Nhà văn Đoàn Ngọc Hà : Viết văn dưới bóng tre làng

Thứ Tư, 19/10/2016, 08:09
Năm 1987, tôi từ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chuyển ngành về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh. Cuộc họp đầu tiên tôi được dự, có một anh hơn tôi khoảng 7 – 8 tuổi, người nhỏ nhắn, da trắng, vẻ thư sinh đến bắt tay rồi tặng tôi cuốn sách “Khảo sát văn hóa Liễu Đôi” của hai tác giả Nguyễn Tế Nhị và Bùi Văn Cường. Anh nói anh chính là Nguyễn Tế Nhị, một trong hai tác giả của cuốn sách. 


Đọc cuốn sách ấy, tôi bắt đầu có thiện cảm với các tác giả bởi những tư liệu quý, những kiến giải rất thuyết phục về một vùng quê có chiều dài lịch sử văn hóa. Gần một năm sau, tôi được bổ nhiệm làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ tỉnh,hằng ngày bắt đầu nhận bài vở của các hội viên và cộng tác viên gửi đến, trong số những bản thảo truyện ngắn nhận được, tôi rất chú ý đến truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Tế Nhị mà tác giả lấy bút danh Đoàn Ngọc Hà, tên của ba đứa con anh.

Ngày ấy, nhà văn Chu Văn làm Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ. Khi tôi biên tập xong bản thảo truyện ngắn ấy đưa lên cho nhà văn duyệt, ông đọc, tỏ ra thích thú, rút bút ký liền. Cuối năm ấy, tổng kết cuộc thi truyện ngắn và bút ký do Tạp chí Văn nghệ tổ chức, Đoàn Ngọc Hà được trao giải nhất cho truyện ngắn ấy (vì lý do tế nhị, Đoàn Ngọc Hà đề nghị tôi khi viết bài báo này không nên nói tên truyện ngắn ấy). Tự tin và phấn khích, Đoàn Ngọc Hà gửi ngay cái truyện đó lên báo Văn nghệ. Mấy tuần sau, Báo Văn nghệ lại cho đăng.

Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Báo Văn nghệ đăng truyện ngắn đầu tay của Đoàn Ngọc Hà phát hành được ít ngày thì cả chúng tôi và Ban Biên tập tòa soạn Báo Văn nghệ đều gặp chuyện rầy rà. Đoàn Ngọc Hà vốn là giáo viên dạy văn nhiều năm.

Nhà văn Đoàn Ngọc Hà.

Vào cái thời điểm sáng tác truyện ngắn đầu tay ấy, Đoàn Ngọc Hà đã được rút về Văn phòng UBND huyện giữ chân cán bộ văn xã. Thì ra cái nhân vật trong truyện ngắn đầu tay của Đoàn Ngọc Hà có những chi tiết hao hao như anh cán bộ cấp trên của Đoàn Ngọc Hà. Nhà văn Chu Văn gọi tôi lên gặp và giao nhiệm vụ:

- Tình hình này chúng ta phải xắn tay cứu Đoàn Ngọc Hà thôi - Nhà văn Chu Văn nói - Thường trực Hội đã thống nhất cử Nam về huyện Thanh Liêm xem thế nào, cố gắng can thiệp đừng để họ cho Hà về hưu non!

Tôi ngồi trên chiếc xe máy “Cá vàng” cổ lỗ phóng về huyện Thanh Liêm. Hóa ra chuyện Đoàn Ngọc Hà chuẩn bị được “về nghỉ hưu sớm” là thật chứ không đùa. Tôi xin gặp Bí thư Huyện ủy làm việc. Tôi nói rằng, nếu Đoàn Ngọc Hà về nghỉ hưu sớm vì một lý do nào khác thì đó là quyền của huyện, nhưng nếu vì cái truyện ngắn của anh thì có gì đó chưa ổn. Bởi trong truyện ngắn ấy, Đoàn Ngọc Hà không nêu một tên người, tên địa danh ở huyện này.

