Nhà nữ khoa học có nhiều duyên nợ với truyện Kiều

Thứ Ba, 11/04/2017, 07:49
Chị Phạm Tú Châu (1935-23 - 3-2017) vừa ra đi thì hàng loạt bài báo xuất hiện ca ngợi chị: Bài thì gọi chị là "nhà văn", bài thì gọi là "nhà nghiên cứu", nhiều bài thì gọi là "dịch giả". Gọi thế nào cũng đúng nhưng tôi muốn dùng một danh xưng phản ánh đầy đủ nhất, xứng đáng nhất hoạt động của cả cuộc đời của chị là "nhà khoa học". Dĩ nhiên, dịch thuật là hoạt động chiếm nhiều thời giờ nhất trong đời chị.


Ngay từ năm 1998, với giải thưởng của Hội Nhà văn, chị đã nổi lên như một ngôi sao dịch thuật tiếng Trung. Nhưng giải thưởng ấy hoàn toàn chưa nói lên được hết thành tích của chị ở lĩnh vực này. Ở đây tôi chỉ xin được nêu lên một ý kiến cá nhân: Dịch giả Phạm Tú Châu rất xứng đáng được đề nghị truy tặng Giải thưởng Nhà nước về dịch thuật.

Không phải là tất cả nhưng không ít dịch phẩm của Phạm Tú Châu đáng được xem là công trình nghiên cứu, vì độ khó của chúng đòi hỏi một trình độ khoa học và khả năng vận dụng nhiều thao tác nghiên cứu khá cao, đặc biệt là vì không ít dịch phẩm ra đời do sự thôi thúc của những động cơ khoa học cụ thể. Chỉ cần đọc tên sách "Dịch và nghiên cứu Kim Vân Kiều lục" dày 283 trang chị vừa gửi tặng Ban Quản lí Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du là ta đã thấy rõ điều ấy.

Hướng hoạt động chuyên môn ưu tiên thứ hai của chị là "Truyện Kiều". Hướng này xuất hiện sau, nhưng có lẽ sự đóng góp về mặt này của chị lại còn có ý nghĩa hơn. Tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến của Nhị Linh: "Phạm Tú Châu là một nhân vật có tiếng nói hết sức quan trọng trong giới nghiên cứu Kiều". 

Mối quan hệ giữa "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) là một vấn đề rất lớn và có tính chất chìa khoá, vì có làm sáng tỏ mọi khía cạnh của vấn đề đó mới giải thích được rốt ráo nhiều vấn đề cơ bản khác. Tuy nhiên, phải đến giữa thế kỉ trước, chúng ta mới thực sự chú ý đến vấn đề này.

Và "sóng gió" (chữ của chị Tú Châu) bắt đầu nổi lên khi xuất hiện bài báo "So sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và của Việt Nam" của học giả Trung Quốc Đổng Văn Thành đăng trên hai tập "Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng" (1986, 1987).

Chưa hết, năm 1994, ông lại viết một bài ngắn hơn nhan đề là "Kim Vân Kiều truyện" in trong cuốn "Minh Thanh tiểu thuyết giám thưởng từ điển". Điều đáng nói là ngay ở kết luận 1 của phần I, chúng ta đã bắt gặp những dòng sau: "Nhìn tổng thể, tôi thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du bất luận về nội dung hay về nghệ thuật (Phần II sẽ nói rõ), đều không vượt được trình độ bản gốc mà nó mô phỏng" (Sđd, trang 1552)”.

Dịch giả Phạm Tú Châu.

Là người dịch bài của Đổng Văn Thành, hơn ai hết Phạm Tú Châu là người thấy đầu tiên và thấy hết những luận điểm hoang đường, sai trái đó phần lớn là do Đổng Văn Thành dựa vào những sai sót trong bản dịch "Truyện Kiều" của Nguyễn Du ra tiếng Trung Quốc do NXB Nhân dân Bắc Kinh in năm 1959 của Giáo sư Hoàng Dật Cầu ở Học viện Sư phạm Hoa Nam. Mà muốn phê phán Đổng Văn Thành thì lại phải bắt đầu từ chỗ chỉ ra những sai sót của Hoàng giáo sư.

Thật ra thì ngay từ năm 1990, trên Báo Văn nghệ số 44, trong bài "Đọc Truyện Kiều bản dịch Trung văn", chị Tú Châu đã bước đầu chỉ ra một số hạn chế trong bản dịch của Hoàng giáo sư. Chị cũng tưởng đặt vấn đề như thế và nói đến thế là đủ, nhưng nào ngờ, 7 năm sau, tình huống đã buộc chị phải nói lại, nói thêm, nói kĩ và nói mạnh hơn.

