Nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận: Người lưu giữ ký ức phố thị

Thứ Hai, 29/05/2017, 13:26
Bắt đầu từ những kỷ niệm ấu thơ nâng niu lưu giữ, từ tình yêu với Sài thành là nơi ôm ấp muôn phận người tứ xứ, từ những phôi pha vàng son ngày cũ, Phạm Công Luận ghi chép lại những điều tưởng như đã chìm lấp giữa cát bụi thời gian và nhịp ồn ã phố thị. Theo năm tháng, trang viết dày lên, thủ thỉ kể câu chuyện đời bất tận của phố...


“Sài Gòn, chuyện đời của phố” đã ra tập sách thứ tư. Các tập sách không bó buộc theo một chủ đề nào nhất định. Tất cả mộc mạc như tên gọi của nó: chuyện đời. Mà chuyện đời thì kể sao cho xiết và cho hết. Là trang phục của người Sài Gòn xưa, là thói quen dùng dầu dừa xức tóc của các bà các chị, là tiệm ảnh Viễn Kính chuyên chụp ảnh cho các minh tinh tài tử đình đám Sài Gòn. Là tiếng rao vọng trong xóm nhỏ, là cuộc sống ven đô, là quán cơm quen, là chồng ảnh gia đình ố màu biến cố lịch sử…

Từng ký ức hiện lên như thước phim quay chậm sắc nét mà chắc chắn ai đã từng trải qua ngày ấy không khỏi bồi hồi. Chuyện nào đã tìm tòi, thu thập đủ tư liệu thì ông kể cho bạn đọc nghe. Chuyện nào chưa thể tìm gặp nhân chứng hay tư liệu còn mỏng thì thôi tạm gác lại chờ nụ nhân duyên. Mọi sự ông cứ để nó tình cờ và tự nhiên như thế.

Ngụp lặn trong ngược xuôi đô hội, Phạm Công Luận tỉ mỉ tái hiện sinh động đời sống Sài Gòn thập niên 60, 70 của thế kỉ trước. Ta bắt gặp cô gái Sài Gòn năng động, kiêu kỳ và hiện đại gột rửa phấn son để trở lại vẻ mộc mạc, cổ kính trong sách Phạm Công Luận. Ông chọn giai đoạn này bởi đây là giai đoạn chứa nhiều kỷ niệm thời niên thiếu, đủ độ lùi và trải nghiệm để viết, tìm gặp nhân chứng sống.

Thơ bé, Phạm Công Luận đã thích quan sát và ghi nhớ rất tốt vạn vật xung quanh. Ngày Tết, thích la cà ngó nghiêng quan sát nhà người ta bày bàn thờ, nhớ như in cái áo dài má mặc và cả mùi nước hoa. Bà ngoại biểu đi mua ly cà phê thì thằng bé lang thang hơn cả tiếng mới về, cà kê coi người ta đá gà, bán buôn, xe bán kẹo kéo ven đường…

Tình yêu Sài Gòn lớn dần theo năm tháng. Anh trai hay thuê sách về cho cả nhà đọc nên Phạm Công Luận được đọc nhiều, biết nhiều. Lớn lên đi làm báo, kiến thức từ sách báo, khiếu quan sát, tìm tòi của ông được dịp phát huy. Cuối năm 2012, từ câu hỏi vu vơ của một người bạn phương xa rất yêu Sài Gòn “Vì sao anh Luận sinh ra và lớn lên tại thành phố này mà không viết về nó?”, ông giật mình. Ừ phải, mình sinh ra ở thành phố này nhưng đã biết bao nhiêu về nó đâu?

Chuyện đời của Sài Gòn trước hết là câu chuyện của chính Phạm Công Luận.  Ở tập 1, phân nửa cuốn sách là kỷ niệm, sinh hoạt gia đình và nếm trải của cá nhân ông nơi gắn liền với thời thơ ấu - quận Phú Nhuận. Ông viết để lưu lại cho mình, như cuốn album hoài niệm bằng chữ và hình ảnh. Đến các tập sau, mở ra nhiều câu chuyện của bà con chòm xóm, của những người gắn bó với hòn ngọc Viễn Đông một thời.

Ông bảo rằng: “Tôi tự mình lục lọi, khám phá vì đọc bài của người khác về một câu chuyện mình biết, có lúc không thấy đã. Có những điều chưa có ai viết. Nên tôi đã viết điều mà tôi muốn biết, chứ không phải viết điều mà tôi đã biết, đã có chuyện để kể”.

