Nguyễn Thành Tuấn - Ta ở đâu trong ký ức làng

Thứ Sáu, 21/05/2021, 12:11
Không thể nào ngờ tóc mình sớm “nở hoa xuân”. Thấm thoắt mút U50 còn anh đã giữa mùa “lục thập nhi nhĩ thuận”. Nhiều năm lưu lạc phương Nam, nghe nói anh tìm ra một đảo giữa bốn bề sông nước tự, nghiền ngẫm tu tập đối diện riêng mình. Những câu thơ của anh chúng tôi thường đọc trong lúc say mềm chỉ mấy thằng “kỳ hình dị tướng” với nhau.


Ta đã đi biền biệt tháng năm bỏ quên tiếng vỗ rá ao quê trầm trầm trưa mưa giáp hạt vào lắc lơ tiềm thức/ Lướt vó trên những ban mai thiếu nữ Mông ngực nồng nàn cõng ống bương tựa cửa thung lũng mây chảy về trắng muốt/ Ta đã đến những cổng trời không phải cánh đồng thơ mà là cánh đồng hoa nở li ti cùng đá cô dâu chú rể tí hon hồn nhiên đi trong tiếng khèn thảng thốt/ Ta đã bước qua cổng trời”. (Đi).

Cứ như thơ và người thơ Nguyễn Thành Tuấn thì nếu phải thiên di, Tuấn sẽ đi về miền ngược nơi núi rừng kỳ vĩ vùng Đông Bắc mà anh từng là một người lính nhiều năm đóng ở các đồn Cao Bằng từng viết những câu thơ: “Một bát rượu men rừng/ Cười vỡ tan con thác/ Một đêm mưa giá buốt/ Sâu kiệt cùng ánh than/ Một câu lượn vút lên/ Đường tuần tra ngang bản/ Những đêm gào tên bạn/ Pháo hú quanh tơi bời… Đất nước trăm trận mạc/ Muốn tìm người lính thường/ Hãy tìm trong dáng đá/ Vọng Phu qua gió sương…”. (Lính thường).

Nhà thơ Nguyễn Thanh Tuấn.

Sao anh chọn phương Nam? Đi đột ngột. Đi như bùa ngải dẫn dụ mà đi. Chừng như vô định? Chừng như mất phương hướng bởi xưa nay Nguyễn Thành Tuấn chưa bao giờ “tự kế hoạch” đời mình. Đi bốc sạch cả gia đình cùng Nam tiến. Anh không phải giới showbiz làm sao ham ánh sáng phương Nam? Chị đương yên ổn chức vụ Hiệu phó một trường học ở quê. Tổ tiên gia đình họ mạc nội ngoại hai bên đều nơi vùng đất anh từng viết: “Bố dắt con ra đường làng/ Cho con nhận từng viên gạch/ Trên bầu trời xanh như sông/ Ở dưới đôi bờ tre trúc”. (Đường làng), sao đùng cái hành phương Nam thanh thản như mây vân du bốn phương trời.

Nguyễn Thành Tuấn là một ca khá lạ. Từng một thời Tuấn xứ Đông hợp với Dương Kiều Minh xứ Đoài cặp bài trùng thơ phú nức danh giữa thiên hạ nửa con mắt thơ đa đoan đắm đuối một mình một cõi khiến người đời thấp thỏm mừng lo. Thơ Thành Tuấn hướng về truyền thống, lấy sự bình dị làm nền, ưa mới mà không nới cũ, vừa tay bắt mặt mừng với người sang vừa thắm thiết an yên với bạn cũ xóm giềng nu nấng. 

