Nhạc sĩ, NSƯT Kim Hoàn: Giữ mãi ngọn lửa tình yêu với âm nhạc
Nói về Kim Hoàn, đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ từng nhận xét: "Tiếp thu tinh túy của những nhạc sĩ bậc thầy ngành chèo như Bùi Đức Hạnh, Đôn Truyền... nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại trong sáng tác ca khúc, đó là một tài năng. Cùng với các nhạc sĩ Duy Hòa, Đào Tuấn Hải, nhạc sĩ Kim Hoàn có thể đứng trong hàng ngũ những nhạc sĩ phía Bắc đảm đương việc thay thế các bậc đàn anh".
Tay trống bất đắc dĩ
Vậy nhưng, ít ai biết được người nhạc sĩ này đến với âm nhạc từ một tay trống bất đắc dĩ. Anh sinh ra ở vùng quê Thanh Miện (Hải Dương), có bố là kỹ thuật viên âm thanh Đoàn Chèo Hải Hưng (cũ) nên ngày ngày, tiếng hát chèo ngọt ngào của các diễn viên đã ngấm vào máu anh từ khi nào không biết.
Những vở chèo như: "Tướng quân Phạm Ngũ Lão", "Tống Trân Cúc Hoa", "Nhiếp chính Ỷ Lan", "Ngọn cờ nhân nghĩa"… với đao, cung, kiếm luôn hấp dẫn tâm hồn anh. Hơn nữa, lại được lời động viên của các chú nhạc công "hát đi, chú pha nước chanh đường cho uống" càng làm cho anh có động lực để say sưa luyện tập chèo.
Không gian nghệ thuật ấy đã là nguồn dưỡng đưa anh vào học khóa 2, Khoa Kịch hát dân tộc, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, do chưa có sự chuẩn bị cũng như định hướng từ trước nên năm ấy anh đã theo học lớp diễn viên. Lúc bấy giờ lớp diễn viên có học môn nhạc lý cơ bản, anh học rất tốt nhưng lại không có điều kiện để thực hành. Yêu thích âm nhạc nên dần dà anh đã làm quen và chơi thân với lớp nhạc để được học lỏm kiến thức từ các bạn.
Về công tác tại đoàn chèo quê nhà đúng lúc người đánh trống nghỉ hưu, trong khi đoàn đang loay hoay tìm người thay thế thì cái tên Kim Hoàn được "lôi" ra. Đoàn đi diễn khai xuân 4 vở trong 4 đêm, anh được vào vai trống với suy nghĩ ban đầu của cấp trên: "Cho vào đánh được tiếng nào thì đánh".
Chỉ có 2 ngày chuẩn bị, chưa có thời gian tập luyện cùng dàn nhạc, nhưng khi "nhập cuộc", mọi thanh âm trong những lần xem chèo ngày bé dội về để rồi trong vở diễn dài suốt 2 giờ với đầy đủ hình thức: trống mở màn, khai từ, âm nhạc sự kiện, sự biến, âm nhạc đóng mở, trữ tình, tự sự... anh đã chơi đầy thăng hoa.
Từ lần "tập dượt" ấy, Kim Hoàn nhận thấy khả năng âm nhạc tiềm tàng, anh ý thức rằng đây sẽ là cơ hội và tương lai của chính mình sau này. Từ đó, anh đã không ngừng trau dồi kiến thức bằng mọi cách, sẵn sàng "tầm sư học đạo" bất cứ ai và bất cứ đâu có tiếng trống hay. Nhờ nỗ lực, miệt mài không ngừng nghỉ, anh đã tiến bộ nhanh chóng và trở thành đội trưởng của dàn nhạc Đoàn Chèo Hải Dương khi mới ở tuổi 25.
Khẳng định chỗ đứng
Tuy vậy, trong lòng anh vẫn canh cánh cơ hội được chuẩn hóa nghề nghiệp, vì thế, năm 2008, anh đã theo học ngành sáng tác và chỉ huy âm nhạc kịch hát dân tộc tại ngôi trường đại học cũ. Anh tốt nghiệp thuộc nhóm xuất sắc với bài tập là vở chèo dài "Đào lý một cành" và tác phẩm khí nhạc "Dòng sông huyền thoại" (viết về hình tượng nữ anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi).
Cái tên Kim Hoàn được biết đến vào năm 2013 với vai trò sáng tác nhạc cho vở chèo lịch sử "Chuông ngân rừng trúc" của đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ, kịch bản cũng là của một người con xứ Đông - Tiến sĩ Trần Đình Ngôn. Đây là vở diễn đánh dấu bước ngoặt lịch sử của Nhà hát Chèo Hải Dương, khi trong suốt 33 năm, Nhà hát mới sở hữu một tấm Huy chương Vàng toàn đoàn tại Hội diễn Sân khấu Chèo toàn quốc.
Vở diễn ca ngợi tài cao, đức trọng của Thiền sư Pháp Loa, sự sáng suốt và kiên quyết trừng trị cái ác, bảo vệ điều thiện của triều đình nhà Trần. Vì vậy, phần nhạc của vở chèo phải là sự kết hợp sáng tạo, nhuần nhuyễn và uyển chuyển của âm nhạc chèo mang âm hưởng thiền của đạo Phật.
