Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Văn chương có chức năng dự báo

Thứ Sáu, 28/04/2017, 09:42
Nhà văn của thể loại tiểu thuyết luận đề Nguyễn Bắc Sơn lại vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết mới có tên: "Cuộc vuông tròn". Đây là sự tiếp nối của phần I với cuốn tiểu thuyết "Vỡ vụn" xuất bản đầu năm 2016. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Bắc Sơn về cuốn tiểu thuyết mới của ông.


-  Xin chào nhà văn Nguyễn Bắc Sơn! Ông quả là nhà văn rất sung sức của văn đàn Việt Nam khi đầu năm 2016 ra mắt một cuốn sách, cuối năm 2016 lại trình làng cuốn nữa.

+ Cái chính là thời cuộc hôm nay, thời cuộc của cả thế giới và trong nước dồn dập ngổn ngang quá nhiều biến động không thể đoán định được, người viết không cùng nhịp đập với thời cuộc thì không bắt kịp được.

- Vừa rồi, trong Lễ trao giải của trang mạng văn chương trannhuong.com, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã phát biểu: "Các nhà văn chúng ta nên dỏng tai nghe mạng xã hội phê phán các nhà văn bàng quan với những vấn đề bức xúc của xã hội...". Qua tiểu thuyết này của ông, thấy ông luôn đồng hành và trăn trở cùng những vấn đề nóng của xã hội!

+ Nhà văn Hoàng Quốc Hải nói không sai. Nhưng mỗi nhà văn có cách tiếp cận cuộc sống theo cách riêng của mình. Tiểu thuyết của tôi luôn luôn theo sát những vấn đề thời sự của đất nước.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

-  Có người nói tiểu thuyết của ông có tính thời sự?

+ Dù thế vẫn phải phân biệt chức năng của hai loại hình: báo chí cung cấp cho bạn đọc "thông tin". Văn chương gửi đến bạn đọc "thông điệp". Báo chí chăm chăm đến việc. Văn chương chăm chú đến người, đúng hơn là phần con người. Nhà văn nào cũng viết báo được. Tất nhiên không viết được tất cả các thể loại (tôi chịu không viết được xã luận, phóng sự và tin). Nhưng ít nhà báo viết văn được. Nhìn qua thì có vẻ giống nhau. Nhìn kỹ thì khác nhiều. "Cái" và mục đích thì giống nhau nhưng "cách" thì rất khác nhau.

- Ông có thể nói cụ thể hơn?

+ Khởi nghiệp là chuyện nóng bây giờ, nhưng người không tử tế thì ăn bất cứ thứ gì bán bất cứ thứ gì. Còn người tử tế thì làm bất cứ việc gì giúp người khác khởi nghề, khởi nghiệp.

Mọi chuyện bắt đầu từ nhận thức. Biểu hiện đầu tiên của nhận thức là nói ra miệng khi họp bàn. Người viết dựng lên một cuộc bàn thảo khác thường. Không phải là cuộc họp Thường vụ, nhưng có mặt đủ Thường vụ Tỉnh ủy trong gia đình bí thư kiêm chủ tịch Nguyễn Chí Thành (mô hình nhất thể hóa trong tiểu thuyết "Lửa đắng", đứng đầu giải 3 cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba, 2006-2010), vợ anh, bố anh - "Ông già Sơn La", cựu tù chính trị trước cách mạng, cựu chủ tịch, cựu Bí thư tỉnh, người đa mưu túc kế đã chạy cho con vào chức Chủ tịch tỉnh một cách khác thường trong "Vỡ vụn" (Phần 1 của "Cuộc vuông tròn")…

Hoàn cảnh ấy tạo điều kiện cho các nhân vật bộc lộ quan niệm, nhân cách, tính cách mình.

- Trong tiểu thuyết của nhà văn Liên Xô "Biên bản cuộc họp", chỉ các nhân vật đấu khẩu với nhau thôi mà hiện lên bối cảnh xã hội, những vấn đề bưc xúc nhất thời đó, cũng khắc họa được tính cách và số phận của các nhân vật?

+ Đọc biên bản tốc ký Đại hội Đảng Dân chủ Pháp ở Tua năm 1920, nghe Nguyễn Ái Quốc phát biểu chả thú vị à? Đây là tiểu thuyết nên trong cuộc trò chuyện gia đình thân mật tác giả kể xen với tả ngoại hình, nội tâm, kết hợp với bình luận, đồng hiện quá khứ với hiện tại nên thú vị hơn nhiều.

- Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét trong lời giới thiệu cuốn sách "Cuộc vuông tròn" như sau: "Câu chuyện của Chính và mấy vị chức sắc cũ mới trong gia đình Thành kéo dài gần trăm trang vậy mà đọc vẫn không chán. Có lẽ đó là tài năng của một nhà văn - nhà tiểu thuyết chính trị/ thế sự/ thời cuộc đã từng được thể hiện trong các tiểu thuyết "Lửa đắng" và "Gã Tép Riu" - hai tác phẩm đều được dư luận ngợi khen - của ông.

