Nhà thơ nặng lòng với lục bát
- Nhà thơ Phan Vũ: Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa…
- Nhà thơ Nguyễn Hoa: Những câu thơ chưng cất
- Nhà thơ Phan Vũ: Ra đi, vẫn đau đáu... “em ơi, Hà Nội phố”
Đến dự hội thảo có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; đông đảo các nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây.
Tại hội thảo có 13 ý kiến phát biểu tham luận đã khái quát toàn bộ cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, một cây bút duyên dáng và phúc hậu.
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại hội thảo thơ Nguyễn Thị Mai. |
Quê gốc thuộc huyện Cẩm khê, tỉnh Phú Thọ nhưng Nguyễn Thị Mai sinh ra ở Hà Nội vào năm Ất Mùi (1955). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Thị Mai vừa phải lao động kiếm sống, vừa kiên trì học tập từ phổ thông đến đại học. Chị đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và trở thành nhà giáo ở tuổi 22. Mặc dầu vậy, chị vẫn phải đầu tắt mặt tối với hàng chục nghề làm thêm để kiếm tiền nuôi con, nuôi các em và học thêm đến Thạc sỹ ở tuổi 27. Câu thơ lục bát dưới đây cho ta rõ hơn về chân dung của chị:
Em thì vất vả mưu sinh
Nuôi con bến thực nuôi mình bến mơ.
Thơ Nguyễn Thị Mai xuất hiện trên thi đàn khá sớm. Năm 1976, chị đã có thơ in trên báo Hà Nội mới với bài “Tâm sự cô giáo trẻ”. Năm 1992, chị đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học cho trẻ em do Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng tổ chức với bài “Nhà không có bố”.
Bài thơ “Nói với con chồng” đoạt giải Nhì cuộc thi thơ viết về gia đình do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 1994. Tiếp đến là tập thơ “Mùa hoa gạo cháy” đoạt giải B (năm 1995) và tập thơ “Nón trắng sang đò” đoạt giải A (năm 1997) do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng. Đó cũng là thành quả để Nguyễn Thị Mai trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam vào năm 1998.
Đến nay, Nguyễn Thị Mai đã xuất bản 12 tập thơ với nhiều đề tài phong phú. Thơ chị có nét độc đáo riêng, như bài “Tản mạn với tầm xuân”, Nguyễn Thị Mai nói về đôi trai gái yêu nhau tha thiết mà không đi được cùng nhau đến cuối chặng đường đời. Xót xa mà dịu ngọt, thay vì trách móc, căm ghét, người con gái vẫn nhớ người yêu đến “ngơ ngác”:
Đến bây giờ khi ta đã xa nhau
Mới thú nhận lời hoa là có thật
Giá hỏi lại tầm xuân lần thứ nhất
Cánh cuối cùng hoa vẫn nói yêu anh.
Thể thơ lục bát có lẽ vẫn là sở trường của Nguyễn Thị Mai, giúp chị để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người yêu thơ. Ở thể loại này, phần lớn chị sáng tác để chia sẻ với thân phận con người, đặc biệt là thân phận người phụ nữ. Trong bài thơ “Nghịch lý làm dâu”, ta thấy rõ điều đó:
Xinh ngoan, con gái quê đồng
Sao em bán thóc, “mua” chồng làm dâu.
Hay ở bài “Chợ đêm Long Biên”, chị xót thương cho thân phận người phụ nữ làm cửu vạn ở chợ đêm:
Chợ đêm dù bão dù mưa
Vẫn đông người vợ, vẫn thưa người chồng…
… Đồng công năm bảy sẻ chia
Nẻo cơm quán trọ, nẻo về nuôi con.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai. |
Người mẹ bao giờ cũng là người gần gũi nhất, thiêng liêng nhất. Nguyễn Thị Mai có nhiều bài thơ hay về mẹ. Những câu thơ chị viết về mẹ đẻ trong bài thơ “Qua hàng trầu nhớ mẹ” có lẽ làm xúc động lòng người nhất:
Thơm cay một miếng trầu xưa
Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo
Bây giờ đã bớt gieo neo
Lại không có mẹ mà chiều. Khổ không
Từ ngày đưa mẹ ra đồng
Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn.
Đề tài về tình yêu, ta thực sự xúc động trước tình thương yêu, nhân hậu của người con gái dành cho chàng trai qua những câu thơ tinh tế, tài hoa, giàu liên tưởng được thể hiện trong bài “Bàn tay em”:
Đã từng ngang dọc thời trai
Khơi sông đắp bể, kê vai nghiêng đồng
Giờ về như giọt sương đông
Đậu vào tay ấm ngón hồng búp hoa.
Nguyễn Thị Mai rất khéo léo khi vận dụng các thành ngữ, tục ngữ, ca dao để làm hiện đại và sâu sắc hơn thơ lục bát của mình như trong bài “Nói với con chồng”:
Dì không mang nặng đẻ đau
Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi
Kệ cho bánh đúc mấy đời
Người ăn người lại nói lời nghiệt cay.
Chị còn có những câu thơ lục bát hóm hỉnh làm cho người đọc có những phút giây thư giãn thú vị:
Cà sa choàng gió phi lao
Trở nguyên cõi tục òa vào thế gian
Triều khơi vai trắng ngực trần
Từ bi hỷ xả một lần xem sao ?.
(Tắm biển gặp Sư)
Nhiều người cho rằng, Nguyễn Thị Mai rất có duyên với giải thưởng. Quả thật, chị tham dự cuộc thi thơ nào cũng đoạt giải, mà hầu hết là thơ lục bát. Chị còn được Bộ Tư lệnh Hải quân khen thưởng cho một số tác phẩm viết về biển đảo. Nhưng điều quan trọng hơn, thơ Nguyễn Thị Mai đã có được vị trí trong thi đàn, được nhiều người yêu thơ mến mộ. Có gì hạnh phúc hơn thế đối với một người phụ nữ làm thơ?
Sáu mươi tư tuổi đời, nhà thơ Nguyễn Thị Mai vẫn duyên dáng, mặn mà, gương mặt vẫn “khuôn trăng đầy đặn”. Với chị, con đường công danh, sự nghiệp đã kết thúc trọn vẹn sau 18 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở tỉnh Hòa Bình và quê hương xứ Đoài; gần 20 năm công tác ở Hội Phụ nữ, nhưng con đường thơ của chị vẫn còn dài. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện chị tham gia Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây.