Nhà văn Cao Duy Thảo: Vui buồn một thuở

Thứ Năm, 26/11/2009, 09:00
Trong những ngày ở chiến khu, cứ lâu lâu được một bữa ăn tươi, dù là ăn thịt chuột hay thịt rắn là Cao Duy Thảo lại vừa ăn vừa rên hừ hừ như một người bị sốt rét. Chuyện trở thành vui, nên về sau, cứ mỗi lần có chất tươi, ngồi bên Cao Duy Thảo, chúng tôi lại đồng loạt rên hừ hừ rồi cưới tóe lên. Cao Duy Thảo cũng cười theo, vừa cười vừa gõ bát như người ta gõ kẻng báo giờ ăn từ thuở còn là sinh viên miền Nam vậy...

Tôi và Cao Duy Thảo là bạn bè thân nhau từ hồi còn học ở Trường học sinh miền Nam số 24 (Hà Đông). Thảo học trên tôi một lớp nhưng chúng tôi vẫn mày tao với nhau. Cùng với Ngô Thế Oanh, chúng tôi lập ra nhóm Huy Xuân, lấy chữ đầu của Xuân Diệu, Huy Cận vì chúng tôi rất thích thơ của hai nhà thơ ấy. Thảo viết văn xuôi và thường thích làm việc in ấn. Anh thường cùng tôi lên chợ Trúc Sơn mua bánh đúc, về nhà, anh nắn nót viết bài của chúng tôi rồi in lên bánh đúc như người ta in li tô rồi từ đó in ra nhiều bản phân phát cho bạn bè. Dạo ấy, chúng tôi thường làm những bài thơ nhớ miền Nam và chuyền tay nhau đọc những tập sách hay. Chỉ với những từ "diễm lệ", "tâm hồn" mà chúng tôi tranh cãi với nhau cả ngày.

Khi học xong lớp 9, Thảo chuyển sang học điện ảnh. Trên đời này, phải nói thực, tôi chưa thấy ai dốt toán như Cao Duy Thảo... rồi đến tôi. Từ đó thỉnh thoảng gặp nhau nhưng không thấy Thảo khoe viết gì. Có lần, thấy Thảo say mê với các cô diễn viên trẻ đẹp, chúng tôi nhắc:

- Sao lâu nay không thấy viết truyện?

Thảo nói khủng khỉnh:

- Thơ văn gì, chả cần.

Đùng một cái, Thảo đi chiến trường. Cuối năm 1968, tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc truyện ngắn "Cô gái vùng ven" của Cao Duy Thao. Thì ra về Nam, Thảo bỏ bớt dấu hỏi ở tên mình, nhưng không ai không biết truyện ấy là của Thảo. Đó là một truyện cảm động, viết về một cô gái giao liên đưa đường cho anh em vượt ra ngoài thị xã Hội An trong đêm bi hùng của xuân Mậu Thân năm 1968.

Cuối năm 1969, tôi cũng vào chiến trường khu 5. Tôi cầm cho Thảo tập thơ "Con sẻ đồng" do Văn Thảo Nguyên gửi tặng. Đến trạm Khu, tôi vào Ban Tuyên huấn, thì nghe tin Thảo từ Hội Văn nghệ ra đón tôi ở Nước Bui. Tôi được phân công làm báo. Một hôm cùng Đinh Thành Lê đi cõng gạo thì gặp Thảo và một người mặc bộ quần áo rách từa lưa, mũi đỏ ửng. Thảo chỉ người ấy nói với tôi:

- Quốc đấy.

Chúng tôi ôm nhau. Tôi có một ít đường, tặng mỗi người một muỗng rồi chia tay. Thương nhau chẳng biết nói làm sao...

Một tháng sau, Bùi Minh Quốc đến Ban Tuyên huấn tìm gặp tôi, nói:

- Thảo với Tiến xin anh Linh cho cậu về văn nghệ để anh em giúp nhau sáng tác. Cậu ở đây, hai ngày nữa họp xong, tớ đưa cậu về luôn.

