Nhà thơ Bằng Việt: Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể

Thứ Sáu, 13/04/2012, 08:00
Từ nhiều năm nay, Bằng Việt vẫn được coi là một trong những tác giả tiêu biểu của lớp nhà thơ chống Mỹ. Bản thân anh từng phát biểu: "Không nhà thơ nào sống hèn đớn, lẩn tránh, đào ngũ trong thời kỳ ấy mà lại thành một nhà thơ lớn được".

"Vào những năm đầu thập kỷ 60, Bằng Việt xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một ánh đèn nêông kỳ ảo, tỏa ánh sáng trí tuệ, sự mát mẻ của tuổi xuân và cái dịu dàng của hồn thơ anh. Với những câu thơ xúc cảm tinh tế, chữ nghĩa lóng lánh, độc giả ấn tượng về anh như một nhà thơ trẻ lịch lãm, tài hoa. Công bằng mà nói, cho đến hôm nay, nhiều câu trong số ấy dường như vẫn giữ được sự tươi nguyên, vẫn "nhìn tôi bằng ánh mắt xanh ngăn ngắt", vẫn "làm say", "làm duyên" như sắc phượng hôm xưa, cánh bướm năm nào, khơi gợi vẻ trong trắng một thời" - Đó là đoạn trích trong một bài viết của tôi về thơ Bằng Việt in trên Báo Người Hà Nội số ra ngày 7-11-1993. Đoạn trích này đã được Bằng Việt dẫn lại trong một tập thơ tuyển của anh (tập "Thơ Bằng Việt" - NXB Văn học, 2003).

Hình ảnh ánh đèn nêông mà tôi sử dụng trong đoạn văn trên được "gợi ý" chính bởi Bằng Việt. "Trong ánh nêông pha biếc buổi chiều/ Đến hơi mưa trong khóm hoa màu tím/ Gáy sách cũ xếp chồng như kỷ niệm/ Lá thiếp mừng đám cưới mát trên tay". Đó là những câu thơ đẹp một cách đài các xuất hiện ở thời điểm mà không ít tác giả trẻ cùng trang lứa với Bằng Việt còn chưa xóa được trên trang phục thơ của mình vết lấm lem bùn đất.

Đúng là Bằng Việt có những câu thơ rất giàu biểu cảm, như những bông hoa gợi nhớ cả cánh đồng, lưu giữ được hương thơm một thời. Đây là cảnh trí bên một ngôi trường sơ tán trong những năm chống Mỹ: "Đồi trung du phơ phất bóng thông già/ Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió/ Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu!" (bài "Nghĩ lại về Paustovsky"). Còn đây là một buổi trưa vàng với bao xốn xang thầm ước trong những ngày cả đất nước gồng mình vật lộn cùng khó khăn giai đoạn trước Đổi mới: "Trưa lặng thầm, hoa tường vi thức dậy/ Nắng đọng mật ngọt ngào, ngỡ vốc được trên tay/ Những vỉa hè ngân vang trong lòng thành phố/ Những thao thức ngây thơ trong mắt lại dâng đầy" (bài "Hoa tường vi").

Bìa tập "Bằng Việt - tác phẩm chọn lọc" do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Chúng ta từng biết đến nhiều câu thơ hay viết về sông Hồng, song hiếm câu thơ nào giản dị mà có sức lay động, nói được nhiều điều như câu thơ sau đây của Bằng Việt: "Sông Hồng ơi! Giông bão chẳng thay màu" (bài "Trở lại trái tim mình"). Cũng vậy, chúng ta từng bắt gặp không ít câu thơ xúc động viết về tâm trạng "từ giã tuổi thơ", song đọc hai câu: "Đột nhiên nhớ một cơn mưa đêm trung thu/ Chiếc đèn giấy thắp nến ướt rồi, không bao giờ còn tuổi đi rước nữa" vẫn khiến tim ta thắt lại …

Từ nhiều năm nay, Bằng Việt vẫn được coi là một trong những tác giả tiêu biểu của lớp nhà thơ chống Mỹ. Bản thân anh từng phát biểu: "Không nhà thơ nào sống hèn đớn, lẩn tránh, đào ngũ trong thời kỳ ấy mà lại thành một nhà thơ lớn được". Lần theo những gì Bằng Việt đã viết, ta nhận thấy, có một thời nhà thơ của chúng ta không hề "nhàn tản", "ăn trên ngồi trốc" như ai đó lầm tưởng.