Có biết thế mới hiểu vì sao sau khi đã dùng đến gần 10 trang vạch ra tiếp những sai sót của bản dịch, chị đã tâm sự: "Sau năm 1990, tôi vốn không định viết thêm về chất lượng bản dịch Truyện  Kiều ra Trung văn bởi xưa nay tôi vẫn tôn kính học giả hết lòng vì Việt Nam như Giáo sư Hoàng Dật Cầu. Nhưng…".

Chuyện nào ra chuyện nấy. Rồi chị vẫn phải làm vì không thể không làm do hiện tượng các bài viết của Đổng Văn Thành nói trên. Năm sau, trên Tạp chí Hán Nôm, số 3 năm 1998, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Lâu lại viết bài "Cũng là một kiểu "so sánh văn học", tiếp tục phê phán Đổng Văn Thành về những chỗ bịa đặt trắng trợn và những chỗ hiểu sai một cách ngờ nghệch.

Khi chỉ ra nguyên nhân của sai lầm, ngoài lý do chị Châu đã nêu, Hoàng Văn Lâu còn chỉ ra một cách đích đáng rằng, vì ông Thành không hiểu biết gì "về văn hoá Việt Nam, về văn học Việt Nam, đặc biệt về tiếng Việt, về thể truyện thơ Nôm Việt Nam cùng thị hiếu văn chương của người Việt Nam".

Thấy chị Châu và anh Lâu chưa đả động đến bài của ông Thành in trong "Minh Thanh tiểu thuyết giám thưởng từ điển", ngay năm tiếp theo, tôi lại viết bài "Nhân đọc bài Kim Vân Kiều truyện của Đổng Văn Thành" đăng trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số 3 năm 1999 và in lại trong tuyển tập "Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn so sánh".

Bài viết của tôi tập trung phê phán quan điểm đánh giá thấp giá trị của “Truyện Kiều". Bất kể anh Lâu và tôi có đóng góp gì trong đợt tranh luận này, người có công đầu vẫn là chị Tú Châu. Bản dịch toàn văn bài viết dài của Đổng Văn Thành của chị mãi vẫn là một tài liệu tham khảo quý đối với giới Kiều học.

Cho đến thời điểm này đã có 9 bản dịch "Truyện Kiều" ra tiếng Trung, nhưng theo tôi, 3 bản có giá trị nhất và đáng chú ý nhất là bản của Giáo sư Hoàng Dật Cầu (mặc dầu có những sai sót về chữ nghĩa mà chị Châu đã chỉ ra một cách khá cặn kẽ), bản dịch của học giả La Trường Sơn in ở Việt Nam (NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 2006) và bản của nữ Giáo sư Triệu Ngọc Lan (in trong cuốn "Kim Vân Kiều truyện phiên dịch dữ nghiên cứu", NXB Đại học Bắc Kinh, 2013).

Tôi quen La Trường Sơn trước chị Châu vài năm nhờ một việc tình cờ: Bài "Vài nét về thơ Hồ Xuân Hương ở nước ngoài" của tôi đăng ở Báo Người Hà Nội số ra ngày 15-3-1997 (trong đó có phần đánh giá cao công trình nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương và những bài dịch thơ Hồ Xuân Hương của La Trường Sơn) được nhà nghiên cứu Lý Hoa dịch và đăng ở Tạp chí Toàn cảnh Đông Nam Á số 3 năm 1997.

Thế là tôi được Viện Khoa học Giáo dục Quảng Tây, nơi La tiên sinh công tác mời tôi sang thăm, và từ đó mối quan hệ giữa chúng tôi ngày càng gắn bó. Theo tôi, có lẽ La tiên sinh là nhà Việt Nam học của Trung Quốc đã dịch những tác phẩm văn học, những công trình nghiên cứu văn học và văn hoá của Việt Nam nhiều nhất; cho đến nay tôi đã viết 5 bài giới thiệu đóng góp của học giả này.

Đầu năm 2000, khi nhờ tôi chuyển công trình dịch thuật và nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương cho NXB Thế giới để in tại Việt Nam, La tiên sinh có đưa cho tôi xem một đoạn dịch thử "Truyện Kiều" và bày tỏ ý định cũng như quyết tâm dịch xong trong thời gian một vài năm.