Thế là từ đó, chúng tôi được ở bên nhau. Rồi Thảo được đi công tác Bình Định lần đầu tiên. Thảo vui lắm, nói với tôi:

- Tớ sản xuất miết, giờ mới được đi về quê lần đầu, cậu ráng sản xuất rồi sẽ đi.

Cuối năm ấy, Thảo trở về với một chùm truyện ngắn, trong đó có truyện "Bạn đường". Truyện kể về cuộc hợp đồng chiến đấu của một anh lính người Kinh và một du kích người dân tộc. Truyện có nhiều chi tiết sinh động về người dân tộc, về bọn Mỹ, theo tôi có thể dựng phim rất hay.

Thảo còn kể chuyện vui, do hoàn cảnh chiến tranh, cán bộ chiến sĩ chưa được đọc nhiều, ở một huyện nọ, cán bộ văn hóa lấy nguyên một bài thơ nước ngoài nói là của mình, được lãnh đạo ưa thích, ghiền anh ta tới mức, ở huyện đó có vấn đề gì về văn hóa văn nghệ cũng hỏi ý kiến anh ta...

Rồi Thảo đi Quảng Nam. Rồi lại đi Bình Định và một loạt truyện, ký ra đời.

Thảo viết chậm, nhích từng chữ một rồi từng câu một, xong câu nào coi như là yên câu đó, không cần chỉnh sửa gì nữa. Nhưng cũng vì cách viết đó nên truyện Thảo chắc vững mà ít có những đột khởi. Có lần tôi nói với Thảo:

- Sao cậu không ngoáy tít thò lò như tớ rồi sửa sau.

Thảo chỉ cười. Nhưng nhờ cái viết chậm và chắc từng câu, Thảo có tư chất của một người biên tập vững vàng cho tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ. Phải công bằng mà nói rằng, Thảo đã sửa chữa cho nhiều bản thảo của bạn bè và cộng tác viên gửi tới tạp chí trở nên hay hơn như "Người vùng sâu" của Bùi Thị Chiến, "Ở Ro" của Nay Nô. Riêng tôi, trong bước đường tập viết văn xuôi, tôi cũng chịu ơn Thảo rất nhiều. Có lần, Thảo sửa cho một câu kết trong truyện "Những người con Gò Nổi" của tôi. Tôi viết: "Lúc ấy, trăng đã lên trên đầu cầu Kỳ Lam", Thảo đã thêm hai chữ "Hình như lúc ấy, trăng đã lên trên đầu cầu Kỳ Lam", làm cho câu văn trở nên lung linh huyền ảo hơn...

Bây giờ tôi vẫn còn nhớ dáng gầy gầy khòm khòm của Thảo cặm cụi trên các trang bản thảo. Sửa được câu nào, chữ nào hay anh lại rên hừ hừ.

Có lần Thảo nói vui:

- Cậu viết nhiều chữ quá, cần cô câu văn hơn. Cậu là nhà thơ mà sao không cô câu văn. Nên học tập tớ đi.

Thảo cũng viết nhiều thơ. Thơ Thảo cũng như văn, cô đúc và có những câu hay:

Đời chúng ta và đời trang sách

Sức sống nào cũng bền lâu

Sau này, Thảo có in tập thơ "Cảm ơn mùa xuân" nhờ tôi viết tựa. Tôi viết rất hào hứng: "Đây là một tập thơ hay mà nhiều nhà thơ thèm muốn...". Đọc tới đây, Thảo cười nói:

- Tớ nghiệp dư thôi đấy nhé.

Nhưng đấy là chuyện về sau. Còn nhớ năm 1975, những truyện ngắn của Thảo được Nhà xuất Bản Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ tập hợp in thành tập "Im lặng của đá". Đây là một tập truyện khá, đều. Nhưng do việc phổ biến khi ấy còn hạn chế nên chưa được nhiều người biết đến.

