Nhà thơ Nông Quốc Chấn: Khúc dạo đầu ấn tượng

Thứ Hai, 22/08/2011, 08:10
Bài thơ nổi tiếng đầu tiên và cũng là đặc sắc nhất trong đời thơ Nông Quốc Chấn chính là bài "Bộ đội Ông Cụ". Bài thơ được tác giả sáng tác bằng tiếng Tày năm 1948 và tự dịch sang tiếng Kinh năm 1956.

Ngoài giá trị nghệ thuật, "Bộ đội Ông Cụ" còn giúp bạn đọc người Kinh chúng ta phần nào biết được tâm lý, suy nghĩ của đồng bào Tày anh em trước sự xuất hiện của Cụ Hồ và những người lính của "Ông Cụ" trên đường chuẩn bị về xuôi tham gia tổng khởi nghĩa.

Thật thú vị khi ta được chứng kiến cảnh đồng bào chờ đón bộ đội với sự háo hức như đón người… hành tinh lạ:

Làng như sắp đám cưới!
Lần này nhộn nhịp hơn mọi khi.
Tại sao? Ta sẽ đón người gì?
Ai cũng mong để được xem bộ đội.

Không biết bộ đội là "người gì?" và ai cũng mong "được xem bộ đội", điều ấy không chỉ nói lên cuộc sống tù đọng, ít giao tiếp của đồng bào mà còn cho thấy sự nghiêm cẩn của cán bộ ta trong công tác giữ bí mật, an ninh ở đây. Đúng như sau này tác giả bài thơ đã thuật lại: "Chúng tôi không được phép tò mò, hỏi để biết đơn vị đặc biệt nào. Nhưng theo cách giao việc, cách dùng lời lẽ bàn việc của đồng chí Lạc và đồng chí Thạch, chúng tôi đã có thể đoán biết phần nào về tầm quan trọng của đơn vị đặc biệt sắp đi qua vùng xã mình. Những yêu cầu của kế hoạch đón tiếp, trước hết, giữ bí mật, giữ an ninh, sau đó, là tổ chức vui với các cháu, nhưng tránh ăn uống linh đình… Bộ đội Ông Cụ dừng chân ở bản này chỉ khoảng từ 17h chiều hôm trước tới 7h sáng hôm sau. Nhưng trong thời gian một đêm ấy, bộ đội Ông Cụ đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong tình cảm và ý nghĩ của mỗi người dân…".

Đây là cảm giác ban đầu của người dân khi "bộ đội Ông Cụ" xuất hiện: "A lúi! Những người là người/ Đeo súng ngắn, súng dài, súng dóp…/ Hoan hô! Hoan hô!/ Nhìn không chớp mắt".

Chính cách tước bỏ chủ ngữ trong những câu thơ "Hoan hô! Hoan hô!/ Nhìn không chớp mắt" càng thêm thể hiện cái ngạc nhiên cao độ của người dân vốn có lối sống rất… hồn nhiên. Không ngạc nhiên sao được khi họ còn thấy xen vào hàng ngũ bộ đội "Có cả người mũi lõ tóc quăn/ Hai con mắt màu gio như lính Pháp". Theo tác giả giải thích thì đây là mấy người Mỹ - trong danh nghĩa Đồng minh - giúp ta đánh Nhật. Mặc dù chỉ hai năm sau, trong bài thơ "Dọn về làng", Nông Quốc Chấn đã gọi thẳng người Mỹ là người Mỹ, song ở đây, ông vẫn nói người Mỹ "như lính Pháp". Gọi như thế là rất khoa học, bởi ở thời điểm ấy, với đồng bào Tày của ông, tất tật những ai "mũi lõ tóc quăn" đều bị qui vào lính Pháp - kẻ đang cưỡi đầu cưỡi cổ họ - mà thôi. Chính cách dẫn chuyện tinh tế đến từng chi tiết này đã giúp cho bài thơ trở nên đặc biệt sinh động và có độ tin cậy cao.

Nhưng sinh động nhất vẫn là đoạn tả sự xuất hiện của Cụ Già (tức Cụ Hồ):

Cụ Già chân đi đất
Mặc bộ quần áo Nùng.
Tay cầm cái gậy mây rừng,
Miệng ngậm một điếu can không khói.
Bộ râu dài vừa trắng vừa đen
Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên…

Câu thơ cứ dài dần ra, theo đó, hình ảnh của Ông Cụ cũng mỗi lúc một thêm đậm. Và, trong khi người dân còn chưa hết lạ lẫm, đang rỉ tai nhau: "Bộ đội gì toàn những người lạ lạ?/ Có lẽ đây là người Gốc trỏ" (tiếng Tày nghĩa là ông tổ - PK)" thì Ông Cụ đã thể hiện những cử chỉ hết sức thân thiện, gần gũi: "Cụ già cười, vẫy chào người đứng đón"; "Người già đến, Cụ mời ngồi niềm nở/ Trẻ con lại, Cụ bế xoa đầu". Khi giao tiếp với dân thì vậy, khi quản quân, Cụ tỏ ra rất nghiêm khắc, có quân phong quân kỷ, dù đó là đội quân mới thành lập:

Khi ăn cơm chiều
Bộ đội đếm: một, hai… ngồi trật tự.
Cụ đi từng bàn xem bát đũa.
Cho thổi còi rồi Cụ ăn sau.

