Người thợ chuyên cần, người thầy năng động

Thứ Tư, 19/10/2011, 08:00
Vĩnh biệt NSND Lương Đống.

NSND Lương Đống, một trong những cây đại thụ của ngành mỹ thuật sân khấu Việt Nam, người được phong danh hiệu NSND từ năm 1993, được trao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng năm 2009, đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 3 giờ 45 phút ngày 28/9/2011 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Tp Hồ Chí Minh. Lễ an táng NSND Lương Đống đã diễn ra trong sự tiếc thương của đông đảo bạn bè, người thân và khán thính giả yêu nghệ thuật vào ngày 30/9/2011 tại Nghĩa trang Tp Hồ Chí Minh. Bài viết nhỏ này xin được coi là nén tâm hương tỏ bày lòng tri ân của một khán giả với một nghệ sĩ đáng kính...

Ở  tuổi 87, NSND Lương Đống qua đời sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh suy tủy - viêm phổi tắc nghẽn. Thật ra, cách đây 7 năm, ông đã từng ở vào tình thế… tưởng chết, vậy mà như có phép mầu, ông đã sống dậy và trụ được từ đó tới tận ngày 28/9 vừa rồi. Theo các đồng nghiệp của nghệ sĩ Lương Đống cho hay thì vào ngày 20/2/2004, khi chỉ chưa đầy hai tháng nữa là lão nghệ sĩ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80, ông đã "nhắm mắt xuôi tay" trước sự bất lực của các y bác sĩ trong bệnh viện. Gia đình phải đưa ông về nhà để chuẩn bị hậu sự. Nhang đèn đã được thắp lên xung quanh "thi hài" của ông, đột nhiên lão nghệ sĩ tỉnh dậy, bảo thèm ăn… sữa chua. Vậy là lão nghệ sĩ tiếp tục sống thêm 7 năm nữa. Thật thú vị là vào ngày 2/2/2005, tức là đúng một năm sau khi xảy ra sự cố bất ngờ, "không thể tưởng tượng nổi" kể trên, nhiều người đã mang hoa đến tặng nghệ sĩ Lương Đống và không ai bảo ai, tất cả đều ghi trên đó dòng chữ "Mừng sinh nhật bé Lương Đống 1 tuổi". Ngày 2/2 hằng năm đã được gia đình ông xem như ngày sinh thứ hai của ông.

NSND Lương Đống tên thật là Quách Lương Đống, sinh năm 1924 tại xã Phước Long, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông theo học Trường Mỹ thuật Gia Định. Sau khi tốt nghiệp, ông có một năm đi vẽ cho một hãng buôn. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Lương Đống lên chiến khu. Sẵn chuyên môn, ông được cắt cử làm họa sĩ trình bày cho Báo Độc Lập. Công tác tại báo này hai năm, ông chuyển sang làm việc tại Sở Công an Nam Bộ cho tới năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Vì trong thời gian kháng chiến, Lương Đống đã ít nhiều tham gia thiết kế sân khấu cho một số vở ca kịch cải lương do đạo diễn Chi Lăng dàn dựng nên ngay sau khi đặt chân lên đất Bắc, qua sự tiến cử của đạo diễn Chi Lăng, Lương Đống đã được Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp tiếp nhận về công tác tại Viện Nghiên cứu mỹ thuật sân khấu cải lương (thuộc Bộ Văn hóa). Ở môi trường mới, Lương Đống thực sự như rồng gặp nước.

NSND Lương Đống và NSƯT Bạch Tuyết sau đêm diễn "Diễn kịch một mình".