Càng viết, ông càng thấy hào hứng, và hứng thú đó lớn dần lên qua thời gian và từng đề tài. Người ký giả như lữ khách lạc vào không gian vang bóng cũ kỹ mà góc nào cũng đầy mới mẻ chào mời. Mỗi đồ vật, gốc cây, con phố… ẩn chứa trong mình biết bao câu chuyện thăng trầm mưa nắng. Bắt gặp tờ nhạc của NXB Tinh Hoa Miền Nam mà dân sưu tập bây giờ vẫn đang săn lùng, ông nhớ người Sài Gòn – Gia Định xưa kia thường mua và lưu giữ để nếu có dịp đem ra hát hò giải trí. Trước 1975, các chương trình ca nhạc thường có giá vé quá mắc với giới bình dân. Do đó, tờ nhạc phía trong in nhạc và lời bài hát, phía ngoài là tranh bìa đẹp mắt, thường là tranh theo trường phái lập thể của họa sĩ Duy Liêm bán rất chạy. Từ đây, ông phát triển thành các đề tài như bài viết về nhà xuất bản chuyên xuất bản các tờ nhạc rời, về họa sĩ Duy Liêm nổi tiếng với gia tài độ sộ hơn 50.000 tác phẩm mà hiếm ai biết mặt…

Câu hỏi “Huyền Chi, cô ở đâu?” in trên tờ nhạc “Thuyền viễn xứ” của nhạc sĩ Phạm Duy khiến Phạm Công Luận không ngừng thắc mắc: Huyền Chi – tác giả bài thơ mà nhạc sĩ tài danh phổ nhạc - là ai. Một anh Việt kiều Nhật vì thích cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của vợ chồng Phạm Công Luận đã liên lạc với ông và mời đi ăn cơm. Tình cờ, ông nghe người bạn Việt kiều buột miệng nhắc tới bà Huyền Chi, người đã bồng bế ông khi còn nhỏ. Phạm Công Luận mừng như bắt được vàng, vì đó sẽ là đầu mối cho bài viết “Huyền Chi, cô ở đâu” in trong tập 4 bộ sách này.

Lần khác, trò chuyện qua mạng với một người bạn, Phạm Công Luận nghe anh này nhắc đến tiệm hớt tóc của ba mình thỉnh thoảng trở thành tụ điểm đờn ca tài tử - một kiểu sinh hoạt văn nghệ độc đáo của Sài Gòn xưa. Hay tình cờ được xem cuốn gia phả phục dựng của  phía bên chồng người dì ruột, một gia đình 200 năm sống trên đất Gia Định. Những lần hạnh ngộ đó, với sự nắm bắt bén nhạy của người làm báo đã biến thành biết bao đề tài cho một người mải miết đi tìm hình bóng quá vãng của thành phố này.

Trong tập 4 này, có một bài viết Phạm Công Luận tâm đắc. Đó là bài viết về nghệ sĩ Tư Chơi, chồng đầu của NSND Phùng Há. Ông Tư Chơi tên thật là Huỳnh Thủ Trung. Thập niên 30 của thế kỉ trước, Tư Chơi là thầy tuồng nổi tiếng có nhiều công lao to lớn với nghệ thuật cải lương như viết lời Tây theo điệu ta, soạn tuồng hoạt kê ngắn…

Về sau ông lấy bà Kim Thoa, bà chủ của gánh cải lương Kim Thoa sau này. Đình đám như vậy nhưng báo chí ít nhắc đến Tư Chơi, người ta chỉ nhắc đến ông đôi nét khi nói về nghệ sĩ Phùng Há. Tìm tòi nhiều tháng trời, cuối cùng Phạm Công Luận cũng tìm ra người cháu nội Tư Chơi để nghe cuộc đời trầm luân và lẫy lừng một thời của ông hoàng cải lương. Qua người này, anh có thể viết thêm một bài khác về Huỳnh Háo, con trai ông Tư Chơi, rất nổi tiếng trong giới chơi nhạc Sài Gòn và từng đạt danh hiệu “Đệ nhất tay trống Đông Dương” thời Pháp thuộc.

Viết “Sài Gòn, chuyện đời của phố”, Phạm Công Luận tâm niệm mình như một nhà báo lật mở từng câu chuyện dung dị chứ không mang tâm thức của một nhà nghiên cứu. Đã có nhiều học giả, nhà nghiên cứu viết về vùng đất Sài Gòn – Gia Định  nên ông muốn tìm kiếm cho riêng mình những câu chuyện khác, ở những góc cạnh riêng biệt của vùng đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn mà với chức năng của một nhà báo, ông có điều kiện tiếp cận.