Từ trái sang: Các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông.

Khi "rời bản lên đường", Cụ "Cho bộ đội xếp hàng/ Đứng trước sân hát chào dân chúng". Quyết không để người dân chịu thiệt, dù chỉ là một chút về mặt kinh tế, trước khi đi: "Cụ cảm ơn, Cụ trả tiền - dù chủ nhà không nhận". Đặc biệt, trong suốt thời gian ngắn ngủi lưu lại bản, ngoài các cử chỉ, hành động gây được sự tin cậy, quý mến của người dân, Ông Cụ không giáo huấn nhiều, mà chỉ nói mấy lời gọn ghẽ, dễ hiểu: "Muốn cách mệnh thành công mau/ Ta phải kết đoàn như bó đũa". Tất cả những điều ấy đã khiến "Cụ đi khỏi rồi/ Ai cũng thương cũng nhớ". "Nhớ" - bởi cách hành xử thân ái, dễ mến của Ông Cụ và bộ đội của Ông Cụ, "thương" vì mọi người thấy Cụ "Tóc bạc vẫn còn đi". Không ai biết Cụ Già tên chi, nhưng ai cũng hiểu đây là "người Pỏ cốc" (tiếng Tày, chỉ người đứng đầu) và tin chắc "Dân ta sắp tới ngày Độc lập". Cho tới khi tin chiến thắng dội về, nhìn bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh treo đó đây, mọi người trong bản vui mừng nhận ra ấy chính là "Cụ Già trước đến bản ta" và lấy làm tự hào, sung sướng vì "lần đầu tiên đã được đón Cụ Hồ".

Bài thơ rất sinh động và truyền cảm. Ở thời điểm bài thơ ra đời, tuy Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã thành lập được 3 năm, song rất hiếm bài thể hiện được chân dung vị lãnh tụ vừa gần gũi, giản dị đời thường vừa có ý nghĩa giáo dục như vậy. Tố Hữu - một nhà thơ viết sớm, viết nhiều và khá thành công về đề tài lãnh tụ - ngay từ năm 1945 đã có bài thơ "Hồ Chí Minh", song hình ảnh nhân vật còn mang tính ước lệ nhiều. Vả chăng, những câu "Tiếng Người thét/ Mau lên gươm lắp súng" nghe ra cũng không hợp với phẩm cách của Ông Cụ, khiến nhà thơ sau này đã phải ngầm "cải chính" lại bằng câu "Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước" trong bài "Sáng tháng năm". Nhưng "Sáng tháng năm" ra đời mãi tận năm 1951 (bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" của Minh Huệ cũng vậy). Cho nên, tính về thời gian thì Nông Quốc Chấn - một nhà thơ dân tộc vùng cao - chính là người đã sớm thể hiện được một cách viết bình dị nhưng hiệu quả về đề tài lãnh tụ, là một hướng đi đáng để các thi sĩ miền xuôi tham khảo.

Sau "Bộ đội Ông Cụ", bài thơ "Dọn về làng" cũng được ghi nhận như một thành công của Nông Quốc Chấn trong việc phản ánh hiện thực cách mạng và kháng chiến. Thoạt tiếp xúc với bài thơ qua bản tiếng Kinh, bạn đọc dễ có cảm giác như đây là một bản diễn ý hơn là một bài thơ đã được gọt giũa kỹ càng về vần điệu. Sự thật thì bài thơ được tác giả sáng tác bằng tiếng Tày và nằm trong bài thơ dài "Toỏn mà bản" (tức "Mùa xuân lại về").

