Nóng bỏng một cuộc tình và sự ngộ nhận của Marilyn Monroe

Thứ Bảy, 07/09/2013, 08:00
Mặc dù còn trẻ (mới ở tuổi ngoài ba mươi một chút) song Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy tỏ ra là người cực kỳ bản lĩnh. Hơn ai hết, bà biết rõ căn bệnh trăng hoa của chồng, một người đàn ông quyền lực, thông minh, lịch lãm và rất có sức thu hút chị em. Bằng cách riêng của mình, bà Jackie không chỉ biết rõ tên tuổi từng người tình của chồng mà ngày một ngày hai, bà còn tách dần được họ ra khỏi cuộc chơi. Duy trường hợp cô nàng Marilyn Monroe là khiến Jackie phải thực sự thấy "gờm"...

Như để kỷ niệm tròn nửa thế kỷ ngày John Fitzgerald Kennedy - vị tổng thống trẻ nhất và đào hoa nhất của nước Mỹ - bị ám sát (ngày 22/11/1963), ngày 6-8 vừa qua, cuốn sách "These Precious Few Days: The Final Year of Jack and with Jackie" (tạm dịch: Những ngày đáng nhớ: Năm cuối cùng của Jack và Jackie) của nhà báo Christopher Andersen đã chính thức được phát hành. Cuốn sách hé mở nhiều thông tin động trời, trong đó mối tình tay ba giữa Tổng thống J.F.Kennedy, Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy và cô đào bốc lửa Marilyn Monroe đã được tác giả khai thác khá triệt để. Không có cuốn sách của Christopher Andersen, hẳn đông đảo người dân Mỹ khó có thể biết được rằng, từng có những ngày, "quả bom tình dục" Marilyn Monroe đã sôi sục ước mơ trở thành người "tiếp quản" vị trí Đệ nhất phu nhân Mỹ...

Điều đáng nói là bà Jackie Kennedy rất biết điều ấy.

Mặc dù còn trẻ (mới ở tuổi ngoài ba mươi một chút) song Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy tỏ ra là người cực kỳ bản lĩnh. Hơn ai hết, bà biết rõ căn bệnh trăng hoa của chồng, một người đàn ông quyền lực, thông minh, lịch lãm và rất có sức thu hút chị em. Bằng cách riêng của mình, bà Jackie không chỉ biết rõ tên tuổi từng người tình của chồng mà ngày một ngày hai, bà còn  tách dần được họ ra khỏi cuộc chơi. Duy trường hợp cô nàng Marilyn Monroe là khiến Jackie phải thực sự thấy "gờm"; phải hao tâm tổn trí tìm cách đối phó nhất. Jackie không quan tâm lắm tới tình cảm giữa hai người, không lo vì Marilyn mà cuộc hôn nhân giữa bà và vị Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ tan vỡ. Bà tin chồng bà không dại gì chấp nhận một sự đánh đổi như vậy. Song vì Marylin là một nhân vật có ảnh hưởng ghê gớm đối với giới truyền thông nên bà lo sợ một ngày, với lối sống "không đàng hoàng" của mình, "con ngựa bất kham" Marilyn sẽ có những phát ngôn và hành xử gây tổn hại lớn lao tới uy tín cũng như vị thế chính trị của chồng bà, đẩy bà vào thế làm "trò cười" cho thiên hạ.

Trong thực tế, Marilyn luôn tin rằng trước sau cô sẽ thành vợ hai của Tổng thống Kennedy và đã nhiều lần nói toạc ra với bạn bè điều này. Thậm chí, có lần, vì quá nôn nóng, Marilyn Monroe đã gọi điện đến Nhà Trắng, ngỗ ngược thông báo với Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy, rằng cô từng nhiều lần ăn nằm với ông Kennedy và Tổng thống đã hứa sẽ rời bỏ gia đình để đến với cô. Trong điện thoại, Marilyn còn công khai chỉ trích việc Jackie quan hệ tình dục với chồng "quá nhàm chán" và tự tin ra lời khuyến cáo: "Bà hãy rời khỏi vị trí của mình, để lại vị trí đó cho tôi".