Tuấn đôi lúc bay lên mây vẫn còn hẫng sợi dây diều mỏng mảnh ràng nơi mặt đất. Dây diều đứt rồi đi đâu? Bão tố ngoài kia mây đen gió trắng voi thần ai biết nông sâu lành dữ? Thôi hãy biết điều: “Giấu đi gốc gác ngày đô thị/ Mùi đất đồng chiêm thức mỗi đêm/ Thương miếng khoai vùi ngày trọ học/ Khát khúc sông trong thuở tắm truồng”. (Ký ức làng); “Ta đến đâu cũng gặp mình thổn thức/ Đêm hội tan những gót chân xinh/ Giã biệt hào hoa liền anh liền chị/ Sớm mai vùi dưới mặt bùn”. (Hội làng)… nghĩa Tuấn vẫn coi gốc gác quê hương làm trọng, vẫn biết ơn bồi đắp lớn lao từ hạt lúa, củ khoai nơi vạt ruộng, góc làng.

Nguyễn Thành Tuấn là một nhà thơ được kỳ vọng ở Hưng Yên nhiều thập niên gần đây, nhất là giai đoạn anh làm Phó Chủ tịch Hội - Tổng Biên tập Tạp chí Phố Hiến đã mời gọi được những trang văn, thơ độc đáo và đặc sắc. Tất nhiên có những người, kể cả giới lãnh đạo không ưa gì mấy ông thơ thẩn hay phát biểu văng mạng khắp nơi. Lại còn hay nói thật. Lại còn hay nói đúng trong khi phải nói chệch khác đi, nói vòng vèo giống như thơ thì ông lại làm thơ còn thì nói thẳng, thành ra chỗ đứng cứ chênh chao rồi không chịu được mà vuột hẳn. Chuyện này giới văn nghệ địa phương là cơm bữa và chúng tôi lại mừng cho anh. 

Những lúc ấy, Tuấn vẫn là một nhà thơ đúng nghĩa: “Và em vẫn có quyền cởi áo/ Trút dưới chân trần tất cả những mùa đông/ Giọt nước đầu tiên từ vai em lăn xuống/ Bật chồi xuân khắp châu thổ sông Hồng”. (Phóng túng sông Hồng); “Ta dối một người sắp khuất/ Cho họ yên lòng đi xa/ Ta dối lòng ta/ Nuôi hy vọng/ Ta ngày ngày giả dối/ Để đêm đêm được cắn rứt lương tâm”. (Sự giả dối)…

Nhà thơ Nguyễn Thanh Tuấn (thứ 2 từ phải sang) cùng các bạn văn.

Nguyễn Thành Tuấn vốn dân triết học. Cái gì cũng coi triết học làm đầu. Vậy mà những phi lý trong cuộc đời thẳng cánh giáng vào anh, Tuấn không hề biết cãi. Hoặc cự cãi chỉ là cự cãi ở trong thơ. Ở ngoài, tôi thấy anh luôn đuối lý dù lẽ phải đã mười mươi thuộc về mình. 

Có một lần, tôi cùng anh với nhà văn Đào Bá Đoàn đi nhậu ở một ngôi đền ngập nước. Đến lúc say thì không biết đường về. Đoàn đã được một cô gái tóc dài cháu cụ thủ từ dẫn đi đâu mất. Nhà mình cách mấy gang tay mà không về được thật nực cười. Song lúc đó còn trẻ nên coi sự này cũng thường không phải sự biến gì ghê gớm. Dẫu rằng buổi tối Đoàn đã tuyên bố cưới cô gái kia?! Bây giờ chúng ở nơi đâu giữa mênh mông trời nước? Lạ cái, ông thủ từ chỉ ngồi im như tượng không nói không rằng, càng tuyệt không ngăn đôi kia bước vào đêm tối giữa vùng sông nước. 

Mãi khi trời sáng, mấy anh em dân quân xã dùng thuyền đưa bọn tôi ra thị trấn ăn sáng trở về nhà Nguyễn Thành Tuấn thấy đôi kia tinh tươm ríu rít trong căn bếp nhỏ như ở chính nhà mình. Có lẽ nào chúng tưởng đây là chốn thần tiên đang ở chăng? Hai anh em đành rút khỏi nhà mặc kệ đôi tiên đồng ngọc nữ. 

