Người khiến thú dữ cũng phải phải vâng lời

Thứ Ba, 07/09/2010, 09:50
Để ghi nhận công lao to lớn của nghệ sĩ Tạ Duy Hiển trong lĩnh vực xiếc còn khá mới mẻ và đầy rẫy khó khăn ngay từ khi thành lập vào năm 1922, ngay từ đợt phong danh hiệu nghệ sĩ đầu tiên (năm 1984), Nhà nước ta đã truy tặng Tạ Duy Hiển danh hiệu NSND. Và, với bức tượng bán thân được đặt trang trọng trong khuôn viên Rạp Xiếc Trung ương, đến nay, Tạ Duy Hiển vẫn là nghệ sĩ xiếc duy nhất ở Việt Nam được hưởng sự vinh danh này...

Cố nghệ sĩ Tạ Duy Hiển từng là Trưởng đoàn Xiếc nhân dân Trung ương (tiền thân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện nay). Với việc cho ra đời một gánh xiếc có sức thu hút đông đảo công chúng tại Hà Nội vào năm 1922, một gánh xiếc có khả năng cạnh tranh và "đánh bại" xiếc "Tây", Tạ Duy Hiển được xem là người khai mở cho nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện đại. Để ghi nhận công lao to lớn của ông trong lĩnh vực còn khá mới mẻ và đầy rẫy khó khăn, ngay từ đợt phong danh hiệu nghệ sĩ đầu tiên (năm 1984), Nhà nước ta đã truy tặng Tạ Duy Hiển danh hiệu NSND. Và, với bức tượng bán thân được đặt trang trọng trong khuôn viên Rạp Xiếc Trung ương, đến nay, Tạ Duy Hiển vẫn là nghệ sĩ xiếc duy nhất ở Việt Nam được hưởng sự vinh danh này...

Nghệ sĩ Tạ Duy Hiển sinh năm 1889 tại phố Cầu Đất, Hà Nội. Tuổi thơ của ông khá cơ cực. Bố mất sớm, mẹ theo nghề mổ lợn; ngày ngày ông phải đội lòng lợn ra chợ bán. Đến tuổi thanh niên, ông chuyển qua nghề đánh xe ngựa, chuyên phục vụ các đám hiếu, hỉ và cả chở khách. "Năng khiếu" xiếc của Tạ Duy Hiển có lẽ đã "phát tiết" ngay từ thời gian này, khi ông dạy ngựa biết dùng mõm nhặt tiền, dùng móng gõ xuống đất để "đếm", những mong đó là cách "nhử" khách hữu hiệu để lần sau họ tiếp tục tìm đi xe mình. 

Bấy giờ đang là thời Pháp thuộc. Ở Việt Nam, với loại hình xiếc, khán giả chỉ mới được tiếp xúc với một số gánh xiếc nước ngoài vào biểu diễn. Là người có tinh thần tự tôn dân tộc rất cao, một lần, nhân xem một tiết mục xiếc bỉ báng dân tộc mình, Tạ Duy Hiển bực bội nghĩ, tại sao không có một gánh xiếc do người Việt Nam lập nên để biểu diễn cho người Việt Nam xem?

Năm 1922, ở tuổi 33, Tạ Duy Hiển tập hợp một số con, cháu trong gia tộc thành lập nên gánh xiếc lấy tên là Xiếc Việt Nam. Trước đấy, qua một người anh trai làm nghề trồng răng ở phố Đinh Tiên Hoàng, Tạ Duy Hiển làm quen được với Charlie, một thành viên của Đoàn xiếc Bostoc. Với tài ngoại giao khéo léo, ông đã vận động được Charlie rời bỏ đoàn xiếc Bostoc để ở lại giúp ông huấn luyện các nhân viên của gánh xiếc. Tiền bạc tích cóp trong những năm làm ăn trước đây, Tạ Duy Hiển đổ cả vào việc mua gấu, ngựa, khỉ, chó... để huấn luyện.

