Nhà văn Phù Thăng: Những trang văn long đong như số phận người

Thứ Ba, 22/04/2014, 08:00

"Tấn công" đã in chưa? Nhà xuất bản nào in? In khi nào? Câu hỏi ấy của tôi nhận được câu trả lời thật buồn: chưa in! Tại sao lại chưa in? Nhà thơ Y đã hứa sẽ giúp rồi mà! Vướng mắc ở khâu nào? Không ai biết! Chỉ biết rằng con cháu nhà văn Phù Thăng đã đến gặp nhà thơ Y để xin lại bản thảo cuốn tiểu thuyết này. Đáng buồn thay, trong ngần ấy thời gian, cuốn tiểu thuyết không được công bố thì chớ, lại bị mất luôn mấy trang bản thảo đầu tiên. Tại đâu thì không rõ. Khi nhà văn Phù Thăng đào nó lên, lấy ra từ trong chum để đưa đi "nhờ in", nó vẫn còn nguyên vẹn…

Tôi biết nhà văn Phù Thăng chưa lâu, mới chỉ từ năm 2004, khi tôi vừa "chân ướt chân ráo" về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Ngày đó, ông Khúc Kim Tính là Chủ tịch Hội. Trong danh sách hội viên Ban văn xuôi, thấy có tên nhà văn Phù Thăng. Học chuyên văn từ nhỏ, tôi cũng mới chỉ biết tiếng nhà văn Phù Thăng trên "lý thuyết", chứ thực sự chưa được tiếp cận với tác phẩm của ông. Đầu năm 2004, ông Khúc Kim Tính quyết định: Hội VHNT xuất bản cuốn trường ca "Hoa vạn thọ" của nhà văn Phù Thăng bằng kinh phí của Hội. Nghĩa là tài trợ 100% cho tác giả trong khâu in ấn, để tác phẩm có thể đến tay bạn đọc.

Tôi, lúc đó là chuyên viên của Hội, là biên tập viên tạp chí Côn Sơn, sau đổi thành tạp chí Văn nghệ Hải Dương, được giao nhiệm vụ liên lạc với tác giả để nhận bản thảo, sau đó đánh máy, đưa ra nhà in, theo dõi in và sửa bản in. "Cơ duyên" công việc này khiến tôi được tiếp xúc với nhà văn Phù Thăng nhiều lần và có nhiều cuộc làm việc khá kỹ lưỡng, tỉ mỉ cùng ông. Cũng đến lúc đó tôi mới biết trường ca "Hoa vạn thọ" từng được giải C (không có giải A) trong cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ năm 1959. Từ khi được giải cho đến năm 2004 ấy, "Hoa vạn thọ" nằm lặng lẽ nơi giá sách của nhà văn. Quyết định xuất bản cuốn trường ca ấy, ông Chủ tịch Hội quả có con mắt tinh đời.

"Hoa vạn thọ"  viết theo thể tự do, với nội dung ca ngợi những chiến sĩ vô danh đã hy sinh trên đồi A1 trong trận Điện Biên lịch sử. Trường ca súc tích, lắng đọng, lay động lòng người. Tôi nhớ bản thảo trường ca được nhà văn Phù Thăng viết tay trên giấy pơ luya rất mỏng. Nét chữ bay bướm, có đoạn tôi không dịch nổi bởi chữ bị ố vàng, bị nhòe mờ, hoặc một số chữ chập vào nhau rất khó đoán. Chính bởi vậy tôi thường xuyên gọi điện, hỏi nhà văn cho chính xác từng chữ. Xong khâu đánh máy, hai bác cháu lại ngồi với nhau, soát từng dòng một xem có chuẩn không. Khi cuốn trường ca in xong, Hội VHNT lại tổ chức một cuộc hội thảo khá công phu, trang trọng về cuốn sách. Hôm tổ chức hội thảo, nhà văn Phù Thăng vui lắm…

Khi hai bác cháu đã thân quen, tôi có dịp tiếp xúc với nhà văn Phù Thăng một cách cởi mở hơn. Ông nhiều lần mời tôi về nhà chơi. Và cũng vì thế, tôi biết thêm nhiều điều về ông hơn, chứ không đơn thuần là những thông tin ít ỏi trong cuốn lý lịch trích ngang của hội viên mà chúng tôi có trong tay. Nhà văn Phù Thăng sinh năm 1928, tuổi Thìn (chứ không phải năm 1929 như khai trong lý lịch và nhiều sách báo đã ghi) trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Phu nhân của lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học đã từng lưu trú thời gian dài ở gia đình cụ thân sinh nhà văn Phù Thăng năm 1930, trong lúc bà tránh giặc, chạy từ Vĩnh Bảo qua.