Trong suốt cuộc đời làm nghề, nghệ sĩ Lương Đống đã thiết kế, trang trí cho hàng trăm vở diễn. Tên tuổi của ông thực sự chói sáng khi tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1958, ông tham gia thiết kế sân khấu cho vở cải lương "Nàng tiên Mẫu Đơn" do đạo diễn Chi Lăng dàn dựng và được trao giải vàng cho phần thiết kế mỹ thuật. Tuy nhiên, nếu nói về vai trò "tiên phong" của Lương Đống trong kỹ thuật thiết kế sân khấu thì phải kể đến việc ông trang trí sân khấu cho vở "Câu chuyện Iếckút" (do Đoàn Kịch nói Trung ương dàn dựng). Vở diễn có tới trên 15 cảnh, nên việc chuyển cảnh phải rất khẩn trương. Nếu sân khấu cứ trang trí theo lối tả thực trước đó, với cảnh hoa lá rườm rà thì không đủ thời gian. Tình thế buộc Lương Đống nảy ra sáng kiến: Ông thiết kế một cái bục có thể tháo dỡ, xoay chuyển, hoán đổi vị trí rất linh hoạt, gọi là "bục vạn năng". Nhờ đó giúp vở diễn thêm phần nâng cao hiệu quả nghệ thuật.

Nói về ý thức sáng tạo, sự kỳ công của họa sĩ Lương Đống trong lĩnh vực thiết kế sân khấu, gần đây nhất, trong một bài viết đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng, NSƯT Bạch Tuyết nhận định: "Ở NSND Lương Đống, tính khoa học, độ chính xác, tỉ mỉ, cân đối của một nhà kiến trúc và nét tài hoa, phóng khoáng của một họa sĩ  - nghệ sĩ là Nhất Thể.

Kỹ thuật - kiến trúc trong các tác phẩm của ông đậm tính logic, không thừa không thiếu; hơn nữa quan niệm về mỹ thuật - sân khấu của ông lại luôn khởi nguồn từ nền tảng văn hóa dân tộc… từ đó thống nhất thành một kiến trúc - không gian truyền thống - hiện đại". Nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng không quên kể lại câu chuyện họa sĩ Lương Đống đã kỳ công như thế nào trong việc thiết kế trang phục cho vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga của mình: "Họa sĩ Lương Đống đã cùng tôi ngược ra Bắc, tìm về đền thờ bà Thái hậu, lật lại từng trang sách, lần mò cho ra những hoa văn, di chỉ còn sót lại nơi miếu mạo, am đình… Để cuối cùng, Thái hậu Dương Vân Nga đĩnh đạc, uy nghi với phục trang truyền thống Việt, những nét cách điệu từ hoa văn - rồng thuở giao thời Đinh - Lê. Bộ trang phục ấy được họa sĩ Lương Đống chú trọng phần thân và áo mão (đầu), riêng bộ củng (váy) ông không cho vẽ vời, thêu thùa, tạo nên một sự nhẹ nhàng, thanh thoát để bà Thái hậu "buông rèm nhiếp chính" uy nghi mà rất tháo vát, nhanh nhẹn, quyết đoán mà vẫn uyển chuyển, dịu dàng".

NSND Lương Đống được giới chuyên môn ghi nhận là người rất có ý thức trong việc tận dụng không gian khán phòng làm sàn diễn, biến sân khấu nhỏ thành không gian sáng tạo để diễn viên và khán giả đều có thể "chung sống" trong đó. Nhiều đạo diễn gạo cội rất tin tưởng khi giao phó việc thiết kế sân khấu cho ông (như với đạo diễn Doãn Hoàng Giang, khi dàn dựng vở kịch "Số đỏ" dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng, ở phần thiết kế mỹ thuật, ông tin tưởng nhờ cậy bậc đàn anh Lương Đống). Các khán giả cũng tỏ ra rất ấn tượng với cách trang trí sân khấu của NSND Lương Đống.

