Nguyên mẫu “Cô gái xuống ga Vĩnh Yên” bây giờ ở đâu?

Thứ Ba, 12/12/2006, 15:00
"Cô gái xuống ga Vĩnh Yên" của nhà văn Phạm Duy Nghĩa được sáng tác từ một câu chuyện thật của nhà văn với một cô gái mà ông tình cờ gặp trên đường, vì quá ấn tượng với sách của ông mà bắt xe ôm từ Vĩnh Yên về Hà Nội và ở nhà ông suốt 7 ngày để... đọc sách.

Tác giả Phạm Duy Nghĩa thường sáng tác dựa trên nguyên mẫu có thực ngoài đời. Anh không giấu giếm điều đó dù những truyện ngắn lấy cốt và lấy tứ từ nguyên mẫu của anh đã được hư cấu nhiều, đẩy lên theo ý đồ chuyển tải tư tưởng…

Truyện ngắn “Cơn mưa hoa mận trắng” đã đoạt giải nhất báo Văn nghệ năm 2003 - 2004 của anh là một ví dụ. Để viết được truyện ngắn miên man chất trữ tình này, mùa thu năm 1999, Phạm Duy Nghĩa đã từng dẫn một đoàn giáo sinh sư phạm xông pha rẻo cao trong chiến dịch chống mù chữ ở một vùng biên ải. Đời sống với những tình huống éo le của những giáo sinh nam và nữ trong căn nhà một nửa để ở, một nửa làm lớp học cheo leo trên sườn non khiến ông thầy giáo trẻ nổi máu nhà văn đặt ra tình thế ứng xử quyết liệt để bật lên đâu là bản năng và đâu là lý trí mà không khô cứng, giáo huấn.

Cái ranh giới mong manh suốt nửa năm trời giữa hai chiếc giường trong cùng một gian buồng của hai nhân vật Thuận và Kiên - một người đàn bà khao khát thú vui trần thế và một chàng trai trẻ - hóa ra là điều có thực ở vùng cao mà Phạm Duy Nghĩa từng chứng kiến.

Không ngờ trong cuộc đời ít nhiều phiêu lãng của mình, tại nơi gió bụi phố phường, chính chàng văn sĩ trẻ mang máu nghệ lại lâm phải tình huống cũng rất đỗi chéo nghoe như thế. Đó là khi chàng gặp cô gái xuống ga Vĩnh Yên! Cái ngày đáng nhớ ấy, chàng lên tàu xuôi Hà Nội, mang theo tập truyện ngắn “Tiếng gọi lưng chừng dốc” mới in. Chàng lâng lâng vì ảnh chàng in ở bìa 4 “rất được”, phen này bao em trên đất nước sẽ biết đến chàng và có khả năng chàng sẽ giải quyết được nạn… ế vợ đây!

Cầu được ước thấy, ngồi bên chàng là một cô gái khá xinh đẹp. Chàng chộn rộn khi cô ta mượn mình cuốn sách và… ngắm nghía cái bìa. “ Ôi! Anh là tác giả của cuốn sách này đấy à? ”- Cô gái trầm trồ, vừa hối hả đọc vừa tò mò để ý đến nhà văn. Tim chàng rung lên từng nhịp theo những cú lắc mạnh của con tàu, cảm giác nó đập còn to hơn tiếng xình xịch của loại tàu chợ. Chiều tối tàu đến ga Vĩnh Yên, cô gái xuống ga, sau khi vội vã hỏi địa chỉ của chàng. Chàng tiếp tục xuôi tàu. Thật bất ngờ và ly kỳ như… tiểu thuyết: đến Hà Nội, sau khi đi ăn tối và trở về phòng trọ ở ngoại thành, chàng thấy người đang đợi mình tại căn phòng vắng chính là người con gái đã gặp trên tàu.

