Nhà văn Hà Phạm Phú: Chỉ muốn đóng một vai duy nhất

Thứ Năm, 06/01/2011, 11:17
Có lẽ, hiếm nhà văn nào ở tuổi xấp xỉ "thất thập cổ lai hy" mà tôi từng biết, lại hẹn cuộc chuyện trò ở một quán cà phê có wifi. Ông đến trước giờ, mang theo máy tính xách tay, vào mạng lướt web và làm việc. Tôi từng nghe nhiều về ông, biết về ông qua các cuộc họp báo những bộ phim mới, nhưng trong hình dung của tôi, ông không quá hiện đại theo cách mà tôi vẫn thường thấy ở những người thuộc thế hệ đã đi qua chiến tranh...

Hà Phạm Phú không quá cởi mở với người lần đầu mới gặp nhưng lại chuyện trò rất chân thành với nụ cười luôn nở trên môi khi có những câu chuyện đắc ý. Và dĩ nhiên, những ai thực sự thân thiết với ông cũng sẽ hiểu rằng, đằng sau vẻ an nhàn, hào hoa của ông cựu giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn, đằng sau vô lăng của một tay lái khá "lụa" trên những nẻo đường, đằng sau những cuộc vui phóng khoáng của một người biết cách kiếm tiền và tiêu tiền, là những khoảnh khắc buồn của một số phận ít khi chia sẻ...

Có lẽ, hiếm nhà văn nào ở tuổi xấp xỉ "thất thập cổ lai hy" mà tôi từng biết, lại hẹn cuộc chuyện trò ở một quán cà phê có wifi. Ông đến trước giờ, mang theo máy tính xách tay, vào mạng lướt web và làm việc. Tôi từng nghe nhiều về ông, biết về ông qua các cuộc họp báo những bộ phim mới, nhưng trong hình dung của tôi, ông không quá hiện đại theo cách mà tôi vẫn thường thấy ở những người thuộc thế hệ đã đi qua chiến tranh. Thậm chí, ngay cả khi hỏi địa chỉ email của tôi, ông chỉ cần biết dùng "mạng" nào là đã gửi đúng rắp, không cần chép hay hỏi han quá kỹ càng. Trong cả cuộc trò chuyện dài cùng ông trong một buổi chiều mùa đông lạnh, người đàn ông mà chắc chắn nhiều người chưa gặp đều chỉ nghĩ rằng, ông "được" ở một mặt nào đó, có thành tích đối với văn chương Việt Nam ở một thời kỳ nào đó, làm điện ảnh cũng có dấu ấn riêng nào đó, nhưng không quá xuất sắc hay quá nổi bật, cũng ít tuyên ngôn, làm dáng… đã đưa tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Nhà văn Hà Phạm Phú sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo thuộc vùng miền núi tỉnh Phú Thọ. Ông tự nhận mình là người học hành rất…lỗ mỗ. Tuổi thơ ông, vào thời chiến tranh chống Pháp, trường lớp sơ tán trong rừng cọ, không thư viện, không sách báo, phim ảnh, thật khó có nhiều điều kiện tiếp xúc với văn học… Chỉ đến năm cuối cấp I, nhà trường rời khỏi rừng sâu, ông mới có điều kiện đọc và bị các nhân vật trong trang sách quyến rũ một cách lạ thường. Ông còn nhớ, ngày đó làng ông có một người mê sách, đó là ông Hoàng Gia. Ông Gia bán một vườn quít lấy tiền mua bộ tiểu thuyết "Thủy hử". Ông quý sách đến mức không cho ai mượn. Vậy mà ông Gia tin cậu học trò Phú, cho cậu mượn đem về nhà đọc, hết tập này trả, lại cho mượn tập khác.

Những nhân vật Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm… khiến cậu học trò Phú quên ăn, quên ngủ. Nhưng rồi, bước đường theo đuổi chữ nghĩa văn chương đã bị rẽ ngang, khi đang học lớp 9, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trước khi chuyên tâm vào nghề văn, nghề báo, Hà Phạm Phú đã từng được học và làm đủ nghề, từ học lái máy bay, học tiếng Nga, tiếng Trung, học kỹ thuật thiết kế pháo, sau đó ông trở về giảng dạy tại trường Đại học Kỹ thuật quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật quân sự). 9 năm sau, ông mới rời khỏi mái trường này để được "bén rễ xanh cây" trong nghiệp văn chương, thứ mà ông vẫn từng mơ ngay trong những năm tháng miệt mài bên những cỗ máy đầy mùi dầu mỡ.