Năm 1951, trên đường đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ II ở Berlin (CHDC Đức), Nông Quốc Chấn được các bạn văn nghệ là Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước và Nguyễn Tuấn gợi ý viết một bài thơ về đề tài kháng chiến. Nông Quốc Chấn đã rút gọn bài "Mùa xuân lại về" thành bài "Dọn về làng". Bài thơ được tác giả trực tiếp dịch sang tiếng Kinh, sau đó, từ tiếng Kinh, nó được nhà thơ Nguyễn Đình Thi dịch sang tiếng Pháp. Và từ bản tiếng Pháp, nhiều bạn bè quốc tế đã dịch bài thơ sang các thứ tiếng: Nga, Anh, Đức… để các đại biểu tham dự đại hội có thể đọc, thẩm định và cho ý kiến đánh giá. Kết quả, bài thơ đã được trao giải nhì. Như vậy, qua nhiều lần chuyển ngữ, cái hay của nhạc tính, của vẻ đẹp ngôn từ chắc chắn bị rơi rụng nhiều. Điều chinh phục bạn đọc quốc tế chỉ còn là ở cái hay của ý thơ, tứ thơ, mà về điểm này, nói cho công bằng thì bài thơ của Nông Quốc Chấn không phải ít nhiều không có. Đây, cảnh Tây thua trận: "Tây bị chết bị bắt sống hàng đàn/ Vệ quốc quân chiếm lại các đồn/ Người đông như kiến, súng dày như củi". Đây, tội ác của thực dân: "Không ván, không người đưa cha đi cất/ Mẹ tháo khăn phủ mặt cho chồng/ Con cởi áo liệm thân cho bố/ Mẹ con đưa cha đi nằm một chỗ/ Máu đầy tay, trên mặt nước tràn…". Và đây, niềm hạnh phúc giản đơn của người dân được giải phóng: "Mặc gà gáy chó sủa không lo/ Ngày hai bữa, rau ta có muối/ Ngày hai buổi, không tìm củ pẩu, củ nâu/ Có bắp xay độn gạo no lâu/ Đường ngõ từ nay không cỏ rậm/ Trong vườn chuối, hổ không dám đến đẻ con/ Quả trên cành không lo tự chín tự rụng…". Chỉ cần cách diễn đạt chân mộc như vậy thì tự ý thơ, tự hình ảnh đã đủ gây xúc động lòng người rồi. Tất nhiên, bấy giờ bạn bè quốc tế đang "chia lửa" với cuộc kháng chiến của nhân dân ta nên sức lay động của bài thơ còn được ít nhiều "cộng hưởng" bởi không khí trên. Tuy nhiên, ở thời đại nào thì ước vọng hòa bình cũng luôn là mối quan tâm chung của toàn nhân loại.

Ngoài những bài thơ phản ánh hiện thực một cách xù xì kể trên, Nông Quốc Chấn còn có những bài giai điệu rất mượt mà, ý thơ sâu lắng, gợi cảm. Bài thơ "Khâu áo" ông sáng tác năm 1948 rồi dịch sang tiếng Kinh và sửa lại năm 1959 có hai câu thơ được nhiều người nhắc tới:

Khi nghe gió thổi qua Phiia Biioóc
Em biết mùa thu đã hết rồi

(Phiia Biioóc nghĩa là núi Hoa, tên một quả núi cao ở Bắc Kạn).

Thật khó mà bình được cho hết, cho thấm cái hay, cái sức gợi của hai câu thơ này. Nhà văn Hoàng Quảng Uyên - nhân chuyện một tờ báo đã in sai câu thơ ra thành "Em biết mùa thu đã đến rồi"- đã có đôi dòng nhận xét: "Mùa thu hết với mùa thu đến khác nhau lắm. Từ "hết" trong câu thơ của Nông Quốc Chấn không thể thay bằng bất cứ từ nào khác. Từ "hết" nói cái khoảng khắc giao mùa: từ mùa Thu trong mát sang mùa Đông lạnh giá với sự nuối tiếc, lo toan. Từ "hết" đặt ở đây rất chính xác và hơn thế rất gợi, rất cảm, lãng đãng…" (bài "Nhầm vậy là giết thơ", Báo Văn nghệ Công an số ra ngày 6/7/2009).

Những bài thơ đặc sắc nhất của Nông Quốc Chấn chủ yếu tập trung ở mảng thơ đầu đời của ông. Sau này, Nông Quốc Chấn "trơn tru" hơn trong vần điệu và "tỉnh" hơn trong cách thể hiện nhận thức. Tuy nhiên, đi kèm với đó, cách nhìn đời của ông cũng bớt đi nhiều sự "ngạc nhiên", vốn dĩ là một lợi thế của các nhà thơ dân tộc ít người. Chưa kể, nhiều chỗ, ông thích đưa những giác ngộ, nhận thức nhất thời của mình vào thơ (trong đó có những điều đến nay đã thành ấu trĩ), khiến câu thơ nặng nề, khô khan. Có lẽ Nông Quốc Chấn đã quên mất đâu mới thực là cái độc giả cần ở một nhà thơ như ông?

 9/8/2011

P.K.
.
.
.