17 tuổi, nhà văn Phù Thăng đã tham gia cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm trinh sát của Trung đoàn 42 với nhiệm vụ chính là lấy cung tù binh Pháp vì ông rất giỏi tiếng Pháp. Ông cũng từng tham gia trinh sát trận đánh sân bay Cát Bi năm 1954 nổi tiếng. Thực tế này là nguồn tư liệu quý, khơi nguồn cảm hứng cho ông viết kịch bản phim "Biển lửa". Sau hòa bình, ông tham gia một đơn vị xây dựng kinh tế. Đến năm 1959 thì nhà văn Phù Thăng về làm biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cũng năm ấy, trường ca "Hoa vạn thọ" được ra đời và đoạt giải Ba cuộc thi thơ của Hội Nhà văn trên báo Văn nghệ. Năm 1961, tiểu thuyết "Phá vây" ra đời. 

Tuy nhiên, có chuyện buồn trong cuộc đời cầm bút của nhà văn. Đang ở vào độ tuổi sung sức nhất, dồi dào sức sáng tạo nhất, sau khi miệt mài hoàn thành tiểu thuyết "Phá vây" đồ sộ với hơn 700 trang in thì nhà văn "gặp chuyện". "Phá vây" là cuốn tiểu thuyết xuất sắc về đề tài chiến tranh, viết về phân đội 5 của Trung đoàn 24, một đơn vị bộ đội địa phương, là lực lượng chính đối đầu với quân Pháp ở đồng bằng sông Hồng. Trong Trung đoàn 24 có Tiểu đoàn 123 do Lê Lâm chỉ huy, đã làm quân thù nhiều phen khiếp sợ...

Bìa cuốn tiểu thuyết “Phá vây” của nhà văn Phù Thăng trong một lần tái bản.

"Phá vây" tập trung ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội và nhân dân khu vực tả ngạn sông Hồng trong thời kỳ chống Pháp. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết có chi tiết nhà văn Phù Thăng để cho một nhân vật người lính của mình (Nghĩa) sau chiến tranh về nhà, thấy người mẹ già đang ngồi bới đống tro tàn trên cái nền đổ nát tan hoang để tìm mấy cái bát mẻ còn dùng được. Nhìn cảnh ấy, anh đã chua xót nghĩ rằng mọi cuộc chiến tranh đều là đau khổ; và người lính thật nhọc nhằn. Nếu có giành được vinh quang thì cũng phải trả giá thật đắt.

Khi "Phá vây" được mang ra "trình làng" thì đã có ý kiến của một số văn nghệ sĩ, nhà phê bình và những người "có trách nhiệm" cho rằng tư tưởng của nhà văn đã "có vấn đề". Tại sao lại để cho nhân vật là một chiến sĩ lại có những tư tưởng như thế? Lập trường quan điểm có sự lung lay, dao động chăng? Bây giờ, cả nửa thế kỷ đã qua đi, cũng không bàn lại chuyện đúng sai, tiến bộ hay ấu trĩ trong quan niệm làm gì nữa. Tiếp nhận văn chương thì có đến ba bảy ngả đường… Chỉ đáng tiếc thay là những thành kiến đối với "Phá vây" không chỉ dừng lại ở những chỉ trích… Vậy là, nhà văn rời tạp chí Văn nghệ Quân đội để sang làm ở Báo Thể dục Thể thao. Một thời gian ngắn sau, ông lại sang Xưởng phim truyện Việt Nam. Tại đây, ông miệt mài viết kịch bản phim.

Phù Thăng là đồng tác giả kịch bản của bộ phim "Trên miền Tây Tổ quốc". Ông cùng với nhà báo Trần Minh Tân của Hải Dương viết kịch bản phim "Quê ta đánh giặc", ca ngợi tinh thần chiến đấu của quân và dân tỉnh nhà. Bộ phim đã tạo được tiếng vang khi đó. Phù Thăng còn là biên kịch của phim "Nguyễn Văn Trỗi" nổi tiếng - bộ phim làm theo "đơn đặt hàng" của Ban Tuyên giáo Trung ương lúc bấy giờ. Kịch bản phim "Quê nhà" của ông đã được Bằng khen trong Liên hoan phim quốc tế tại Mátxcơva. Bên cạnh đó, ông còn viết truyện ngắn, làm thơ, nhưng không công bố nhiều trên báo chí. Năm 1986, ông xin về hưu trước tuổi với quân hàm Thiếu úy….