Nhà văn Hà Phạm Phú trầm ngâm trước cốc cà phê đen không đường. Ông bảo, nghiệp văn chương là thứ đã được ông trời ấn định. Ông đến với văn chương bằng những câu thơ khi đang là anh lính binh nhì ở Sư đoàn 308. Ông cũng không cho rằng, nó là thơ ca mà chỉ là cách để ông giải tỏa những tâm trạng, tình cảm, thậm chí là những ghi chép có cảm xúc của một anh lính có quá nhiều sự suy tư và chút ít vốn liếng ngôn ngữ. Bài thơ đầu tiên "Bản tình ca rừng xanh" được đăng ở báo Thủ đô Hà Nội, với cái bút danh là tên mà mẹ nuôi ông đặt cho là Hà Văn Phú. Ông cũng là người biết thơ mình được in sau cùng, khi các đồng đội chuyền cho nhau đọc. Nỗi vui sướng như một sức hút đối với tâm hồn của anh lính kỹ thuật... Đến năm 1978, ông được chuyển về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Đó cũng là thời gian giúp ông có nhiều chuyến đi bổ ích ở nhiều vùng đất nước.

Sự ra đời của truyện ngắn "Phía trước", truyện ngắn được giải nhì tạp chí Văn nghệ quân đội là kết quả của một chuyến đi diễn tập dài ngày với bộ đội pháo binh. Nhà văn đã nhiều lần đi Tây Bắc, nhưng có lẽ chuyến đi Tây Bắc Tết năm 1981 là thật có ý nghĩa. Ông nhớ, đó là sau chuyến đi Liên Xô viết bài về chuyến bay quốc tế lên vũ trụ của các nhà du hành Phạm Tuân - Gorbatcô, tòa soạn cử ông đi Tây Bắc ăn Tết với bộ đội. Ban đầu, ông có đôi chút ấm ức vì là con trai cả, được vài ngày Tết về với người thân, thì ông lại phải lên đường. Nhưng chính chuyến đi ấy đã cung cấp cho ông vốn sống để viết nên một cuốn tiểu thuyết hơi hướng đường rừng, tiểu thuyết "Lữ Quán". Liên tiếp sau đó, nhà văn Hà Phạm Phú đã viết nhiều truyện ngắn và một số trong đó đã đoạt giải thưởng ở các cuộc thi như: "Những sợi chỉ vàng", "Chuyện chép trên đài quan sát", "Ông Khóa Mạn", "Biển cả", "Con cáo cuối cùng"…

Hà Phạm Phú bảo, vì ông cầm tinh con dê nên thích dịch chuyển. Đời ông chuyển nghề ít nhất cũng đến ba lần. Năm 1989 chuyển ngành từ Báo Quân đội nhân dân sang Bộ Văn hóa. Năm 1990, chuyển từ Bộ Văn hóa sang Hội Nhà văn Việt Nam làm Chánh Văn phòng. Năm 1995, chuyển qua làm Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn. Con đường văn chương, đối với ông thực sự là duyên nợ.

Những năm mải mê với nghệ thuật thứ 7 với vai trò là Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn, ông viết ít hơn. Nhưng cũng chính ở vị trí này, ông đã cùng các đồng nghiệp sản xuất được nhiều bộ phim hay cho những tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn học như 10 tập Video phim truyền hình "Ông cố vấn", "Mùa phượng tím", "Mật mã 1789", "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công, "Hà Nội, Hà Nội", "Cạm bẫy tình", "Vượt qua bến Thượng Hải"… Trong đó, có những phim đã được giải thưởng cao như giải Bông Sen Vàng, Cánh diều Vàng dành cho phim "Hà Nội, Hà Nội", "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công"… Nhà văn Hà Phạm Phú cũng đã vào vai trưởng trại giam của Ngô Đình Cẩn ở Huế trong phim "Ông cố vấn".

