Nhạc sĩ - NSND Trần Quý: Một tài năng đa dạng

Thứ Bảy, 18/06/2016, 08:00
Tôi quen biết nhạc sĩ Trần Quý tới nay đã tròn hai mươi năm. Năm 1997, cả hai chúng tôi đều được Bộ Văn hóa phân phối căn hộ trong khu tập thể cuối cùng của thời bao cấp. Khi ấy ông đã nghỉ hưu, và tôi chỉ được biết ông là một nhạc sĩ tên tuổi, từng kinh qua nhiều trọng trách trong các cơ quan nghệ thuật của Bộ Văn hóa. 


Giữa chúng tôi chỉ là những câu chuyện xã giao thông thường vì tôi thấy ông luôn nghiêm nghị, lúc nào cũng tất bật như đang có công việc gì đó phải làm nên tôi cũng ít tìm hiểu về ông. Đành kính nhi viễn chi. Chỉ đến khi cùng tham gia trong ban quản trị khu tập thể thì chúng tôi mới luôn gặp nhau trò chuyện. Khi hiểu nhau rồi tôi thấy ở ông một con người khác, hết sức cởi mở và nhiệt thành.

Nhạc sĩ - Nghệ sĩ nhân dân Trần Quý, Giải thưởng nhà nước về văn học - nghệ thuật là một trường hợp hiếm hoi trong ngành âm nhạc Việt Nam khi những đóng góp của ông đã không dừng lại trong một vài lĩnh vực như hầu hết các nhạc sĩ khác mà được trải rộng khắp mọi lĩnh vực, từ sáng tác, biểu diễn, dàn dựng, đến chỉ huy, nghiên cứu - lí luận, giảng dạy và cả trong quản lí…

Với sáng tác, ngoài ca khúc ông còn có những tác phẩm âm nhạc thuộc nhiều thể loại khác như hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch, giao hưởng thính phòng, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc đương đại… Ông còn viết nhạc cho điện ảnh, cho sân khấu và múa...

Đáng nói, những sáng tác âm nhạc của ông dù trong lĩnh vực nào cũng đều ấn tượng, mang đậm màu sắc, âm hưởng dân gian, dân tộc gần gũi với công chúng; nhiều tác phẩm còn được nhận những giải thưởng cao từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, Ban Thống nhất Trung ương, Bộ Giáo dục, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa… Ông lên bục cầm đũa chỉ huy những dàn nhạc giao hưởng trong nước và cả những dàn nhạc giao hưởng lớn ở nước ngoài. Trần Quý được nhắc tới như một nhạc sĩ có kiến thức uyên bác khi ông hoàn thành công trình nghiên cứu - lý luận về âm nhạc dân tộc “Những vấn đề phối khí cho dàn nhạc dân tộc đương đại”, kết quả của rất nhiều năm tâm huyết, kiên trì đi sâu tìm hiểu đặc điểm của từng nhạc cụ dân tộc.

Trần Quý đã nhiều năm tham gia giảng dạy trong nhạc viện, và trong số học trò ông sau khi theo học đại học, có người sau thành nhạc sĩ tên tuổi, tham gia lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, nhận được những giải thưởng cao quý.

Có được kiến thức sâu rộng và nhiều thành công trong âm nhạc vậy nhưng nhạc sĩ Trần Quý khi còn nhỏ là người không được theo học âm nhạc một cách chính quy, cơ bản. Có lí do. Mẹ ông là người thường đi hầu đồng, và mỗi lần vậy bà thường đem ông theo, dù khi đó ông còn là một đứa trẻ. Tiếng đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, nhị… cùng giọng hát thăng hoa những điệu hát văn mê đắm, ngọt ngào, những điệu múa, các bộ áo quần màu sắc lộng lẫy trong mỗi giá hầu đã hằn sâu trong tâm trí ông.