Làng quê Tất Lại Thượng (xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ) đón ông. Đất đai quê hương ông mở lòng với ông. Tình nghĩa quê hương xoa dịu những vết thương lòng. Người thân quen về thăm, thấy ông tinh mơ đã vác cày, dong trâu ra đồng. Người ông nhỏ thó, con trâu to lớn kềnh càng. Tưởng ông sẽ vô cùng chật vật với công việc nặng nhọc nhất của nhà nông ấy. Nhưng không, ông cày bừa nhẹ nhàng như thể từ bé đến lớn ông chỉ gắn bó với đất đai, cây cối, ruộng đồng. Ngôi nhà ngói ba gian quay mặt ra đồng, có sân gạch nhỏ và mảnh vườn rộng phía trước nhà ông luôn hào phóng gió và nắng; và cũng thường xuyên được đón bạn văn của ông từ các nơi về thăm. Nhưng ông không nói chuyện văn chương nữa. Ông nói chuyện ruộng vườn, chuyện mùa vụ cấy hái, chuyện làng quê năm nắng mười mưa... Cứ như ông đã quên sạch những chữ nghĩa, phim ảnh với văn chương.

Thăm ông ra về, bạn văn nhiều người lén gạt nước mắt. Nhưng ông tuyệt nhiên không buông một lời nào oán thán hay trách cứ gì, cứ như là số phận của ông buộc phải như thế, và ông đã biết trước mọi sự sẽ thế rồi. Cũng năm lần mười lượt, lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Hải Hưng (sau là Hải Dương) đến mời ông tham gia vào tổ chức Hội cho vui. Thoạt đầu ông từ chối. Sau, có lẽ cảm động vì tấm lòng của những bạn bè văn nghệ sĩ quê hương, cảm động vì tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của lãnh đạo Hội VHNT tỉnh nhà nên ông đã gật đầu đồng ý. Có thể nói, ông là một hội viên đặc biệt của Hội VHNT. Đặc biệt vì hết thảy các văn nghệ sĩ tỉnh nhà đều coi ông là bậc thầy chứ không phải "cùng chiếu hội viên".

Sức khỏe yếu, việc nhà lại nhiều, từ quê ông lên tới trụ sở Hội cũng tới 40 km, nên ông ít khi có mặt trong các cuộc hội họp, giao lưu của Hội. Nhưng các văn nghệ sĩ thì thường xuyên được ông mời về nhà chơi. Lắm khi, không cần phải ông mời, họ cũng tìm đến tận nơi. Không ít người đã lặng người xa xót khi nhìn ông nhỏ thó, gầy gò, giơ từng nhát cuốc cuốc mảnh ruộng bên bãi sông ở Trại Cây để cấy trồng; hoặc ông lom khom  thổi lửa trong ngày mưa để kịp nấu cơm trưa cho con đi học về có bát cơm nóng. Rạ rơm ướt cả, bếp khói um lên còn nhà văn cứ phồng má thổi mãi, thổi mãi...

Sau khi trường ca "Hoa vạn thọ" được xuất bản, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt (riêng tạp chí Côn Sơn ngày đó đã đăng tải tới 4 bài phê bình, nghiên cứu về trường ca), nhà văn Phù Thăng rất vui. Từ niềm vui ấy, ông có ý định cho công bố tiếp những tác phẩm chưa từng công bố của mình. Qua con cháu trong gia đình ông, tôi được biết thêm rằng sau tiểu thuyết "Phá vây", nhà văn còn viết tiếp phần hai của bộ tiểu thuyết đồ sộ này, với dung lượng cũng rất đáng nể: khoảng 500 trang in, lấy tên là "Tấn công". Tuy nhiên, "sự cố" đến với "Phá vây" khiến ông không thiết tha cả chuyện cầm bút lẫn chuyện công bố tác phẩm của mình. Toàn bộ bản thảo "Tấn công" viết tay trên giấy học trò đã được nhà văn cho vào một cái chum sành, nút lá chuối bên trên rồi mang đi … chôn ngoài vườn nhà, như thể ông muốn đào sâu chôn chặt tất cả những gì dính líu, liên quan đến văn chương.

Tiếc tập bản thảo mà ông đã dày công sáng tác, con cháu đã nhiều lần động viên ông đào lên, mang xuất bản, nhưng ông dứt khoát không nghe. Nhưng sau khi "Hoa vạn thọ" đến với công chúng, ông đã có quyết định khác…

Một buổi tối đầu năm 2005, tôi nhận được điện thoại của nhà văn Phù Thăng. Ông bảo: "Bác có việc muốn nhờ Việt Nga đây. Cố gắng giúp bác nhé!". Tôi hỏi việc gì, thì ông thổ lộ rằng bây giờ ông rất muốn liên lạc với một nhà xuất bản, để đề nghị họ xuất bản tiểu thuyết "Tấn công" cho ông. Mà suy đi tính lại, ông rất muốn nhờ nhà thơ Y giúp đỡ. Vì nhà thơ Y đang công tác trên Hà Nội, quen biết với nhiều nhà xuất bản. Ông nhờ tôi xin số điện thoại của nhà thơ Y, và nói trước việc ông muốn nhờ. Tôi sốt sắng thực hiện ngay, trong lòng mừng thầm vì nhà văn Phù Thăng đã quyết định cho "đứa con tinh thần" của mình xuất hiện. Nhà thơ Y cũng rất đỗi vui mừng. Ông nói với tôi rằng chuyện xuất bản rất đơn giản đối với một người nổi tiếng như nhà văn Phù Thăng…

