Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Âm nhạc hóa giải nỗi cô đơn

Thứ Năm, 07/09/2017, 14:43
Nổi tiếng về thơ, nhưng trong âm nhạc, lĩnh vực mà anh tự nhận chỉ ghé chơi thôi anh cũng biệt tài. Nhớ đến "Làng quan họ quê tôi" và "Khúc hát sông quê" là nhớ đến Nguyễn Trọng Tạo. Với một thi sĩ, hay là nhạc sĩ, cả đời viết chỉ cần có một tác phẩm để đời là đủ lưu danh. Nguyễn Trọng Tạo có nhiều hơn thế. Cứ hình dung về độ phổ cập lan tỏa sâu rộng khắp mọi miền quê của Tổ quốc về hai ca khúc ấy là rõ anh nổi tiếng tới mức nào.


1.Khó để khái quát cho đủ, cho trọn, cho đúng một chân dung Nguyễn Trọng Tạo trong chỉ một trang báo. Từ khi có mặt trên đời này, "tiên sinh" kể ra cũng đã kinh qua đủ mọi cung bậc buồn vui của đời sống. Tài hoa thì đã quá rõ, mà ham chơi thì là lẽ đương nhiên rồi. Anh từng chia sẻ "làm báo để sống, làm thơ để chết, làm nhạc, vẽ bìa sách, uống rượu là... để vui!".

Anh viết báo, làm báo cũng sóng gió, viết những bài thơ đủ để thiên hạ nhớ. Những "Vô đề" cho một thời tuổi trẻ nông nổi và khát khao. "Chia" đầy chiêm nghiệm cho những ai đã sống quá nửa đời phiêu dạt. Một "Nỗi nhớ không tên", "Tản mạn thời tôi sống", "Đồng dao cho người lớn"...

Nổi tiếng về thơ, nhưng trong âm nhạc, lĩnh vực mà anh tự nhận chỉ ghé chơi thôi anh cũng biệt tài. Nhớ đến "Làng quan họ quê tôi" và "Khúc hát sông quê" là nhớ đến Nguyễn Trọng Tạo. Với một thi sĩ, hay là nhạc sĩ, cả đời viết chỉ cần có một tác phẩm để đời là đủ lưu danh. Nguyễn Trọng Tạo có nhiều hơn thế. Cứ hình dung về độ phổ cập lan tỏa sâu rộng khắp mọi miền quê của Tổ quốc về hai ca khúc ấy là rõ anh nổi tiếng tới mức nào.

Cầm, kỳ, thi, họa đủ cả, nhưng nổi trội nhất vẫn là hai lĩnh vực thơ và nhạc. Một lĩnh vực tận hiến để "chết", và một lĩnh vực ghé chân để rong chơi. Chơi hay chết thì cũng ra trò, cũng thăng hoa đến tột đỉnh.

Đôi lúc tôi lại có cảm giác về Nguyễn Trọng Tạo chơi nhiều hơn làm, nhưng mở Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở) về anh mới thấy khối lượng tác phẩm và Giải thưởng của anh thật đáng để kính nể… Thì ra, cái ranh giới giữa rong chơi và lao động ở Nguyễn Trọng Tạo chỉ là một nét mờ nhòe. Và trong mỗi cuộc chơi ra tấm ra món ấy, Nguyễn Trọng Tạo đã để lại cho đời những tác phẩm nghệ thuật giá trị. Tôi không hình dung được Nguyễn Trọng Tạo viết vào lúc nào, lao động trí tuệ vào lúc nào.

Vẫn biết hàng trăm bài hát, cả ngàn bài thơ, hơn 20 tác phẩm sách gồm thơ, trường ca, văn xuôi, phê bình văn học, rồi viết báo, cầm cọ, mà gặp anh lúc nào cũng thấy anh đang thong dong bên đời, chất ngất với "túi thơ bầu rượu".

Hình dung về Nguyễn Trọng Tạo là hình dung về một "tiên sinh" khỏe chơi, và chơi hay... Không phải ngẫu nhiên mà bạn bè anh nhận xét "trong con người Nguyễn Trọng Tạo hội đủ chất của kẻ sĩ Bắc Hà, ông đồ xứ Nghệ và anh Hai Sài Gòn". Nhớ Tết Bính Thân, tôi nhờ anh viết một bài về thú chơi rượu ngày Tết.