Tháng 12 năm 1946, mới tuổi 13 Trần Quý đã xa gia đình tham gia làm liên lạc cho bộ đội rồi được gia nhập đội thiếu sinh vệ quốc quân. Từ tình yêu những làn điệu hát văn quê nhà, con đường âm nhạc của Trần Quý bắt đầu được mở ra. Trong hồi kí“Những kỉ niệm về đội thiếu sinh vệ quốc quân”, ông kể lại: “Anh Đỗ Nhuận phân công cho tôi đánh đàn ghitare. Khi ấy lí thuyết cơ bản về âm nhạc tôi bập bõm, hoàn toàn không hay biết gì về kiến thức hòa thanh mà phải mày mò tự học qua quyển phương pháp đàn ghitare cổ điển của Carulli, lúc thì sang đoàn “Nhạc sĩ” do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phụ trách để học vài ngón nghề từ nhạc sĩ Bằng Cao.

Sau này khi nhạc sĩ Trọng Loan về tăng cường cho ban phụ trách đội thì chúng tôi mới được học cơ bản hơn... Một lần nghe tin nhạc sĩ Canh Thân  người chơi đàn ghitare nổi tiếng thời đó từ khu III lên Việt Bắc, tôi xin phép phụ trách, đi tìm bằng được nhạc sĩ. Vậy mà cũng chỉ được có một giờ ngắn ngủi để nhạc sĩ Canh Thân truyền cho những kĩ năng cơ bản.

Thấy tôi có đôi chút tiếng Pháp, anh Đỗ Nhuận trao nhiệm vụ cùng các anh Phan Phúc, Lê Lan sang Phú Thọ đến đội Thiếu nhi nghệ thuật do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách tìm tài liệu học tập và dặn tôi phải chép lại những tài liệu về lí thuyết cơ bản và hòa thanh in bằng tiếng Pháp. Phải gần một tháng tôi mới chép xong tài liệu về Theorie Musicale và Harmonie của Lavignac và Dubois. Có tài liệu trong tay, anh Đỗ Nhuận vừa bổ sung kiến thức cho mình vừa dạy lại chúng tôi. Chúng tôi bước vào con đường âm nhạc như thế đó”.

Con đường đến với âm nhạc vất vả vậy nhưng với sự chăm chỉ hơn người và một quyết tâm cao, Trần Quý đã tự trang bị cho mình nhiều kiến thức âm nhạc. Từ năm 1954 ông đã sáng tác được nhiều ca khúc gây tiếng vang. Năm 1956, Trần Quý được chọn cử sang Liên Xô (cũ) theo học khoa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng - opera và ballet tại Nhạc viện Leningrad. Phải nói, đó là bộ môn âm nhạc hàn lâm, bác học cực kì khó khăn chủ yếu thịnh hành ở các nước châu Âu hay châu Mỹ và còn hết sức xa lạ với Việt Nam. Một tầm nhìn xa từ các lãnh đạo văn hóa ngày ấy.

Một sự kiện cũng đáng nhớ với ông, năm 1957 Trần Quý trở thành một trong những hội viên đầu tiên khi hội Nhạc sĩ Việt Nam được thành lập.

Dù rất yêu quý những học sinh nhỏ bé, lành hiền đến từ đất nước Việt Nam anh hùng, đang còn trong chiến tranh ác liệt nhưng những nhà giáo Liên Xô lại không thể phá lệ nhân nhượng, nên Trần Quý cũng như các học sinh Việt Nam khi qua kiểm tra đã chưa được nhận vào đại học chính quy ngay mà buộc phải qua những năm dự bị.

Sự nỗ lực, kiên nhẫn và chăm chỉ học tập của ông cuối cùng đã đem lại một kết quả không ngờ. Khi mới là sinh viên năm thứ 3 nhạc viện nhưng Trần Quý đã vinh dự được tham gia chỉ huy biểu diễn trước công chúng Leningrad và nhiều thành phố của Liên Xô những chương trình giao hưởng cổ điển và hiện đại, nhiều vở nhạc kịch, vũ kịch kinh điển của các tác giả nổi tiếng thế giới.

Ông nhớ lại một kỉ niệm nhỏ, vì tất cả các môn học đều ít nhiều liên quan đến cây đàn piano mà nhà trường lại không đủ cho riêng từng sinh viên nên phải phân phối thời gian thay nhau sử dụng. Để có thêm điều kiện học tập, ông đã thường xuyên phải trốn bảo vệ ngủ lại trong lớp để hôm sau có cho mình riêng một đàn. Giờ học tập với ông không còn là 8 tiếng thông thường mà phải kéo dài tới 12, 13 giờ liên tục. Tốt nghiệp Đại học Âm nhạc Liên Xô, Trần Quý nhận được tấm bằng xuất sắc.