Vẫn là cái lối kể chuyện tỉ mẩn, kỳ khu đến độ quái kiệt vào từng ngóc ngách bí ẩn của cuộc sống và sức liên tưởng dồi dào trên cơ sở một sự hiểu biết sâu rộng và đến nơi đến chốn của nhà  văn". Nhận xét của nhà văn Ma Văn Kháng - cây bút tiểu thuyết số 1 Việt Nam hiện nay là hết sức chính xác. Nhưng nhiều người đọc cho rằng có trường đoạn như là tác giả mách nước cho những cơ quan tổ chức nào muốn chống tham nhũng có hiệu quả ấy. Có đúng không?

+ Họ không nói quá lên đâu! Đấy là chương 14: "Ông Quy Trình". Các cụ kỉ luật Đảng dù làm mạnh đến đâu, nói thật vẫn không làm cho mọi người thỏa mãn.

- Vì sao vậy thưa nhà văn?

+Vì thế là trúng kế của chúng rồi. Kế gì ấy à? Đấy là triết lí, "bỏ đời bố củng cố đời con". Chịu một tí tai tiếng (nghiêm khắc phê bình, khiển trách, cảnh cáo về mặt Đảng, còn chính quyền thì… miễn nhiệm là cùng). Chưa một ai bị tử hình như Đại tá Trần Dụ Châu thời chống Pháp, nhưng con cháu, chút, chít được sống phởn phơ. Đằng sau những vụ bổ nhiệm đúng quy trình ấy là gì? Trước khi về nghỉ (hay trước khi chuyển công tác) tranh thủ bổ nhiệm hàng loạt đều đúng quy trình cả đấy chứ?

Bìa sách “Cuộc vuông tròn”.

Mấy chục năm trước tôi đã có truyện ngắn "Hội chứng 59", giờ phải đổi thành "Hội chứng phút 89", thậm chí "Hội chứng bù giờ, câu giờ"… Một cơ quan 40/44 người là cán bộ lãnh đạo, thế là trừ ông bảo vệ và chị tạp vụ. Vậy mà bảo vì dân à? Thế là ăn không từ thứ gì!? Bán không từ thứ gì.

Ai cũng biết chỉ một người không biết động cơ đằng sau những vụ bổ nhiệm ấy là gì. Thành, Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh của tôi đã đấu trí để "Ông Quy Trình" mới đầu phải thừa nhận sai về phương pháp. Đấu tiếp mới thừa nhận sai ở động cơ. Đấu tiếp nữa mới chịu nhận khắc phục hậu quả.

- "Ông Quy Trình" của nhà văn khắc phục hậu quả bằng cách gì?

+ Bằng cách, nói như ngôn ngữ bình dân là nôn ra những gì ăn tham, ăn mảnh, ăn bẩn… ăn bất cứ thứ gì…

- Dù đọc rồi, biết rồi, tôi cũng muốn chính nhà văn nói ra giải pháp ấy để mách nước cho những người có trách nhiệm quản trị đất nước.

+ Mọi sự cứ để hữu xạ tự nhiên hương. Nhân tiện tôi khẳng định thêm: văn chương, nhất là tiểu thuyết có chức năng dự báo đấy.

- Giờ ít người đọc tiểu thuyết… Được biết "Lửa đắng" hơn 600 trang của ông là tác phẩm duy nhất được Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam dành tặng người lãnh đạo cao nhất nước khi về làm việc?

+ Chính xác! Bởi nhiều lí do trong đó có tính dự báo bên cạnh tính nghệ thuật…

- Cái tên tiểu thuyết mới đây của nhà văn cũng gây tò mò cho nhiều người. Sao lại là "Cuộc vuông tròn"?

+ Vì nhiều lí do mà phụ nữ thời nay có xu hướng sống đơn thân. "Vỡ vụn" mới nêu vấn đề (thật ra đã chớm đặt vấn đề từ "Lửa đắng"), giờ giải quyết. Anh Ma Văn Kháng hoàn toàn đồng thuận với tôi: "Cái méo mó (đơn thân) đã được bàn tay nhân thế tài tình nhào nặn lại thành hình hài vuông vức tròn trặn… Cuộc sống dù bức bách khúc mắc thế nào thì cũng có thể mở ra một lối thoát. Đó là cái ưu thế, niềm an ủi con người khốn khó, cái làm cho con người đau khổ tin yêu vào cuộc đời hơn chỉ có được ở trong văn chương! Đấy cũng là cái lí thú, cái đặc sắc của tác giả…".

- Cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này.

1-2017

Cao Minh (thực hiện)
.
.
.