Thế rồi thời gian trôi… Tôi mải miết bận rộn với việc học hành thêm, cũng không nhận thêm được thông tin gì từ nhà văn Phù Thăng về cuốn "Tấn công" nữa. Thảng hoặc nhớ đến chỉ hơi băn khoăn: Không biết in xong chưa mà chẳng thấy bác Phù Thăng thông báo cho mình. Đến năm 2008, khi đang học lý luận chính trị trên Hà Nội, tôi nhận được tin dữ từ cơ quan báo lên: "Bác Phù Thăng mất rồi!". Đang thi, không về được, tôi chỉ được nghe mọi người kể lại: đám tang bác đông lắm! Bao nhiêu bạn bè, văn nghệ sĩ các nơi về tiễn đưa bác ra nơi an nghỉ cuối cùng. Bao nhiêu người rơi nước mắt. Đích thân nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc điếu văn và thả nắm đất đầu tiên xuống huyệt mộ bác. Hẳn bác cũng ngậm cười nơi chín suối, vì cho đến phút cuối cùng ấy, anh em, bạn bè văn nghệ sĩ vẫn bên bác trong tình cảm ấm áp, thân thương…

"Tấn công" đã in chưa? Nhà xuất bản nào in? In khi nào?  Câu hỏi ấy của tôi nhận được câu trả lời thật buồn: chưa in! Tại sao lại chưa in? Nhà thơ Y đã hứa sẽ giúp rồi mà! Vướng mắc ở khâu nào? Không ai biết! Chỉ biết rằng con cháu nhà văn Phù Thăng đã đến gặp nhà thơ Y để xin lại bản thảo cuốn tiểu thuyết này. Đáng buồn thay, trong ngần ấy thời gian, cuốn tiểu thuyết không được công bố thì chớ, lại bị mất luôn mấy trang bản thảo đầu tiên. Tại đâu thì không rõ. Khi nhà văn Phù Thăng đào nó lên, lấy ra từ trong chum để đưa đi "nhờ in", nó vẫn còn nguyên vẹn…

Năm 2012, từ đề nghị của Hội VHNT và UBND tỉnh Hải Dương, nhà văn Phù Thăng được trao tặng giải thưởng Nhà nước về VHNT cho bộ các tác phẩm "Phá vây" (tiểu thuyết) và "Con nuôi trung đoàn" (truyện vừa). Đây là tin vui không chỉ đối với gia đình nhà văn mà đối với cả tỉnh Hải Dương, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà, những người yêu mến, ngưỡng mộ nhà văn Phù Thăng. Cuối cùng, những đóng góp của nhà văn cũng đã được ghi nhận xứng đáng, để linh hồn ông nơi chín suối được thanh thản, không còn nặng nỗi buồn về "món nợ văn chương" nữa. Trong buổi lễ đón nhận giải thưởng cao quý này tại gia đình của nhà văn Phù Thăng, mừng cho ông nhưng những bạn văn của ông đều thoáng chút ngậm ngùi: giá như ông còn sống! Giá như giải thưởng này đến vào lúc ông vẫn đang cần mẫn dong trâu, vác cày ra đồng mỗi sớm tinh sương…

Vẫn canh cánh bên lòng về tập bản thảo "Tấn công" chưa được xuất bản, tôi cố gắng liên lạc với gia đình nhà văn Phù Thăng để đề nghị gia đình hợp tác trong việc xuất bản tiểu thuyết. Liên lạc trong tâm trạng lo lắng: không hiểu qua ngần ấy thời gian, bản thảo có còn nguyên vẹn không? Không hiểu qua ngần ấy sự cố, gia đình có tha thiết với việc xuất bản nữa hay không? Tin nhận được là "Tấn công" vẫn còn, hiện đang được con nuôi của nhà văn Phù Thăng - một thiếu tướng quân đội gìn giữ. Anh có ý định bỏ tiền riêng để xuất bản sách.

Tôi đề xuất ý định của Hội VHNT Hải Dương, xin kinh phí của tỉnh để "Tấn công" được ra mắt bạn đọc trong thời gian gần nhất. Các con của nhà văn Phù Thăng nhất trí… Hy vọng mọi chuyện được diễn ra suôn sẻ. Hy vọng không lâu nữa tiểu thuyết "Tấn công" sẽ được in ra, được đặt trang trọng trên bàn thờ nhà văn Phù Thăng, để ông nhìn thấy, để ông nheo mắt, mỉm cười nơi chín suối…

Nguyễn Thị Nguyệt Nga
.
.
.