Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc: Mối duyên thơ nhạc

Thứ Năm, 19/01/2017, 15:33
Đã có nhiều liveshow của các nhạc sĩ, ca sĩ... nhưng có lẽ chương trình Nghệ thuật "Đất nước và Tình yêu - Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cùng các nhạc sĩ" vừa diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ là Liveshow hiếm hoi giới thiệu riêng các ca khúc phổ thơ của một nhà thơ.


"Mối duyên" thơ và nhạc

Đón chào xuân Đinh Dậu, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) đã diễn ra chương trình Nghệ thuật "Đất nước và Tình yêu - Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cùng các nhạc sĩ" do Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội, Báo Gia đình & Xã hội phối hợp tổ chức.

Chương trình hội tụ nhiều tác phẩm âm nhạc đặc sắc của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cùng các nhạc sĩ tên tuổi như: Đức Trịnh, Văn Dung, Trương Ngọc Ninh, Lê Mây, Nguyễn Thụy Kha, Quốc Nam, Đặng An Nguyên, Tuấn Phương, Xuân Xuân Phương, Doãn Nguyên, Hồ Trọng Tuấn, Văn Tiến… với phần thể hiện của các nghệ sĩ nhiều thế hệ: NSND Hồng Ngát, NSƯT Tố Nga, Thắng Lợi, Nhật Thủy, Đăng Thuật, Cẩm Tú, Mai Trang, Xuân Hạo, Ngọc Linh, Anh Dũng, Vũ đoàn Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và Đoàn nghệ thuật Sơn La...

Ngoài vai trò là tác giả đồng sáng tác, Thiếu tướng - nhạc sĩ Đức Trịnh còn giữ vai trò Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật và nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn - Giám đốc nhà hát Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đảm nhận vai trò đạo diễn sân khấu và âm nhạc.

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc giao lưu cùng khán giả trong Chương trình nghệ thuật “Đất nước và tình yêu”.

Nhạc sĩ Đức Trịnh "cầu kỳ" đến mức mời cả Đoàn nghệ thuật Sơn La gần 40 ca sĩ, vũ công về Hà Nội để biểu diễn màn hợp xướng "Tiếng gọi Rồng Tiên" mở màn chương trình, bởi tác phẩm này đã từng được đoàn dàn dựng và biểu diễn thành công, đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015. Bên cạnh đó, liveshow còn có nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc và đan xen giữa các tiết mục hát múa là chương trình đọc thơ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc với những sáng tác đã đi vào lòng công chúng như: "Miền Trung, "Sao em không về quê cùng anh", "Con tàu và bến cảng", "Hạt bụi..." cùng tiết mục ngâm thơ "Dậy nào ban mai" do NSND Hồng Ngát và các nghệ nhân sáo, đàn tranh thể hiện.

Dù chỉ chọn một phần trong tổng số 63 ca khúc đã được phổ thơ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc để biểu diễn trong chương trình "Đất nước và Tình yêu" nhưng theo đánh giá từ nhiều văn nghệ sĩ, chỉ chừng ấy cũng đủ khắc họa một "mối duyên" thơ - nhạc đầy ấn tượng, một nhà thơ "mát tay" với các giải thưởng âm nhạc uy tín.

Chia sẻ cùng chúng tôi, Thiếu tướng - nhạc sĩ Đức Trịnh - người gắn bó sâu đậm nhất với thơ Lê Cảnh Nhạc chia sẻ hóm hỉnh: "Cũng may hai chúng tôi cùng tuổi, cùng giới, chứ ăn ý như thế này mà khác giới là dễ bị coi là "có vấn đề" lắm!. Và thường thì sự đồng điệu trong âm nhạc thường hay đến từ những mối quan hệ khác phái chứ mấy khi mà cùng phái.

Thế nên việc đồng sáng tạo lâu bền giữa tôi và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cũng được coi là khá hiếm". Từng cộng tác với nhiều tác giả thơ nhưng nhạc sĩ của ca khúc nổi tiếng "Miền xa thẳm" chiêm nghiệm rằng, trong nghệ thuật, sự đồng điệu là rất quan trọng.

Từ chỗ "thấy thơ hay, đồng điệu thì phổ nhạc", giờ đây nhạc sĩ Đức Trịnh và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc được coi như một "cặp bài trùng", cùng nhau viết những chủ đề mới như: "Âm vang Điện Biên", "Mơ về Hà Nội", "Ngày thế giới hạnh phúc", "Vinh quang thể thao Việt Nam"… Và gần đây nhất là ca khúc "Tỏa sáng đại dương" - bài hát chính thức của Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 tại Đà Nẵng…

Âm nhạc "kích hoạt" cho thi ca!

Thơ ca -âm nhạc chắp cánh cho ca khúc neo vào lòng công chúng nhưng chất xúc tác trong sự gắn bó của nhà thơ và nhạc sĩ đôi khi còn phải kể đến sự hòa hợp "hữu xạ tự nhiên hương" trong đời sống thường nhật.

