Nhà văn Nga “thuần túy”

Thứ Ba, 20/08/2019, 16:38
Về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, đạo diễn và diễn viên Nga nổi tiếng Vasily Shukshin, đã có nhiều người viết sách và làm phim. Tuy nhiên, vẫn như xưa, Vasily Shukshin là một con người đầy bí ẩn.


Mới đây, nhân dịp sinh nhật lần thứ 90 của ông (1929-2019), nhà văn nổi tiếng, Hiệu trưởng Trường viết văn mang tên M. Gorky - Aleksey Varlamov - đã cho xuất bản cuốn tiểu sử của Vasily Shukshin. Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài trả lời phỏng vấn của tác giả.

- Cuốn "Shukshin" của ông vừa được xuất bản đã trở thành một hiện tượng văn học nổi bật. Tại sao lại là Shukshin? Nhân vật này có điều gì hấp dẫn đối với ông?

+ Shukshin là một nhân vật rất bí ẩn. Dường như ông mới sống cách đây chưa lâu, nhưng có biết bao điều không rõ ràng, mờ ảo trong cuộc đời ông! Có những tháng nào đấy trong cuộc đời Shukshin, quả là không thể nói ông sống ở đâu và làm gì. Ở ông có biết bao mâu thuẫn, điều kỳ quặc, bí ẩn. Chẳng hạn: làm sao ông có thể vừa cộng tác với Tạp chí "Tháng Mười" của Kochetov lẫn "Thế giới mới" của Tvardovsky? Cùng chơi thân với Vasily Belov lẫn Bella Akhmadulina?  Vừa là học trò của Mikhail Romm, lại hay lui tới gia đình Anatoly Sofronov? Đánh giá cao Sholokhov lẫn Solzhenitsyn?  Những nhân vật nêu trên vốn là đối thủ của nhau.

Nhà văn - đạo diễn Vasily Shukshin.

- Xin ông cho biết ý nghĩa của Shukshin đối với nền văn hóa nước nhà?

+ Ở đây vấn đề không chỉ giới hạn ở văn hóa, mà ở đời sống Nga nói chung. Shukshin mang trong mình tất cả những thăng trầm của thời đại Xô viết, những thảm họa và thành tựu của nó. Ông hiểu biết tuyệt vời cả thành phố lẫn nông thôn, nông dân, công nhân, trí thức. Phỏng theo câu nói của Gorky về Leskov, có thể nói: Shukshin xuyên suốt cả nước Nga và thể hiện nó trong văn học, điện ảnh và sân khấu.

Tôi nghĩ rằng Shukshin có cái nhìn về sự vật vô cùng chính xác, xuyên thấu và sâu sắc. Giống như tia laser. Vì vậy, tôi luôn luôn muốn biết nhận định, đánh giá của ông về những năm 1985, 1991 và 1993. Shukshin có thể nói gì? Ông có thể đứng về phía nào trong những năm bước ngoặt của đất nước? Ông có thể nói gì về Gorbachyov, Eltsin, về Putin? Thái độ của ông đối với tình hình Ukraina ra sao? Nói chung, hôm nay ông có thể trả lời thế nào câu hỏi do chính ông đã đặt ra: "Điều gì đang xảy ra với chúng ta?".

- Ông chọn làm đề từ cho cuốn sách câu nói trong phim "Kalina quả đỏ": "Vâng, tôi không thích bắt đầu ngay lập tức từ tiểu sử. Tiểu sử là lời nói, có thể bịa ra nó". Ông có khắc họa được một Shukshin đích thực, không bịa đặt không? Theo ông, liệu Shukshin có thích tiểu sử ông viết không?

+ Tôi nghĩ là không. Shukshin là người suốt đời ngụy trang, diễn kịch, tạo dáng, và sự giải mã nhất định của tôi chưa chắc đã làm ông vừa ý. Chưa chắc ông đã muốn tiết lộ những tình tiết về việc mẹ lấy chồng lần thứ hai, về việc ông rời làng quê sau chiến tranh, bỏ mặc mẹ và em gái, và cuối cùng, về những điều ông buộc phải bịa ra về bố mình khi khai lý lịch để vào đảng hay vào học trường điện ảnh quốc gia.