Hình dung công việc không hề đơn giản, tiên sinh rất muốn có sự giúp đỡ và cộng tác của các nhà khoa học Việt Nam. Tôi đã hứa sẽ mời một số bạn bè am hiểu Hán Nôm và đã quen La tiên sinh như anh Kiều Thu Hoạch, chị Phạm Tú Châu… cùng góp phần nâng cao chất lượng bản dịch cũng như tạo điều kiện cho bản dịch ra mắt độc giả càng sớm càng tốt.

Tôi mang đoạn dịch thử về, nhưng chỉ có chị Tú Châu là có điều kiện góp ý được cho La tiên sinh. Trong quá trình dịch, thỉnh thoảng La tiên sinh còn gọi điện đề nghị chị Châu góp ý về những câu thơ ông còn ngờ để kịp hoàn thành bản thảo.

Tiếc thay, khi bản dịch chưa thực sự được hoàn thiện và chưa kịp viết phần "Dịch hậu ký" thì tiên sinh đã qua đời! Vì nguyện vọng của dịch giả là công bố công trình ở Việt Nam, lúc đầu gia đình ủy thác cho chị Châu lo liệu, nhưng sau biết tôi quen việc này hơn, con trai Giáo sư La Trường Sơn là La Đồng Tân lại gọi điện nhờ tôi và tất nhiên tôi đã vui vẻ nhận lời.

Tuy nhiên, làm được việc này cũng không đơn giản, tôi và chị Châu đã phải gặp nhau để phân công bàn bạc: Chị Châu phụ trách hoàn chỉnh bản thảo, tôi phụ trách dịch và hoàn thiện phần chú thích; chị Châu dịch bài "Đại thi hào Nguyễn Du và truyện Kim Vân Kiều" của Giáo sư La Trường Sơn, một tiểu luận cực kỳ nghiêm túc và có quan điểm gần như hoàn toàn phù hợp với các nhà Kiều học Việt Nam, tôi phụ trách viết bài "Thay lời giới thiệu".

Cuối cùng, tôi đã thay mặt gia đình dịch giả ký được hợp đồng xuất bản với Công ty Văn hoá Phương Nam và NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh. Sách in và trình bày đẹp, 2000 bản mà chỉ trong một thời gian ngắn đã tiêu thụ hết. Có lần tôi nói vui với chị Châu: Lần trước, trong vụ Đổng Văn Thành, tôi và chị "hợp tác gián tiếp" và "hợp đồng tác chiến", lần này là "hợp tác trực tiếp" và "hợp đồng xây dựng"!

Nói đến đóng góp của chị Phạm Tú Châu đối với việc nghiên cứu "Truyện Kiều", sẽ còn thiếu sót nếu không nhắc tới bài chị nhận xét về cuốn "Từ điển Truyện Kiều" của Đào Duy Anh chị vừa mới cho đăng trên Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư hai số liền và cuốn "Kim Vân kiều lục", công trình nghiên cứu và dịch thuật của chị xuất hiện trong dịp kỉ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du gần đây.

Dĩ nhiên, "Truyện Kiều" là tác phẩm vĩ đại, nên thành tựu nghiên cứu và dịch thuật của chị Tú Châu về một phương diện của mối quan hệ giữa nó với "Kim Vân Kiều truyện" chỉ là một hướng nghiên cứu cụ thể, nhưng một đời người với một hoàn cảnh riêng cực kì khó khăn như chị mà làm được ngần ấy việc thì thực sự đáng làm cho mọi người phải kính nể. Những công trình của chị để lại không chỉ góp phần giải quyết nhiều vấn đề cụ thể của ngành Kiều học mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành liên quan như văn học so sánh, văn bản học, Hán Nôm học, Việt ngữ học, lý thuyết tiếp nhận…

Sự ra đi quá đột ngột của chị lại làm cho chúng ta cảm nhận rõ hơn tầm vóc, bản lĩnh, nhân cách của chị. Sự có mặt của Giáo sư Trần Ích Nguyên ở Đài Loan bay vội sang Việt Nam để kịp tiễn chị về cõi vĩnh hằng càng làm cho mọi người xót xa, thương tiếc. Trước mắt, xin đề nghị cơ quan nơi chị công tác và bạn bè, học trò xa gần của chị bắt tay ngay vào việc biên soạn một cuốn sách để ghi công và tưởng niệm chị, mang tên "Tuyển tập Phạm Tú Châu", hoặc là "Phạm Tú Châu với Truyện Kiều".

Nguyễn Khắc Phi
.
.
.