Nhà văn Hoàng Hải Lâm và những cơn mơ giữa miền nắng rát

Thứ Năm, 11/03/2021, 15:44
Mỗi khi nhớ đến Tiến (tên thật của nhà văn Hoàng Hải Lâm), người bạn miền Trung của mình, hiện lên trong tôi là hình ảnh người đàn ông trung niên đứng lặng buồn dưới gốc cây ô môi giữa khoảng sân nhà. Người đàn ông ấy nhớ mạ, nhớ những mùa ô môi bung nở, mạ quét xác hoa bời bời đỏ trong cái gió nóng quê nhà.


Mạ mất đã gần ba năm, nhưng chưa khi nào người con trai tóc đã điểm bạc nguôi nhớ mạ. Từng cái cây trong vườn, từng vật dụng trong nhà còn hình bóng, hơi thở mạ... tất cả đều nhắc nhớ, cắt cứa vào lòng đứa con. Bữa ăn trong gia đình họ, chỉ còn lại năm người - hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ - nhưng luôn bày sáu cái chén, sáu đôi đũa như ngày mạ của con, mệ nội của cháu vẫn còn. 

Biết bao đêm Tiến mơ thấy mạ. Mạ ơi, 16 lần sinh nở, nuôi bầy con cơ cực trăm bề. Những chiều nắng rát sân phơi, nước mắt mạ rơi theo từng thúng lạc mang đi nhà người, vay một trả hai, xót lắm mạ ơi! Thăm thẳm đồng chiều, mênh mông sông sớm, mạ dắt con đi cấy trồng, mò cua bắt tép để kiếm cái ăn, để yêu lấy đồng đất quê mình. 

Những mùa hoa nở trong vườn, mạ ngắm hoa rơi, mạ thở dài đếm thời gian rơi rụng... Cơn mơ nối tiếp cơn mơ như thế. Nhiều đêm Tiến giật mình tỉnh giấc, nơi mạ nằm chỉ là khoảng trống lạnh câm, ngoài kia gió từ sông vắng thổi nỗi u hoài, hoa trong vườn âm thầm nở nghẹn.

Nhà văn Hoàng Hải Lâm.

Thi thoảng Tiến lại viết một cái status kèm ảnh mạ trên trang facebook. Có nhiều đoạn Tiến viết làm tôi muốn khóc, tôi được nhắc nhớ rằng tôi thật hạnh phúc khi vẫn còn mẹ trên đời. Tiến - đứa con vừa mất mạ, khát khao cháy lòng một lần được thấy mạ quay về, dù vẫn biết đấy là điều huyễn tưởng: 

"Trồng một vườn hoa để Tết mạ về chơi, lũ gà ăn hết. Một triệu tiền hạt giống ra đi không trở lại... Nhưng xưa, mảnh vườn đó của mạ để trồng hoa, mạ thích hoa hơn những thứ khác. Cái đàn bà thích, nhất là người đàn bà mình yêu thương và trân trọng, thì không thể bỏ đi, để thay thế cái mình thích. Vì thế hôm nay đặt 1.000 cây thạch thảo bốn màu. Vẫn âm mưu trồng để dụ dỗ mạ, thấy hoa sẽ về"... 

Đêm mưa buồn, một bóng một đèn thâu nhớ đêm xưa: "Nhìn đèn cầy, nhớ những đêm mưa. Dưới ngôi nhà dột nát, nghe rõ tiếng trở mình của mạ. Đó là ngày xưa, hạnh phúc của những ẩm mốc, khi quá khuya, mạ kêu nhỏ, ngủ chưa con. Đứa con im lặng, nó đang gặm nhấm nỗi đau của mối tình đầu dang dở. Còn mạ, thở hắt ra...".

Tôi bảo: "Tiến ơi, đừng viết, đừng đưa ảnh mạ lên nữa, để mạ được yên lòng, sớm siêu thoát". Nhưng anh vẫn viết, vẫn post ảnh mạ lên. Tiến yêu mạ theo cách của mình. Tôi đồ rằng, những cái status này Tiến viết dài ra, in thành một tập tản văn nó sẽ đến thật nhanh trái tim người đọc, neo mãi vào trong ấy những nỗi rưng rưng.

Nhớ một sớm Đông Hà gió mưa mù trời, Tiến trùm áo mưa, phóng con xe máy cũ đón tôi lúc tôi còn đang lớ ngớ nơi miền đất lạ. Năm đó, tôi có một kì thực tế ngắn ở Quảng Trị và những ngày ấy, Tiến thường dẫn tôi đi lòng vòng khám phá miền nắng rát của anh.

Chiều. Sông Hoài. Rượu bên sóng nước la đà. Chúng tôi nói chuyện văn chương và vô thiên lủng sự đời. Trong thế giới ảo, ngoài một Tiến của yêu thương có thể làm người ta cay mắt là một Tiến tưng tửng, tự trào, "bêu riếu" vợ con, "đấu tố" sếp, "bừa bựa", "ngang ngược", văng bậy và có thể quăng bất cứ thứ gì lên facebook. 

Tiến vế thứ hai này dễ khiến nhiều người dị ứng, thậm chí sốc và rất có thể họ unfriend Tiến khi gặp vài ba cái status kiểu "bậy bạ" của anh. "Thánh thần, động vật, quỷ ma/ Trộn ba thứ ấy thì ra con người", tôi thấy Tiến trong hai câu này của Nguyễn Anh Vũ! Ngoài đời Tiến sôi nổi, hài hước mà cũng hay khiến bạn bè cảm động bởi cái sự chân mộc, chân thành.

Bìa tập truyện ngắn “Trăng giẫm gai” của nhà văn Hoàng Hải Lâm.

