Nhà văn Nguyễn Trọng Tân với “Đa đoan cõi tạm”

Thứ Năm, 19/11/2020, 11:18
Từ khi còn ở trong quân ngũ, tôi và Nguyễn Trọng Tân chỉ biết tiếng nhau qua tác phẩm đăng rải rác trên các báo, tạp chí. Lần đầu chúng tôi gặp nhau vào năm 1990, Nguyễn Trọng Tân và tôi được kết nạp hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam cùng đợt ấy.


Hồi đó Nguyễn Trọng Tân đã có những cuốn sách khá đông người đọc như “Chuyện buồn thời con gái” (tập truyện ngắn, 1988), “Quyền lực xám (tiểu thuyết 1989), “Giọt sương đỏ” (tiểu thuyết, 1989)… 

Nguyễn Trọng Tân lần lượt tham gia quản lý một vài tờ báo. Chỉ là một chức quan làng nhàng thôi nhưng cũng khá bận rộn. Tuy vậy cái ngòi bút dồi dào sức sống của anh vẫn viết đều, trong đó có những tác phẩm lưu lại trong lòng bạn đọc như “Trang gia phả viết bằng vôi” (tập truyện ngắn, 1991), “Một thời để nhớ” (tiểu thuyết, 1992), “Đò chiều” (tập truyện ngắn, 1996)… 

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân.
Nguyễn Trọng Tân không ham lắm cái việc lăng xê tên tuổi mình. Hơn mười năm có mặt ở chiến trường thời đánh Mỹ, nếm trải đủ những khốc liệt, gian lao của người lính chiến, nhưng anh ít thể hiện mình; là sĩ quan hẳn hoi nhưng chẳng thấy anh mặc quân phục, đeo huân huy chương bao giờ. 

Đọc những trang văn anh viết về chiến trường cũng không thấy có tình tiết, chi tiết nào mang tính khuếch trương, thổi phồng. Anh cứ viết như những gì mình nếm trải cũng đã đủ sức lay động trái tim của bạn đọc rồi. Hẳn vì thế mà ngày ấy đọc anh, tôi dự cảm rằng anh còn đi xa. Cuối cùng thì dự cảm của tôi đã không sai. 

Năm 2016, tiểu thuyết “Thư về quá khứ” dầy dặn với hơn 400 trang của anh ra mắt khiến bao người không thể làm ngơ. Tác phẩm viết về số phận những người lính trong chiến tranh chống Mỹ. Nếu như ở chiến trường anh ta phải căng mình ra trước những trận đánh đối đầu với kẻ thù, thì khi về hậu phương anh lại phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề nổi cộm của một xã hội chưa thoát ra khỏi hệ ý thức tiểu nông ngàn đời. Những lỡ lầm của lịch sử, gợn lên trong trái tim người cựu binh những câu hỏi: bao nhiêu con người thoát ra được cái mạng nhện lùng nhùng ấy, và bao nhiêu thì bị nó kéo trì xuống, rồi nhạt nhòa như khói mây? 

Có thể nói “Thư về quá khứ” là một tiểu thuyết có sức nặng. Nếu có bộ văn học sử viết về văn học chiến tranh mà bỏ quên tác phẩm này sẽ là rất thiếu khách quan. Cuốn sách ra mắt, khá nhiều bài viết khẳng định trên các báo và tạp chí. Nguyễn Trọng Tân chừng như đã qua cái thời bột phát những niềm vui nông nổi. Anh nói với tôi: “Chưa hẳn số phận nó đã xuôi chèo mát mái đâu”. 

Điều mà tác giả linh cảm nó đã vận vào đúng số phận anh. Không khác gì lần bị tuột mất giải nhất cuộc thi truyện ngắn hay do thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, đã quyết định trao cho tác phẩm “Trang gia phả viết bằng vôi”. “Thư về quá khứ” tham dự cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm (2016 – 2019) của Hội Nhà Văn Việt Nam, hội đồng Chung khảo đã chấm giải Ba. Nhưng chưa kịp trao giải thì có người dọa rằng “Thư về quá khứ” vi phạm tiêu chí bởi tác phẩm này đã được giải Nhì trong cuộc vận động sáng tác về đề tài Thương binh - Liệt sĩ năm 2017, khiến nó bị loại khỏi giải. 

Tôi không dám coi thường cuộc vận động về đề tài thiêng liêng này, song cũng cần thẳng thắn mà nói với nhau rằng cuộc vận động sáng tác ấy mang tính đề tài hơn là định giá văn chương, vì thế có rất nhiều cây bút nghiệp dư tham gia, tác phẩm làng nhàng nhưng họ cũng được giải thưởng “ngang chiếu” với “Thư về quá khứ”.

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Trọng Tân.

Sau khi “Thư về quá khứ” xuất bản, không ít người nghĩ, hẳn tác giả đã dồn hết vốn sống vào tác phẩm đó rồi. Ngờ đâu năm 2020 tiểu thuyết “Đa đoan cõi tạm” của anh ra mắt mà không hề mang một chút hơi hướng của “Thư về quá khứ”. 