Trở về từ "thiên đường của chủ nghĩa xã hội" - cách người ta vẫn gọi nước Nga thời ấy - Bằng Việt xung phong đi làm phóng viên chiến trường (thuộc Ban Tuyên huấn Đoàn bộ 559 - Binh đoàn Trường Sơn), có mặt ở cả những nơi đạn bom khốc liệt. Nhiều địa danh, sự việc đã được đề cập tới trong thơ Bằng Việt. Tuy nhiên, ở đây như có một "nghịch lý": Mặc dù Bằng Việt sống và viết đúng như những gì anh nói, song không vì thế mà âm hưởng của cuộc kháng chiến vang vọng trong thơ anh. Thậm chí, nhớ tới thơ Bằng Việt giai đoạn này là người đọc nhớ tới một không gian khác, với bầu không khí thanh tĩnh, thơ mộng hơn nhiều. Trần Đăng Khoa từng nêu cảm giác khi đọc thơ Bằng Việt: "Giữa những năm chống Mỹ, với bầu không khí ồn ào súng đạn, khói lửa, Bằng Việt mang đến cho thơ một khoảng tĩnh mịch, thanh vắng của một tu viện".

Có cảm tưởng "Cuộc sống phải xuyên qua bốn bức tường sách ấy mới đến được với anh". Kể thì mới trông vào những gì Bằng Việt đã làm, đã viết, ta ngỡ Trần Đăng Khoa nói quá. Song lạ thay, đó lại là một cảm giác có thực. Bởi suy cho cùng, cái còn lại vẫn là những gì một nhà thơ lưu dấu ấn trong tâm trí người đọc. Hãy lấy ví dụ từ một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Bằng Việt thời kỳ này - bài "Về Nghệ An thăm con" (có chỗ in là "Về hỏa tuyến thăm con"). Bài thơ nói cái khắc nghiệt của cuộc sống ở một vùng đất thường xuyên bị bom Mỹ đánh phá, vậy mà sao đọc những câu thơ: "Bao lâu cha vắng nhà/ Bao lâu con đã sống/ Bao đêm ngoài biển động/ Pháo sáng xanh vườn sau/ Trăng mài mòn guốc võng/ Giặc rít ngang trên đầu…", ta lại không hề có cảm giác đây là vùng "đất nóng". Thậm chí, dù nhà thơ có mô tả tiếng gầm rít của máy bay địch, song không hề làm bợn lên trong người đọc chút… e sợ. Phải vì hình ảnh vầng trăng đan cài vào đây khiến bức tranh thơ bỗng trở nên thơ mộng? Hay là vì giai điệu nhịp nhàng như đưa võng của khổ thơ khiến nhịp thanh bình trở thành nhịp điệu chính của toàn bài? Chỉ biết là, đọc đoạn thơ trên, cũng như đọc cả bài thơ, ta thấy âm hưởng chiến tranh gần như không thẩm thấu được vào nguồn mạch bình yên của cuộc sống. Nó không tạo cho ta ấn tượng về sự "khốc liệt".

Nhân đây tôi cũng xin nêu một cảm giác rất thực là, đọc bài thơ "Mẹ" - một bài thơ thường hay được nhắc tới của Bằng Việt, với những đoạn như: "Con bị thương, nằm lại một mùa mưa/ Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ/ Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ/ Gió từng hồi qua mái lá ùa qua/ Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà/ Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp/ Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt/ Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao…", dù phải thừa nhận đó là những câu rất gợi, song, thay vì việc hình dung ra đó là những dòng tâm trạng của một người thương binh vừa trải qua những chặng hành quân vất vả, những cuộc giao chiến ác liệt, tôi lại thấy ở đó tâm trạng của một nhà thơ đang lắng lòng với một tâm thế Thiền để cảm nghe mạch giao hòa của thiên nhiên.

Vậy đấy, có những con người cũng hòa mình vào cuộc chiến như ai, song cái sự "sạch sẽ" một cách bất thường trong trang phục của họ vô tình đã đẩy họ ra… ngoài lề. Có thể tôi so sánh hơi thô thiển, nhưng quả thật với trường hợp nhập vai này, Bằng Việt đã để "lộ tẩy" mình là một kẻ khác giới. Trước sau, anh là một nhà thơ của giới học sinh, sinh viên hơn là nhà thơ của… lính.

Nhà bác học thời cổ đại Archimedes từng tuyên bố: "Nếu cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên". Ngay từ thời trẻ, Bằng Việt đã thể hiện là một nhà thơ có học vấn và có một mỹ cảm riêng, tinh tế. Vốn liếng sách vở cũng như điều kiện học tập tại nước ngoài đã giúp anh mở mang cách nhìn, mài sắc khả năng suy luận. Đó là chiếc đòn bẩy của anh. Cái thiếu của anh chính là điểm tựa. Môi trường văn hóa của đất nước giai đoạn chiến tranh cùng với những đòi hỏi nghiêm ngặt của nó không dễ để anh bứt phá, thể hiện hết những gì là thế mạnh, là sở trường của mình. Vậy thì anh phải tựa vào các điển tích, vào cuộc đời của các danh nhân văn hóa thế giới để thăng hoa tâm trạng, để tung hứng khả năng sử dụng ngôn từ. Bài "Beethoven và âm vang hai thế kỷ" đã tập trung nhiều ưu điểm của Bằng Việt.