Cổ nhân dạy “Văn chương tự cổ vô bằng cớ”. Nếu ai đó mà thấy trong truyện có những chi tiết giống mình thì hãy lấy đó làm bài học sửa mình, chứ sao lại tìm cách trả thù tác giả!? Đoàn Ngọc Hà sinh năm 1945, nghĩa là năm 1989 anh mới 44 tuổi. Về hưu tuổi ấy với một cử nhân tốt nghiệp Đại học Sư phạm là hơi phí. Ông Bí thư Huyện ủy lắng nghe, gật gật đầu có vẻ thụ lý. Cuối cùng ông hứa với tôi rằng, ông sẽ “thu xếp” việc này sao cho ổn thỏa.

Về cơ quan ít lâu, chúng tôi được Đoàn Ngọc Hà báo tin, anh không còn làm ở UBND huyện nữa mà đã trở về trường cũ. Ngôi trường phổ thông năng khiếu mà anh đã từng dạy nhiều năm.

Cứ ngỡ con chim bị bắn trượt sẽ phải sợ cành cong, nhưng không, ngay năm 1989 đó có cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ, Đoàn Ngọc Hà gửi dự thi một loạt truyện ngắn mà “cảm hứng chủ đạo” vẫn theo cái mạch như cái truyện ngắn đầu tay. Nhà Đoàn Ngọc Hà ở giữa ngôi làng cổ kính, đường lát gạch thất, những cái ngõ ngoằn ngoèo chạy qua những cái cổng gạch rêu phong, bên đường có rất nhiều cây cối, tre pheo.

Ngôi làng có tên là Đông Sấu, thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm. Đoàn Ngọc Hà thường kê chiếc bàn nhỏ ở góc sân, ngay dưới khóm tre già mà viết. Bởi ngồi như thế anh có thể quan sát và lắng nghe mọi chuyển động của làng quê trong thời kì cựa mình đổi mới. Nó đã rất khác biệt với làng quê thời Ngô Tất Tố viết “Việc làng”, “Tắt đèn”, Nam Cao viết “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Dì Hảo”...

Nó cũng không còn giống như nông thôn thời làm ăn tập thể như trong tiểu thuyết “Bão biển” của Chu Văn; “Cái sân gạch”, “Vụ lúa chiêm” của Đào Vũ; “Thời xa vắng” của Lê Lựu, trong các truyện ngắn của Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường… Nông thôn thời Đoàn Ngọc Hà cầm bút là nông thôn mà phương cách làm ăn tập thể đã phân rã.

Con người cá nhân đang dần dần có vị thế. Mỗi một cá nhân tự khẳng định khả năng trên thửa ruộng của chính mình. Sự cạnh tranh, ganh đua, kể cả ghen ghét đã xuất hiện. Có khi một con người với cung cách làm ăn năng động, sáng tạo mà giàu có, thời bao cấp thì bị coi là phạm pháp, bị lên án, nhưng sang thời đổi mới lại được cổ súy, ngợi ca.

Đoàn Ngọc Hà có mấy truyện ngắn viết theo lối tư duy như thế, “Bà chúa đồng điền” là một thí dụ. Tổng kết cuộc thi, thật bất ngờ, Báo Văn nghệ trao giải nhất cho Đoàn Ngọc Hà với chùm truyện ngắn: “Truyện cười làng Tam Tiếu”, “Bà chúa đồng điền”, “ Ở thôn Đông Tài”. Đó là năm 1989.

Đọc các truyện ngắn của Đoàn Ngọc Hà, thấy nông thôn đang chuyển động khi âm thầm, khi quyết liệt nhằm thoát ra khỏi tính o bế cát cứ cố hữu. Nông thôn đẹp, hồn nhiên, tươi ròng nhưng nông thôn cũng nhốn nháo, lắm chuyện tức cười, có khi cười ra nước mắt. Nông thôn giống như một người đàn bà giãy giụa, vật vã trong cơn đau đẻ với niềm hy vọng khát khao có một sinh linh khỏe khoắn, tươi mới ra đời.

Ngoài đề tài nông nghiệp – nông thôn, Đoàn Ngọc Hà còn một mảng sáng tác về giáo dục, lĩnh vực mà anh khá am tường. Anh thường viết về những điều tai nghe mắt thấy về những ông thầy. Sự tù hãm, bưng bít của “lâu đài người thầy” không ai dám động đến. Thực chất thì người thầy rất đẹp, nhưng cũng có khi oan khốc biết chừng nào, bởi cái nghề này càng đẹp, càng giỏi bao nhiêu thì càng bị ghen ghét, đố kỵ bấy nhiêu.