Tôi không nghĩ rằng Shukshin thích nhắc lại những mâu thuẫn tại hãng phim mang tên Gorky, những cuộc vận động hành lang ở điện Kremlin, và nói chung những mâu thuẫn diễn ra suốt cuộc đời ông. Tôi nghĩ ông thích giữ bí mật, muốn giấu kín tất cả những điều đó. Còn tôi, ngược lại, cảm thấy chúng quan trọng.  Nói rõ vì sao con người này lại giành được những thành công lớn lao như vậy và cái gì đứng sau thành công đó. Thời đại đã bước qua con người như thế nào, đã quăng quật, chà đạp, vùi dập anh ta ra sao, và vì sao anh ta vẫn đứng vững?

Liệu tôi có thể khắc họa được con người Shukshin đích thực hay không? Sẽ là quá tự mãn khi nói điều đó, hơn nữa, ai biết được thực chất Shukshin là con người như thế nào? Trong hồi ức của Belov, ông là thế này, nhưng trong hồi ức của Viktor Nekrasov ông là thế kia, còn đối với Bella Akhmadulina, ông lại còn khác nữa. Tất nhiên, có thể nói như vậy về bất cứ con người nào, nhưng trong trường hợp Shukshin, sự khác nhau trong cảm nhận bộc lộ rất rõ. Dù sao, tôi cảm thấy mình cũng đã phán đoán được điều gì đó ở Shukshin.

- Nếu được đề nghị nhận xét về Vasily Shukshin với sự trợ giúp của một sự kiện nào đó trong cuộc đời nhà văn thì đó là sự kiện gì?

+ Đó là truyện ngắn mini "Miếng pho mát" trong chùm "Những truyện ngắn tưởng tượng" của Shukshin. Xin trích dẫn toàn bộ: "Hồi nhỏ, có lần tôi đi mò pho mát trên một chiếc bè bị đắm dưới lòng sông. Mò mãi nhưng không được gì vì không lặn tới đáy. Còn những người khác mò được và sau đó họ ăn, nhưng không cho tôi  miếng nào - cuộc đời là vậy, không nên trách móc. Bạn không lặn tới đáy". Toàn bộ câu chuyện cuộc đời Shukshin là ở chỗ ông đã lặn tới đáy như thế nào.

- Xin ông cho biết còn những chuyện bịa đặt nào nữa về Shukshin? Liệu chúng có ngăn cản, hay trái lại, giúp chúng ta hiểu rõ con người này?

+ Chẳng hạn như câu chuyện về sự phân biệt đối xử với người Do Thái của Shukshin. Nhà văn Yury Nagibin và nhà viết kịch Fridrich Goreshteyin đã viết khá gay gắt về điều này, mặc dù họ không có bằng chứng nào cả. Vâng, Shukshin là nhà văn dân tộc Nga thuần túy, nhưng đồng thời ở ông không hề có một chút chủ nghĩa dân tộc nào.

Sukshin với hai cô con gái Masa và Olia.

Ngược lại, có bằng chứng về việc sau khi quay xong bộ phim của Askoldov "Nữ chính ủy", Shukshin nói về nhân vật, một người Do Thái nghèo, đông con, do Rolan Bykov đóng: "Anh ấy là một con người tuyệt vời, một người cha hoàn hảo. Nhưng anh ấy không thể tự vệ. Chúng ta mạnh mẽ, chúng ta là người Nga, chúng ta nhất định phải bảo vệ anh ấy".

- Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông nói rằng Shukshin đã "trả thù theo kiểu Hamlet - thông qua tác phẩm". Shukshin là Hamlet hay dù sao vẫn là Don Kihote?

