Nhạc sĩ Nhật Lai – “Già làng âm nhạc Tây Nguyên”

Thứ Năm, 23/02/2017, 14:29
Người dân thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên luôn tự hào vì quê hương họ có hai anh em nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Nguyễn Mỹ. Cả hai đều đã để lại cho đời nhiều tác phẩm âm nhạc, thi ca vô giá, đã được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.


1- Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, nếu như nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người mở đầu cho nền nhạc kịch Opera với vở "Cô Sao" năm 1965, thì người kế tiếp là nhạc sĩ Nhật Lai với vở "Bên bờ Krông Pa" năm 1968, được sử dụng bằng nhạc cụ dân tộc. Có thể nói, đời sống âm nhạc của Nhật Lai đã hòa quyện với văn hóa dân tộc Tây Nguyên từ thời trai trẻ cho đến khi ông giã từ cuộc sống sau một cơn đau tim vào cuối năm 1987.

Tên thật của Nhật Lai là Nguyễn Tuân, sinh ngày 12-5-1931 trong một gia đình tiểu thương, cha ông hành nghề bốc thuốc nam, mẹ là phụ nữ thôn quê thuần phác. Có lẽ Nhật Lai đến với âm nhạc phần lớn là do gene văn nghệ của gia đình bên ngoại. 

Triều đình Huế thời bấy giờ đã từng mời ông ngoại của Nhật Lai ra cố đô để truyền dạy âm nhạc trong cung đình; còn những người cậu, dì của ông cũng là nghệ nhân đờn ca tài tử nhạc cổ, đào kép nổi tiếng, nên thời ấy họ đã lập một ban nhạc cổ lưu diễn ở các lễ hội, đám tiệc tại nhiều làng quê ở huyện Tuy An.

Thuở nhỏ Nhật Lai rất thích tụ tập bạn bè tổ chức các cuộc vui chơi, ca hát, diễn kịch và cầm sáo trúc tập thổi những bài hát tân nhạc đậm chất trữ tình lãng mạn. Mặc dù sau đó ông được người cậu dạy chơi đàn Mandoline, nhưng mỗi lần đi đâu Nhật Lai vẫn thường mang theo cây sáo trúc để thổi những bài hát: "Giọt mưa thu" của Đặng Thế Phong, "Trương Chi" của Văn Cao.

Nhạc sĩ Nhật Lai (bên trái) và Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (ảnh chụp năm 1976).

Sau khi ông nhập học trường trung học Bình dân Nam Trung bộ ở Quảng Ngãi vào độ đầu thu năm 1947, nhiều người bạn học cùng trường nhìn thấy dáng dấp ông thấp bé, có nhiều nét hao hao giống như người Nhật Bản, nên họ thường trêu đùa bằng tên gọi Nhật "lùn", Nhật "lai". Và đôi khi sự trêu đùa cũng trở thành duyên nợ, Nguyễn Tuân đã chọn cái tên Nhật Lai làm nghệ danh cho mình.

Những ngày đi học ở trường trung học Bình dân Nam Trung bộ, Nhật Lai là cậu học trò "cưng" nhất lớp, nên được thầy giáo - nhạc sĩ Văn Đông quan tâm truyền dạy nhiều kiến thức âm nhạc phương Tây, học hòa âm, chơi đàn Violon.

Cậu học trò đam mê âm nhạc đến mức thức trắng đêm để viết, đến sáng hôm sau hai người anh con bà dì ruột là "thính giả" đầu tiên thưởng thức nhạc phẩm mới của Nhật Lai.  Nhạc phẩm đầu tay trong sự nghiệp âm nhạc của ông là bài hát "Chiều trên cầu Bồng Sơn", tiếp đó là ca khúc "Căm thù thằng Tây cướp lúa đen" ghi lại cảm xúc của tác giả khi phải chứng kiến thảm cảnh binh lính Pháp hà hiếp, bóc lột dân lành, phá đập thủy nông Đồng Cam ở Phú Yên khiến cho những cánh đồng trải rộng ở đôi bờ châu thổ sông Ba khô cằn, xơ xác.

Học hết bậc trung học, Nhật Lai tình nguyện vào vùng địch hậu và được đưa về tỉnh Đắk Lắk khi vừa tròn 18 tuổi để đảm nhiệm công tác tuyên truyền chống Pháp, hoạt động văn nghệ kết hợp sưu tầm, nghiên cứu dân ca Tây Nguyên.

Từ những ngày đầu lên vùng đất này ông đã hòa nhập rất tự nhiên vào cuộc sống đời thường của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ông đi chân đất, đóng khố, mang gùi, lên nương rẫy trỉa lúa trồng ngô, vót chông cài bẫy, săn bắn thú rừng và học tiếng Ê đê, Gia Rai, H'rê, Ba Na. Ông như một nghệ sĩ thực thụ của núi rừng Tây Nguyên khi cất công lặn lội đến nhiều buôn làng tìm hiểu đời sống âm nhạc dân gian của mỗi dân tộc rồi ghi chép lại để nghiên cứu.

Rất nhiều ca khúc đã được nhạc sĩ Nhật Lai sáng tác giàu âm hưởng và đậm chất núi rừng Tây Nguyên, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như "Chim Kơ tia", "Đợi chờ", "Thương anh cán bộ", "Tiếng cồng đêm ngừng chiến", "Xuống chòi mau lên em"… đã khiến cho nhiều thính giả nhầm tưởng tác giả là người dân tộc thiểu số.