Các nhà văn tại lễ trao giải thưởng truyện ngắn của Báo Văn nghệ Việt Nam.

Trong các truyện ngắn của Đoàn Ngọc Hà có khá nhiều tấn bi - hài kịch về người thầy! Một nền giáo dục bị quá nhiều thiên kiến chi phối, kể cả những thiên kiến lạc hậu, ấu trĩ làm mai một nhiều ông thầy giỏi, làm hư hao nhân tài non trẻ trong những lứa học trò. Truyện ngắn “Thầy giáo văn chương” (đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ, 2004) là tác phẩm điển hình của những ông thầy dạy văn giỏi bị chà đạp, cả về nhân phẩm và chuyên môn. Trong tác phẩm này, Đoàn Ngọc Hà còn đề cập đến vấn đề lãnh đạo giáo dục chỉ có người thực tài, thực giỏi (thầy của thầy) mới lãnh đạo được giáo dục đi lên được.

Đề tài giáo dục trong truyện ngắn Đoàn Ngọc Hà thường chỉ viết về môi trường giáo dục ở nông thôn. Bởi vậy, có khi đề tài nông thôn và đề tài giáo dục cứ đan cài vào nhau trong một truyện ngắn.

Tính đến tháng 10 năm 2016, Đoàn Ngọc Hà đã cho xuất bản tới 95 truyện ngắn. Một thành quả rất đáng chiêm ngưỡng!

Ngoài số lượng lớn về  truyện ngắn, Đoàn Ngọc Hà còn viết 3 cuốn tiểu thuyết: “Hoa hậu quê” (năm 1996) , “Đời nghệ sĩ” (năm 2005 ), “Thầy Đàn” (năm 2016). Tiểu thuyết “Hoa hậu quê” tác giả đặt vấn đề đưa trí thức về nông thôn như thế nào mới phát huy được khả năng. Anh tỏ ra nuối tiếc cái vẻ đẹp nông thôn thuần chất ngàn năm luôn bị thanh trừ, truy đuổi đến thảm hại và đau đớn.

Tiểu thuyết “Đời nghệ sĩ” nói về tư cách người nghệ sĩ, thực tài và bất tài, cao thượng và thấp hèn. Ở một tỉnh lẻ quá nhiều kẻ ngộ nhận, nhầm tưởng tài năng của mình, họ bài xích, vây hãm, tấn công một cách hèn hạ người tài. Trong tác phẩm còn đề cập vấn đề tự do sáng tác, mà anh cho rằng đó là  khâu quan trọng nhất của sáng tạo nghệ thuật. Gần đây nhất là tiểu thuyết “Thầy Đàn”.

Đoàn Ngọc Hà cho rằng đây là “tác phẩm cuối đời” của anh, là lời khuyến cáo cuối cùng về nghề dạy học. Cô đúc, khái quát cả một bức tranh xã hội về nghề dạy học đã ảnh hưởng đến toàn xã hội như thế nào? Những bi kịch đau đớn về người thầy và những học trò của thầy. Những vẻ đẹp chói lòa về nhân phẩm và những cái kệch cỡm của một thời. Làm thế nào để đào tạo nhân tài, dung dưỡng nhân tài cho phù hợp với nền giáo dục mới, hòa nhập với văn minh nhân loại?…

Văn của Đoàn Ngọc Hà thường ngắn gọn, khá nhiều câu cụt. Lối nói dí dỏm, hài hước, thấm chất dân gian. Nhiều phúng dụ và cách điệu khiến bạn đọc có cảm giác đôi chỗ hơi thổi phồng, phóng đại. Tôi nhận thấy lối văn như thế giúp Đoàn Ngọc Hà thành công về truyện ngắn hơn là tiểu thuyết.

Năm 2005, Đoàn Ngọc Hà nhận quyết định nghỉ hưu. Anh hãy còn trong Ban chấp hành Hội VHNT Hà Nam nên vẫn tiếp tục được giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Sông Châu của Hội. Và đến nay, Đoàn Ngọc Hà vẫn được giữ cương vị ấy, dù anh đã bước sang tuổi 71.

Hà Nội, tháng 10 năm 2016

Lê Hoài Nam
.
.
.