Lần đầu tiên có sách, Thảo rủ chúng tôi ra một cái quán phở Bắc ở đường Hải Phòng (Đà Nẵng). Thảo cầm theo độ mười tập truyện, gặp ai trong quán cũng tặng. Tôi nhớ khi Thảo đưa tập truyện cho một cô gái ngồi bàn bên cạnh, cô ngạc nhiên hỏi:

- Anh tặng em?

- Vâng, tặng cô.

Cô gái cười:

- Tưởng các anh vận động mua sách, em xin gửi lại vì em chỉ đủ tiền để ăn bát phở thôi.

Chúng tôi cười vang.

*

Vào một ngày hè năm 1984, Thảo từ Nha Trang phóng ra Đà Nẵng gặp tôi và Bùi Minh Quốc. Thảo mang theo 2 cân thịt bò mua dọc đường và mới đặt chân vào nhà Bùi Minh Quốc đã đòi Quốc đi mua rượu. Trong bữa rượu, Thảo vừa rung đùi vừa rên hừ hừ như hồi ở chiến khu. Gần cuối buổi, Thảo khoe:

- Mới viết được cái truyện ngắn và cái ký đem ra, mấy ông xem thử có dự thi được tạp chí Văn nghệ Quân đội không? (Lúc ấy Văn nghệ Quân đội có tổ chức cuộc thi truyện ngắn và thơ).

Đó là truyện ngắn "Thời gian" và bút ký "Đường lên Krông-trai". Truyện "Thời gian" như một bài thơ có cái tứ rất đẹp: Một người mẹ có người con đi hoạt động cách mạng. Trong một trận bị phục kích, anh mất tích. Có tin đồn anh đã chiêu hồi, nhưng bà mẹ không tin. Bà lặn lội đi tìm con. Một ngày nọ bà cùng đồng đội của con tìm thấy chiếc đồng hồ Seiko mà bà tặng cho con bên một bộ hài cốt. Những chiếc kim đồng hồ mảnh mai tưởng chết lịm qua năm tháng bỗng vụt chạy như một cơ thể sống...

- Truyện này tớ bắt chước cậu, viết một lèo rồi sửa chữa đó - Thảo nói với tôi - Cậu thấy thi được không?

- Tốt quá đi chớ.

- Sẽ đưa truyện và cái ký này vào tập "Ngọn đèn", thử xem thằng Trần Vũ Mai còn chê nữa không.

Thì ra, năm ngoái Thảo có đưa một tập truyện ngắn cho nhà xuất bản Tác phẩm mới. Trần Vũ Mai được phân công biên tập. Ai cũng biết Mai và Thảo rất thân nhau mà. Nhưng Trần Vũ Mai lại không đồng ý in tập truyện vì cho rằng tập chắc nhưng chưa có truyện nào nổi bật. Thảo giận Mai. Khi gửi lại tập truyện, trong đó có truyện "Thời gian" và ký "Đường lên Krông-trai", Thảo có viết thư yêu cầu nhà văn Vũ Tú Nam, Giám đốc Nhà Xuất bản không để Mai biên tập sách mình. Nhưng vốn là người từng trải trong cuộc đời, nhà văn lớn tuổi lại giao cho Trần Vũ Mai biên tập cuốn sách. Chỉ mấy ngày sau Mai báo cáo với thủ trưởng:

- Tập sách in được, trong đó có một cái truyện và một cái ký rất hay.

Tập "Ngọn đèn" được xuất bản năm 1985. Theo tôi đây là một tập truyện ngắn khá và đều.

Sau tập này, Thảo viết ít hơn. Có lần tôi hỏi Thảo:

- Sao dạo này cậu viết ít thế?

- Viết hoài chứ. Nhưng không có truyện nào như "Thời gian" nên không đưa in.

Cẩn trọng, chắc chắn, đòi hỏi nhiều ở mình, cân nhắc tới từng câu từng chữ, đó là tính cách của nhà văn Cao Duy Thảo. Đó là ưu điểm, cũng là nhược điểm của Thảo. Trên đời, ai không có ưu và nhược điểm chứ

Thanh Quế
.
.
.