Những ngày cuối cùng của Nghiêm Đa Văn

Thứ Năm, 06/05/2010, 08:30
Nghiêm Đa Văn (1944-1997) là nhà văn cùng lớp với Nguyễn khoa Điềm, Phạm Tiến Duật… Trong khi bè bạn mỗi người đã tự định hình văn học cho riêng mình, như làm thơ hoặc phê bình, nghiên cứu… thì Nghiêm Đa Văn xông xáo vào đủ thể loại: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, thơ, kịch bản điện ảnh. Tuy không chuyên hẳn một thể loại nào,  nhưng trong từng lĩnh vực, anh đều để lại dấu ấn.

Trong cuộc đời làm văn chương, mặc dù Văn viết rất khỏe, sách ra liên tục, nhưng tiền bạc lại chẳng dư dả, thậm chí còn túng bấn. Một con người thông minh, nhanh nhạy, đầu óc như không bao giờ ngưng nghỉ với những dự án, đề xuất táo bạo, nhưng chưa ai thấy anh là người có nhiều tiền bao giờ. Lúc nào cũng như ở đâu đâu.

Hồi ấy anh thường đến chỗ tôi ở ngõ Lê Văn Hưu, cùng ăn cơm bụi và bàn chuyện làm ăn. Rất nhiều ý tưởng nhưng anh chỉ gợi ra, cùng lắm là viết tờ đề cương. Người nhận phải vắt óc ra mà nghĩ cách thực hiện. Phải nói cái đầu của Văn luôn vận động.

Chỉ có điều, anh nói một nhưng muốn thành công thì người làm phải lo tới ba. Nhưng rồi giữa lúc đang bàn bạc rất nhiều dự định công việc thì anh chợt biến mất. Rồi đùng một cái tôi được tin anh ngã bệnh, phải cấp cứu trong Bệnh viện Bạch Mai.

Hôm tôi vào thăm, gần như anh không còn nghĩ gì đến việc viết văn, làm thơ, làm sách; chẳng thiết đến việc tư vấn, tham mưu gì nữa. Thân hình to béo của anh cùng tiếng cười hào sảng, vô tư quen thuộc cũng như không còn. Anh xanh và gầy, nói năng mệt mỏi. Bệnh cầu thận cực nguy hiểm. Thuốc Tây chỉ kéo dài và khó dứt được bệnh nếu ít tiền.

Tôi có cô cháu gái cũng mắc bệnh thận nặng, gia đình đã nghĩ đến điều xấu nhất nhưng có người mách cho một thầy lang chuyên chữa bệnh thận rất nổi tiếng nhưng ở mãi tận Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Chỉ sau có mấy đợt thuốc mà giờ đã khỏe mạnh, da dẻ hồng hào.

Nhân có nhà văn Trần Hoài Dương ở TP HCM ra, tôi bàn với Dương đưa Văn thử tìm đến đấy xem sao. Văn đồng ý, nhưng yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật, không để bệnh viện biết vì chắc chắn họ sẽ phản đối.

Ba đứa bàn bạc, lên kế hoạch ly kỳ như trong truyện trinh thám. Sau khi bác sĩ khám và cho thuốc xong, Văn cứ bộ quần áo bệnh nhân bách bộ như đi dạo rồi lẻn ra cửa sau bệnh viện, chui lên chiếc xe taxi mà tôi và Trần Hoài Dương đã thuê sẵn, nhanh như một trò ảo thuật.

Chiếc xe lao nhanh qua Hà Đông.

Ông lang ở Hoài Đức được nhiều người tìm đến. Ngôi nhà của ông xây khá đồ sộ, giáp ngay huyện lỵ. Khi ba chúng tôi bước vào, vừa nhìn thấy Văn ông đã nói ngay:

- Thận cậu này gay đấy.

Nghe vậy tôi và Trần Hoài Dương lo lắng, dồn hỏi ông. Ông thủng thẳng nói ngay:

- Nếu dùng thuốc của tôi thì phải bỏ ngay thuốc Tây. Còn nếu vẫn dùng thuốc Tây thì không cần đến đây nữa.

Ông nói chắc nịch làm chúng tôi thấy có một chút hy vọng. Trần Hoài Dương bảo:

- Thôi thì ta cứ mua và dùng thử. Nếu có hiệu quả ta lại uống tiếp.

Tiền thuốc ông lang cũng không phải là ít nhưng có bệnh thì phải vái tứ phương chứ biết làm sao. Nhưng đến khi cầm trên tay gói thuốc đã tán thành viên, màu hồng hồng thì chúng tôi lại bán tín bán nghi. Có thể Văn sẽ qua khỏi. Thì nhỡn tiền cô cháu gái của tôi đấy thôi. Nhưng ngộ nhỡ ngược lại thì sao, tính mệnh con người chứ đâu phải chuyện đùa?

Tôi dặn Văn khi mang thuốc về phải thật kín đáo, tránh để các y bác sĩ biết.

Mấy hôm qua đi không có tin tức gì, tôi nghĩ Văn đã uống thuốc và hy vọng bệnh sẽ thuyên giảm. Đang chuẩn bị vào thăm Văn thì một nhà thơ điện từ Sài Gòn ra nói là gửi tôi một số tiền của Hương, của Tô Hoàng và một vài người bạn trong đó gửi biếu Văn chữa bệnh.

Khi cô con gái của nhà thơ này chuyển cho tôi số tiền, tôi đem ngay vào, hy vọng Văn sẽ vui vì bạn bè dù ở xa vẫn nhớ đến Văn. Nhưng giường Văn nằm nay đã có bệnh nhân khác. Tưởng Văn mệnh hệ gì, tôi hớt hải chạy đến bác sĩ. Rất mừng, vì Văn phải chữa trị lâu dài nên bệnh viện cho ra ngoài.

Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến nơi Văn thuê nhà. Đó là một căn phòng rộng ở ngay đối diện với Bệnh viện Bạch Mai. Văn ở chung với nhiều bệnh nhân khác, họ đều là người ở các tỉnh xa, chỉ duy nhất có Văn là người Hà Nội thuê nhà ở đây. Địa điểm này thuận lợi là gần viện.

Văn đã sút đi trông thấy, mặt bủng beo, gầy rộc, mắt lờ đờ.

Tôi hỏi nhỏ:

- Thế đã uống thuốc của ông lang Hoài Đức chưa?

Văn lắc đầu:

- Đã uống được viên nào đâu. Lúc về mình giấu dưới đệm nhưng người nhà biết, mắng mỏ một trận rồi đem gói thuốc vứt đi.

Tôi không biết nói gì, chỉ thở dài rồi đem số tiền bạn bè tặng đưa cho Văn. Văn nhìn gói tiền, nhưng không động đến. Tôi biết, rất có thể tiền với Văn bây giờ đã không còn cần thiết nữa, nhưng đây là tấm lòng của bè bạn. Tôi chủ động nhét gói tiền vào túi áo Văn. Đôi mắt mờ đục của Văn như có ngấn nước. Có lẽ anh đã biết được bệnh tình của mình.

Ngày giỗ đầu, cậu em Nghiêm Anh làm mấy mâm cơm mời một số bạn bè thân thiết của anh trai. Tôi thấy có mặt những người mà khi sống Văn thường qua lại như các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ: Triệu Bôn, Nghiêm Bá Hồng, Hoàng Quốc Hải, Đàm Khánh Phương, Lâm Quang Ngọc và mấy anh bên điện ảnh.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đến chậm một chút. Anh thắp nén hương vái lạy và bật khóc nức nở làm tất cả chúng tôi hết sức xúc động và càng nhớ thương Văn hơn

Huy Thắng