Như trên đã nói, Jackie Kennedy là một người bề ngoài mềm mại nhưng bên trong lại ẩn chứa một sự rắn rỏi, cứng vững. Trước những lời lẽ đầy khiêu khích của cô đào thuộc diện nổi tiếng và tai tiếng nhất Hollywood thời ấy, bà vẫn lịch thiệp và điềm tĩnh đáp lại rằng, Marilyn sẽ được hoan nghênh nếu như "tiếp quản" vai trò Đệ nhất phu nhân: "Marilyn, cô sẽ cưới Kennedy, điều này thật tuyệt. Và cô sẽ chuyển vào Nhà Trắng, sẽ gánh vác trọng trách của một Đệ nhất phu nhân. Về phần tôi, tôi sẽ ra đi, và cô sẽ phải chuốc lấy mọi rắc rối mà hiện tôi đang phải hứng chịu".

Bức ảnh hiếm hoi ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống J.F.Kennedy (thứ ba từ trái sang) và siêu sao màn bạc Marilyn Monroe đêm 19/5/1962.

Sau khi nhận được cú điện thoại gây sốc của người đẹp tóc vàng vốn dĩ quá dày dạn trong tình trường, Jackie đã thật thà kể lại cho bác sĩ riêng - Tiến sĩ Frank Finnerty - về đời sống tình dục không được "xuôi chèo mát mái" của vợ chồng mình. Trong cuộc trò chuyện, Đệ nhất phu nhân không phủ nhận việc bà không hợp chuyện chăn gối với chồng, song nguyên nhân lại bắt nguồn từ phía Tổng thống. Tiến sĩ Frank Finnerty tiết lộ: "Bà ấy than phiền rằng, ông Kennedy làm mọi chuyện… nhanh quá và sau đó vùi mình vào giấc ngủ". Cũng trong cuộc trò chuyện, Tiến sĩ Frank Finnerty đã đưa ra cho bà Jackie mấy "liệu pháp" nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Tuy nhiên, tất cả đều vô tác dụng bởi trước sau, Tổng thống vẫn không bỏ được thói trăng hoa.

Theo tác giả Andersen phân tích, bấy giờ (năm 1962), Marilyn Monroe ở tuổi 36, đã trải qua ba đời chồng và mệt mỏi nhận ra rằng, biểu tượng sex của cô sắp đến ngày lụi tàn. Cô bắt đầu tìm kiếm một vai trò mới: Trở thành vợ sau của Tổng thống Kennedy. Qua tâm sự sau những lần lên giường với người đàn ông đa tình này, Marilyn tin rằng ông Kennedy đang chuẩn bị cho một cuộc "phế truất" Đệ nhất phu nhân Jackie để cưới cô.

Và sự thật, như chúng ta đều biết, cho tới tận khi bị ám sát, ông Kennedy vẫn duy trì cuộc sống gia đình với bà Jackie và - theo như nhận xét của các cộng sự của ông Kennedy ở Nhà Trắng thì "chưa bao giờ Tổng thống coi Marilyn ngang hàng với vợ mình".

Đường đường là một nguyên thủ quốc gia, lại là một quốc gia giữ vai trò "đầu tàu" trên nhiều phương diện như nước Mỹ, hiển nhiên Tổng thống Kennedy có nhiều mối bận tâm, và chuyện tình ái "ngoài luồng" chỉ là một phần rất nhỏ chi phối đầu óc ông. Bởi vậy, sự lộ liễu của cô đào Marilyn trong hành xử cũng như phát ngôn đã khiến ông không thể không canh chừng. Thậm chí, từ thích thú ông chuyển sang… ngán ngại người đàn bà này. Để "rút lui có trật tự", ông "ủy quyền" cho người em trai của mình là Thượng nghị sĩ Robert Kennedy tới khuyên nhủ Marilyn Monroe hãy từ bỏ ý định điên rồ. Việc không thành và kết quả là chính sự quyến rũ đến ma mị của Marilyn đã lại khiến vị "thuyết khách" theo chân anh trai bập vào một cuộc phiêu lưu tình ái mới, tạo nên một hình "tam giác" trong quan hệ giữa ba người.