Gần hết kì thực tế, vợ chồng Tiến mấy lần mời tôi lên nhà anh chơi. Cũng có bao xa đâu, chừng gần 20 cây số, vậy mà tôi không lên được. Sau này nghĩ lại, thấy gì đó như dòng nước man mác trong lòng. Nếu ngày ấy tôi lên nhà anh, vợ chồng Tiến và ba thằng con nghịch như thằn lằn của họ sẽ dẫn tôi đi xem vùng đất bán sơn địa, con sông trước nhà Tiến đẹp hoang dã và buồn như thế nào. 

Tôi sẽ được ngắm khu vườn rộng, có nhiều bóng cây xanh với lộc vừng và ô môi chen nhau xao xác nở. Và tôi sẽ hiểu hơn về sức mạnh, vẻ đẹp tâm hồn của những người mẹ Việt từ chuyện đời của mạ Tiến - người đàn bà nuôi hơn mười người con trưởng thành từ khốn khó. Giờ ngắm những bức ảnh khu vườn, dòng sông, cánh đồng,... anh chia sẻ, đọc những cái status anh viết về mạ, tôi ước thời gian quay trở lại.

Tiến có người cháu gọi bằng cậu học tập tại nơi tôi giảng dạy. Một ngày, ra Hà Nội, anh lên Sơn Tây. Chúng tôi chỉ gặp nhau được một lát, Tiến vội, thậm chí tôi không mời anh được một cốc nước. Lần gặp ấy làm tôi cứ áy náy mãi trong lòng.

Làm việc ở Ban Dân tộc tỉnh, Tiến có điều kiện đi nhiều nơi, anh thu nạp được nhiều nên viết ầm ào khiến bạn viết... phát ghen! Báo thì tôi không thống kê được, truyện ngắn áng chừng con số gần 150 trong 12 năm sáng tác của anh. 

Thi thoảng viết xong một truyện ngắn, Tiến gửi cho tôi bảo đọc. Truyện của anh hiếm khi làm tôi thất vọng, nhưng tôi vẫn cứ phán chọc anh, kiểu: "Thế này cũng viết! Truyện xoàng quá, nhưng vớt lại là khéo dựng truyện, có không khí và... ám ảnh!". Rồi nhoằng cái, vài ngày sau đã thấy truyện tôi "chê" ngự ở một nơi danh giá.

Lại nhớ, "X - quang cho một tâm hồn" là truyện ngắn đầu tiên tôi đọc Tiến. Nó thực sự ấn tượng để tôi phải bật ra câu hỏi: "Hoàng Hải Lâm là gã nào?". "X - quang cho một tâm hồn" làm tôi nhớ đến cái khốc liệt, dữ dội, đau đớn, ám ảnh của "Kẻ sát nhân lương thiện" - truyện ngắn gây chấn động một thời, đoạt giải Nhất tuần Báo Văn nghệ năm 1991. Lúc ấy, nhiều người chú ý đến cái truyện ngắn này của Tiến và từ đó Hoàng Văn Tiến - Hoàng Hải Lâm được đánh dấu, ghi danh trên văn đàn. 

Đúng như dự đoán của tôi, "X - quang cho một tâm hồn" lọt Top ten báo Văn nghệ năm 2011, được tặng thưởng chặng đầu của cuộc thi truyện ngắn. Tôi tiếc cho Tiến, nếu anh dụng công hơn với tình tiết, tăng dung lượng để truyện thêm đầy đặn thì "X - quang cho một tâm hồn" sẽ không dừng lại ở tặng thưởng. 

Trong cuộc thi này, Tiến in gần chục truyện và đã dần định hình một giọng văn, phong cách riêng. Sau này, Tiến còn tham gia mấy cuộc thi truyện ngắn nữa, nhưng có lẽ anh không có duyên với giải thưởng chính thức, dù một số truyện của anh khá ám gợi. Số anh là mặn nồng với tặng thưởng!

Đọc truyện Tiến cho tôi cảm giác phía sau con chữ không phải là một người hùng hục viết hay rào rào gõ phím, mà là một người đang bước đi giữa miền nắng rát vừa mơ ngủ vừa kể chuyện. Rồi người ấy dẫn ta đi bơi/ trôi giữa một dòng sông mà bờ bên này là thực, phía bên kia là mơ ảo. 

Cái thực thì rất thực, ấy là Tiến đưa tất cả những gì thuộc về đời sống vào trang viết, cho dù đó là cái xù xì, trần trụi nhất. Cái mơ ảo thoát ra từ chất văn hoạt, câu chữ sắc lẹm như tia X - quang xuyên thấu, tình tiết nhiều chỗ lấp lửng, biến ảo, mơ hồ. Tiến kể cứ như vu vơ, tưng tửng, thậm chí đôi lúc cay nghiệt nhưng đau  - cái đau ngầm.

Thời gian gần đây, "sểnh" ra là Tiến đi đâu đó, nơi có những em nhỏ còn thiếu mặc, thiếu áo quần, sách bút, những người già còn đói bữa ăn. Tiến đi để lượm những hạt bụi quý cho trang viết và trao những yêu thương để làm đầy trái tim mình. Nhiều lúc vắng chồng, vợ Tiến thấy tủi thân, phát bực với lão chồng cá tính, lắm hoa chân. Nhưng chị lại bảo: "Chẳng giận lạo lâu được. Thương lạo lại phải làm lành... Nhưng lạo sống như vậy thì mẹ con chị mới được nhờ!".

Cuộc đời này vốn nhiều nước mắt nhưng cũng lắm yêu thương. Khi trái tim còn đập, còn ấm áp, thiết tha với đời, với người thì cứ đi, cứ làm và mơ về những ngọn gió mát lành giữa miền nắng rát, nhé Tiến!

Nguyễn Phú
.
.
.