Đến hẹn, tôi nhận được từ anh hơn 5.000 chữ, trong đó kể những cuộc rượu với bạn hữu trong những cái Tết xưa in đậm tâm trí không thể nào quên. Đó là những bữa rượu có khi từ sáng đến tối ngày cuối năm với nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, với thi sĩ Trần Dần, Phùng Quán, hay Ngô Minh, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Những bữa rượu chủ yếu nói những câu chuyện tâm giao thế sự với nỗi cô đơn muôn thuở của người nghệ sĩ. Và gần hơn nữa là những bữa rượu say với thi sĩ Hoàng Cầm, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, dịch giả Đoàn Tử Huyến…

Đọc bài Tết của anh viết cho Văn nghệ Công an năm ấy, độc giả được sống lại không khí văn nghệ sĩ xưa một thời thật xúc động và quý giá. Tôi đã lấy một câu thơ của thi sĩ Hoàng Trung Thông "Bạn uống rượu lòng ta không thể chán" để làm tựa đề cho bài viết. Qua đó, tôi càng tỏ tường thêm cách chơi, đẳng cấp chơi,  văn hóa chơi, và thú uống rượu chơi đầy tinh tế mà có lúc cũng không kém phần bụi phủi của Nguyễn Trọng Tạo.

Cái cách anh hết mình với bạn bè, lãng du và hào hoa trong đời sống đã khiến cho giới nghệ sĩ yêu thương anh, trân trọng anh. Nhưng cũng không phải đã từng chơi với danh sĩ lừng danh trong thiên hạ mà Nguyễn Trọng Tạo trở nên kênh kiệu. Anh có nhiều bạn bè trẻ tuổi, dành cho họ sự nồng nhiệt yêu thương hiếm có, như cái cách mà các bậc tiền bối dành cho anh... Và trong chiếu chơi của Nguyễn Trọng Tạo, bao giờ cũng có chỗ cho những tài năng vừa chớm nụ. Anh chơi với họ, giúp đỡ họ, động viên họ trên bước đường sáng tác văn chương, và luôn sẵn sàng làm bà đỡ mát tay viết giới thiệu tác phẩm mới, lăng-xê họ.

Xả thân và sống thật với chính mình trên nhiều phương diện, để sau mỗi cuộc chơi Nguyễn Trọng Tạo dành dụm chắt chiu thêm một vốn sống đáng trân quý. Nó tựa như lớp phù sa lắng lại để bồi đắp tâm hồn. Để những khi vắng lặng, một mình đối diện với chính mình, Nguyễn Trọng Tạo lại thăng hoa làm kiếp tằm rút ruột nhả tơ....

Không kể thơ và nhạc, có một thứ khác nữa ở anh mà tôi thường thích đọc. Đó là những đoạn cảm nghĩ rất ngắn anh viết trên trang cá nhân. Tôi hình dung, đó là lúc Nguyễn Trọng Tạo ngồi im lìm trước bàn viết, khói thuốc phả mù mịt. Xung quanh anh phủ ngập bóng mình. Lẻ loi và cô đơn, đó là lúc Nguyễn Trọng Tạo nhập thế lên đồng để viết trường ca "Biển mặn", "Đồng dao cho người lớn". Đó cũng chính là khoảnh khắc con người kẻ sĩ, thi sĩ trong anh hóa thân thành sáng tạo.

2. Nguyễn Trọng Tạo có lần kết luận về mình: "Thơ là nghiệp, nhạc là hứng, họa là chơi. Hay nói cách khác, thơ là chánh quán, nhạc là trú quán, họa là trọ quán". Nhưng tôi lại thấy, vẽ chân dung về anh, nếu thiếu đi lĩnh vực đào hoa thì chưa đủ là Nguyễn Trọng Tạo. "Vẽ tôi con Lợn cầm tinh/ Con Gà cầm tháng con Tình cầm tay". Cái chữ Tình như con giáp thứ 13 của đời anh. Ai đó đã từng nói anh "nặng nghiệp má đào" có lẽ không sai. Nhắc đến Nguyễn Trọng Tạo e phải kể cho kỳ hết cái duyên nợ ba sinh vấn vít má đào thì mới trọn chân dung "anh hai đa tình". Cũng vì đa tình mà một đời lận đận phong sương. Cũng vì "nghiệp má đào" mà Nguyễn Trọng Tạo như kẻ lữ hành qua hai bến đò duyên rồi vẫn chưa thôi dậy sóng.