Sau đó, Tuấn có bài thơ: “Bỏ lại giáo điều trong ngôi đền ngập nước/ Đoàn đi trong mưa/ Thôn nữ tóc dài như sông/ Ngực duyềnh lên cuộn mùa đổ ải/ Có phải Đoàn lựa chọn?/ Có phải Đoàn tự do?/ Đi/ Đi tan thành quãng đường phân trâu lầm lội/ Đi mọc cúc tần lá sả hương nhu… Dòng sông khóc trong mưa/ Xác Đoàn cách mép nước đẵm phù sa một với…”. (Đoàn đi tới dòng sông).

Nguyễn Thành Tuấn không chỉ mê mẩn quê hương mà còn mê mẩn con người, không những người nam như Đoàn đâu mà những người nữ Tuấn ta cũng thơ thẩn lắm: “Nếu em nhà chẳng kề bên/ Thì chùa tôi chẳng nhớ tên làm gì/ Ngang qua tôi mãi mũ ni/ Làm sao nghe tiếng thầm thì đại rơi… Nhưng em chẳng có chồng rồi?/ Vào chùa tôi nguyện làm người xuất gia”. (Chùa Phố Hiến); “Em tinh khôi từ mưa phùn bước ra/ Những mắt lá bàng hoàng mở theo/ Những dòng sông đang dâng ngoảnh đi dằn dỗi/ Anh hoảng sợ hét em đứng lại/ Cuối đường kia mây rất bất thường”. (Cuối đường mưa phùn)…

Nguyễn Thành Tuấn từ khi lưu lạc phương Nam thấm thoắt gần mười năm, vài bận về quê cha đất tổ có khi bạn thơ cũng lưu lạc đẩu đâu hoặc bận kế mưu sinh buông bỏ văn chương chữ nghĩa. Như bản thân Tuấn, người thơ được kỳ vọng đã găm sâu vào trí nhớ mấy câu thơ còn trong ký ức làng giờ đây còn có như xưa? “Sao không trở lại bờ đê/ Diều lên thả hết đam mê thị thành/ Ổi ương sung chát sông xanh/ Cởi quần cởi áo mình trần như nhau/ Bãi Soi ngạo nghễ lưng trâu/ Ngã đâu cũng ngã đất nâu quê nhà/ Giông lên cho trắng cỏ gà/ Nhường em nhát chọi thế mà trắng tay”. (Không đề).

Năm tháng trôi đi, bả phú quý vinh hoa đã từ lâu là bèo bọt. Những buồn vui được mất phù phiếm thị phi như mây nổi trên đầu. Nguyễn Thành Tuấn ở một nơi xa nhìn về hoặc anh em bạn cũ tìm đọc thơ anh cũng là lẽ công bằng. Trong khi những giá trị cốt lõi về văn hóa, về lịch sử, về con người dường như đang phải chịu quá nhiều sức ép; sức ép từ cái mới ồ ạt kéo đến; sức ép từ cái cũ dai dẳng không buông; sức ép từ mỗi bản thân theo thời gian năm tháng tự nguyện quy hàng. Ôi chao sức ép khiến người ta mờ mịt. Trong khung cảnh ấy, may thay, Nguyễn Thành Tuấn còn kịp cho rằng: “Thoát xống áo ao đình tôm cá/ Cẩn thận kẻo quên để mắc cành sen/ Vỗ nhát nữa ngựa hồng hóa đá/ Chỉ mang theo chú trâu thục hiền/ Bay bay qua sương đồng bảng lảng/ Tan vào hư không…”. (Giấc mơ).

Ôi Nguyễn Thành Tuấn! Dường như mọi thứ đã an yên ở những nẻo trời khác nhau chăng? Người lành hiền thua thiệt cũng là một hằng số chăng? Các chị các anh, đã lấy văn chương làm lẽ sống tất hiểu “thế giới vô cùng vạn vật giai không” là lời Phật tổ từ nghìn năm trước? Phương Bắc phương Nam đâu có nề hà cương vực văn chương? Chúng ta cùng một cõi. Chúng ta cùng một nhịp. Chúng ta cùng một lẽ tử sinh chung nhau những mơ hồ chẳng phải là duyên trời đất đó sao?

Phùng Văn Khai
.
.
.