Về nước, Trần Quý được cử làm Chỉ huy chính Nhà hát Giao hưởng, Hợp xướng, Nhạc Vũ Kịch Việt Nam rồi lần lượt làm Phó trưởng Đoàn Ca nhạc dân tộc Trung ương, Phó giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Ông còn được mời tham gia ban giám khảo nhiều cuộc thi âm nhạc lớn trong nước và quốc tế.  

Khi vào tuổi nghỉ hưu, mọi người thường gác lại công việc để vui vẻ bên gia đình, con cháu. Với nhạc sĩ Trần Quý lại như vẫn rất bận rộn. Muốn gặp ông tôi vẫn luôn có tâm lí e ngại, sợ làm phiền. Có việc gì cần trao đổi thường phải rất nhanh vì thấy ông nếu không ngồi bên cây đàn hướng dẫn cho từng cháu nhỏ được các gia đình tin tưởng nhờ cậy thì lại đang đọc sách hay lúi húi biên soạn tài liệu.

Cũng thấy ông đi lại trong sân khu nhà tập thể nhưng ngay cả lúc ấy tôi vẫn cứ thấy ngần ngại vì ông đang chăm chú đọc sách, đọc báo và trên tay vẫn không rời điếu thuốc lá. Cảm giác ngay cả những lúc thư giãn vậy thì ông vẫn không quên có thêm một công việc nào đó. Tôi nghĩ, có thể do quen nếp được giáo dục từ khi còn rất nhỏ trong môi trường, trước là thiếu sinh vệ quốc quân, sau là quân đội nên cho đến tận lúc tuổi đã ngoài tám mươi ông vẫn luôn giữ cho mình tác phong và một nếp làm việc cần cù và nghiêm túc. Ngoài thói quen thuốc lá có từ nhiều năm trước, ông không bia rượu, rất ít ra quán. Cà phê, nước trà, giải khát hay thích ăn gì thì ông ngồi nhà. 

Nghỉ hưu đã nhiều năm nhưng nhạc sĩ Trần Quý vẫn luôn được mời tham gia vào nhiều công việc. Thấy phù hợp thường không bao giờ ông từ chối. Ông là chủ biên, tác giả âm nhạc cho “Lễ hội 300 năm Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh” (năm 1998) và “Lễ hội 990 năm Thăng Long – Hà Nội”  (năm 2000); tham gia viết tổng tập sách khảo cứu “1000 năm âm nhạc Thăng Long – Hà Nội, Âm nhạc truyền thống và cách tân” và nhận được giải thưởng đặc biệt xuất sắc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông còn được mời tham gia hội đồng xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân - về phần âm nhạc. Những ý kiến của ông trong hội đồng luôn khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm.

Mấy hôm trước, ông muốn tôi xuống nhà ông uống nước, nói chuyện về vở opera “Lá Đỏ” vừa được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam công diễn tại Nhà hát Lớn. Xem ra ông còn nặng lòng với lĩnh vực này nên trong câu chuyện ông tỏ ra rất say sưa, những nhận xét về vở diễn của ông đầy sắc sảo và tinh tế. Vì là tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận nên nhân đó ông còn kể lại những kỉ niệm ngày ông trong đội thiếu sinh vệ quốc quân những năm 1949 -1950.

Chuyện đã qua gần 70 năm mà khi nhắc lại, cảm giác ông vẫn nhớ, nhớ đến từng chi tiết. Mải chuyện, đến khi vợ ông đi công việc gì đó về, hỏi hai anh em đã cơm nước gì chưa thì chúng tôi mới giật mình nhìn đồng hồ, đã hơn 1 giờ trưa. Nói chuyện từ 10 giờ sáng đến lúc ấy tính ra đã hơn 3 tiếng đồng hồ. Như tiếc rẻ vì câu chuyện đang dở chừng nhưng không muốn để vợ lo lắng vì quá bữa nên ông đành cười nói với tôi: “Thôi nghỉ đã nhé, có gì mai ta lại tiếp tục”. 

Huy Thắng
.
.
.