Từ nhiều năm nay, mặc dù theo các nguồn tin chính thức thì cái chết của Marilyn Monroe xảy ra vào ngày 5/8/1962 là do cô sử dụng thuốc quá liều, song theo các bình luận, phân tích "ngoài lề" thì không loại trừ khả năng cô bị trừ khử bởi một thế lực nào đó. Một trong những tiền đề của sự suy đoán này là một nhận xét được đưa ra bởi chuyên gia pháp y Tomas Noguchi, người đã trực tiếp giải phẫu thi thể Marilyn Monroe. Ông này đã viết trong hồi ký của mình vào năm 1983 rằng, xét theo tất cả các yếu tố, không ai có thể biết được rõ ràng về thực trạng cái chết của Marilyn. Điều này chỉ có thể có được nhờ các tài liệu lưu trữ ở Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và việc phỏng vấn các bạn bè của cô. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không hiểu sao đã không có tài liệu thực sự giá trị nào được đưa ra.

Điều dễ nhận thấy nhất là sau khi có những phát ngôn quá đà của Marilyn Monroe về mối quan hệ ngoài luồng giữa cô và Tổng thống, Nhà Trắng đã có những biện pháp ngăn chặn ráo riết. Tất cả những bức hình có sự xuất hiện của Tổng thống Kennedy và Marilyn đều bị ngăn cấm phổ biến ở mức cao nhất. Ngay cả nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng là ông Cecil Stoughton cũng bị cấm chụp những bức ảnh kiểu này. Chính vì lẽ đó mà tới nay, thiên hạ hầu như chỉ biết đến duy nhất một bức hình ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Marilyn và Tổng thống Kennedy trong lễ mừng sinh nhật lần thứ 45 của ông - bức ảnh này sở dĩ không bị tịch thu chỉ bởi khi các nhân viên FBI kiểm tra, nó đang nằm trong máy sấy.

Thật ra, theo như tiết lộ của nhà báo Christopher Andersen, sự xuất hiện của Marilyn Monroe chỉ là một tình tiết nhỏ trong cuộc hôn nhân hết sức phức tạp của Tổng thống Kennedy, trước năm ông bị ám sát. Điều quan trọng hơn mà Andersen muốn điều tra, tìm hiểu, đó là: Đệ nhất phu nhân Jackie đã vượt qua những áp lực từ mối quan hệ ngoài luồng của chồng như thế nào? Và giữa hai người, khi cùng ngồi trên chiếc ôtô mui trần chạy trên đường phố Dallass (để rồi sau đó, ông Kennedy bị bắn chết), họ có còn yêu nhau không? Và liệu sau nhiều mối quan hệ chằng chịt, sau nhiều lần bị bẽ mặt, với những vinh quang và bất hạnh đan xen, liệu nếu ông Kennedy không bị ám sát, họ có còn tiếp tục sánh bước bên nhau? Đó chính là điều mà tác giả cuốn sách - nhà báo Christopher Andersen muốn chứng minh với bạn đọc.

Theo Andersen cho biết, có những tình huống bộc lộ toàn bộ bản chất vấn đề. Ấy là khi xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, bà Jackie đã phản đối kế hoạch đưa mình và các con rời xa Kennedy để tránh nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. "Làm ơn đừng đưa em đi bất cứ đâu nếu như có bất cứ chuyện gì xảy ra. Em và các con sẽ ở đây cùng anh. Em muốn chết cùng anh và các con cũng thà làm như vậy còn hơn sống thiếu anh" - Bà Jackie đã nài nỉ chồng như vậy.

Theo Andersen, nội điều này đã nói lên tất cả

Trần Định
.
.
.