền thi ca Việt nam có được một kiệt tác: "Mơ khách đường xa, khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?".
Trái tim đa cảm của Hàn Mặc Tử đã vẽ nên "lá trúc che ngang mặt chữ điền". Khi nhà thơ Quách Tấn có hỏi Hoàng Cúc về nguồn cảm hứng trong thơ, thì Hoàng Cúc trả lời trong lá thư ngày 15/4/1971 khá tường tận: "Bức ảnh đó chỉ là bức ảnh phong cảnh, chụp ảnh hoàng hôn mà tôi mua ở phố. Trong ảnh không có cô gái nào khác, ngoài cô chèo đò. Cô gái mà ông hỏi đó là do sức tưởng tượng của thi nhân".
Nữ sĩ Mai Đình. |
Có phải cả đời thi sĩ Hàn Mặc Tử chỉ yêu người không yêu mình chăng? Không, vẫn có một người phụ nữ đem lòng yêu Hàn Mặc Tử thật sự. Trong các tác phẩm nghệ thuật nói về cuộc đời Hàn Mặc Tử từ kịch nghệ đến phim ảnh đều chủ yếu tập trung vào hai nhân vật Mộng Cầm và Hoàng Cúc, mà ít khai thác nhân vật Mai Đình. Em ruột của thi sĩ Hàn Mặc Tử là ông Nguyễn Bá Tín đã viết cuốn sách "Hàn Mặc Tử anh tôi" khẳng định rằng Mai Đình mới là mối tình đích thực với Hàn Mặc Tử.
Mai Đình tên thật là Lê Thị Mai, quê gốc Thanh Hóa. Những năm theo cha vào sinh sống ở Phan Thiết. Sợi tơ kết nối Mai Đình với Hàn Mặc Tử cũng chính là thi ca, như bà từng bộc bạch: "Tôi mê đọc sách, đặc biệt Đường thi. Tâm hồn đẫm thơ văn.
Một lần trên mục Văn chương tờ "Sài Gòn" tình cờ tôi đọc được bài "Thức khuya" của Hàn Mặc Tử. Chất thơ, hồn thơ, tâm trí lự của tác giả làm tôi say, tôi cảm. Không hiểu sao cái tên Hàn Mặc Tử cứ ám ảnh tôi hoài và từ đó tôi cố ý tìm đọc hàng loạt những bài khác của thi nhân này. Bài nào tôi cũng cảm thấy hay, thấy xúc động và trong tôi bỗng thấy hình thành bóng dáng một thi sĩ Hàn Mặc Tử thật tuyệt vời.
Cũng từ đấy dường như có sự kỳ diệu nào thôi thúc tôi quyết định gửi những bản thảo thơ của mình cho mục Văn chương của tờ "Sài Gòn" cùng những niềm huy vọng rất mơ hồ, rất khó giải thích, bởi tôi biết rằng trong Ban Biên tập của tờ báo đáng kính đó có Hàn Mặc Tử…
Thế rồi tôi nhận được thư anh. Lời thư thật tao nhã cao sang. Anh nói rằng anh thật sự xao xuyến trước vẻ đẹp và sự tinh túy của những bài thơ tôi viết với một bút danh rất mới: Mai Đình và anh lần lượt cho đăng. Dường như tiền định, hai tâm hồn thơ gặp nhau cảm trọng, mến mộ nhau, chỉ qua thư từ trao đổi thôi chứ chưa hề gặp mặt, vậy mà đã rất ý hợp tâm đồng".
Khi Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong, phải tìm về Quy Hòa trú ngụ với bao nhiêu đau đớn và tuyệt vọng, thì Mai Đình đã tình nguyện ở bên cạnh thi sĩ. Ông Nguyễn Bá Tín viết: "Khác với những mối tình âm thầm kín đáo, hoặc dè dặt trước kia, chị Mai Đình là người yêu thơ cũng như yêu con người phong cùi đó, một cách ồn ào, sôi nổi và tha thiết nhất".
Mai Đình có bài thơ "Biết anh" tặng Hàn Mặc Tử: "Còn anh, em đã gặp anh đâu/ Chỉ cảm vần thơ có những câu/ Âu yếm say sưa đầy cả mộng/ Xui lòng tư tưởng lúc đêm thâu". Và Hàn Mặc Tử cũng có bài thơ "Lưu luyến" tặng Mai Đình: "Chửa gặp nhau mà đã biệt ly/ Hồn anh theo dõi bóng em đi/ Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió/ Lưu luyến bên em chẳng nói gì…/ Anh đã ngâm và đã thuộc làu/ Cả người rung động bởi thương đau/ Bởi vì mê mẩn, vì khoan khoái/ Anh cắn lời thơ để máu trào".
Chân tình của Mai Đình dành cho Hàn Mặc Tử những năm cuối đời, không chỉ giúp Hàn Mặc Tử chống chọi sự hành hạ của bệnh phong, mà còn thế hệ sau tin rằng tình yêu luôn hiện diện trên cõi người lắm toan tính nhiều lạnh lùng.