Đọc sách, người ta thấy được sự  dụng công tìm tòi, tỉ mẩn khai thác tư liệu, hình ảnh, nhân chứng của tác giả. Hầu hết các bài trong bộ sách đều có điểm mới, chi tiết mới, thông tin mới, hình ảnh mới thậm chí điều chỉnh những chi tiết trong một số bài trên báo chí đưa ra không chính xác. Khó khăn nhất là tài liệu về Sài Gòn xưa khá khiêm tốn. Các tài liệu cổ chủ yếu viết bằng tiếng Pháp, phải nhờ người dịch.

Ông nhìn nhận, với lượng thông tin nhiều như vậy, việc sai sót không thể tránh khỏi dù nhỏ. May mắn thay, đã có những độc giả lúc đầu vì yêu quý sách của ông mà góp ý, sửa lỗi, sau đã trở thành những người bạn, thậm chí là nhân vật trong một bài viết.

Như một lần ra mắt tập 2, một độc giả hỏi tại sao tác giả chỉ viết xoay quanh khu vực quận Phú Nhuận, Bình Thạnh mà không viết ở khu trung tâm quận Nhất. Vị độc giả này còn chỉ ra vài lỗi nhỏ trong sách, chủ yếu là lỗi morasse tiếng Pháp. Phát biểu xong, anh này ra về khi cuộc giao lưu vừa xong, tác giả đang bận ký tên.

Phạm Công Luận tiếc vì chưa kịp lấy số liên lạc của độc giả thú vị này thì một tháng sau, ông nhận được bức email dài kê ra các lỗi cần hiệu đính, tỉ mỉ đến từng dấu phẩy. Gặp gỡ, ông mới biết đây là một thầy giáo dạy trường quốc tế tại Malaysia, từng sinh ra và lớn lên tại quận Nhất. Thầy giáo trở thành người bạn đồng hành thân thiết cho đến bây giờ, không những cung cấp nhiều thông tin về cuộc sống ở trung tâm Sài Gòn xưa mà còn giúp đỡ Phạm Công Luận dịch tài liệu tiếng Pháp.

Phong trào viết sách về Sài Gòn hiện nay nở rộ, nhất là cây bút trẻ. Họ viết cảm nhận về Sài Gòn, về cuộc sống đương đại sôi động, những sinh hoạt thường nhật, tình người ấm áp mảnh đất lành. Trong dòng chảy đó, Phạm Công Luận chọn cho mình một lối đi riêng, đầy hoài niệm như điệu bolero ngày cũ nhưng chất chứa nhiều thông tin mới mang tính nghiên cứu khiến một số bài viết của ông có giá trị như bài sưu khảo.

Cuốn sách kể chuyện đời thường nhẹ nhàng này đã trở thành mảnh ghép quý báu để thế hệ trẻ hình dung đầy đủ hơn về bức tranh lịch sử trước 1975 của thành phố có tuổi đời hơn 300 năm. Ông cũng giúp độc giả lớn tuổi, hàng 70, 80 tuổi tìm lại tuổi trẻ của mình. Họ đọc sách của ông, đã cám ơn vì: “Lúc trẻ tôi chỉ nghe loáng thoáng chuyện này, giờ già rồi mới biết rõ!”.   

“Càng viết tôi càng nhận thấy ký ức đô thị đang mất dần, chúng ta dần quên lãng khi nhịp sống ngày càng gấp gáp. Ở Sài Gòn, đụng đâu cũng thấy đề tài nhưng đụng đâu tư liệu cũng chỉ còn chút ít. Tôi tự giục mình phải tranh thủ viết khi còn sức viết xông xáo và còn có thể gặp được những nhân chứng của đất Sài Gòn xưa đã ở tuổi gần đất xa trời, vì sợ sẽ không kịp nữa.

 Câu: “Lịch sử nhân loại như một dòng sông đôi khi đầy máu và xác những người chém giết nhau, cướp bóc lẫn nhau; mà các sử gia chỉ thường chép những hành động đó thôi. Nhưng trên bờ còn có những người khác cất nhà, làm vườn, nuôi con, làm thơ” (Will & Ariel Durant) luôn khiến tôi tâm đắc và xem đó là động lực để tiếp tục làm người nhặt nhạnh những câu chuyện giản dị, viết những chuyện đời thường “cất nhà, làm vườn, nuôi con” để góp sức bảo tồn ký ức đô thị này” – Phạm Công Luận tâm sự. 

Mai Quỳnh
.
.
.