Thời gian trôi qua, vấn đề tác giả đặt ra có chỗ đã trở nên khiên cưỡng, song những đoạn thơ tả những gì mà bản Giao hưởng số 5 của Beethoven gợi nên vẫn đem lại cho người đọc cảm giác thật hào sảng: "Nghĩ chi em, bốn tiếng sấm bão bùng/ Bốn tiếng đập dập vùi số phận/ Bốn cái tát trong cuộc đời gián gậm/ Bốn thanh âm dựng đứng tâm hồn lên". Bạn đọc từng có cảm giác hào sảng khi nghe Nguyễn Du tả tiếng đàn: "Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa". Có lẽ mấy câu thơ vừa dẫn của Bằng Việt cũng là những câu tả âm thanh tạo cho ta một cảm giác phấn khích…

Không thể hiện được trọn vẹn suy nghĩ, cảm xúc của mình, Bằng Việt đã gửi gắm những khuyết thiếu ấy vào các bài thơ dịch. Thoạt đầu là các bài thơ Nga, chủ yếu  của Olga Bergholtz, của Evgheni Evtushenko, rồi rộng ra là các nhà thơ lớn của Âu, Mỹ.  Đến lúc này thì bạn đọc bất ngờ nhận thấy, nếu như ở mảng sáng tác, thơ Bằng Việt không nhiều bài độc đáo về ý tưởng, cuốn hút về giai điệu, đặc biệt là hiếm bài toàn bích thì ngược lại, nhiều bản dịch thơ của Bằng Việt lại quá hoàn hảo, có thể được coi là mẫu mực, là hay không kém gì bản gốc (như các bài "Gửi Bôrix Coócnilốp", "Mùa lá rụng" của Olga Bergholtz, "Đêm trắng ở Áckhăngghen", "Yên lặng", "Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời"…của Evtushenko). Nghiễm nhiên, Bằng Việt trở thành thần tượng của nhiều thế hệ bạn đọc.

Kể từ giai đoạn sau Đổi mới tới nay, tiếng thơ Bằng Việt lại tiếp tục mạch suy tưởng - vốn là thế mạnh của thơ anh thời trẻ. Và anh đã phần nào thể hiện được cách nhìn nhận việc đời một cách lịch duyệt của mình qua các bài "Đọc lại Nguyễn Du", "Rượu của Nguyễn Cao Kỳ". Tuy nhiên, không biết có phải vì nhiều nỗi niềm nhân thế của Bằng Việt vô tình trùng hợp với tâm trạng của các thi nhân thế giới mà anh đã dịch, và anh tự thấy như thế là "quá đủ" nên ở mảng sáng tác, nhiều chỗ Bằng Việt không tỏ ra thực sự tâm huyết. Anh viết như một sự điểm xuyết, một sự hắng giọng. Nhiều bài anh kể lại sự việc theo kiểu "thông tin báo chí" rồi buông lửng phần kết như một sự gợi ý độc giả chứ không đào sâu phân tích, đẩy vấn đề tới tận cùng. Điều này có vẻ như làm cho bài thơ "tự nhiên" hơn, song kỳ thực lắm khi nó khiến nội dung bài thơ trở nên nhẹ tênh, lụn vụn.

Dẫu sao, những bài tôi tâm đắc nhất của Bằng Việt thời kỳ này chính là những bài anh chiêm nghiệm, đúc rút từ những câu chuyện, mối quan hệ có thật trong đời sống thực của anh, kể cả các bài có tính khơi gợi kỷ niệm xưa cũ, như các bài "Cứ như không", "Bách thảo"…

Bằng Việt là một nhà thơ có cái "nền" rộng, vững chãi. Song công bằng mà nói, những bài thơ gọi là "đỉnh" của anh không nhiều và chắc chắn chúng sẽ còn tiếp tục chịu sự thử thách khốc liệt hơn nữa của thời gian. Tuy nhiên, dẫu không phải là một nhà thơ có sức vóc vạm vỡ, cáng đáng được nhiều nhiệm vụ mà thời đại giao phó, song không thể phủ nhận anh đã để lại cho nền thơ chúng ta một gương mặt thanh tú. Nền thơ Việt Nam mấy chục năm qua sẽ thiếu vắng nếu chúng ta thiếu đi một gương mặt thơ của Bằng Việt.

(Viết lần đầu năm 1993, bổ sung và hoàn chỉnh ngày 26/3/2012)

Phạm Khải
.
.
.