“Em ngưỡng mộ anh ngay từ lúc gặp trên tàu” - câu nói về sau đã đóng đinh vào tác phẩm của chàng. Cô gái giải thích: không cưỡng nổi sự tò mò về chàng nên sau khi xuống Vĩnh Yên, cô đã quả quyết gọi xe ôm phóng như bay về Hà Nội. Vốn cả nể, thương người, Phạm Duy Nghĩa bất đắc dĩ phải để cô khách không mời này ở chơi tại phòng mình. Và trong thực tế là cả tuần trời chứ không chỉ 3 ngày như trong truyện chàng “đưa tin”. Cả tuần ấy chàng và cô gái vẫn vẹn nguyên, sáng trong một tình thế khó  -  ai -  có -  thể -  tin -  nổi.

Cô gái (sau này trong truyện chàng đặt là Diễm cho gợi) đã kể cho nhà văn nghe về quãng đời éo le, đầy bi kịch của cô. Dù khao khát học hành, hoàn cảnh buộc cô phải bỏ học để bán cà phê.  Chàng cảm thông, tất nhiên, gạt phăng đi những mặc cảm và cả cái gọi là lòng ngưỡng mộ cô ta dành cho chàng. Chàng cũng loại trừ luôn sự tính toán (nếu có) của cô ta vì chàng khi đó ở vào tình cảnh “tay trắng”. Xem ra cô gái cũng chẳng có động cơ gì ngoài cái gọi là lòng ngưỡng mộ. Cô ta khép mình, cố không làm bận đến chàng.

Vào một buổi sáng sau vài đêm chật vật giữa lằn ranh giới để đạt được độ trắng tinh như hoa mận trên núi, chàng đang say sưa ngồi viết bỗng nhớ ra sự có mặt của cô gái bên cạnh mình bèn quay sang ân cần: “Em đọc gì đấy?”. “Thì vẫn là truyện của anh”. “Truyện gì?”. “Em đang đọc truyện “Ngôi nhà nhỏ bên hồ” - truyện cuối cùng trong tập truyện của anh đấy”. “Vậy ư? Theo em, truyện ấy nói lên điều gì vậy?”. “Truyện này nói về cái hay, cái đẹp của văn học mà không phải ai cũng nhận ra được anh ạ!”. Ngỡ ngàng, ngạc nhiên chàng nhìn cô gái ít được học hành, mang thân phận rất đỗi tầm thường. Tưởng hỏi chơi xem cô ta có đọc hay không và thử trình độ dân trí của cô ta thế nào, ai ngờ… Không ít người học văn, dạy văn mà không nói được một câu như vậy.

Từ giây phút ấy, Phạm Duy Nghĩa nhìn cô khách lạ lùng bằng cái nhìn trân trọng. Và bảy ngày đêm trôi qua, thanh sạch, sáng trong dù ai đó đã nói đêm đồng lõa với rất nhiều điều tưởng như không thể và ai đó lại nói con người có viết hoa thì vẫn mang ít nhiều phần con người không hề viết hoa như khởi thủy muôn đời vẫn vậy.

Ngày cuối cùng, cô gái giã biệt căn phòng trọ lên tàu với tấm vé chàng mua bằng những đồng xu cuối cùng vét được. Còn lại một mình, chàng sống trong buồn thương, ám ảnh về một thân phận người. Đó là tất cả sự thật làm nền cho tác phẩm “Cô gái xuống ga Vĩnh Yên”.

Mỗi lần nhớ tới cô gái gặp tình cờ trên chuyến tàu ấy, Phạm Duy Nghĩa lại chạnh lòng nghĩ tới một người con gái có học mà chàng từng nhọc nhằn theo đuổi. Cô ta công tác tại một Trường Kinh tế - kỹ thuật. Còn nhớ khi nghe tin từ Hà Nội báo lên về giải nhất báo Văn nghệ, văn sĩ họ Phạm lặng lẽ  không cho ai biết, chỉ tìm đến bóng hồng kia những mong chia sẻ niềm vui lớn. Chẳng ngờ cô ta quá đỗi dửng dưng, sau vài phút lơ đãng liền giục nhà văn đi về vì “việc này em không chia sẻ được”.

Chao ôi cái gọi là văn hóa đọc, và lúc này là lúc đến lượt “đi tìm độc giả” của nhà văn. Những lúc buồn như thế, chàng lại ao ước lên tàu và gặp nhiều cô gái như cô gái xuống từ ga Vĩnh Yên...

Hoài Nguyễn
.
.
.