+ Chắc chắn Shukshin không phải là Don Kihote. Còn về Hamlet thì ở đây tôi muốn nói rằng, Shukshin không bao giờ quên việc bố ông bị bắn chết năm 1933 vì  tội ác bịa đặt chống lại chính quyền Xô viết. Theo hồi ức của nhà văn Vasily Belov, Shukshin muốn làm một bộ phim về cuộc nổi dậy của các tù nhân ở Chukotka. Nhưng vốn là một người tỉnh táo và thực tế, ông hiểu rằng một bộ phim như vậy không thể được phép sản xuất, và thế là xuất hiện ý tưởng về bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết của ông "Tôi đến đưa anh ý chí" nói về xung đột vĩnh cửu giữa nhân dân và nhà nước Nga. Nhưng cái chết bí ẩn trong khoang tàu thủy "Dunai", trong thời gian tham gia bộ phim "Họ chiến đấu vì Tổ quốc", đã ngăn cản Shukshin.

Nếu tôi viết cuốn tiểu thuyết hay vở kịch về Shukshin thì tôi nói rằng ông bị giết. Vì rằng không có cách nào ngăn cản con người này. Nhân tiện cũng xin nói, nhiều người cho rằng Shukshin bị giết.

- Ba đặc điểm chính của Shukshin - nhà văn, theo ông, là gì?

 + Nếu như nói về nhà văn, về phong cách thì theo tôi, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba yếu tố: bi, hài và kịch.

- Ông có thể nói gì về Shukshin - diễn viên và đạo diễn. Ông có ấn tượng nhất về bộ phim nào của nhà văn và tại sao?

+ Tôi thích tất cả các bộ phim của Shukshin, nhưng có lẽ, thích nhất là phim "Những người kỳ quặc". Đó là bộ phim hoàn hảo nhất, một "art-house" (phim nghệ thuật, duy mỹ) của Shukshin, nhưng ông rất không gặp may với bộ phim này. Bộ phim không thành công, phát hành thất bại, và đặc biệt là Shukshin không đổ lỗi cho "công chúng ngu ngốc", mà chính bản thân mình. Và ông đã thay đổi phong cách. Thế là xuất hiện "Bếp lò-cửa hàng" và "Kalina quả đỏ" - những bộ phim tuyệt vời, nhưng dù sao tôi vẫn tiếc là ít người nhớ tới "Những người kỳ quặc". Còn trong số vai diễn của Shukshin, tôi thích nhất vai chủ tịch nông trang của ông trong phim "Khi cây đã lớn".

- Các tác phẩm của Vasily Shukshin đã được giảng dạy học trong các trường phổ thông và đại học. Xin ông cho biết, giới trẻ hiện nay tiếp nhận các tác phẩm của nhà văn như thế nào? Nó có còn cấp thiết nữa không?

  + Giới trẻ hiện nay rất khác nhau, và mỗi người tiếp nhận Shukshin theo cách của mình. Nhưng có lẽ, không thể xếp Shukshin vào danh sách những tác giả được mến mộ nhất đối với giới trẻ hiện nay, nhưng vấn đề không chỉ ở giới trẻ.

Tiếc rằng, hiện nay người ta thường nhắc tới Shukshin  khi nói về những vụ tai tiếng trong gia đình ông. Mong rằng tình hình sẽ thay đổi và Shukshin lại trở về với ý thức của chúng ta như một con người đã từng dành cho giới trẻ những lời tâm huyết: "Trong suốt lịch sử của mình, nhân dân Nga đã chọn lọc, gìn giữ và trân trọng những phẩm chất nhân văn như sự trung thực, tính cần cù, sự tận tâm, lòng nhân hậu... vượt qua mọi tai họa lịch sử, chúng ta đã nâng niu và gìn giữ trong sạch tiếng Nga vĩ đại cha ông đã truyền lại cho chúng ta...

Những bài ca, truyện cổ tích của chúng ta, những chiến thắng cực kỳ khó nhọc của chúng ta, những nỗi thống khổ của chúng ta - tất cả đều không uổng phí! Chúng ta đã biết sống. Hãy ghi nhớ điều  đó. Hãy làm người!".

Trần Hậu(dịch)
.
.
.