Trao đổi về câu chuyện này, nhạc sĩ Đức Trịnh cho biết, tuy ông quê gốc Bắc Giang nhưng trong nhiều ca khúc sáng tác luôn ghi dấu ấn tượng về vùng đất, con người Hà Tĩnh. "Tôi có cảm tình cũng phải thôi, bởi đó là vùng đất hiếu học, quê hương của nhiều danh nhân văn hóa được ghi danh trong sử sách.

Nên khi biết nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, tự nhiên tôi có suy nghĩ "nếu lấy thơ hoặc đặt hàng viết lời thì chắc là rất yên tâm".

Tôi vẫn nhớ mãi cái lần tôi phổ bài thơ "Linh chuông Đồng Lộc" của anh, nhân sự kiện khánh thành tháp chuông di tích ngã ba Đồng Lộc năm 2011. Ca khúc vang lên mở màn chương trình ngay tại vùng đất linh thiêng ấy khiến tôi xúc động đến rơi lệ. Đó là sự rung cảm của nghệ thuật, của sự hòa hợp giữa hai tâm hồn mà phải rất may mắn chúng tôi mới gặp được nhau…", nhạc sĩ Đức Trịnh tâm sự.

Ông cũng cho biết thêm, từ trước đến nay, mỗi khi phổ thơ ai đó thường ông chỉ "nhặt" ý là chính nhưng khi đọc thơ Lê Cảnh Nhạc thì gần như lấy nguyên bài và rất ít khi chỉnh sửa bởi nhà thơ như nói hộ cảm xúc, suy ngẫm trong lòng mình. Sau này, "cặp bài trùng" ấy cùng lên ý tưởng cho tác phẩm chung chứ không đợi có thơ rồi mới phổ nhạc nữa.

Ngoài sự gắn bó với nhạc sĩ Đức Trịnh, nhà thơ Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc còn có "duyên nợ" với nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác như: nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh qua ca khúc "Lời ru một mình", nhạc sĩ Đặng An Nguyên - nguyên Trưởng ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam với ca khúc "Bão giông tình biển"... 

Với nhạc sĩ Lê Mây, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cũng có những kỷ niệm khó quên. Cách đây gần 20 năm, Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam - khi đó có gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Lê Mây, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, đề nghị các nhạc sĩ và các nhà thơ cùng phối hợp sáng tác ca khúc về đề tài bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Ngay sáng hôm sau, trên đường đưa con đi học, từ những ý thơ hiện lên trong đầu, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã hoàn thành bài "Xin làm hạt phù sa". Bài thơ ngay sau đó được nhạc sĩ Lê Mây phổ nhạc, rồi được đưa vào nhạc phim, trở thành một trong những ca khúc rất được quan tâm về trách nhiệm của xã hội đối với bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Sau này, nhạc sĩ Lê Mây và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc có thêm nhiều tác phẩm chung khá thành công nữa như: "Đêm Phiêng Lơi", "Bão giông lòng mẹ", "Sắc xuân Long Biên", "Em lại về quê anh"...

Tiết mục "Tiếng gọi Rồng Tiên" mở màn đêm nghệ thuật.

Trong cảm nhận của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, ông cho rằng, chưa bao giờ mình cảm thấy bị hẫng hụt khi nghe các ca khúc được các nhạc sĩ kết hợp với lời thơ của mình và những sự giao cảm đồng điệu đặc biệt như với nhạc sĩ Đức Trịnh đã kích hoạt những tứ thơ và giúp người sáng tác thăng hoa.

Trước "mối duyên" đặc biệt có thể xếp vào trường hợp "xưa nay hiếm" giữa thơ Lê Cảnh Nhạc với các nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận định: "Xưa nay, chuyện các nhà thơ có tác phẩm được giới nhạc sĩ phổ nhạc khá quen thuộc nhưng so với kho tàng âm nhạc lại không nhiều lắm. Những bài thơ phổ nhạc đòi hỏi phải có nhạc điệu, đề tài, ca từ gần gũi với công chúng, toát lên vẻ đẹp giản dị, trong sáng, đẹp đẽ... Trước những yêu cầu này, thơ Lê Cảnh Nhạc hoàn toàn đáp ứng được".

Anh cũng tâm sự thêm: "Trong lĩnh vực sáng tạo, có thể nhìn nhận, không phải bài thơ hay nào cũng có thể phổ nhạc được nhưng với các tác phẩm thơ được chắp thêm đôi cánh âm nhạc là một lợi thế trong tiếp cận công chúng nhất là các đề tài sáng tác về đất nước, quê hương, tình yêu...

Thơ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đa dạng về đề tài từ đất nước, quê hương, biên cương, người lính đến những vấn đề thời sự nóng hổi đang được dư luận quan tâm. Các tác phẩm thơ của Lê Cảnh Nhạc khi được chắp cánh bằng âm nhạc có ưu điểm mạnh về ngôn ngữ, cảm xúc, gần gũi với cách tiếp cận của công chúng. Bởi thế, những sáng tác giàu nhạc tính của anh tạo nên sức hấp dẫn và ưu thế đặc biệt khiến các nhạc sĩ có cảm hứng phổ nhạc".

Thành Nam
.
.
.