Lương Nguyên - Nhạc sĩ của đồng quê

Thứ Năm, 27/10/2011, 08:00

Mặc dù đã nghỉ hưu từ năm 2004, nhưng nhạc sĩ Lương Nguyên vẫn đau đáu với nghề, với những câu hát dân ca mà ông gắn bó cả cuộc đời. Ông vẫn đi, vẫn đến các làng quan họ, gặp gỡ các nghệ nhân, vẫn lên Phú Thọ để dạy những điệu hát xoan. Với ông, những câu hát dân ca như đã ăn vào máu thịt...

Căn nhà của nhạc sĩ Lương Nguyên thật thanh bình. Bước vào đây, ta có cảm giác như vào một thế giới khác. Ngoài kia là phố thị ồn ào, còn ở đây là bức tranh của làng quê: Những phên giậu, những cái máng đầy nước, cây xanh thì tốt tươi, cá vàng tha hồ đùa bơi tung tăng ở dưới. Cả góc sân là một màu xanh tươi tốt. Còn nữa, những bậc thềm được kê những tấm gỗ, nhưng không phải là gỗ màu tươi sáng, mà là những mảnh gỗ đã trải qua thời gian, nhìn như những tấm phên giậu ngày xưa, gợi lên bao hồi ức. "Nhạc sĩ của đồng quê" bày đặt một bộ bàn tre, ghế tựa, ta có thể vừa ngồi uống nước, vừa ngắm mảnh sân bé nhỏ của ông thật thích mắt.

Nhạc sĩ Lương Nguyên tốt nghiệp Khoa Sáo, Nhạc viện Hà Nội, sau đó về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông đã bỏ nhiều thời gian để tự học tiếng Pháp, với mục đích thông qua các tài liệu Pháp ngữ, ông sẽ biết được người nước ngoài hiểu gì về âm nhạc Việt Nam. Nhờ tự học mà vốn tiếng Pháp của ông ngày một dày. Tiếp đó, ông học kinh Phật. Theo ông, khi đã hiểu được kinh Phật, tức là hiểu được tư tưởng Phật giáo, hiểu được ý nghĩa những câu hát dân ca, vì tư tưởng Phật giáo tác động đến đời sống con người rất lớn, tư tưởng đó thể hiện trong những câu hát. Ông cứ học như vậy trong suốt 10 năm.

Năm 1970, nhạc sĩ Lương Nguyên bắt đầu lên đường đi tìm những câu hát. Đến mỗi nơi, có khi nhạc sĩ ở lại hàng tuần. Không chỉ tìm những câu hát, ông còn lăn lộn, tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa. Ông hiểu rằng, với mỗi vùng, sẽ có khí hậu khác nhau, con người khác nhau, giọng nói khác nhau, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giọng hát. Ví dụ như quan họ, người làng Diềm hát khác, người làng Vân lại hát khác. Người làng Diềm có giọng nói hơi ngắn lưỡi khi phát âm sẽ khác với người làng Vân… Còn khi lên Phú Thọ tìm hiểu về hát xoan, ông lại phát hiện ra một điều: Người dân Phú Thọ hát xoan theo mô hình gia đình, phát triển theo dòng họ. Nhưng việc  mỗi làng có một đặc trưng riêng, theo ông, có như thế nó mới mang ý nghĩa, chứ nếu làng nào cũng hát như nhau, quan họ sẽ mất đặc trưng riêng. Quan họ cũng như bất kỳ loại hình dân ca nào, có đặc điểm là người hát như hát cho mình, hát nuốt vào trong. Có khi là đối đáp đấy, hai mắt nhìn nhau đấy, ân tình thì trao nhau nhưng thực ra lời hát lại như nuốt vào trong. Thế nên cái âm hiệu "ư hự" trong quan họ, là nét đặc trưng riêng, khiến bất kỳ người vùng miền nào khác hát, sẽ khó mà thể hiện đúng…

Nhạc sĩ Lương Nguyên ví von, cùng là cái cày, sao cái cày nơi này làm khác, cái cày ở nơi khác lại khác, hay cũng như cây đàn, người này chơi thì hay, người khác chơi thì dở. Đó là do sự cảm nhận, sự thể hiện của mỗi người khác nhau, khi phát ra âm thanh sẽ khác. Hay như môn nghệ thuật rối nước, tại sao nước ngoài người ta lại ca ngợi thế? Đó chính là cái bản sắc rất riêng của từng dân tộc. Và cái hay, nó thể hiện ở cái độc đáo, cái bản sắc riêng ấy.