Cũng thật đặc biệt, đây là vở diễn mà đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ chọn vợ anh, nghệ sĩ Hạnh Bẩy vào một nhân vật phụ đầy cá tính tên Quạc, để rồi vai diễn đã mang đến cho chị tấm Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp.
Sự thành công của vai diễn đã là "tờ giấy thông hành" để chị thênh thang bước chân vào con đường nghệ thuật. Để rồi 3 năm sau đó, chị đã làm dày dặn hơn bảng vàng thành tích của mình với việc giành tấm Huy chương Bạc khi vào vai Vương Bà trong vở chèo "Kỳ ngộ lương duyên" tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Chị được phong danh hiệu NSƯT vào cuối năm 2019. Anh chị trở thành cặp vợ chồng NSƯT đầu tiên và duy nhất của Nhà hát.
Riêng Kim Hoàn, dần dần anh đã khẳng định được chỗ đứng trong vai trò chỉ huy dàn nhạc, sáng tác nhạc cho chèo. Suốt từ năm 2011, các vở chèo của Nhà hát đều do anh sáng tác nhạc. Anh đã cùng dàn nhạc Nhà hát liên tiếp gặt gái những giải thưởng như: Huy chương Vàng với tác phẩm hòa tấu "Bến nước đời người" và Huy chương Bạc với tác phẩm độc tấu "Xứ Đông vào hội" tại Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ I năm 2012; Huy chương Vàng với tác phẩm "Ngẫu hứng Việt làng" tại Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2014.
Cuối năm 2019, tại Liên hoan Chèo toàn quốc, anh đã sáng tác nhạc cho ba tác phẩm, trong đó "Chuyện tình hàn sĩ đào nương" của Đoàn Chèo Hải Dương giành Huy chương Vàng, "Huyền thoại sông và núi" của Đoàn Chèo Thái Nguyên giành Huy chương Bạc.
Nhạc sĩ, NSƯT Kim Hoàn (người đứng) hướng dẫn các diễn viên tập hát. |
Bình dị sau ánh đèn sâu khấu
Giờ đây, Kim Hoàn, Hạnh Bảy đều đã có những thành công riêng trên con đường nghệ thuật, thế nhưng khi rời ánh đèn sân khấu, họ cũng lặng lẽ, bình dị, đời thường như biết bao cặp đôi khác. Không có bí quyết "giữ lửa" nào, họ luôn quan niệm hiểu nhau là chính. Trong gia đình anh luôn đặt ra nguyên tắc "bất di bất dịch", mỗi người phải tự mình điều chỉnh, cân bằng thời gian trong buổi tập, buổi diễn để tất cả công việc sẽ phải đặt bên ngoài cửa trước khi bước chân vào căn nhà của mình.
Kim Hoàn từng tâm sự: "Mọi người cứ nghĩ cặp đôi nghệ sĩ thường lãng mạn, nhưng nói thật với trường hợp nhà tôi thì không phải thế. Tất nhiên, nếu không hạnh phúc thì không thể sống với nhau được, nhưng nó cũng không thể như trong phim ảnh và sân khấu. Hạnh phúc đối với tôi đơn giản là một món ăn ngon mỗi bữa tối, một đôi giầy sạch hay một bộ quần áo phẳng phiu mỗi sáng vợ chuẩn bị".
Nhưng anh cũng phải thú nhận rằng, có gia đình đều làm nghệ thuật thì con cái rất tội. Bởi mỗi buổi vợ chồng đi diễn từ 2,3 giờ chiều đến khuya mới về, các con sẽ không có ai chăm sóc, bảo ban học hành. Và anh cũng vui mừng khi cho biết đến ngày hôm nay, các con của anh cứ lớn lên từ từ, ngay ngắn, bình thường, mặc dù có lúc ương ương nhưng rồi chúng cũng trở về đúng quỹ đạo.
Và quả thực, "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh", hai người con của họ đều đang có những bước đi chập chững vào con đường nghệ thuật, cái nghề đầy vinh quang, tự hào nhưng cũng đầy gian khó, nhọc nhằn.
Được biết, người con gái lớn của gia đình đã tốt nghiệp ngành quản lý văn hóa tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và hiện đang học năm cuối thạc sĩ tại Hàn Quốc. Em cũng là người mê hát chèo và bộc lộ khả năng viết kịch bản cho tiểu phẩm chèo từ bé. Còn cô con gái út đang theo học chèo tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh.
Hỏi Kim Hoàn rằng bố mẹ có định hướng cho con theo ngành thì nhận được câu trả lời: "Các con tôi đều thần tượng bố mẹ, nhưng nói chúng tôi chủ động định hướng thì không phải. Đó là một lẽ hết sức tự nhiên, bởi đây là nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì không thể bắt ép nếu như không có năng khiếu".
Kim Hoàn - Hạnh Bẩy đã nắm tay nhau đi suốt 1/4 thế kỷ, giờ đây họ vẫn cứ đắm say, miệt mài trên con đường hoạt động nghệ thuật. Họ luôn tự nhắc nhở mình, không ngủ quên trên vinh quang của ngày hôm nay và phải nỗ lực hơn nữa để có chỗ đứng riêng biệt trong lòng khán giả. Và biết đâu đấy, hai người con của họ sẽ tiếp tục là những nghệ sĩ sáng giá đóng góp cho ngành chèo quê nhà, một môn nghệ thuật vốn dĩ đã nức tiếng xứ Đông một thời.