Nói về sự gắn bó với điện ảnh, nhà văn Hà Phạm Phú cho rằng, nếu như trong văn chương, ông được thả sức trau chuốt bằng ngôn ngữ nhưng vẫn có một dấu ấn riêng của mình, thì ở điện ảnh, ông lại được tiếp xúc với một chân trời lung linh của những số phận, những tính cách bên ngoài mình, đôi khi những điều đó khiến ông cảm thấy thú vị và càng gắng theo đuổi, như là cách lấp đầy những khoảng trống trong mình.

Nhà văn Hà Phạm Phú là một trong những nhà văn có một đời sống riêng tư tưởng là ấm êm bằng phẳng nhưng lắm lúc cũng ngậm ngùi, xót xa. Có người bạn còn đùa rằng, ông nằm trong tổ "nhà văn xa vợ". Vợ ông là một người phụ nữ xông xáo và quyết liệt. Cuộc sống đời thường những năm tháng sau bao cấp khó khăn đổ ụp xuống các gia đình, không ngoại trừ gia đình ông. Ba con trai cũng đang tuổi ăn tuổi lớn mà mấy đồng lương công chức không đủ để trang trải qua ngày, vợ ông đã quyết định đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc. Tưởng đi dăm ba năm sẽ về, nào ngờ, thoáng chốc đã 20 năm có lẻ. Nhiều bạn bè từng khuyên ông nên có cách giải quyết tốt hơn cho chính mình và cũng cho cả gia đình, nhưng ông chỉ lặng im rồi cười. Trong thâm tâm ông, tình yêu đối với người vợ, một cô gái cùng quê tình cờ gặp trên một chuyến tàu đã làm cho ông "say nắng" đến tận bây giờ. Dù biết rằng, sự xa cách có thể làm cho lòng người phai nhạt đi đôi chút nhưng trong lòng ông, tình nghĩa vợ chồng xa cách đã phần nào là thực tế để ông có những cảm giác thiếu hụt của cuộc sống làm chất liệu cho văn chương.

Có người bạn đã nhận xét rằng, thực ra trong lĩnh vực tình ái, Hà Phạm Phú là con người quá ư cổ điển. Ông luôn muốn đóng một vai duy nhất: "Anh mãi mãi là hoàng tử của lòng em". Ông tư tình trong thơ, trong trí tưởng thường xuyên, nhưng khi có người yêu ông thật sự, thì ông lại loay hoay cả tháng trời giậm chân tại chỗ. Có thể đi dạo cùng nhau, nhưng đến một cái nắm tay cũng... không dám. Để rồi tối về lại loay hoay ...làm thơ. Lại thở dài. Lại hồi tưởng với những giả định "nếu như"… Khi tôi hỏi về câu chuyện tình yêu của ông, ông lặng lẽ nhấp ngụm cà phê đen đặc quánh, nhìn ra xa trầm ngâm: "Đôi khi, đã trót mang trên mình cái danh nhà văn, có nghĩa là người ta phải mang trong mình một nỗi niềm trắc ẩn nào đó không thể thoát nổi, đó là cái nghiệp mà bất cứ những số phận nào trót đeo đuổi văn chương đích thực, dường như rồi cũng gặp phải".

Những lúc buồn, nhà văn Hà Phạm Phú rong ruổi lái xe đi chơi đến tận những miền quê xa xôi của đất nước, hay có khi, gần hơn, ông lái xe một mình về Phú Thọ để cảm giác tuổi nhỏ ấm áp gợi về trong ông những kỷ niệm ấu thơ. Ông có thú chơi xe và thay xe, kể cả thời đi xe máy, dù còn thiếu thốn nhưng đã đi xe thì xe cũng phải đẹp, quần áo cũng phải đẹp và thơm tho, đầu tóc cũng phải chải chuốt mượt mà. Có người bảo ông hơi "chảnh", hơi "điệu", nhưng chẳng sao cả, ông cho rằng, cảm giác của mình là quan trọng nhất. Một đời văn, tự làm khổ mình với trang viết đã là một kỳ tích rồi, vì thế, với cuộc đời thường, hãy sống thoải mái với những gì mình đang có…

Trần Hoàng Thiên Kim

.
.
.