Nguyên Trâu - bỏ trâu làm Kiều?

Thứ Năm, 14/02/2019, 16:10
Đầu năm Kỷ Hợi, tôi có cuộc trò chuyện với họa sĩ điêu khắc động hàng đầu của Việt Nam là Lê Đình Nguyên.


Xếp anh ở vị trí hàng đầu cũng không ngoa vì hiện nay, ở Việt Nam làm điêu khắc động thì Lê Đình Nguyên chưa có đối thủ. Sự độc đáo, mức độ chịu chơi, chịu chi, chịu đầu tư trong các tác phẩm điêu khắc động của họa sĩ Lê Đình Nguyên trong hai triển lãm "khiêm tốn" anh sáng tạo ròng rã trong vòng vài chục năm qua, và tích lũy cả một cuộc đời lao động nhọc nhằn đã đủ để đưa họa sĩ Lê Đình Nguyên lên hàng tên tuổi.

Mở đầu xuân Kỷ Hợi, anh có những bật mí về công việc và dự định sắp tới rất đáng chú ý, nhất là dự định triển lãm điêu khắc động về KIỀU.

- Thưa họa sĩ Lê Đình Nguyên. Sau hơn một năm ra mắt triển lãm “Nguyên Trâu 2” và sau 9 năm kể từ triển lãm thứ nhất "Trâu Nguyên", khoảng thời gian này có vẻ như là khoảng lặng nghỉ ngơi của “Nguyên Trâu”?

 + 7 năm sau triển lãm lần thứ nhất, tôi tiếp tục làm với gần 100 tác phẩm trâu điêu khắc động ở triển lãm "Nguyên Trâu 2" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nói thật là tôi kiệt sức, phải nghỉ xả hơi, đi chơi xa mất nửa năm để nạp năng lượng và "sạc pin" cho bản thân. Vẫn nhớ trước giờ khai mạc triển lãm "Nguyên Trâu 2", vợ chồng nhà điêu khắc Lê Công Thành đến xem. Ông hỏi: "Nguyên Trâu chắc phải mất 6 năm để ra triển lãm này?". Tôi trả lời: "Dạ thưa thầy, em làm mất đúng 3 năm". Thầy Thành cười: "Vậy tôi gọi cậu là thằng Trâu Điên!".

Họa sĩ Lê Đình Nguyên.  Ảnh: Thành Chương.

- Chào sân nghệ thuật chậm mà ấn tượng, mà bày toàn "hàng khủng", trong khi bản thân Lê Đình Nguyên ở bên ngoài thì lại rất bé nhỏ. Sức mạnh nội lực ở đâu để anh có thể định danh được bản thân chỉ qua hai cuộc triển lãm?

+ Năm 30 tuổi, tôi đã có tranh treo ở Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1990, bức "GIẤC MƠ CỦA TẤM"... Năm 2010, khi tròn tuổi tri thiên mệnh, tôi làm triển lãm cá nhân đầu tiên, như vậy là muộn, nhưng tôi rất hài lòng vì nghĩ: Mình tự tin vào tài năng và sự sáng tạo của mình thì không bao giờ là muộn cả. Tôi vẫn nhớ, năm 1984, khi tôi mới 24 tuổi, lần đầu tôi được xem triển lãm cá nhân đầu tiên của hai danh họa: Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái. Lúc đó Nguyễn Sáng đã ở tuổi 61. Bùi Xuân Phái tuổi 64.

Họ mải mê làm nghề đến quên mình... Có sao đâu. Họ vẫn là những Danh Tài Đất Việt! Tôi cũng có hai cháu ruột là họa sĩ. Chúng cũng muốn bày triển lãm cá nhân. Tôi đến xem các tác phẩm của hai cháu, thấy cũng đèm đẹp nhưng vẫn chỉ là những bài học chưa thoát ra được lối vẽ trường quy, không định hình được phong cách cá nhân... Tôi khuyên: Đừng vội, hãy đi tìm ra MÌNH đã (cái riêng, dị biệt) rồi hãy trình làng. Triển lãm cá nhân giờ như nấm sau mưa mà có ai NHỚ đâu?