Tập kết ra Bắc năm 1954, nhưng mặt trời Tây Nguyên vẫn tỏa rạng trong trái tim và ký ức của ông, nên nhiều nhạc phẩm, ca kịch viết về Tây Nguyên vẫn được nhạc sĩ Nhật Lai cho ra đời giữa lòng miền Bắc như: "Chim Pông K'le", "Tiếng hát Mơnông Ti pri", "Mặt trời Ê đê", "Suối đàn T'rưng", "Đợi chờ", "Con chim lạc đàn, "Câu chuyện bên dòng suối"…

2- Với tính cách dung dị, chân thành nhưng cũng rất cuồng nhiệt trong sáng tác, Nhật Lai hòa nhập rất tự nhiên vào đời sống sinh hoạt ở Tây Nguyên nên ông khai thác được nhiều di sản âm nhạc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số khi chưa có người quan tâm. Sau nhiều ca khúc thấm đẫm chất dân gian và giàu sức sáng tạo nghệ thuật, nhạc sĩ Nhật Lai đã cho ra đời hàng loạt ca kịch, ca cảnh, nhạc múa đậm chất Tây Nguyên như : "A ma Trang Lơn", "Thử lửa", "Hơ Bia", "Hơ On",  "Nữ thần mặt trời"…

Đặc biệt "Bên bờ Krôngpa" sáng tác năm 1968 như một đỉnh cao âm nhạc của nhạc sĩ Nhật Lai về Opera và ông trở thành người thứ hai trong lĩnh vực nhạc kịch, sau nhạc sĩ Đỗ Nhuận… Nhắc đến bậc tiền bối trong giới âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang - nguyên Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Phú Yên cho biết:"Nhạc sĩ Nhật Lai là người có công đầu khai thác, phát huy những giá trị đặc sắc của âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên.

Nhiều tác phẩm khí nhạc của Nhật Lai đã được đánh giá cao tại những cuộc biểu diễn trong và ngoài nước. Ngoài ra, nhạc sĩ Nhật Lai còn có nhiều công sức đóng góp trong xây dựng và đào tạo đội ngũ Đoàn Văn công Tây Nguyên thời kháng chiến chống Mỹ…".

Trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Nhật Lai, nhiều người biết đến ca khúc  "Hà Tây quê lụa" sáng tác năm 1965 và đã được tuyển chọn làm nhạc hiệu "tỉnh ca" trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tây một thời qua giọng hát sâu lắng của nghệ sĩ Quốc Hương.  Giới nghiên cứu âm nhạc đánh giá "Hà Tây quê lụa" là tác phẩm đặc sắc trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ tài hoa Nhật Lai. "Hà Tây quê lụa" nằm trong tuyển tập âm nhạc "Đường tôi đi dài theo đất nước" với 64 ca khúc được chọn làm nhạc hiệu ở 64 tỉnh, thành phố trong nước.

Khi vợ đầu là nghệ sĩ múa người dân tộc Khơ me Châu Ngọc Lệ qua đời, nhạc sĩ Nhật Lai đã gửi gắm tình yêu thương người phụ nữ này bằng một chương "Nước mắt viên ngọc" trong tổ hợp giao hưởng "Đất lửa". Người đàn bà thứ hai đến với nhạc sĩ Nhật Lai là người dân tộc Vân Kiều - ca sĩ Hồ Thị Kha Y, tốt nghiệp Đại học thanh nhạc ở Rumani, sau này là giảng viên Trường Văn hoá nghệ thuật Gia Lai.

Khi đang ở tuổi 56 - độ tuổi vẫn còn sung sức trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc, nhạc sĩ Nhật Lai đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 5-1-1987, sau chuyến trình diễn thành công tổ hợp giao hưởng "Đất lửa" tại thủ đô Riga - Cộng hòa Latvia.

Với sự cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam bằng nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, nổi bật nhất là 18 vở nhạc kịch-ca kịch, 6 tác phẩm khí nhạc, 2 nhạc phim và trên 40 ca khúc… nhạc sĩ Nhật Lai đã được truy tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2002.

Nhật Lai là người đi đầu trong sưu tầm, biên soạn dân ca Tây Nguyên, ông đã ghi chép, thuộc nằm lòng hàng trăm bài dân ca, viết hàng trăm ca khúc tiếng dân tộc và được ví như "nghệ nhân hát rong", là "già làng" âm nhạc ở Tây Nguyên.

 Em trai của nhạc sĩ Nhật Lai là nhà thơ Nguyễn Mỹ - sinh ngày 21-2-1936. Năm 1954, Nguyễn Mỹ lên tàu biển rời cảng Quy Nhơn (Bình Định) tập kết ra Bắc, công tác ở Đoàn Văn công Tây Nguyên rồi học lớp báo chí của Trường Tuyên huấn Trung ương trước khi về công tác, Nhà xuất bản Phổ Thông. Năm 1968, nhà thơ Nguyễn Mỹ trở lại chiến trường miền Nam làm phóng viên báo Cờ Giải phóng Trung Trung bộ thuộc Ban Tuyên huấn văn nghệ Khu V. Nguyễn Mỹ đã hy sinh tại xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) ngày 16-5-1971. Ông là tác giả bài thơ tình nổi tiếng: "Cuộc chia ly màu đỏ" sáng tác năm 1964.

Tác phẩm chính của ông gồm "Trận Quán Cau" - tập bút ký (1954), "Sắc cầu vồng" - tập thơ (1980, in chung với Nguyễn Trọng Định) và "Thơ Nguyễn Mỹ" - tập thơ (1993). Nhà thơ Nguyễn Mỹ đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.