Gánh Xiếc Việt Nam chính thức ra mắt khán giả vào ngày 5/12/1922. Ngay trong buổi biểu diễn đầu tiên, chương trình đã rất phong phú, đủ các tiết mục, từ xiếc thú tới nhào lộn, đi xe đạp, đi dây, đứng thăng bằng trên ván, thậm chí cả diễn hề... Ngay trong tiết mục xiếc thú, khán giả cũng được chứng kiến những tình huống đa dạng: Ngựa đứng bằng hai chân sau, rồi quay vòng số 8 hoặc nằm nghiêng giả chết; chó đi hai chân, leo thang, chắp tay cầu khấn; khỉ kéo xe, chơi đu, xay lúa... vv và vv... Địa điểm biểu diễn là chợ Hàng Da hôm ấy đông nghịt khách. Chinh, hào (tên gọi một số đơn vị tiền tệ thời ấy) được thả tới tấp xuống mặt sàn diễn. Thành công ban đầu cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo của người nghệ sĩ trẻ. 

Sau thành công ban đầu, Tạ Duy Hiển quyết định tăng cường thêm một số "trò" mới, không để thua kém các gánh xiếc ngoại. Ông cũng nhanh chóng nhận thấy chủng loại thú mà mình có trong tay còn... hơi ít. Càng ít hơn nữa là một số loài thú dữ. Vậy là, ông vận động vợ vừa bán nốt chỗ tư trang vừa đi vay lãi bên ngoài để ông lên miền cao mua thêm một ít... hổ, báo.

Gánh Xiếc Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trong lòng khán giả. Thậm chí, không chỉ gói gọn trong khuôn khổ nước Việt, Tạ Duy Hiển còn đưa gánh xiếc của mình đi biểu diễn tại Trung Quốc và một số nước khu vực Đông Nam Á. Uy danh của gánh xiếc ngày một lớn. Đã có lúc, nó thu nạp trong mình những gánh xiếc khác có nguy cơ rã đám. Trong một chuyến lưu diễn, gánh Xiếc Việt Nam đã thu nhận thêm nhiều diễn viên của gánh Andre Thận. Năm 1933, ông chủ Tạ Duy Hiển đã mua lại dàn động vật của gánh Amstrong (của Anh) gần như đang trong tình trạng chờ "giải thể" khi họ sang biểu diễn ở Việt Nam. Gánh Xiếc Việt Nam ngày càng mở rộng quy mô tổ chức.

Trong cuốn hồi ký của mình, nhân nhắc lại các phương tiện giải trí ở đất Hà thành những năm đầu thập niên ba mươi (của thế kỷ trước), nhạc sĩ Phạm Duy đã  viết: "Có ba gánh xiếc Việt Nam tổ chức theo xiếc Âu Tây. Gánh xiếc Việt Nam đầu tiên là gánh Lạc Long. Rồi tới gánh Long Tiên và Tạ Duy Hiển". Theo Phạm Duy thì: "Gánh Tạ Duy Hiển đồ sộ hơn vì có voi, có hổ giống như một gánh xiếc Âu - Mỹ. Ông chủ gánh Tạ Duy Hiển là người Việt Nam đầu tiên điều khiển các thú dữ. Đầu chít khăn đống, mình mặc áo gấm hoa, thắt lưng đỏ, đôi chân đi ủng và một tay cầm ghế, một tay cầm roi dài quất lên đen đét để sai khiến mấy con hổ, trông ông rất oai". Nhạc sĩ Phạm Duy không quên cho hay, cùng giai đoạn này, đã có một chủ gánh xiếc Hoa Kỳ bị khán giả tẩy chay, việc làm ăn thất bại, không đủ tiền trả nhân viên và nuôi các con thú nên đã tự tử.  

Không chỉ thể hiện tài tổ chức, Tạ Duy Hiển còn được nhiều người trong nghề kính phục bởi tài dạy thú. Ông huấn luyện, điều khiển được tất cả những con vật có trong tay, từ khỉ, chó, gấu, hổ, báo, sư tử đến ngựa, voi... Bí quyết thành công của ông, theo như nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn, con trai nghệ sĩ Tạ Duy Hiển, người sau này đã kế tục xuất sắc sự nghiệp của cha nhận xét, đó là do "Ông cụ rất yêu động vật, coi chúng như những người bạn". Điều đó khiến cho những con thú - một khi đã qua tay Tạ Duy Hiển - đều trở thành những con vật đáng yêu và... thông minh. Đến nay, nhiều người vẫn nhắc tới chuyện thời kỳ trước Cách mạng, Tạ Duy Hiển đã dùng một xe mui trần chở đầy hàng hóa lên Buôn Ma Thuột để đổi lấy hai con voi đưa về huấn luyện. Hau con voi này sau đó đã trở thành những "nghệ sĩ" biết đánh trống và biết... đá bóng. Chuyện Tạ Duy Hiển chỉ sau 6 tháng đã biến một con hổ dữ tợn thành một con hổ biết làm theo chỉ dẫn của con người cũng là câu chuyện được thiên hạ nhắc tới nhiều.