- Nghe đồn ở triển lãm Nguyên Trâu 2, có tới 90% tác phẩm của anh đã được đặt hàng và bán hết với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng?

+  Chính xác. Vì tôi cũng chẳng biết làm việc gì khác để sinh nhai. Mà đã là nghệ sĩ chuyên nghiệp thì phải sống được bằng "nghề" chứ?

- Người ta làm nghệ thuật thường gian khổ và không mấy khi giàu vật chất từ công việc sáng tạo, nhưng với Nguyên Trâu thì trái lại.... anh giàu lên rất nhiều cả về giá trị tinh thần, thương hiệu, lẫn tiền bạc từ việc làm trâu?

+ Lứa họa sỹ 6x chúng tôi đến với nghệ thuật, đánh đổi tất cả để được học mỹ thuật là do đam mê, chẳng ai nghĩ rằng để sau này thành họa sỹ thì sẽ giàu có cả. Nếu nghĩ đến tiền ngay từ đầu thì sẽ học đi buôn chứ không ai đi học mỹ thuật. Giờ cuộc sống tạm ổn, tác phẩm làm ra được các nhà sưu tập mua với đúng giá trị thực của nó...

Tôi nghĩ mình được giời thương và có duyên với NGHỀ mà thôi! Xin được kể hai ví dụ này để khẳng định thêm. Năm 1978, khi 18 tuổi tôi chưa thi được vào Đại học Mỹ thuật công nghiệp vì không có thẻ Đoàn viên, đang còn lêu bêu chưa biết làm gì với tương lai nhưng tôi nhất quyết từ chối đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc.

Năm 2001 đang làm họa sĩ ở Nhà hát Múa rối Việt Nam, cuộc sống khó khăn vất vả song tôi tiếp tục từ chối lời mời của chị ruột và anh rể sang CHLB Đức mở nhà hàng ăn Việt Nam tại Berlin với mức lương rất cao. Khó khăn vất vả tôi đều cố gắng vượt qua để bám trụ lại với nghề.

- Còn có chuyện hậu triển lãm Nguyên Trâu 2 anh đã tế thần một tác phẩm trâu rất khủng? Xung quanh câu chuyện tế trâu hay thả trâu về Hồ Tây có rất nhiều đồn đại thú vị, anh có thể chia sẻ.

+ Nhà tôi ở trong làng Yên Phụ, quận Tây Hồ, trong một con ngõ đẹp nhưng khá chật hẹp. Lúc thi công tác phẩm "Trâu Sáo Diều", tác phẩm chính của triển lãm, tác phẩm nó vừa chuyển động và phát ra âm thanh tiếng sáo diều thật....

Kích cỡ tác phẩm rất khủng: cao 3 mét 60, dài 7 mét, chất liệu tre đan bọc vải. Vì quá to nên tôi phải mượn sân Đình làng Yên Phụ để thi công... Phải cần tới 2 thợ phụ thi công "Trâu Sáo Diều". Không hiểu sao khi thi công, tai nạn liên tục xảy ra: lúc thì cưa bạt vào tay, lúc dao rơi vào chân. Có hôm gần xong thì gió to lôi cả con trâu tre bay xuống hồ...

Khi kéo được trâu lên, tôi vuốt ve nó rồi bảo: "Trâu Diều, ngoan đi. Rồi sau triển lãm, xong việc của mày tao sẽ thả mày về với Hồ Tây làm bạn với Trâu Vàng (có sự tích Trâu Vàng Hồ Tây)! Rất lạ là từ hôm đó, mọi việc đều suôi sẻ. Suốt cuộc triển lãm "Nguyên Trâu 2", con Trâu Sáo Diều mải mê hát vi vu. Sang ngày thứ 4, một vị khách đến gặp tôi tại Bảo tàng Mỹ thuật hỏi mua nó về trang trại của ông ở Đầm Vạc - Vĩnh Phúc.