Vậy nên có hiểu tận cùng về các loại hình dân ca, mới thấy hết được cái hay, cái đẹp, cái ý nghĩa của nó. Nhạc sĩ Lương Nguyên cho rằng, để bảo tồn được dân ca không phải dễ. Điều này đòi hỏi ở những người quản lý văn hóa phải có đường hướng khôi phục và phát triển. Thế nhưng, những người quản lý văn hóa ở hầu hết các Sở Văn hóa hay phòng văn hóa, chỉ có chuyên môn về quản lý văn hóa, mà ít có chuyên môn về âm nhạc. Hiện nay, ở một số loại hình dân ca còn có một số nghệ nhân. Nhưng mai này, khi các nghệ nhân ấy không còn nữa, việc bảo tồn và phát triển dân ca sẽ rất khó khăn. Mà các bản dân ca truyền lại, hầu như không còn tài liệu gốc, như vậy, việc truyền lại cho các đời sau sẽ bị "tam sao thất bản"…

Điều quan trọng hơn, đó là ý thức bảo tồn các loại hình dân ca. Khi mà ta không hiểu hết được cái hay, cái đẹp của nó, thì không thể có ý thức bảo tồn. Nhạc sĩ cho biết, trong một lần công tác nước ngoài, ông đã mở cái băng quan họ cho một người nước ngoài nghe. Nghe xong, ông hỏi người ấy cảm nhận ra sao. Do không biết thể hiện sự tâm đắc của mình thế nào, vị khách người nước ngoài kia nói: "It's rook" (ý là rất tuyệt, tuyệt như nghe nhạc rock). Điều này làm ông vừa buồn cười vừa ấn tượng.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, nhạc sĩ Lương Nguyên có nhiều kỷ niệm vui. Ông kể, trong một lần lên công tác tại Bắc Kạn, ông gặp một người dân tộc. Khi nghe cán bộ văn hóa giới thiệu đây là nhạc sĩ Lương Nguyên, anh chàng người dân tộc kia đã vô cùng sung sướng reo lên: "À, hóa ra là cái ông này". Ý là người này đã biết rất rõ về ông, từng nghe ông nói trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng hôm nay mới được gặp. Điều đó làm ông rất vui.

Vào cái thời mà các trò chơi truyền hình chưa phát triển, chắc khán giả vẫn còn nhớ chương trình "Làng vui chơi, làng ca hát". Ý tưởng đầu tiên là của nhạc sĩ Lương Nguyên. Đây cũng là chương trình đầu tiên mà khán giả vừa được chơi, vừa được xem. Nhạc sĩ Lương Nguyên sau khi trình bày ý tưởng, ông lấy một ví dụ cho người chơi. "Hãy tìm một câu hát mà trong đó có từ "cám lợn". Ví dụ này đã bị những người làm chương trình phản đối, cho là không hay ho. Thế nhưng, có như thế mới gây cười cho khán giả. Ý tưởng của ông là ban đầu sẽ cho khán giả bất ngờ, sau đó họ lại được hát. Như thế sẽ thu hút. Và đúng như dự đoán, chương trình đã rất thành công, đã được tổ chức ở hầu hết càng làng quê, mà ở đâu người dân cũng nhiệt liệt chào đón.

Ông kể, các chương trình đều tổ chức ở sân đình. Thế nhưng có làng không có đình, đã đổ hẳn một mô đất trống để làm sân khấu và làm hẳn một con đường dẫn ra đó. Hay như ở một làng khác, khi biết chương trình sẽ được tổ chức ở làng mình, từ 16h chiều, người dân đã kéo ra chật kín, khiến cho những người làm chương trình không còn lối đi vào. Đến khi anh em phải dùng loa phóng thanh thông báo, mọi người mới giãn ra.

Nhạc sĩ Lương Nguyên chia sẻ một kỷ niệm vui. Trong kịch bản, người làm chương trình sẽ tung một quả còn, ai bắt được, người đó sẽ được hát. Vô tình lần ấy, quả còn lại rơi đúng vào một người khiếm thị. Người này được dịp thể hiện tài năng ca hát của mình. Sau sự kiện này, Báo Tuổi trẻ có bài viết, và đã giật một cái tít: "Mở con đường sáng cho người khiếm thị". Kỷ niệm đó khiến nhạc sĩ rất vui.

Nhạc sĩ Lương Nguyên hiện sở hữu khối tài sản âm nhạc dân gian khổng lồ. Ông có hàng nghìn bản ghi thu âm các bài dân ca khắp mọi miền. Trong suốt cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng hứng lên, hay như để thể hiện giọng điệu cần có của những câu hát, ông lại hát cho chúng tôi nghe. Có lẽ ở Việt Nam, ông là một trong những người hiểu nhiều và thuộc nhiều câu hát dân ca nhất. Và đó là kết quả của một sự tự học, một sự tìm tòi của người nghệ sĩ nhiều đam mê này.

Trò chuyện với nhạc sĩ Lương Nguyên, nghe ông nói về dân ca có khi tới vài tiếng đồng hồ, tôi hiểu rằng, dân ca là một phần đời sống của người nhạc sĩ. Cũng may mắn rằng, Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, còn những điệu hát xoan cũng đã được đệ trình lên UNESCO và đã qua kiểm duyệt vòng 1. Điều đó cũng làm ấm lòng người nhạc sĩ đồng quê còn nhiều day dứt với các loại hình dân ca…

Ngô Thị Chuyên
.
.
.