Nghệ sĩ Tạ Duy Hùng, một người cháu của nghệ sĩ Tạ Duy Hiển từng bật mí cho báo giới chuyện kinh nghiệm "đối xử" với loài vật của Tạ Duy Hiển. Chẳng là, một lần, nhân lúc con gấu mà ông Hùng được giao chăm sóc đang ngủ, thấy móng của nó sắc quá, sợ có thể lúc nào đó gây nguy hiểm cho người cùng diễn xuất, ông lấy kéo định cắt đi. Không ngờ mới cắt được một cái, con gấu tỉnh dậy, vừa quào đầu vừa tát ông mấy nhát khiến máu chảy dòng dòng. Tạ Duy Hùng đem chuyện này kể với nghệ sĩ Tạ Duy Hiển, thì bị ông Hiển mắng. Ông bảo, con thú cần móng vuốt để vồ môi, cắt đi "công cụ làm ăn" của nó ắt bị nó phản ứng lại.

Một bài học nữa mà nghệ sĩ Tạ Duy Hùng luôn xem là bài học nhớ đời, đó là lần ông bị... gấu vồ. Chẳng là, khi thả con gà vào cho gấu ăn, thấy con gấu không "từ tốn" như mọi khi mà vồ luôn cả con, Tạ Duy Hùng đã dùng roi và cái xiên sẵn trên tay đánh con gấu, định lấy lại con gà. Con gấu hộc lên, vung tay tát khiến cánh tay người nghệ sĩ bị cào nát. Biết chuyện này, nghệ sĩ Tạ Duy Hiển cho hành động của ông Hùng là "dốt", bởi một khi con thú dữ đang có mồi mà mình cướp của nó thì đương nhiên, theo bản năng, nó phái "đánh trả". Thật là, đối với nghề huấn luyện xiếc thú, không kiên trì, bình tĩnh, nhẫn nại... không được.

Năm 1942, do tình hình thời thế (đại chiến thế giới loang rộng, phát xít Nhật đã vào Đông Dương; người chết vì đói kém, mất mùa ngày càng nhiều), gánh Xiếc Việt Nam tan rã.

Cách mạng Tháng Tám thành công, với tinh thần tất cả vì sự nghiệp chấn hưng đất nước, trong phong trào "Tuần lễ vàng", nghệ sĩ Tạ Duy Hiển đã ủng hộ chính quyền non trẻ 25 lượng vàng. Sau này, ông còn hiến cho Nhà nước nhiều căn nhà và đất đai ở ngõ Tiến Bộ, Khâm Thiên (Hà Nội). Năm 1959, Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương (tiền thân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện nay) được hợp nhất từ một số đoàn xiếc, gánh xiếc, nghệ sĩ Tạ Duy Hiển được tín nhiệm giữ cương vị trưởng đoàn. Ông càng có thêm dịp thể hiện tài năng tích lũy bấy lâu của mình. Trong buổi diễn ra mắt khán giả thủ đô của đoàn xiếc, nhiều khán giả vốn mến mộ tên tuổi Tạ Duy Hiển đã xúc động vỗ tay hồi lâu khi thấy người nghệ sĩ già xuất hiện trở lại trên sân khấu.

Nghệ sĩ Tạ Duy Hiển qua đời vì bệnh hiểm nghèo vào ngày 3 tháng 10 năm 1967, thọ 78 tuổi. Được tin này, nhiều khán giả đã bày tỏ sự hẫng hụt, tiếc thương. Bác Hồ cũng đã gửi thư chia buồn cùng gia quyến nhà nghệ sĩ: "Được biết cụ Tạ Duy Hiển vừa qua đời. Bác rất thương tiếc. Bác thân ái gởi lời chia buồn đến gia quyến cụ Tạ và Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương"

Nguyễn Chí Cường
.
.
.