NSƯT Phan Phúc: Cổ tích một chuyện tình

Thứ Sáu, 20/01/2012, 08:00

Ở Hà Nội có cặp vợ chồng nghệ sĩ mà cuộc đời và tên tuổi của họ từ lâu đã trở nên quen thuộc với khán giả yêu văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Bà là NSND Tuyết Mai với giọng đọc truyền cảm từng gây ấn tượng với bao thế hệ bạn nghe đài. Còn ông là NSƯT Phan Phúc, nguyên Trưởng đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, một trong những cây violin hàng đầu của nước ta.

1. Quê gốc ở Thái Bình nhưng nhạc sĩ Phan Phúc lại sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà thành. Sớm bộc phát năng khiếu âm nhạc nên ngay từ những ngày đầu Cách mạng, cậu bé Phan Phúc đã là một trong những nhạc sinh quân đầu tiên của đội Thiếu sinh Vệ quốc quân nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cả Hà Nội lao vào cuộc chiến "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", cũng như nhiều thanh niên Hà Nội ngày ấy, cậu bé Phan Phúc luôn làm khán giả chú ý đến bởi những bản nhạc cổ điển như "Phiên chợ Ba Tư", "Nhạc chiều", "Sân nuôi gà nuôi vịt"… được thể hiện hết sức truyền cảm, nhuần nhuyễn nhưng cũng rất hồn nhiên, trong sáng qua cây đàn violin nhỏ xinh. Tiếng đàn violin ngày ấy đã góp phần làm dịu vợi những cơn đau của các thương bệnh binh trong những ca mổ những ngày đầu kháng chiến. Đặc biệt, cây đàn này đã theo ông lên chiến khu Việt Bắc rồi lại cùng ông biểu diễn nhân ngày chúc thọ Bác Hồ 60 tuổi "Lục tuần đại khánh". Sau này, ông 2 lần đi tu nghiệp violin tại Trung Quốc và Bulgaria. Ông có thời gian khá dài công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và 26 năm giữ cương vị Trưởng đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Với những thành tích đã đạt được, nghệ sĩ Phan Phúc vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương "Vì sự nghiệp phát thanh"… và đặc biệt là danh hiệu NSƯT.

Một điều đặc biệt là ngoài danh hiệu NSƯT, Trưởng đoàn Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều khán thính giả lại nhớ đến NSƯT Phan Phúc qua hình ảnh của một người nghệ sĩ violin với khuôn mặt sáng ngời rạng rỡ ngồi hàng ghế đầu trong bức ảnh nổi tiếng "Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn" của nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Đã 51 năm trôi qua nhưng bức ảnh Bác Hồ giản dị với đôi dép cao su, quần nâu, tay cầm đũa chỉ huy dàn nhạc với hàng trăm nhạc công và diễn viên hợp xướng phía sau vẫn được lưu giữ cẩn thận trong cuốn album của NSƯT Phan Phúc. Và, cơ may thật đặc biệt, trong một buổi chiều mùa đông se se lạnh cuối năm 2011 này, chúng tôi đã được lắng nghe những hồi ức của NSƯT Phan Phúc về thời khắc lịch sử thật đặc biệt đó.

Giọng NSƯT Phan Phúc chậm rãi: "Hôm đó là tối 3/9/1960, tại công viên Bách Thảo, Hà Nội, Bộ Văn hóa cùng TP Hà Nội tổ chức dạ hội chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Tham gia biểu diễn trong dạ hội gồm nhiều đoàn nghệ thuật, nhiều đơn vị, mỗi đoàn được bố trí vào một sân khấu biểu diễn riêng. Sân khấu mà chúng tôi tham gia biểu diễn gồm Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với biên chế "4 quản", gồm 114 nhạc công. Có thể nói đây là dàn nhạc giao hưởng lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam, cùng với dàn đại hợp xướng (800 người). Đây là hợp xướng tập hợp bởi sinh viên của các trường cao đẳng, đại học ở Hà Nội".

Vợ chồng nghệ sĩ Phan Phúc - Tuyết Mai.

Cũng theo NSƯT Phan Phúc nhớ lại thì Bác Hồ đến hoàn toàn bất ngờ, không ai biết trước hay được báo trước. "Lúc đó tôi là trưởng dàn nhạc. Khoảng gần 20h, sắp đến giờ biểu diễn, hợp xướng và dàn nhạc đã tập kết vào vị trí. Tôi đang chuẩn bị sửa soạn tổng phổ, đũa chỉ huy để lên giá nhạc cho chỉ huy Nguyễn Huy Hiếu. Bất ngờ, tôi nhìn thấy Bác Hồ xuất hiện thật giản dị trong chiếc áo vải sáng màu, chiếc quần nâu quen thuộc, chân đi dép cao su đang tiến đến cùng nhiều vị khách quốc tế. Tôi và mọi người rất vui mừng nhưng cũng rất lúng túng chưa biết xử trí ra sao thì Bác và các vị khách nước ngoài đã đến trước dàn nhạc. Bác bảo tôi ngồi xuống rồi hỏi lớn mọi người: "Các cháu có biết bài Kết đoàn không?". Nhiều người cùng đồng thanh: "Thưa Bác, có ạ!. Sau đó Bác đứng lên bục chỉ huy và cầm chiếc đũa mà tôi đã để sẵn trước đó". Trong thời khắc lịch sử ấy, nhạc sĩ Phan Phúc đứng lên và nói với dàn nhạc: "Chúng ta cùng chơi "ton" đô". Rồi dưới đũa chỉ huy của Bác, bài "Kết đoàn" vang lên, dàn hợp xướng 800 người hòa cùng dàn nhạc giao hưởng 114 người nhịp nhàng, hùng hồn…Và, điều đặc biệt là đêm đó mọi người biểu diễn "chay" chứ không có micro, khán giả thì đứng chứ không có ghế ngồi. Các đại biểu quốc tế đi theo Bác khoảng gần 20 người ngồi phía trước sân khấu. Họ vô cùng ngạc nhiên, có lẽ không nghĩ rằng một vị lãnh tụ lại đứng điều khiển dàn nhạc và hợp xướng điệu nghệ đến thế. Mọi người cùng hát và đàn cho đến khi bài "Kết đoàn" kết thúc.