Poster quảng cáo đêm nhạc duy nhất của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Có nhiều quan niệm về ái tình. Có người thì cho rằng ái tình trọn vẹn và đẹp đẽ nhất, đó là yêu được một người mình mơ, kết duyên trăm năm được với người mình khao khát, và sống kiếp đầu bạc răng long với người trong mộng. Có người lại xem ái tình phải là mất mát, nếu không mất mát không nếm trọn được vị ngọt ngào lẫn cay đắng thì chưa thể sống trọn vẹn với ái tình. Còn với Nguyễn Trọng Tạo thì sao?

Có lần hỏi anh, anh cười bảo rằng: "Chuyện tình ái không kể được, nhưng em hãy cứ nhớ anh là một gã khờ". Nguyễn Trọng Tạo thuộc tuýp người đã yêu là không thể giấu. Anh mà đã yêu ai ngày hôm trước thì ngày hôm sau đã nghĩ đến đám cưới đầy hoa mộng. Cái người này đã yêu thì phải quên hết đường đi lối về…, phải khăng khít bên nhau mọi lúc mọi nơi, yêu đến nỗi người đối diện cảm rõ được ngọn lửa tình đang rừng rực cháy giữa họ mới là Nguyễn Trọng Tạo. Yêu đấy nhưng rồi lại tan đấy.

Chuyện tình nào cũng đẹp như tình đầu, thiết tha như tình cuối mới là anh… mới là Nguyễn Trọng Tạo: "Em mười chín tuổi nghìn năm trước/ Sao đến bây giờ mới hai mươi/ Môi mềm ngực nõn vòng tay xiết/ Anh là đá tảng cũng tan thôi/ Cứ ngỡ một lần cho đỡ khát/ Nào ngờ bùa ngãi lú trời xanh/ Nghìn sau gặp lại em hăm mốt/ Môi ngực vòng tay vẫn thiên thần" (Thiên thần - Nguyễn Trọng Tạo); "Chia cho em một đời tôi/ một cay đắng/ một niềm vui/ một buồn/ tôi còn cái xác không hồn/ cái chai không rượu tôi còn vỏ chai/ Chia cho em một đời say/ một cây si/với/ một cây bồ đề/ tôi còn đâu nữa đam mê/ trời chang chang nắng tôi về héo khô/ Chia cho em một đời thơ/ một lênh đênh/ một dại khờ/ một tôi/ chỉ còn cỏ mọc bên trời/ một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…" (Chia - Nguyễn Trọng Tạo)

3. Tài hoa đấy, sành điệu đấy, yêu đương dậy sóng đấy... nhưng sao tôi vẫn thấy đâu đó phía sau con người anh sừng sững một nỗi cô đơn. Cô đơn là sinh mệnh của người nghệ sĩ. Cô đơn cũng là gia tài của người nghệ sĩ, nhưng với Nguyễn Trọng Tạo thì cô đơn như là tiền kiếp.

Và tôi hiểu lời anh nói, "làm nhạc để vui" chính là để giải nỗi cô đơn tiền kiếp ấy. Đêm nhạc "Khúc hát sông quê", đêm đầu tiên và cũng là duy nhất ở thì "quá nửa đời phiêu dạt" của anh, có thể để ghi dấu kỷ niệm rong chơi phiêu lãng một thời, cũng có thể là một cuộc hóa giải cô đơn hay danh vọng?…

Ai hiểu Nguyễn Trọng Tạo khác, còn tôi lại thấy anh ham chơi nhưng không ham danh vọng, ham sáng tạo nhưng không ham phô trương nổi tiếng. Mặc kệ danh vọng hão huyền, mặc kệ thị phi yêu ghét, Nguyễn Trọng Tạo cứ ung dung tự tại mà sống, mà sáng tạo, mà thong thả rong chơi bên đời nhẹ nhõm, vậy thôi.

Xin được kết thúc bài viết về anh bằng bài thơ mới đây nhất của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tự họa về mình: "Vẽ tôi mực rượu giấy trời/ nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau/vẽ tôi thơ viết nửa câu/ nửa câu ma quỷ đêm sâu gọi về/ vẽ tôi thấy đẹp là mê/ thấy ghen là sợ thấy quê là nhà/ vẽ tôi lặng nhớ mưa xa/ tiếu lâm đời thực khóc òa chiêm bao/vẽ tôi xê dịch ba đào/ bốn mươi chín ký thấp cao chân mình/ vẽ tôi con Lợn cầm tinh/ con Gà cầm tháng con Tình cầm tay/vẽ tôi mưa nắng béo gầy thu đông xuân hạ tháng ngày nhớ quên...".

Hà Nội vào thu 4/9/2017

Như Bình
.
.
.