Tác giả Hoàng Kim, trong bài viết "Cây đại thụ mỹ thuật sân khấu không còn nữa" được tải trên Báo Thanh niên điện tử ngày 28/9 kể: "Cảm xúc của tôi về vở "Diễn kịch một mình" tại Nhà hát Sân khấu nhỏ Tp Hồ Chí Minh năm 1993 có lẽ cùng giống như cảm xúc của bao khán giả khác, là khâm phục! Kịch bản hay đã đành, nghệ sĩ Bạch Tuyết diễn hay đã đành, thiết kế sân khấu quá thông minh, linh động thực sự làm tôi ngưỡng mộ. Không gian nhỏ, với một diễn viên duy nhất, độc thoại suốt hai tiếng đồng hồ với năm, bảy vai khác nhau. Mỗi vai là một cảnh trí, nhưng không hề kéo màn, gián đoạn, chỉ cần xê dịch một chút đạo cụ, kéo một cái khung lên, hoặc thêm mặt nạ, thêm cái bục, là đã hấp dẫn rồi".

Khán giả Khưu Hữu Hạnh, trên Báo Người Lao động điện tử thậm chí còn bày tỏ mạnh hơn: "Tôi có xem vở "Tình ngh ệ sĩ", "Chuyến tàu hoàng hôn", "41 đóa hồng"… thú thật xem đến 3 lần mỗi vở, không phải vì tôi mê Thành Lộc, Hồng Nga, Hồng Vân, Quốc Thảo, Nguyễn Chánh Tín, Tú Trinh… thời hoàng kim của kịch, mà tôi mê trang trí của ông. Cái cảnh một chung cư phút chốc tiến thẳng ra phía khán giả khiến người xem vỗ tay tán thưởng, chỉ có ở bậc thầy Lương Đống".

Ngoài những đóng góp to lớn cho lĩnh vực bài trí sân khấu, NSND Lương Đống còn có khả năng viết sách, đúc kết thực tiễn thành lý luận. Ông là tác giả của cuốn "Hệ thống lý luận cơ bản về mỹ thuật sân khấu Việt Nam" được xem là cẩm nang cho những nghệ sĩ trẻ muốn chuyên tâm vào lĩnh vực này. Không chỉ có vậy, trong một số trường hợp, NSND Lương Đống còn trực tiếp tham gia vào vở diễn với vai trò là một… diễn viên. Hiện những khán giả đứng tuổi hẳn còn nhớ vở cải lương "Đời cô Lựu" rất nổi tiếng một thời. Trong vở này, NSƯT Bạch Tuyết vào vai cô Lựu, NSND Thanh Tòng vào vai Võ Minh Thành - chồng cô Lựu. Người đóng vai Hương Quản đến nhà bắt Võ Minh Thành chính là NSND Lương Đống. Mùa xuân năm 1984, nghệ sĩ Lương Đống đã dẫn đầu đoàn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh đi biểu diễn "Đời cô Lựu" ở một số nước Tây Âu theo lời mời của UNESCO. Chuyến lưu diễn đã gặt hái được nhiều thành công.

Không chỉ là một nghệ sĩ chuyên tâm, tận tụy với nghề, Lương Đống còn là một nhà quản lý được anh em đồng nghiệp trân trọng, yêu mến. Năm 1964, ở tuổi 40, ông trở thành Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông chuyển về Nam, đến nhận công tác tại Nhà hát Trần Hữu Trang và năm 1985, ở tuổi mà bình thường ra, nhiều người đã nghỉ hưu, ông vẫn được tín nhiệm đề bạt giữ chức Giám đốc của Nhà hát.

Với nghệ sĩ Lương Đống, quản lý là một công việc, ông sẵn sàng nhận nhưng không vì công việc ấy mà để cái nghề mình từng đam mê, theo đuổi bị đứt đoạn. Ông vẫn vừa quản lý vừa trực tiếp tham gia thiết kế mỹ thuật cho sân khấu các vở diễn. Nói theo ngôn ngữ đời thường là ông vừa làm thầy, vừa làm thợ. Tất cả với ông đều là những việc cần thiết, đáng trân trọng. Nhờ thế mà đến nay, dù mọi chức vụ đã qua, dù cuộc sống cũng đã ngừng, song đằng sau cuộc đời của NSND Lương Đống vẫn sừng sững một sự nghiệp…

Xuân Trường
.
.
.