“Đa đoan cõi tạm” viết về tình yêu của những sinh viên cầm súng ra chiến trường, sống sót trở về giảng đường tiếp tục học tập; quần áo, đầu tóc họ còn phảng phất mùi khét của khói súng. Họ ngồi học cùng lớp với những sinh viên tầm tuổi em út họ từ hệ phổ thông vào. Nhưng họ biết cách để tạo ra một không khí bạn bè hòa đồng, trở thành chỗ dựa tinh thần cho họ. 

Các nữ sinh viên văn khoa tuổi mười tám, đôi mươi mơ mộng, lãng mạn vì cảm phục họ mà nảy sinh tình yêu với họ. Chỉ trong cái lớp Văn của khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nơi nhà văn Nguyễn Trọng Tân học) đã có khá nhiều cặp yêu nhau chênh lệch 15, 16 tuổi như thế. 

Ngọt ngào hạnh phúc từ đấy, mà bi kịch đổ vỡ cũng sinh ra từ sự khác biệt thế hệ ấy. Rất nhiều cuộc tình ngang trái, đa đoan đã được tác giả đề cập tới như tình duyên của Trần Khạ, Phạm Dưỡng – Thu Sương... Nhưng ngòi bút Nguyễn Trọng Tân tập trung sâu nhất vào cuộc tình của Tạ Văn Độ với Bạch Dạ Hoa và mối tình kỳ lạ ngang trái giữa Đặng Nguyên Trực với Hoàng My.

Mối duyên tình của Tạ Văn Độ và Bạch Dạ Hoa như một thiên tình sử tuyệt đẹp, hào sảng mang đậm nét chinh phu thời chiến trận. Hai người yêu nhau ngay năm đầu nhập học. Họ yêu nhau như thể hai người sinh ra đã thuộc về nhau. Chiến tranh ác liệt, Độ lên đường ra trận, hết chiến tranh trở về trường thì Bạch Dạ Hoa đã trở thành cô giáo của anh. 

Bị choáng ít ngày rồi bản lĩnh của người lính chiến đã khiến Độ nhanh chóng chấp nhận thực tại. Nhưng cái bụng mang thai nhùm nhùm của Bạch Dạ Hoa với người chồng mới cưới thì không giấu đi đâu được. Nó cứ như sự đùa cợt của số phận, bi kịch đau khổ từ đó mà ra. 

Độ viết đơn xin tái ngũ lên biên giới phía Bắc chiến đấu. Cuộc chiến tan, Độ trở về thủ đô làm phóng viên báo. Nhưng anh không sao yêu được người con gái thứ hai. Cái bóng Bạch Dạ Hoa vẫn không rời khỏi cuộc đời anh. Anh “mồ côi” vợ cho đến già…

Tình duyên giữa Đặng Nguyên Trực – Thy Sen và Đặng Nguyên Trực - Hoàng My mới là hai cuộc tình xuyên suốt tác phẩm. Nguyên Trực với Thy Sen là cuộc tình trong trẻo và thánh thiện cho đến khi Thy Sen gặp tai họa về với cát bụi. Nguyên Trực - Hoàng My có thể coi là một cuộc tình bất diệt. Hoàng My xứng đáng là một vị thánh trong tình yêu. 

Bao năm tháng chiến tranh và sự lam lũ tưởng như đã làm cho Đặng Nguyên Trực cằn cỗi đi, nhờ tình yêu của Hoàng My mà tâm hồn Trực hồi sinh, thăng hoa. Hai con người được tận hưởng tất cả những cung bậc của tình yêu, nhưng cũng có rất nhiều rào cản thuộc về ý thức hệ, về tâm lý con người thời hậu chiến khiến họ không về được với nhau dưới một mái nhà hạnh phúc.

Một cốt truyện như thế, người viết non tay rất dễ vẽ ra những mô tuýp nhân vật rồi áp vào tác phẩm. Còn Nguyễn Trọng Tân, bằng vốn sống dồi dào cùng với cái nhìn của một nhà tiểu thuyết có nghề, nhân vật của anh sinh động, tươi ròng từ cuộc sống bước vào trang văn, cột chặt niềm xác tín của bạn đọc vào tác phẩm. 

Nếu như cần một lời góp bàn thì tôi rất muốn tiểu thuyết dừng lại ở chỗ Hoàng My chia tay Nguyên Trực, bước sang trang mới của cuộc đời, như thế ám ảnh hơn. 

Tôi đã nói điều này với tác giả. Nguyễn Trọng Tân bảo: “Lê Hoài Nam góp ý rất đúng và thật tinh tế. Nhưng mình đành hy sinh sự ám ảnh ấy để phản ánh đúng như mối duyên tình của hai người bạn mình Đặng Nguyên Trực và Hoàng My. Cho đến tận hôm nay, họ vẫn sóng đôi trong cuộc đời nhau. Trao nhau vị ngọt hạnh phúc và chịu đựng nỗi đau ngang trái. Mối tình của họ: “Như một khế ước duyên phận được định đoạt đầy bí ẩn từ đâu đó trên cao xanh kia. Kiếp này họ phải trả nợ cho nhau”. Cuộc đời thực nhiều khi thô ráp, tẻ nhạt nhưng mình muốn vậy như một lời tri ân với những người con gái như Hoàng My. Nỗi khổ đau trong trái tim yêu hết mình của nàng đã làm cho cuộc sống này đẹp hơn, nhân ái hơn”.

Hà Nội, mùa đông 2020

Lê Hoài Nam
.
.
.