Bài hát đã được biểu diễn thật biểu cảm, tiếng đàn tiếng ca vang rền cả một khu công viên. Tiếng hát nhạc đã dứt, Bác rời khỏi sân khấu mà mọi người vẫn cứ như trong mơ…

NSƯT Phan Phúc dừng ít phút rồi kể tiếp, đây không phải là lần đầu ông được gặp Bác Hồ. Trước đó, vào đúng ngày 19/5/1950, khi ông là đội viên Đội Thiếu sinh Vệ quốc quân, ông cùng đoàn vào biểu diễn mừng sinh nhật Bác tại chiến khu Việt Bắc. Ông còn nhớ rất rõ một bữa cơm với rau bí do Bác tự trồng. "Lúc ra về, Bác cho chúng tôi kẹo và 200 đồng để làm vốn tăng gia sản xuất, đồng thời căn dặn chúng tôi phải ra sức rèn luyện phấn đấu thành tài để sau này phục vụ đất nước. Hình ảnh đó tôi vẫn còn ghi mãi trong tâm trí". Lần sau, khi ông đã trưởng thành trong nghề nghiệp, là trưởng một dàn nhạc giao hưởng quốc gia, biểu diễn dưới đũa chỉ huy của Bác, ông vô cùng hạnh phúc vì đó là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời sự nghiệp của NSƯT Phan Phúc.

Theo nghệ sĩ Phan Phúc thì sự kiện này thực sự là một niềm may mắn đối với âm nhạc Việt Nam. Sự kiện một lãnh tụ vĩ đại chỉ huy một dàn nhạc và dàn đại hợp xướng lớn nhất nước hát bài "Kết đoàn" mang một ý nghĩa lớn lao và là một kỷ niệm đẹp đối với giới âm nhạc của nước nhà. Và, ngày 3/9 hàng năm đã được lấy làm ngày Âm nhạc Việt Nam cũng bắt đầu từ đó.

2. Không phải ai cũng được biết những tình tiết thú vị về mối tình lãng mạn của NSƯT Phan Phúc với người bạn đời của ông là NSND Tuyết Mai - một giọng đọc trong trẻo, truyền  cảm  và  có  sức  quyến rũ kỳ lạ như  "không có tuổi" ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm đó, chàng trai Phan Phúc mới 23 tuổi  và về nhận công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Còn nghệ sĩ Tuyết Mai đã bước sang tuổi 33, là cô văn công với nghề phát thanh viên tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Thật đặc biệt, giọng hát trong trẻo của cô văn công Tuyết Mai đã khiến cho chàng nhạc công Phan Phúc như bị mê hoặc. Và, có lẽ, lại làm việc cùng nhau nên sự duyên dáng, nét thùy mị nết na cũng như tài năng của người phụ nữ ấy đã khiến cho trái tim chàng trai trẻ Phan Phúc rung động và bị thu phục. Chẳng thế mà, vượt qua mọi định kiến, chàng trai trẻ Phan Phúc đã có một quyết định thật táo bạo, đó là việc "đặt vấn đề" chính thức với cô phát thanh viên Tuyết Mai. Có lẽ, đây là một chuyện thật "tày trời" lúc bấy giờ bởi một chàng trai mới 23 tuổi đã cả gan và quyết tâm yêu một người phụ nữ hơn mình đến 10 tuổi, lại đã từng lỡ một lần đò. Nhưng có ai ngờ, trải qua hơn nửa thế kỷ, mối tình nghệ sĩ ấy vẫn bền chặt khi họ đã bước sang tuổi xưa nay hiếm.

Chúng tôi thật cảm động và bất ngờ bởi cách chăm sóc, quan tâm đến nhau hết sức chu đáo, ân cần của họ. Bé Tuyết Minh, kết tinh tình yêu đẹp của hai nghệ sĩ, gạch nối giữa cha và mẹ ngày ấy nay đã trở thành Giám đốc VOV3 (âm nhạc, thông tin, giải trí) của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho tình yêu sắt son, sâu nặng của hai người nghệ sĩ tài hoa đã dành cả cuộc đời cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà: NSƯT Phan Phúc và NSND Tuyết Mai. Ngôi nhà nhỏ của ông bà nằm nép mình trên con phố Trần Phú rợp bóng cây. Dưới ngôi nhà ấy, vợ chồng nghệ sĩ Phan Phúc - Tuyết Mai đang hằng ngày tận tình, chu đáo chăm sóc nhau…

Lưu Vinh - Nguyễn Hương - VNCA Xuân Nhâm Thìn
.
.
.