Nhưng tôi giữ lời hứa với Sáo Diều rồi nên từ chối. Và sau triển lãm, tôi đã thuê xe lặng lẽ kéo "Trâu Sáo Diều" về Hồ Tây làm lễ tạ rồi "thả" chú về với Trâu Vàng dưới lòng hồ mênh mang.... Sau đó họa sĩ Thành Chương cứ đùa vui rằng "Việc mày thả Trâu Sáo Diều xuống hồ để gặp Trâu Vàng, chúng vui... nên phù hộ cho mày bán sạch tác phẩm ở triển lãm đấy!”.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên bên cạnh tác phẩm của mình trong triển lãm Nguyên Trâu 2.

- Đầu xuân Kỷ Hợi, thấy trong làng văn nghệ đang râm ran đồn Nguyên Trâu sẽ bỏ Trâu để làm điêu khắc động về nàng Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Điều này thực hay là đồn đại ạ?

+ Chuyện tôi sẽ làm một triển lãm điêu khắc động về nàng Kiều là thật đấy.

- Làm điêu khắc động về nhân vật Kiều và các nhân vật khác trong “Truyện Kiều”? Ý tưởng này bắt đầu từ đâu?

+ Cách đây gần 2 năm, họa sĩ Thành Chương có tặng tôi cuốn “Truyện Kiều” còn thơm mùi mực in rồi nhìn tôi tủm tỉm cười: "Thằng em, anh tặng chú sách Kiều của Nhà xuất bản Văn học, bìa của anh vẽ cùng các họa sĩ minh họa". Mình rối rít cảm ơn... Ông xua tay nói: "Giờ có việc nghiêm chỉnh nói với chú đây. Sau thành công ở triển lãm "Nguyên Trâu 2"... anh thấy chú lại mải chơi rồi, mà đã là nghệ sĩ đích thực thì phải làm việc liên tục. Đêm qua anh nghĩ thế này: Nàng Kiều đã được quá nhiều các họa sĩ và nhà điêu khắc danh tiếng vẽ và làm tượng rồi...

Nhưng Kiều trong điêu khắc động thì chưa có ai làm, vẫn thiếu. Và anh nghĩ đến Nguyên Trâu! Sao, chú em có dám làm không? Rất hay và độc đáo đấy!". Tôi lặng đi, sốc vì quá đột ngột trước yêu cầu khó của Thành Chương.

Quả thật là suốt cả một thời gian dài tôi chỉ mải mê làm con trâu đến thành nghệ danh Nguyên Trâu, đã bao giờ tôi nghĩ đến Nàng Kiều đâu. Một đề tài quá khó, liệu mình có làm được không? Thấy tôi lưỡng lự, băn khoăn, Thành Chương vỗ mạnh vào vai nói: "Hay đấy, chú mày làm đi! Chỉ có Nguyên Trâu làm được Kiều điêu khắc động thôi, anh tin em làm được!". Và tôi đã nhận lời với họa sĩ Thành Chương, một người anh mà tôi vô cùng ngưỡng mộ.

- Anh có thể chia sẻ về những tác phẩm điêu khắc động về Kiều mà anh sắp sửa thực hiện?

+ Chả ai dại gì mà nói lộ ra chuyện "bếp núc" khi "nấu cỗ" cả. Hi hi. Xin được giữ bí mật về Nàng Kiều qua điêu khắc động của Nguyên Trâu. Nhưng xin bật mí với Như Bình rằng: Lúc này tôi đang rất tự tin để sẽ ra mắt một triển lãm điêu khắc động về Nàng Kiều sau hai năm vật vã vẽ phác thảo tượng Kiều... để tìm ra một CONCEPT xuyên suốt trong một triển lãm cá nhân. Tôi tin sẽ không phụ lòng bạn bè và người hâm mộ.

- Người nghệ sĩ chinh phục xong đỉnh cao này, anh ta sẽ đi về đâu? Có bao giờ Nguyên Trâu cảm thấy mỏi gối chùng chân trên con đường nghệ thuật của mình?

+ Chẳng có "đỉnh cao" nào cả, khi người nghệ sĩ sống hết mình, đam mê và yêu thương đồng loại. Cảm xúc và sáng tạo sẽ luôn đồng hành cùng bạn. Tôi tin là thế!

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Như Bình (thực hiện)
.
.
.